Thực trạng công tác phân tích trong quản lý giá thành tại các doanh nghiệp sản xuất
Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội giao thương, phát triển doanh nghiệp, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.
Bối cảnh này yêu cầu doanh nghiệp cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ liên quan đến từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh; trong đó, quản lý giá thành đóng vai trò chủ chốt quyết định đến lãi-lỗ hay quy mô của doanh nghiệp. Bài viết đề cập đến nhận thức về tầm quan trọng của giá thành, các nội dung phân tích giá thành và đưa ra một số góp ý cho doanh nghiệp nhằm gia tăng hiệu quả trong quản lý giá thành…
Đặt vấn đề
Hội nhập quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần phải thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh để phù hợp với xu thế của nền kinh tế. Ở tất cả các loại hình kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, quy mô, yêu cầu đặt ra là DN phải nắm chắc được công tác quản lý của từng bộ phận, công đoạn và toàn thể hoạt động, qua đó, phục vụ tốt hơn cho quá trình ra quyết định, tăng lợi nhuận, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đối với những DN lớn, việc nhìn nhận về giá thành đối với những sản phẩm đã hoàn thành luôn được quan tâm và có ý nghĩa sống còn đối với hoạt động kinh doanh của DN. Để sản xuất ra sản phẩm, các DN đã chi cho các yếu tố sản xuất như: Nguyên vật liệu, nhân công và sản xuất chung.
Chi tiêu tiết kiệm đã trở thành mục đích lớn cho các DN với khẩu hiệu “Tối đa hoá lợi nhuận, tối thiểu hoá chi phí”. Yếu tố chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì nội dung cơ bản của chúng đều biểu hiện những chi phí DN đã bỏ ra cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chi phí sản xuất trong kỳ là cơ sở để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ đã hoàn thành. Sự tiết kiệm hay lãng phí chi phí sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm/dịch vụ. Vì vậy, quản trị giá thành phải gắn liền với quản trị chi phí sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, mỗi DN có cách quản lý về giá thành khác nhau, từ đơn giản đến chi tiết. DN thực hiện nhiều cách quản lý, phân chia thành nhiều loại giá thành như giá thành sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, tính cho những sản phẩm, công việc, lao vụ đã hoàn thành, giá thành phân xưởng, công xưởng, giá thành định mức, giá thành đơn vị và giá thành toàn bộ.
Chi phí và giá thành sản phẩm là các chỉ tiêu quan trọng trong hệ thống các chỉ tiêu kinh tế phục vụ cho công tác quản lý DN và có mối quan hệ mật thiết với doanh thu, kết quả (lãi, lỗ) hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tổ chức kế toán chi phí, tính giá thành sản phẩm một cách khoa học, hợp lý và đúng đắn có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường quản lý tài sản vật tư lao động, tiền vốn một cách hiệu quả. Mặt khác, tạo điều kiện tiết kiệm chi phí hạ thấp giá thành sản phẩm. Đó là một trong những yếu tố tăng lợi thế cạnh tranh cho DN.
Như vậy, kế toán chi phí và tính giá thành là khâu trung tâm của toàn bộ công tác kế toán của DN, chi phối đến chất lượng của các phần thực hành kế toán khác cũng như chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý kinh tế của DN.
Giá thành đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự tồn tại và phát trển bền vững của DN, tăng tính cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Công cụ sử dụng để quản lý giá thành
Các báo cáo kế toán quản trị
Để theo dõi về giá trị của giá thành, DN có thể dựa vào số liệu trên các báo cáo tài chính, tuy nhiên các con số chưa được phản ánh chi tiết và cụ thể, do đó có sự kết hợp với các báo cáo về nội bộ bên trong DN, những con số chỉ phục vụ cho quản lý và ra quyết định. Những báo cáo này thường thấy tại các DN sản xuất có quy mô lớn, các tập đoàn hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực, vốn điều lệ lớn.
Đối với các DN nhỏ thì việc quản lý giá thành thông qua các báo cáo kế toán quản trị còn hạn chế, nhiều DN chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của giá thành. Một số báo cáo kế toán quản trị được sử dụng như các dự toán về chi phí sản xuất, báo cáo về từng loại giá thành, báo cáo về giá thành đơn vị cho từng sản phẩm… từ đó giúp DN quản lý chặt chẽ và có hiệu quả cao.
Công cụ phân tích trong quản lý giá thành
Về phân tích trong quản lý giá thành, các DN được quyền lựa chọn những nọi dung phân tích phù hợp với cách quản lý về giá thành của từng DN. Để thực hiện được điều này, cần sử dụng nguồn số liệu mang tính chất tin cậy cao như các báo cáo nội bộ... Phương pháp phân tích không sử dụng cố định mà có thể luân phiên kết hợp lẫn nhau để tăng độ chính xác trong nhận xét về giá thành. Có thể kể đến một số nội dung phân tích thường được sử dụng như:
Thứ nhất, đánh giá chung về giá thành.
Mỗi doanh nghiệp có cách quản lý về giá thành khác nhau, từ đơn giản đến chi tiết. Doanh nghiệp thực hiện nhiều cách quản lý, phân chia thành nhiều loại giá thành như giá thành sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung, tính cho những sản phẩm, công việc, lao vụ đã hoàn thành, giá thành phân xưởng, công xưởng, giá thành định mức, giá thành đơn vị và giá thành toàn bộ.
DN nhận xét về tình hình tăng giảm của giá thành. Nếu tỷ lệ % về giá thành là nhỏ, chứng tỏ việc sử dụng chi phí là tiết kiệm có hiệu quả trong cách quản lý về giá thành. Việc đánh giá chung về giá thành được thực hiện dựa trên 2 nội dung: xem xét về tốc độ tăng trưởng và xem xét việc hoàn thành kế hoạch về giá thành. Nếu giá thành ở kỳ phân tích có tốc độ tăng cao hơn so với kỳ gốc, DN không hoàn thành kế hoạch về giá thành so với kế hoạch đề ra, DN đánh giá không tốt trong quá trình quản lý, làm gia tăng giá thành và ngược lại.
Trường hợp DN chỉ kinh doanh một loại sản phẩm thì toàn bộ giá thành của sản phẩm được đánh giá nhanh gọn ít sai sót. Tuy nhiên, đối với các DN lớn, việc sản xuất nhiều loại sản phẩm làm cho việc đánh giá cần được tính toán chi tiết và tỉ mỉ, từ đó DN đưa ra kết luận, các quyết định có hiệu quả hơn.
DN có nhiều loại sản phẩm cần xem xét sử dụng phương pháp về nhiệm vụ hạ giá thành cho sản phẩm chính, các sản phẩm mang tính lâu đời để đánh giá và ngược lại nếu tỷ trọng các sản phẩm mới. Sản phẩm thử nghiệm lớn hơn tỷ trọng các sản phẩm cũ thì cần sử dụng phương pháp phân tích khác.
Thứ hai, xem xét về nhiệm vụ hạ giá thành đối với sản phẩm so sánh được.
Sản phẩm so sánh được là những sản phẩm có đầy đủ số liệu từ năm trước đến năm nay, là sản phẩm chính lâu năm của DN, cần thiết phân tích về nhiệm vụ hạ giá thành đối với sản phẩm đó. Sử dụng chỉ tiêu mức hạ và tỷ lệ hạ để thực hiện, nếu mức hạ giảm, tỷ lệ hạ gảm tức là DN thực hiện tốt về hạ giá thành và ngược lại. Nội dung phân tích này thực hiện phức tạp hơn so với nội dung đánh giá tình hình chung về giá thành.
Từ những phân tích trên, cần có thời gian và đội ngũ phân tích có kinh nghiệm, vì khi xác định nhiệm vụ hạ giá thành DN cần thu thập số liệu qua nhiều kỳ, xác định các nhân tố tác động đến mức và tỷ lệ hạ giá thành, đồng thời phải sử dụng kết hợp các phương pháp phân tích để xác định được mức độ ảnh hưởng của nhân tố đến chỉ tiêu phân tích. Nhược điểm lớn của nội dung này là nếu DN có nhiều sản phẩm mới, sản phẩm thử nghiệm hơn so với sản phẩm chính thì việc sử dụng nội dung phân tích này thật sự không có hiệu quả.
Thứ ba, xem xét các nhân tố tác động đến giá thành.
Các nhân tố tác động có thể làm hạ giá thành nhưng cũng có thể làm tăng giá thành. Việc phân tích các nhân tố giúp DN tìm ra phương hướng giải quyết đối với giá thành. Thông thường, có các nhân tố tác động như: Nhân tố giá thành đơn vị, số lượng sản phẩm sản xuất, nhân tố kết cấu từng sản phẩm, giá bán… Đây đều là những yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất, từ đó DN có cách để rút kinh nghiệm về nhân tố.
Quản lý giá thành trong doanh nghiệp sản xuất
Trước tầm quan trọng của việc quản lý và phương pháp đánh giá giá thành trong DN, nhiều DN đã tiến hành các bước quản lý từ đơn giản đến phức tạp các nội dung đánh giá. Để thấy rõ thực trạng việc quản lý giá thành, nhóm tác giả tiến hành phân tích cụ thể DN sản xuất giày dép, đây là một ngành xuất khẩu lớn thứ 3 với hơn 600 DN.
Thực tiễn cho thấy, các DN trong ngành giày dép luôn quan tâm đến việc quản lý giá thành của từng sản phẩm. Hoạt động kinh doanh của loại hình DN này diễn ra phức tạp không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, do đó, việc sử dụng các phương pháp phân tích về giá thành không thể thiếu trong vấn đề quản lý của các nhà quản trị DN, góp phần đẩy mạnh lợi ích cho từng DN. Từ đó, hoàn thiện quy trình kiểm soát các yếu tố đầu vào, cũng như quá trình sản xuất và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của DN.
Để có được những đánh giá trên, cần dựa vào những nội dung phân tích và phương pháp phân tích về giá thành. Ví dụ, Công ty TNHH Giày Việt Nam thành lập năm 2014, là một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán các mặt hàng giày dép trong cả nước. Sau một thời gian sản xuất, kinh doanh, công ty đã thực hiện các phương pháp và nội dung phân tích về giá thành trong 2 năm 2018 và 2019 để nâng cao hiệu quả trong quản lý (Bảng 1).
Dựa trên số liệu thu thập được qua 2 năm Công ty thực hiện các nội dung phân tích nhằm quản lý giá thành như sau: Để dễ dàng trong việc thể hiện nội dung phân tích, Công ty tiến hành quy ước các chỉ tiêu như: Số lượng năm trước: Q0; Số lượng kế hoạch: Qk; Số lượng thực tế: Q1; Giá thành năm trước: z0; Giá thành kế hoạch: zk; Giá thành thực tế: z1.
Đánh giá chung về giá thành
Qua phân tích thấy rằng, đối với tốc độ tăng trưởng đạt 93,29%, tức là <100 %, do đó được xem là có hạ giá thành. Tuy nhiên, khi đi sâu vào từng sản phẩm thì sản phẩm về giày thể thao có tốc độ tăng trưởng vượt 100%, chứng tỏ giá thành tăng cao, không quản lý tốt về các yếu tố trong quá trình sản xuất đối với sản phẩm này. Xác định việc hoàn thành kế hoạch về giá thành, chỉ có sản phẩm về giày vải và giày Bata là có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch về giá thành nhỏ hơn 100%, Công ty quản lý tốt về giá thành của 2 sản phẩm này. Tuy nhiên, với sản phẩm về giày thể thao, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch này vượt 100%, chưa thể hoàn thành kế hoạch về giá thành.
Nhiệm vụ hạ giá thành
Nhiệm vụ hạ giá thành được thực hiện tại Công ty đối với 3 loại sản phẩm, cụ thể như sau: Công ty xác định kết quả hạ giá thành thông qua mức hạ ở thực tế so với mức hạ giá thành ở kế hoạch. Kết quả hạ giá thành trên thực tế so với kế hoạch thể hiện con số âm, chứng tỏ Công ty đã hạ được giá thành với mức hạ là 111.900 (1.000 đồng) tương ứng với tỷ lệ hạ là 2,2%. Bảng 3 cho thấy, Công ty hoàn thành nhiệm vụ hạ giá thành do quản lý tốt các yếu tố sản xuất ở 2 sản phẩm là giày vải và giày Bata. Giày thể thao chưa hoàn thành được nhiệm vụ hạ giá thành, giá thành ở thực tế còn tăng so với kế hoạch là 115.100 (1.000 đồng).
Đánh giá thực trạng quản lý giá thành
Qua phân tích thực trạng quản lý giá thành tại Công ty TNHH Giày Việt Nam cho thấy, công tác quản lý giá thành thật sự quan trọng trong hiệu quả kinh doanh của DN, các DN có quy mô lớn hay nhỏ cần thực hiện nhiệm vụ phân tích về giá thành nhằm đưa ra những đánh giá, nhận định, từ đó đưa ra những góp ý tích cực hơn cho quá trình sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, quá trình sử dụng các phương pháp phân tích về giá thành cho thấy, có những ưu và nhược điểm riêng, cụ thể:
Ưu điểm
- Các DN đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý giá thành trong sản xuất.
- Các nội dung phân tích về giá thành phong phú và đa dạng, tùy thuộc vào từng lĩnh vực hoạt động sản xuất để lựa chọn nội dung phân tích phù hợp và có hiệu quả hơn.
- Các phương pháp phân tích đơn giản chủ yếu là phương pháp so sánh, không làm mất nhiều thời gian phân tích, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin của nhà quản trị DN; góp phần đưa ra các biện pháp hữu hiệu, gắn liền với thực tế tại DN.
Nhược điểm
- Các DN chủ yếu sử dụng phương pháp so sánh nên chỉ đưa ra những đánh giá, nhận xét ở mặt tổng quát về nội dung phân tích, không thể đánh giá ở mặt cụ thể, không xác định các nhân tố tác động đến nội dung phân tích. Điều này làm giảm đi tác dụng của quá trình phân tích.
- Một số DN chưa chú trọng đến việc phân tích giá thành, công tác phân tích còn hạn chế, đôi khi việc phân tích còn sơ sài, đơn giản.
- Nguồn dữ liệu sử dụng trong quá trình phân tích chưa phong phú, chưa đi sâu vào từng sản phẩm.
Nhằm hạn chế những nhược điểm trên, DN cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
- Nâng cao nhận thức về quá trình quản lý giá thành cho từng loại sản phẩm hay toàn bộ sản phẩm trong phân tích về giá thành. Thực hiện phân tích giá thành theo thời gian quy định qua từng quý hoặc từng năm dựa vào quy mô sản xuất của DN.
- Đa dạng hơn về nội dung phân tích như: Phân tích chi tiết từng yếu tố sản xuất: về chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung cho từng loại sản phẩm, để xác định rõ ràng việc hạ giá thành.
- Bổ sung thêm các phương pháp phân tích ngoài phương pháp so sánh, có thể sử dụng thêm phương pháp loại trừ, phương pháp liên hệ cân đối, phương pháp phân tích tương quan, sao cho xác định được các nhân tố tác động đến giá thành của DN.
- Có sự kết hợp giữa các nguồn dữ liệu trong phân tích về giá thành như: kết hợp nguồn dữ liệu từ báo cáo kế toán quản trị thông qua các dự toán về chi phí sản xuất, các báo cáo theo dõi về giá thành từng năm của từng loại sản phẩm và các dữ liệu từ báo cáo tài chính tại các chỉ tiêu về hàng tồn kho, thành phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Kết luận
Việc phân tích đánh giá cụ thể công tác quản lý giá thành thông qua các nội dung phân tích và phương pháp phân tích có thể nhận thấy. Đây là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản lý của DN, đặc biệt là DN sản xuất trong thời kỳ kinh tế hội nhập. Việc hạ giá thành luôn là mục tiêu giúp DN tối thiểu chi phí và tối đa lợi nhuận mong muốn. Vì vậy, tùy thuộc vào quy mô, điều kiện và lĩnh vực kinh doanh, DN có thể lựa chọn nội dung phân tích phù hợp cũng như phương pháp phân tích cụ thể, làm gia tăng hiệu quả trong đánh giá giá thành.
Tài liệu tham khảo:
1. Số liệu của Tổng cục Thống kê về doanh nghiệp sản xuất;
2. Phạm Văn Dược (2008), Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
3. Đinh Thị Thu Hiền (2019), Giá thành và phân tích giá thành trong ngành Dệt may Việt Nam, Tạp chí Tài chính;
4. Phạm Thị Vân Anh (2017), Cắt giảm, quản lý chi phí trong doanh nghiệp: Yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, Tạp chí Tài chính.