Kinh nghiệm ứng phó với biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu

ThS. Lê Triệu Dũng - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương)

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu phát triển với tốc độ chậm, xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nói chung, chống trợ cấp nói riêng. Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia là ba quốc gia nằm trong top 30 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và có nhiều kinh nghiệm ứng phó biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hoá xuất khẩu. Vì vậy, bài viết sẽ đi sâu tích kinh nghiệm hoàn thiện chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Pháp, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về ứng phó biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu

Để hạn chế thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, nhiều quốc gia đang ngày càng tích cực hơn trong việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nói chung và chống trợ cấp (CTC) nói riêng. Ba quốc gia là Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia nằm trong top 30 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và cũng nằm trong top đầu những nước bị điều tra, áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất thế giới nên rất có kinh nghiệm ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu.

Trung Quốc

Trung Quốc hiện là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ hai, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 23.291,1 tỷ USD năm 2023, chiếm 14,55% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc là máy móc thiết bị điện, lò phản ứng hạt nhân, ô tô các loại, nhựa và sản phẩm nhựa, đồ nội thất, sản phẩm từ sắt thép, đồ chơi, hàng dệt may, hoá chất hữu cơ, sắt thép… Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc gồm: Hoa Kỳ, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Nga, Đức…

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Trung Quốc tăng mạnh nên những mặt hàng này là đối tượng bị các thị trường xuất khẩu điều tra và áp dụng biện pháp PVTM nói chung và CTC nói riêng. Hiện Trung Quốc là quốc gia bị áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất thế giới, là quốc gia bị áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất thế giới với đa dạng mặt hàng khác nhau. Do vậy, Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó biện pháp CTC.

Hệ thống pháp luật Trung Quốc có những quy định cụ thể để bảo vệ các doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất khẩu. Pháp luật PVTM nói chung, trợ cấp và các biện pháp đối kháng của Trung Quốc nói riêng về cơ bản được xây dựng dựa trên các quy định về PVTM của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Hiệp định Chống bán phá giá, Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (Hiệp định SCM) và Hiệp định Tự vệ. Chính sách, pháp luật về chống bán phá giá và CTC của Trung Quốc được xây dựng từ cuối những năm 1990 và ngày càng hoàn thiện. Cơ quan có thẩm quyền thay mặt Chính phủ xử lý các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu là Bộ Thương mại Trung Quốc.

Tính từ năm 1995 đến hết năm 2023, các nước đã điều tra 172 cuộc CTC đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc và áp dụng thuế CTC 131 cuộc, trong đó nước điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất là Hoa Kỳ (95 cuộc, chiếm 55,23%), Canada (27 cuộc, chiếm 15,70%), EU (16 cuộc, chiếm 9,30%), Australia (12 cuộc, chiếm 6,98%), Ấn Độ (08 cuộc, 4,65%)... Các mặt hàng bị điều tra đa dạng, gồm: Ống thép chính xác, thép mạ nhôm kẽm, lốp xe ô tô, ghế bọc đệm, xe điện chạy bằng pin mới, tháp gió, túi giấy, tủ khóa kim loại, gỗ trang trí, túi vải không dệt, ống đồng…

Kinh nghiệm của Trung Quốc về ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu có thể được rút ra như sau:

- Hoàn thiện pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng theo hướng phù hợp với thực tiễn thương mại và cam kết hội nhập. Thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn thương mại và xu hướng điều tra áp dụng biện pháp CTC.

- Xây dựng phương án ứng phó và hợp tác với cơ quan điều tra. Đối với mỗi vụ kiện CTC có đặc thù khác nhau, Bộ Thương mại xây dựng phương án ứng phó phù hợp và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC. Bộ Thương mại cùng với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN thực thi phương án ứng phó; chủ động và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC. Trên thực tế, những DN không hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc hợp tác chưa tích cực thì thường chịu mức thuế CTC cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với những DN trong ngành hợp tác tốt với cơ quan điều tra.

- Trả lời đầy đủ bản câu hỏi điều tra và các bản câu hỏi điều tra bổ sung (nếu có), gửi đến cho cơ quan điều tra đúng hạn. Bộ Thương mại phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN hoàn tất bản trả lời đầy đủ và đúng tiến độ.

- Giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu bổ sung, bằng chứng cho cơ quan điều tra và phản bác các cáo buộc của nguyên đơn. Bộ Thương mại cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về mặt hàng xuất khẩu, các chương trình, chính sách bị cáo buộc là trợ cấp cho cơ quan điều tra. Bộ Thương mại, hiệp hội ngành hàng và DN gửi bản giải trình tới cơ quan điều tra đưa ra những dẫn chứng, lập luận để chứng minh những cáo buộc của nguyên đơn là thiếu căn cứ, DN không nhận được trợ cấp đối kháng từ Chính phủ.

- Tham gia đầy đủ, tích cực cuộc tham vấn và đưa ra các lý lẽ, bằng chứng để chứng minh DN, hàng xuất khẩu không nhận được trợ cấp đối kháng, các chương trình, chính sách bị cáo buộc trợ cấp là không đúng, hàng hoá xuất khẩu không nhận được trợ cấp nên không gây thiệt hại đối với nền sản xuất nội địa… để bảo vệ ngành hàng, DN xuất khẩu trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp CTC.

- Gửi bình luận đối với kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng đến cơ quan điều tra khi không nhất trí với kết luận này; tích cực tham gia các phiên điều trần để đưa ra các lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phản bác các cáo buộc của nguyên đơn nhằm bảo vệ ngành hàng, DN xuất khẩu.

- Bộ Thương mại phối hợp với các bộ, ngành liên quan trực tiếp cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài để họ hiểu rõ về các chính sách, quy định của Trung Quốc, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các DN xuất khẩu dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác.

- Hiệp hội ngành hàng, DN liên quan có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc; hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra; thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Thương mại.

- Có cơ chế phối hợp cụ thể giữa Bộ Thương mại với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN để xử lý kịp thời với các vụ kiện CTC. Cơ chế phối hợp sẽ giúp nâng cao tốc độ và hiệu quả của việc phối hợp, hợp tác xử lý vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bộ Thương mại Trung Quốc thường xuyên trao đổi với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó.

- Có cơ chế cơ tài chính phục vụ xử lý các vụ việc điều tra CTC của nước ngoài. Việc xử lý các vụ việc điều tra CTC của nước ngoài đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) liên quan phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, nhiều phần việc vượt ngoài phạm vi công việc chuyên môn thường xuyên, nên cần phải có cơ chế tài chính để phục vụ cho các hoạt động liên quan đến công tác này.

- Bộ Thương mại phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, điều chỉnh các chương trình, chính sách có trợ cấp đối kháng, đặc biệt là các chương trình, chính sách phát triển ngành theo hướng hạn chế và chấm dứt trợ cấp.

- Theo dõi biến động xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu có sự gia tăng đột biến và định kỳ đưa ra Danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp CTC và gửi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN liên quan để phối hợp theo dõi.

- Đưa ra cảnh báo về nguy cơ một số thị trường xuất khẩu điều tra áp dụng biện pháp CTC đối với một số mặt hàng xuất khẩu, đồng thời khuyến nghị hiệp hội, DN liên quan rà soát lại việc xuất khẩu các mặt hàng này, chuẩn bị ứng phó trong trường hợp các thị trường xuất khẩu tiến hành điều tra vụ việc CTC; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra CTC của các thị trường xuất khẩu.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là quốc gia phát triển, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nền kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 10 thế giới. Hàn Quốc là nước xuất khẩu lớn thứ 8 thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 632,2 tỷ USD năm 2023, chiếm 2,71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc là máy móc thiết bị, ô tô các loại, nhựa và các sản phẩm từ nhựa, sắt và thép, hoá chất hữu cơ, tàu thuỷ, sản phẩm từ sắt thép… Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Hàn Quốc gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam, Nhật Bản, Hồng Kông… Hiện Hàn Quốc là một trong những quốc gia châu Á bị điều tra và áp dụng biện pháp CTC ngày càng gia tăng. Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Australia… là những quốc gia điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất đối với Hàn Quốc.

Pháp luật PVTM nói chung, trợ cấp và các biện pháp đối kháng của Hàn Quốc nói riêng về cơ bản được xây dựng dựa trên các quy định về PVTM của WTO (Hiệp định chống bán phá giá, Hiệp định SCM và Hiệp định Tự vệ). Cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Hàn Quốc là Ủy ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) thuộc Bộ Tài chính và Kinh tế.

Hàn Quốc có hệ thống chính sách, pháp luật về PVTM ngày càng hoàn thiện, được quy định trong Bộ luật Thương mại, Luật về Điều tiết cạnh tranh và Thương mại công bằng, Luật Khung về người tiêu dùng… Những quy định về cơ quan kháng kiện, công tác kháng kiện phù hợp với cam kết của Hàn Quốc khi gia nhập WTO.

Tính từ năm 1995 đến ngày 31/12/2023, các nước đã điều tra 13 cuộc CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Hàn Quốc và áp dụng thuế CTC 10 cuộc, trong đó nước điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất là Hoa Kỳ (09 cuộc), Trung Quốc, Australia, Ấn Độ và Canada (01 cuộc). Các mặt hàng bị điều tra bao gồm: Thép mạ nhôm kẽm, lốp xe ô tô, ống thép chính xác, thép gió, thép cuộn cán nguội, ống thép dẫn dầu, đinh thép, thanh đồng thau…

Hàn Quốc là một trong những quốc gia bị điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất nên rất có kinh nghiệm ứng phó biện pháp CTC. Theo đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm của Hàn Quốc về ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu như sau:

- Hoàn thiện pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng theo hướng phù hợp với thực tiễn thương mại và cam kết WTO, FTA. Thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, xem xét văn bản nào không còn phù hợp với thực tiễn phát triển thương mại và các cam kết quốc tế thì điều chỉnh, bổ sung và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của KTC chịu trách nhiệm xử lý các vụ kiện CTC của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu, cơ chế và quy chế phối hợp giữa KTC với các bộ, ngành, địa phương, nguồn kinh phí cho hoạt động đối kháng, phát triển nguồn nhân lực…

- Xây dựng và thực hiện phương án ứng phó; hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC.

- Trao đổi, bày tỏ quan điểm với Chính phủ nước nhập khẩu, cơ quan điều tra về vụ việc CTC nhằm bảo vệ ngành hàng, DN xuất khẩu.

- Trả lời bản câu hỏi điều tra đầy đủ và đúng hạn. KTC phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và DN để hoàn thiện bản trả lời; cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu bổ sung cho cơ quan điều tra.

- Nghiên cứu kỹ các cáo buộc của cơ quan điều tra về các chương trình/chính sách của Chính phủ có trợ cấp đối kháng, chuẩn bị tài liệu, dữ liệu đầy đủ và tham gia tích cực các phiên điều trần, giải trình và phản bác các cáo buộc, đưa ra các lý lẽ xác đáng chứng minh hàng hoá xuất khẩu không nhận được trợ cấp đối kháng nhằm bảo vệ ngành hàng, DN trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp CTC.

- Gửi bản giải trình đến cơ quan điều tra để chứng minh hàng xuất khẩu không nhận được trợ cấp, các chương trình, chính sách không cung cấp trợ cấp đối kháng, hoặc một số cáo buộc không phù hợp với quy định trong Hiệp định SCM và hàng hoá của nước xuất khẩu không gây thiệt hại đối với nền sản xuất nội địa của nước nhập khẩu; trả lời đầy đủ bản câu hỏi điều tra bổ sung (nếu có).

- Hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, hiệp hội và DN trong xử lý các vụ kiện CTC. KTC thay mặt Chính phủ xử lý các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu.

- KTC trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp CTC được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với DN trong nước, KTC có thể đề nghị Thủ tướng Chính phủ để chính thức khiếu nại và đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

- Khi đưa vụ kiện CTC ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, điều quan trọng là phải chọn đúng trường hợp, đặc biệt là đối với trường hợp đầu tiên của mình. Vì chi phí liên quan sẽ cao hơn so với các trường hợp sau đó và vì nhận thức của công chúng về WTO sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc vụ kiện đầu tiên có thắng hay thua hay không, nên Chính phủ phải lựa chọn vụ kiện đầu tiên một cách cẩn thận để đảm bảo rằng mình có các đối tác sẵn lòng trong khu vực tư nhân và có một vụ kiện pháp lý mạnh mẽ. Chính phủ cũng sử dụng bất kỳ nguồn lực nào có sẵn, bao gồm cả sự trợ giúp pháp lý của nước ngoài, ngay cả khi phải chịu chi phí cao. Lợi ích gián tiếp của việc thắng kiện, thông qua quan điểm thuận lợi hơn về chính phủ, thương mại và toàn cầu hóa, có thể lớn hơn chi phí đưa vụ kiện ra tòa.

- Hiệp hội ngành hàng, DN tham gia chủ động, tích cực trong ứng phó vụ kiện và biện pháp CTC. Trong nhiều vụ việc điều tra CTC, cơ quan điều tra sẽ hỏi các bên liên quan (các cơ quan trung ương, địa phương, hiệp hội, DN) nhiều câu hỏi có cùng nội dung. Bất kỳ sự không thống nhất nào giữa các phần trả lời có cùng nội dung đều có thể dẫn tới những bất lợi đáng kể với Chính phủ và các DN xuất khẩu.

- KTC phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh công tác thu thập thông tin về chính sách thương mại, quy định về CTC của các thị trường xuất khẩu cung cấp cho các hiệp hội ngành hàng, DN; cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp CTC để DN có sự chuẩn bị, khi sự việc xảy ra có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả.

Indonesia

Indonesia là nền kinh tế có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thứ 5 châu Á theo GDP danh nghĩa, là nước xuất khẩu lớn thứ 28 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Indonesia đạt 258,8 tỷ USD năm 2023, chiếm 1,11% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Indonesia là dầu cọ, sắt thép, máy móc thiết bị điện, ô tô, quặng, ngọc trai và kim loại quý, giày dép, sản phẩm hoá chất… Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Indonesia là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore... Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của của Indonesia tăng mạnh ở thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ… nên những mặt hàng này bị điều tra và áp dụng biện pháp CTC. Indonesia là một trong những nước bị điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất trên thế giới nên nước này có kinh nghiệm trong ứng phó biện pháp CTC.

Pháp luật PVTM nói chung, trợ cấp và các biện pháp đối kháng của Indonesia nói riêng về cơ bản được xây dựng dựa trên các quy định về PVTM của WTO (Hiệp định Chống bán phá giá, Hiệp định SCM và Hiệp định Tự vệ). Ủy ban An ninh Thương mại Indonesia (ITSC) thuộc Bộ Thương mại Indonesia là cơ quan thay mặt Chính phủ xử lý các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Indonesia và điều tra áp dụng biện pháp CTC đối với hàng hoá nhập khẩu vào nước này.

Tính từ năm 1995 đến tháng 12/2023, các nước đã điều tra 18 cuộc CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Indonesia (áp dụng thuế CTC 08 cuộc), trong đó nước điều tra và áp dụng biện pháp CTC nhiều nhất là Hoa Kỳ (08 cuộc, chiếm 44,44%), EU (04 cuộc, chiếm 22,22%), Ấn Độ (04 cuộc, chiếm 22,22%) và Bra-xin (02 cuộc, chiếm 11,11%). Các mặt hàng bị điều tra bao gồm: Nhiên liệu sinh học, tháp gió, thép không gỉ cán nguội, tôm nước ấm, dây đồng, giấy…

Có thể nêu ra một số kinh nghiệm của Indonesia trong ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu như sau:

- Hoàn thiện pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng theo hướng phù hợp với thực tiễn thương mại và cam kết quốc tế. Thường xuyên rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng.

- ITSC theo dõi sát vụ việc điều tra CTC ngay từ khi có thông tin về vụ việc; thông tin về các vụ việc CTC và quy trình điều tra CTC cho các hiệp hội, ngành hàng, DN liên quan để có phương án ứng phó phù hợp; hướng dẫn các hiệp hội, DN cách thức tham gia vào các vụ việc điều tra CTC để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của mình.

- Hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC. ITSC cùng các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để xử lý vụ việc điều tra CTC theo hướng có lợi nhất cho ngành hàng, DN.

- Trả lời bản câu hỏi điều tra đầy đủ và đúng hạn. ITSC phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN hoàn thiện bản trả lời gửi cho cơ quan điều tra đúng hạn.

- Giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu bổ sung, bằng chứng cho cơ quan điều tra và phản bác các cáo buộc của nguyên đơn.

- Chủ động và tham gia tích cực cuộc tham vấn, phiên điều trần để đưa ra các dẫn chứng, bằng chứng, lập luận xác đáng phản bác các cáo buộc của nguyên đơn, chứng minh các chương trình, chính sách bị cáo buộc không trợ cấp đối kháng.

- Gửi bình luận đối với kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng khi cho rằng kết luận chưa hợp lý, không nhất trí với biện pháp CTC mà cơ quan điều tra áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu. Trong bình luận, đưa ra dẫn chứng, lập luận xác đáng chứng minh kết luận chưa hợp lý, bất công đối với DN xuất khẩu.

- ITSC chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị tài liệu và làm việc với cơ quan điều tra để làm rõ thông tin về các chương trình, chính sách thuộc phạm vi điều tra, chứng minh các chương trình chính sách này không trợ cấp đối kháng trong trường hợp cơ quan điều tra thực hiện việc thẩm tra, xác minh tại chỗ.

- Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin giữa cơ quan hải quan và cơ quan PVTM linh hoạt và liên tục tạo thuận lợi cho cơ quan PVTM trong việc sử dụng số liệu hải quan để đánh giá tình hình xuất khẩu của các mặt hàng, ngành hàng phục vụ cho việc ứng phó vụ kiện và biện pháp CTC nhằm đảm bảo thời gian cũng như chất lượng đánh giá số liệu.

- Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Indonesia: Cung cấp thông tin về pháp luật, thị trường, hỗ trợ điều phối, thống nhất chủ trương, biện pháp ứng phó trong các vụ việc CTC; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho các DN; nắm bắt tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của DN thành viên, thu thập số liệu thống kê để có cơ sở cung cấp cho cơ quan điều tra nước ngoài khi họ yêu cầu cung cấp; dựng được cơ chế "dự phòng và cảnh báo sớm", tự bảo vệ mình.

- Trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn với cơ quan điều tra, đề nghị tuân thủ các quy định của WTO. ITSC nhiều lần có thư, bản giải trình, bình luận nêu quan điểm và lập luận đối với vụ việc điều tra CTC.

- Xem xét khởi kiện biện pháp CTC của Cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO. ITSC tiến hành các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO để bảo vệ lợi ích của DN, ngành hàng xuất khẩu.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Theo số liệu của Cục PVTM, Bộ Công Thương (2024), trong giai đoạn 2001-2011, số lượng vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 đến tháng 9/2024, số lượng các vụ việc PVTM đã tăng thêm 207 vụ việc. Trong tổng số 257 vụ việc mà Việt Nam phải đối mặt tới nay, có 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra CTC và 52 vụ việc điều tra tự vệ. Trong đó, 2020 là năm Cục PVTM phải xử lý nhiều vụ việc PVTM nhất với 39 vụ việc. Còn tính đến đầu năm tới tháng 9/2024, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang xử lý 14 vụ việc mới phát sinh.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia về ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu, có thể gợi mở cho Việt Nam một số kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng.

Hoàn thiện pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng theo hướng phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế (WTO và các FTA). Thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, xem xét văn bản nào không còn phù hợp với thực tiễn phát triển thương mại và các cam kết quốc tế thì điều chỉnh, bổ sung và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan QLNN về thương mại chịu trách nhiệm xử lý các vụ kiện CTC của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu, cơ chế và quy chế phối hợp giữa cơ quan QLNN về thương mại với các bộ, ngành, địa phương, nguồn kinh phí cho hoạt động đối kháng, phát triển nguồn nhân lực…

Thứ hai, xây dựng phương án ứng phó, hợp tác với cơ quan điều tra.

Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia rất chú trọng trong việc xây dựng phương án ứng phó và hợp tác với cơ quan điều tra. Đối với mỗi vụ kiện CTC có đặc thù khác nhau, cơ quan QLNN về thương mại xây dựng phương án ứng phó phù hợp và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC.

Cơ quan QLNN về thương mại cùng với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN thực thi phương án ứng phó; chủ động và tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra và rà soát biện pháp CTC. Kinh nghiệm của Trung Quốc, những DN nào không hợp tác hoặc hợp tác chưa tích cực thì thường chịu mức thuế CTC cao, thậm chí cao hơn rất nhiều so với những DN trong ngành hợp tác tốt với cơ quan điều tra.

Thứ ba, trả lời bản câu hỏi điều tra đầy đủ và đúng hạn.

Trả lời đầy đủ bản câu hỏi điều tra và các bản câu hỏi điều tra bổ sung (nếu có), gửi đến cho cơ quan điều tra đúng hạn. Cơ quan QLNN về thương mại phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN hoàn tất bản trả lời đầy đủ và gửi cho cơ quan điều tra đúng thời hạn. Điều này sẽ có lợi đối với những đánh giá và kết luận của cơ quan điều tra đối với vụ việc.

Thứ tư, giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu bổ sung, bằng chứng cho Cơ quan điều tra và phản bác các cáo buộc của nguyên đơn.

Cơ quan QLNN về thương mại của nước xuất khẩu cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về mặt hàng xuất khẩu, các chương trình/chính sách bị cáo buộc là trợ cấp cho cơ quan điều tra. Cơ quan QLNN về thương mại, hiệp hội ngành hàng và DN gửi bản giải trình tới cơ quan điều tra đưa ra những dẫn chứng, lập luận để chứng minh những cáo buộc của nguyên đơn là thiếu căn cứ, DN không nhận được trợ cấp đối kháng từ Chính phủ.

Thứ năm, tham gia đầy đủ và tích cực các cuộc tham vấn, phiên điều trần.

Tham gia đầy đủ và tích cực các cuộc tham vấn, phiên điều trần, đưa ra các lý lẽ, bằng chứng để chứng minh DN, hàng xuất khẩu không nhận được trợ cấp đối kháng, các chương trình/chính sách bị cáo buộc trợ cấp là không đúng, hàng hoá xuất khẩu không nhận được trợ cấp nên không gây thiệt hại đối với nền sản xuất nội địa… để bảo vệ ngành hàng, DN xuất khẩu trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp CTC.

Thứ sáu, gửi bình luận, phản biện đối với kết luận sơ bộ/kết luận cuối cùng.

Gửi bình luận, phản biện đối với kết luận sơ bộ/kết luận cuối cùng đến cơ quan điều tra khi không nhất trí với kết luận này; tích cực tham gia các cuộc tham vấn công khai để đưa ra các lý lẽ xác đáng, dẫn chứng phản bác các cáo buộc của nguyên đơn nhằm bảo vệ DN, ngành hàng xuất khẩu.

Thứ bảy, chủ động và tích cực tham gia các phiên điều trần.

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia, cơ quan QLNN về thương mại cùng các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và DN chủ động và tích cực tham gia các phiên điều trần (các phiên này thường được cơ quan điều tra tổ chức sau khi ban hành kết luận sơ bộ/kết luận cuối cùng) để bày tỏ quan điểm, ý kiến về vụ việc; đưa ra bằng chứng, ý kiến phản bác những cáo buộc bất hợp lý của bên nguyên đơn về các khoản được xem là tạo ra trợ cấp cho DN; chứng minh các chương trình/chính sách bị cáo buộc không trợ cấp đối kháng làm minh chứng cho việc kết luận sơ bộ/kết luận cuối cùng và áp dụng biện pháp CTC như vậy là chưa hợp lý.

Thứ bảy, khiếu nại kết luận cuối cùng lên toà án của nước nhập khẩu/cơ quan giải quyết tranh chấp WTO trong trường hợp vi phạm quy định.

Nhận thấy kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra không hợp lý, bất lợi đối với DN, cơ quan QLNN về thương mại của nước xuất khẩu khiếu nại kết luận cuối cùng lên toà án của nước nhập khẩu.

Theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia, khi phát hiện cuộc điều tra CTC có dấu hiệu vi phạm WTO, biện pháp CTC gây bất lợi đối với DN, cơ quan QLNN về thương mại của nước xuất khẩu trực tiếp can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra khi phát hiện trong hoạt động điều tra có điểm chưa phù hợp với các quy định của WTO. Nếu dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO là rõ ràng và biện pháp CTC được nước ngoài áp dụng gây bất lợi lớn đối với DN, cơ quan QLNN về thương mại có thể xin phép Thủ tướng Chính phủ để chính thức khiếu nại và đưa vấn đề ra giải quyết theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Công Thương (2021), Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
  2. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (2023), Nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh mới đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam - Một số kinh nghiệm trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nước ngoài và lưu ý đối với ngành Dệt may;
  3. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (2022), Nghiên cứu, cập nhật thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của Trung Quốc và đánh giá khả năng Trung Quốc điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam, Chuyên đề;
  4. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (2022), Nghiên cứu thực tiễn và xu hướng điều tra phòng vệ thương mại của Hàn Quốc với hàng nhập khẩu từ nước ngoài và đề xuất giải pháp kháng kiện cho Việt Nam, Chuyên đề;
  5. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (2022), Nghiên cứu, cập nhật thực tiễn điều tra và rà soát biện pháp phòng vệ thương mại của Indonesia, khả năng thay đổi mức thuế cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ việc rà soát và đề xuất một số giải pháp, Chuyên đề;
  6. Trần Ánh Hồng (2022), Pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế trong WTO, Luận văn thạc sĩ, Mã số 838 0107;
  7. Nguyễn Thị Thu Thuỷ (2022), Pháp luật về trợ cấp và các biện pháp đối kháng trong thương mại quốc tế, Luận văn thạc sĩ luật học, Mã số 838 0107;
  8. Chad P.Bown, World Bank (2005), Trade remedies and WTO disputes settlement: why are so few challenged, https://www.jstor.org/;
  9. https://www.trademap.org/, https://trade-remedies.wto.org/.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2024