Kinh nghiệm về quản lý chất lượng tín dụng của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam
Là một trong ba nghiệp vụ cơ bản và cũng là nguồn sinh ra lợi nhuận nhiều nhất, nên chất lượng hoạt động tín dụng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của ngân hàng thương mại (NHTM). Vì thế, việc quản lý chất lượng tín dụng là rất cần thiết đối với ngân hàng. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm quản lý chất lượng tín dụng trong NHTM của một số quốc gia, như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, bài viết đưa ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về quản lý chất lượng tín dụng của NHTM.
Giới thiệu
Trong những năm gần đây, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có những thay đổi tích cực phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó, hoạt động tín dụng là chiếc cầu nối trung gian từ nơi thừa vốn đến nơi thiếu vốn, đây vẫn là hoạt động truyền thống và chủ yếu của các NHTM. Chính vì vậy, chất lượng tín dụng là vấn đề cốt yếu nhất trong hoạt động quản trị điều hành của các NHTM, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Việc nâng cao chất lượng tín dụng là yêu cầu bức thiết bởi tín dụng là hoạt động nghiệp vụ mang lại thu nhập chính cho mỗi ngân hàng, song rủi ro của nó cũng là lớn nhất. Nếu không kiểm soát tốt được hoạt động này, thì hậu quả sẽ thật khôn lường với nguy cơ đổ vỡ của hàng loạt tổ chức tín dụng, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác về quản lý chất lượng tín dụng là rất cần thiết đối với các NHTM ở Việt Nam.
Kinh nghiệm thế giới
Kinh nghiệm từ Mỹ
Sau cuộc khủng hoảng tài chính tín dụng toàn cầu năm 2008, các NHTM Mỹ cũng đã chủ động xử lý nợ xấu bằng các giải pháp cổ điển như khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nợ…; đồng thời, kết hợp với các giải pháp mới (sáp nhập ngân hàng còn hoạt động tốt với ngân hàng khó khăn, chứng khoán hóa tài sản để bán nợ…).
Để tránh rủi ro, các NHTM ở Mỹ quản lý tín dụng theo nguyên tắc sàng lọc, giám sát, thiết lập mối quan hệ khách hàng lâu dài và các mức tín dụng, yêu cầu thế chấp và những yêu cầu về số dư bù và hạn chế tín dụng…, cụ thể là:
- Duy trì mối quan hệ tốt và lâu dài với bên đi vay, phục vụ mọi nhu cầu về tài chính của khách hàng. Việc duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng tạo điều kiện thuận lợi trong việc bán chéo các sản phẩm ngân hàng, trong khi khách hàng nhận thấy sự hỗ trợ lâu dài, các dịch vụ tiện ích, đồng thời đánh giá kịp thời tình hình tài chính của khách hàng từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ hoặc biện pháp giải quyết nhanh chóng nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu trong trường hợp hoạt động kinh doanh của khách hàng biến động rủi ro.
- Nhấn mạnh việc thẩm định cho vay hơn là giám sát kiểm soát khoản vay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nợ xấu tăng cao do không đánh giá đúng được nhu cầu và tình hình tài chính của khách hàng. Ngân hàng cần đánh giá chính xác mục đích sử dụng vốn vay, tình hình tài chính của khách hàng để cho vay đúng nhu cầu, đảm bảo đủ khả năng trả nợ khách hàng phù hợp với chủ trương chính sách tín dụng và không gây rủi ro xấu cho hoạt động tín dụng của ngân hàng.
- Tránh sử dụng những đơn vị môi giới. Vì các đơn vị môi giới không có động cơ để đem lại các khoản vay có chất lượng cao hơn do họ được trả không căn cứ vào chất lượng khoản vay.
- Yêu cầu bên đi vay chứng minh được kinh nghiệm hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính của mình đảm bảo nguồn thu nhập từ kinh doanh liên tục ổn định và chứng minh khả năng khách hàng đối phó với rủi ro trong kinh doanh thông qua những kinh nghiệm kinh doanh trong quá khứ.
- Kiểm soát hiệu quả trong thẩm định khoản vay. Tập trung quyết định cho vay để bảo đảm tính thống nhất và kiểm soát. Mặc dù các bên cho vay nhỏ hoặc lớn có thể khác nhau về phương pháp xem xét khoản vay, thì cả 2 đều yêu cầu có ít nhất một cán bộ, không phải là cán bộ thẩm định khoản vay, để xem xét lại khoản vay và đưa ra quyết định phê duyệt cuối cùng. Kết cấu này loại bỏ việc ra quyết định phê duyệt cuối cùng từ nhiều cán bộ rải rác, mà tập trung việc phê duyệt vào một cán bộ hoặc một nhóm để đảm bảo tính thống nhất, kiểm soát và hiệu quả trong thẩm định khoản vay
- Đòi hỏi sự trách nhiệm của nhân viên tín dụng đối với từng khoản vay của họ. Trường hợp khoản vay phát sinh nợ xấu phải buộc họ có trách nhiệm thu hồi khoản vay. Các ngân hàng cần xây dựng tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc cuối năm của nhân viên tín dụng dựa theo việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh cũng như đảm bảo được tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp. Bên cạnh đó, nhân viên tín dụng sẽ bị cắt giảm quyền thực hiện thẩm định hồ sơ khách hàng trong trường hợp phát sinh nợ quá hạn vượt quá tỷ lệ quy định.
- Áp dụng hệ số tín nhiệm cho các khoản vay mới và thẩm định lại hệ số này theo định kỳ trong suốt thời hạn của khoản vay. Theo đó, các NHTM ở Mỹ có một hệ thống chấm hệ số tín nhiệm hoặc có kế hoạch để tạo ra một chương trình chấm điểm. Trong một chương trình điển hình, một khoản vay mới sẽ được áp dụng một giá trị bằng số thể hiện mức rủi ro vào thời điểm thẩm định khoản vay. Trong suốt thời gian vay vốn, con số này có thể được duyệt lại, căn cứ vào lịch sử trả nợ của bên vay và các yếu tố khác. Khi có trục trặc được tìm ra, cần có cách để nhận ra và theo dõi các khoản nợ xấu. Hệ thống này khác với chấm điểm tín dụng, được sử dụng trước đó để ra quyết định vay vốn.
- Luôn theo dõi những dấu hiệu khoản vay để xác định nợ xấu sớm và tăng cường các biện pháp thu hồi nợ mạnh mẽ. Điều này giảm thiểu chi phí cho ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng cho khoản vay và cho phép bên đi vay điều chỉnh thời hạn trả nợ hợp lý. Xác định nợ xấu sớm và tăng cường các nỗ lực thu hồi nợ rất mạnh mẽ; luôn theo dõi để xác định sớm những dấu hiệu của khoản vay xấu trong tương lai. Cách tốt nhất để xác định sớm các dấu hiệu là luôn giữ mối liên hệ với khách hàng, không đợi cho đến khi khoản vay trở nên quá hạn. Sự tích cực xác định và tìm kiếm khả năng thu hồi các khoản nợ chỉ trong vài ngày kể từ khi khoản vay bị trễ có thể làm giảm thời gian cần có tiêu tốn vào các động tác thu hồi nợ và cho phép các bên cho vay điều chỉnh thời hạn trả nợ hoặc giải quyết các vấn đề khác của bên vay sớm.
- Đề xuất đúng lối ra cho các khoản nợ xấu quan trọng hơn việc thu hồi nợ. Việc thanh lý nợ xấu chỉ được xem là biện pháp cuối cùng để thu hồi các khoản vay có vấn đề và không đáp ứng đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Ngay khi thế giới đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều nhờ tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng mà Chính phủ nước này thực hiện kịp thời cuối thập kỷ trước. Trung Quốc đã vạch ra được kế hoạch tổng thể và đồng bộ, gắn việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với tiến trình tái cấu trúc hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các khoản nợ của những doanh nghiệp này, chuyển đổi mô hình kinh doanh ngân hàng, tăng cường chất lượng quản trị, giám sát tổng thể thị trường tài chính, tiếp thu áp dụng kinh nghiệm của nước khác một cách có chọn lọc…
Có thể nói, Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát các khoản tín dụng cho vay bởi 5 yếu tố then chốt trong công cuộc cải cách hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc một cách hiệu quả, bao gồm: Giải quyết triệt để các khoản nợ xấu, nợ dưới chuẩn trong đó có tỷ lệ lớn là nợ ở khối doanh nghiệp nhà nước; Tăng cường năng lực quản trị ngân hàng bao gồm cả về tổ chức, nhân sự; thu hút các nhà đầu tư chiến lược; Đưa ngân hàng niêm yết ở trong nước và nước ngoài, một mặt giúp các ngân hàng tăng vốn; mặt khác, buộc các ngân hàng tự đẩy mạnh tái cấu trúc để tuân thủ các chuẩn mực quốc tế theo yêu cầu của thị trường; Sử dụng vốn huy động mới để tăng cường đầu tư vào hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các ngân hàng.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Sau khủng hoảng tài chính châu Á, các NHTM Hàn Quốc tích cực cải tổ hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại các công ty các tập đoàn lớn. Đặc biệt, việc tái cơ cấu các khoản nợ xấu của hệ thống NHTM Hàn Quốc được thể hiện qua các công cụ sau:
- Thực hiện kế hoạch cơ cấu nợ và tái cấu trúc vốn cho các nhóm tài phiệt ở Hàn Quốc (Chaebol) bằng cách buộc các Chaebol lớn giảm bớt một số công ty con không hiệu quả, loại bỏ những công ty phụ thuộc, nên tập trung vào các ngành kinh doanh chính yếu nhằm hạn chế khả năng sản xuất thừa.
- Sắp xếp, hợp nhất một số công ty kinh doanh, như: buộc Samsung và Daewoo trao đổi công ty xe hơi và điện tử cho nhau, yêu cầu LG và Huyndai hợp nhất công ty điện tử của mình.
- Tiến hành tự do hóa cán cân thanh toán vốn, khuyến khích tư bản nước ngoài mua lại các doanh nghiệp trong nước, mở cửa 11 trong 42 ngành, mà không cho phép nước ngoài đầu tư vào, tự do hóa việc vay vốn ngắn hạn của các doanh nghiệp, cho phép người nước ngoài mua bất động sản trong nước.
- Cải cách công tác quản trị ngân hàng và doanh nghiệp, từng bước hạn chế phương thức thống trị gia đình, bãi bỏ quy định không cho người nước ngoài làm giám đốc, doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin tài chính.
Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tại thời điểm cuối năm 2022 nợ xấu nội bảng dưới 2% (1,92%). Tuy nhiên, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 cho thấy, bên cạnh kết quả kinh doanh khá khả quan, nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn khi nợ xấu đang có diễn biến gia tăng. Cụ thể, cuối năm 2022, nợ xấu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ở mức 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm đầu năm. ABBank đã trích ra gần 777 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó, Ngân hàng chỉ thu về hơn 1.702 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ hoàn thành 55% mục tiêu đề ra. Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), nợ xấu trong năm 2022 tăng 17%, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 và phải trích 100% dự phòng rủi ro). TPBank đã trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (Minh Phương, 2023).
Thực tế đang cho thấy, một số bài học kinh nghiệm được rút ra từ các quốc gia trên như sau:
Thứ nhất, dư nợ tín dụng tăng trưởng quá nhanh và nóng đặc biệt là cho vay mua bất động sản. Do đó, ngân hàng cần quản lý mục đích cho vay theo từng cơ cấu sản phẩm hướng đến cho vay tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu tập trung cho vay phi sản xuất, kinh doanh, như: chứng khoán, đầu tư bất động sản… gây rủi ro cho hoạt động ngân hàng và thực hiện theo chủ trương của Chính phủ.
Thứ hai, trình độ của cán bộ tín dụng còn nhiều hạn chế so với tiêu chuẩn. Do đó, cần xây dựng tiêu chuẩn tuyển chọn nhân viên tín dụng nhằm đảm bảo tính nhất quán, phù hợp với mục tiêu phát triển của ngân hàng. Giáo dục phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho nhân viên tín dụng. Đồng thời, đào tạo và giám sát quá trình làm việc của nhân viên tín dụng đảm bảo tinh thần trách nhiệm trong tuân thủ các quy định của ngân hàng, đánh giá và đề xuất cấp tín dụng một cách khách quan, phù hợp với tình hình thực tế của khách hàng.
Thứ ba, các ngân hàng cũng coi nhẹ các tiêu chuẩn cho vay, an toàn tín dụng như không nắm rõ về mục đích sử dụng vốn vay, vượt quá nhu cầu và kế hoạch trả nợ của khách hàng. Bên cạnh việc rà soát lại các tiêu chí phát triển tín dụng nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả bền vững, ngân hàng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân viên tín dụng trong việc đánh giá đúng khách hàng tránh hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của khoản vay.
Thứ tư, việc giám sát mục đích sử dụng vốn vay cũng chưa được các ngân hàng chú trọng. Do đó, việc giám sát thực tế chủ yếu qua loa, bổ sung chứng từ và các hồ sơ pháp lý không đầy đủ, không nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động kinh doanh trong suốt thời gian vay, không nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và rủi ro có tính chu kỳ trong hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Từ những bài học kinh nghiệm về tín dụng và xử lý nợ xấu của một số quốc gia, như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, các giải pháp được đề xuất cho Việt Nam như sau:
Một là, giám sát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tránh dẫn đến sự phát triển quá mức của thị trường tín dụng sẽ kéo theo việc đầu tư dư thừa vào một số ngành kinh tế, việc dư thừa nguồn tín dụng còn dẫn đến tình trạng lãng phí, nó cũng tạo ra sự phát triển bong bóng, như: thị trường bất động sản, chứng khoán từ đó dẫn đến dư thừa tín dụng và khi “bong bóng” vỡ, các ngân hàng phải hứng chịu hậu quả.
Hai là, cần tập trung hoàn thiện quy trình tín dụng, cụ thể là:
(1) Xây dựng bộ máy tập hợp tất cả các bộ phận cấu thành trong quy trình tín dụng chịu trách nhiệm thu thập và xử lý các thông tin liên quan đến khách hàng tín dụng, giám sát việc thực hiện quy trình tín dụng và đảm bảo chất lượng của khoản vay. Cần tách bạch, phân công rõ chức năng các bộ phận và tuân thủ các khâu trong quy trình cho vay.
(2) Các NHTM cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tín dụng thận trọng; đặt ra hạn mức cho vay. Đây là hoạt động được xem là thường xuyên của ngân hàng trong việc quản lý danh mục tín dụng của mình. Biện pháp sử dụng là đặt ra các hạn mức cho vay dựa trên vốn tự có của ngân hàng đối với khách hàng vay riêng lẻ hay nhóm khách hàng vay.
(3) Áp dụng mô hình định lượng hoặc kết hợp với mô hình định tính và định lượng để chấm điểm tín dụng khách hàng, từ đó đưa ra các quyết định cho vay, qua đó hạn chế rủi ro của NHTM.
(4) Thực hiện nghiêm túc việc giám sát khoản vay. Sau khi giải ngân vốn NHTM cần coi trọng kiểm tra, giám sát khoản vay thông qua thu thập thông tin về khách hàng, giám sát và đánh giá xếp loại khách hàng thường xuyên, định kỳ để có biện pháp xử lý kịp thời rủi ro có thể xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của NHTM.
(5) Cần xây dựng công nghệ thông tin hiện đại. Tổ chức tốt hệ thống thông tin tín dụng sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác xếp hạng tín dụng nội bộ và thẩm định khách hàng vay, giúp hạn chế phòng ngừa rủi ro ngay từ khâu thẩm định hồ sơ vay để quản lý chất lượng tín dụng ngân hàng. Xây dựng nền tảng vững chắc và tận dụng hiệu quả hệ thống quản lý thông tin trong quá trình quản lý và phát mại tài sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Minh Tú (2017), Kinh nghiệm của Hàn Quốc về tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, Tạp chí Ngân hàng, số 23, tháng 12/2017.
2. Minh Phương (2023), Kiểm soát chất lượng tín dụng là hợp lý và cần thiết, truy cập từ https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/kiem-soat-chat-luong-tin-dung-la-hop-ly-va-can-thiet-631723.html.
3. Nguyễn Đại Lai (2020), Từ những bài học quản lý rủi ro của hệ thống NHTM Mỹ đến bài học cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, truy cập từ https://doanhnghiephoinhap.vn/quan-tri-rui-ro-tin-dung-bao-dam-an-ninh-an-toan-he-thong-ngan-hang-viet-nam-rut-ra-tu-nhung-bai-hoc.html.
4. Nguyễn Văn Tiến (2020), Giáo trình Quản trị NHTM, Nxb Thống kê.
5. Thái Bình (2023), Trung Quốc thắt chặt quản lý rủi ro ngân hàng, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-that-chat-quan-ly-rui-ro-ngan-hang-2023021218230351.htm