Kinh tế 2014: Những dư địa tăng trưởng
(Tài chính) Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã đề ra mục tiêu năm 2014 và 2015 là “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm. GDP bình quân đầu người khoảng 2.200 - 2.300 USD vào năm 2015”.
Việc kéo dài tình trạng giảm sút tốc độ tăng trưởng gần một thập niên của nền kinh tế đang trong thời kỳ công nghiệp hóa như ở nước ta đã gây ra những hậu quả ngày càng nghiêm trọng, mà mấy năm gần đây đã bộc lộ rõ, như thu nhập thực tế của dân cư giảm sút, tác động tiêu cực đến sản xuất; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động gia tăng; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán biến động theo chiều hướng tiêu cực.
Liệu có cần thiết và có khả năng gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế hay không là vấn đề rất đáng được bàn thảo.
Thiết nghĩ, trong khi vẫn theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, thì cần thay đổi cách tiếp cận mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng phát hiện dư địa để kích thích tăng trưởng trong năm 2014 và những năm tiếp theo.
Báo cáo kinh tế năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội với chủ đề “Thách thức còn ở phía trước” nhận định: “Có thể nói, nguyên nhân cơ bản là nền tảng tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế chưa có những thay đổi tích cực do kết quả quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế còn hạn chế”.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, “thể chế yếu kém chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế và nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay”. Theo nhóm nghiên cứu này, trong 4 động cơ tăng trưởng, thì 3 động cơ “nội” (gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp) đang trục trặc; chỉ có một động cơ “ngoại” (khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) đang chạy tốt.
Trong bài tham luận tại Hội thảo ngày 22/11 của các diễn giả Bùi Trinh, Nguyễn Việt Phong và Bình Phan có nêu: “Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GDP khoảng 22,93% trong giai đoạn 2000 - 2006, đến giai đoạn 2007 - 2012 giảm xuống còn 6,44%... Năm 2000, sản xuất ra 10 đồng tạo ra trên 4 đồng giá trị gia tăng, thì đến giai đoạn hiện nay chỉ tạo ra khoảng 3,5 đồng giá trị gia tăng”.
Chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XI, đầu năm 2011 về việc “Đổi mới và hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới” mặc dù đã được Chính phủ chỉ đạo khá tích cực, nhưng đã trải qua 3 năm, hơn một nửa nhiệm kỳ đại hội mà “trong thực tế cũng chưa ghi nhận được những tiến bộ nào đáng kể của quá trình tái cơ cấu ở 3 lĩnh vực then chốt (đầu tư công, ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp nhà nước).
Không những thế, điều kiện tiền đề để tái cấu trúc (thay đổi tư duy và cải cách thể chế) cũng chưa có tiến triển tích cực. Thiết kế và vận hành thể chế chưa thực sự “dung hợp” để có thể phân bổ nguồn lực nền kinh tế có hiệu quả” như đã được nêu ra tại Báo cáo kinh tế năm 2013 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Đó chính là dư địa và tiền đề có tính quyết định của việc cải thiện tình hình kinh tế Việt Nam.
Vấn đề là, cần tìm ra nguyên nhân vì sao câu chuyện tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới và hoàn thiện thể chế chưa đem lại kết quả kỳ vọng.
Mỗi vấn đề đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng khi một chủ trương quan trọng của Đảng mà đã gần 2/3 nhiệm kỳ đại hội vẫn chưa được thực hiện tốt, thì trước hết, cần nhìn lại sự chỉ đạo của Chính phủ, bộ, chính quyền địa phương và phương thức hành động của doanh nghiệp để đổi mới đồng bộ cả hệ thống cơ chế vận hành theo hướng xác định rõ thời gian nhất định phải tái cơ cấu từng ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp nhà nước, quy rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp về việc đổi mới thể chế và tái cấu trúc theo mô hình tăng trưởng mới. Khi đánh giá phẩm chất và năng lực của cán bộ lãnh đạo các cấp, kể cả khi bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh, phải gắn với việc thực hiện mục tiêu tái cấu trúc và đổi mới thể chế.
Sự chuyển động tình hình kinh tế năm 2014 và 2015 cũng như của 5 năm tiếp theo (2016 - 2020) phụ thuộc rất lớn vào việc đổi mới thể chế và tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.
Năm 2014 đã cận kề, liệu có dư địa và làm gì để tăng trưởng kinh tế cao hơn mức dự kiến 6% mà Chính phủ đã trình Quốc hội không? Chúng tôi cho rằng, còn nhiều dư địa để có được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức dự kiến.
Lời giải của bài toán không phải là tăng thêm vốn đầu tư vượt quá mức dự kiến khoảng 30% GDP, mà là sử dụng có hiệu quả hơn vốn đầu tư xã hội theo hướng tập trung giải quyết một số động lực tăng trưởng.
(1) Giải cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ đã áp dụng khá nhiều giải pháp như giảm, miễn thuế, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi, một số địa phương đã có sáng kiến trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy vậy, tình hình kinh doanh, sản xuất của hàng vạn doanh nghiệp vẫn đình trệ.
Lúc này, giải cứu doanh nghiệp cũng như chữa bệnh, phải tùy bệnh mà cho thuốc; bởi vậy cần thông qua khảo sát thực tế, phân loại theo các tiêu thức khoa học để nắm chính xác thực trạng doanh nghiệp của từng ngành nghề, lĩnh vực, trên cơ sở đó đề ra giải pháp hữu hiệu đối với trạng thái của từng loại doanh nghiệp, cho phá sản những doanh nghiệp thực sự đã chết, cứu trợ doanh nghiệp theo nhu cầu của họ để từng quý thu được kết quả cụ thể về việc khôi phục hoạt động có hiệu quả của những doanh nghiệp đang lâm vào trạng thái đình trệ hiện nay. Chúng ta đã có kinh nghiệm khá thành công của năm 2008, chỉ cần vận dụng kinh nghiệm đó thích hợp với hiện trạng.
Nếu từng quý khôi phục được hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp đang đình trệ, thì có thể góp phần tăng thêm tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu việc làm, tăng thu nhập của người lao động và kích thích tiêu dùng.
(2) Kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản. Cho đến nay, câu chuyện 30.000 tỷ đồng đối với thị trường này vẫn chưa đưa lại hiệu quả mong muốn, gần 9 tháng mới giải ngân chưa đầy 1% con số đó, làm giảm lòng tin của các chủ đầu tư cũng như người mua đối với chủ trương đó. Phải tìm cho trúng nguyên nhân để năm 2014 gỡ được “nút thắt” cả ở thủ tục và điều kiện cho vay để 30.000 tỷ đồng được thực hiện đúng mục đích và đúng đối tượng khi điều kiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chuyển động tuy còn chậm.
Nếu khôi phục được một phần đáng kể hoạt động của thị trường này trong năm 2014, thì có thể gia tăng tốc độ tăng trưởng, bởi vì không chỉ nhà và đất, mà hàng loạt ngành công nghiệp và dịch vụ gắn với nó như xi măng, sắt thép, gạch đá, cát sỏi, nội thất, dịch vụ môi giới… cũng có cơ hội phục hồi.
(3) Làm cho tác dụng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước nhanh và có hiệu quả hơn.
Với những tín hiệu thu hút FDI của năm 2013, có thể tin chắc rằng, trong năm 2014 và 2015, không chỉ vốn đăng ký, mà cả vốn thực hiện sẽ tăng nhanh. Chính phủ đã có Nghị quyết 103/NQ-CP về FDI quy định những việc cần làm và phân công trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề quan trong là phải có tư duy đúng trong việc thu hút FDI.
Nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của nước ta về công nghiệp, xuất khẩu, thu ngân sách, tạo việc làm, nhưng hoàn toàn chưa đủ vì nước ta không thể dựa vào các doanh nghiệp và trí tuệ người nước ngoài để phát triển, chỉ nên coi đó là một điểm tựa cho cánh tay đòn để bẩy nền kinh tế đất nước bằng chính doanh nghiệp trong nước, nhờ vào khai thác sức mạnh của người Việt Nam cả về trí tuệ và bàn tay lao động. Không người nước nào có thể và tự nguyện làm việc để Việt Nam trở thành nước công nghiệp đủ sức cạnh tranh với họ; họ chỉ đến Việt Nam khi lợi nhuận còn khả dĩ đạt được mức theo lý thuyết lợi nhuận cận biên.
Việc làm gì để biến cái hiện nay đang của các doanh nghiệp nước ngoài thành của Việt Nam phải trở thành điều trăn trở hàng ngày của lãnh đạo bộ, địa phương và truyền cảm đến công chức nhà nước và các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam để mỗi khi tổng kết năm không chỉ nói đến con số cấp thêm được bao nhiêu dự án mới, vốn đăng ký, vốn thực hiện, đóng góp ngân sách, chuyển dịch cơ cấu, xuất nhập khẩu, lao động, mà quan trọng nhất là, các doanh nghiêp trong nước đã đạt được bao nhiêu phần trăm trình độ phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài.
Từ cách tiếp cận đó, cần chú ý đến tác động lan tỏa của FDI trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ.
(i) Chúng ta mới có ý tưởng về việc tận dụng cơ hội mới để phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng chắc chưa biết được cụ thể là cái gì, quy mô như thế nào và bằng cách gì để thực hiện. Công nghiệp hỗ trợ đã được bàn đến trong 10 năm qua, nhưng xem ra vẫn giậm chân tại chỗ.
Do vậy, có lẽ cần làm việc với một tập đoàn lớn đã đầu tư vào Bắc Ninh, có thể là Samsung, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, coi như mô hình tiêu biểu để từ đó nhân rộng ra cả nước. Họ cần gì, ta có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu của họ (?). Phải bắt đầu từ khảo sát, đánh giá thực trạng, so sánh với đòi hỏi của các doanh nghiệp hỗ trợ, từ đó đề ra hệ thống chính sách về thuế, tài chính, tín dụng, công nghệ, nguồn nhân lực đáp ứng nhanh nhất việc xây dựng hệ thống doanh nghiệp vệ tinh cho từng loại sản phẩm của mỗi tập đoàn kinh tế nước ngoài…
(ii) Hiện nay, ở nước ta, tỉnh nào cũng có hệ thống giáo dục từ đại học, cao đẳng, dạy nghề, phổ thông, nhưng không có sự khác biệt về chuyên ngành đào tạo, nên không gắn với đặc thù và định hướng phát triển của địa phương.
Do đó, trong khi thực hiện chủ trương cải cách giáo dục, cần coi trọng việc sắp xếp hệ thống trường đại học, cao đẳng, dạy nghề địa phương theo hướng tận dụng lợi thế của sự khác biệt, tập trung phát triển một số ngành nghề tiêu biểu ở mỗi tỉnh, thành phố hoặc vùng kinh tế để có được những trường dẫn đầu cả nước về từng ngành đào tạo, tạo ra một hệ thống giáo dục đại học và dạy nghề đa dạng, hỗ trợ lẫn nhau, tiến tới có nhiều cơ sở đào tạo đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế.
(iii) Quan tâm đến tăng dần giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm của doanh nghiệp FDI bằng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để biến công nghệ của họ thành công nghệ của Việt Nam là mục tiêu cao nhất trong thu hút FDI. Tình báo công nghệ, mua công nghệ, nhưng có lẽ thuận lợi nhất là tìm giải pháp hữu hiệu để biến công nghệ của một số doanh nghiệp FDI công nghệ cao đang được thực hiện bằng khối óc và bàn tay của người Việt Nam thành công nghệ của chúng ta. Có nước đã áp dung chính sách “đầu tư kép” (như Mexico), có nước đã tận dụng điều kiện quản trị doanh nghiệp để xây dựng lòng tin với người bản địa, từ đó nhanh chóng có được công nghệ hiện đại đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài nhờ giá rẻ hơn (như Trung Quốc).
Nếu đặt vấn đề thu hút FDI như vậy, thì chắc chắn, động cơ đang vận hành tốt này sẽ góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.
Tạo sự chuyển biến rõ rệt về môi trường đầu tư và kinh doanh là dư địa để gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế
Báo cáo thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư tháng 7/2013 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cuộc khảo sát 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI cho thấy, cảm nhận của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI khá tương đồng, những thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, thuế, đất đai, môi trường, xây dựng, hải quan… là những “nút thắt” cần được tháo gỡ để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh toàn cầu công bố ngày 29/10/2013, Việt Nam đứng thứ 99/189 nền kinh tế. WB nhận định, thứ hạng của Việt Nam không thay đổi, mặc dù từ năm 2005 đến nay đã thực hiện 21 cải cách, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông Steve Almond, Chủ tịch Tập đoàn tư vấn và kiểm toán Deloitte nhận xét rằng, so với các nước trong khu vực, thì Việt Nam chậm hơn trong cải thiện môi trường kinh doanh, như Campuchia tăng 23 bậc, Indonesia và Philippines tăng 19 bậc trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu.
Cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh không chỉ là cải cách thủ tục hành chính, chống tham nhũng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà là thiết lập thật sự sân chơi bình đẳng, minh bạch đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Chừng nào mà việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trở thành công việc thường nhật của lãnh đạo bộ, ngành, chính quyền địa phương, thì khi đó mới đòi hỏi đội ngũ công chức phải thay đổi tư duy và hành động trong quản lý nhà nước theo hướng “nhà nước dịch vụ”, làm cho thứ bậc môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Để đạt được mục đích đó không cần nhiều tiền, nhưng rất khó khăn, vì phải đổi mới tư duy của các nhà lãnh đạo và điều hành kinh tế.