Kinh tế 9 tháng ghi nhận nhiều điểm sáng

Theo Đăng Tuân/saigondautu.com.vn

Trong 9 tháng năm 2017 nền kinh tế ghi nhận 4 điểm sáng tích cực: tăng trưởng bứt tốc, sự chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông, lâm, thủy sản, hiệu quả của Nhà nước kiến tạo và sự tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
4 điểm tích cực

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 9 tháng năm 2017, diễn ra sáng 29-9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tốc độ tăng trưởng GDP 3 quý đã qua ghi nhận sự bứt tốc, quý sau tăng cao hơn quý trước, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm năm có thể đạt được.
 
Theo đó, GDP tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II tăng 6,28% và quý III ước tăng 7,46%. Khu vực nông, lâm, và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm % vào mức tăng chung; khu vực dịch vụ tăng trưởng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm % tăng trưởng chung.

Tổng cục Thống kê tính toán, để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay như mục tiêu Chính phủ đề ra, trong quý IV năm nay tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt 7,31%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong quý IV những năm trở lại đây, bởi từ năm 2011 đến nay chưa năm nào tăng trưởng GDP quý IV đạt ngưỡng này.
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay có thể đạt được. Ông Lâm cũng chỉ ra 4 điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng qua. Đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu bứt tốc qua từng quý (quý II tăng cao hơn quý I 1,13%; quý III tăng cao hơn Quý II 1,18%; quý IV ước đạt 7,31%).
Thứ hai là sự chuyển đổi cơ cấu mạnh mẽ trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, nhất là từ trồng lúa qua nuôi trồng thủy sản, đã mang lại những dấu hiệu tích cực. Trong 9 tháng ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,17% vào mức tăng GDP chung cả nước. Các điểm sáng còn lại là, hiệu quả nhà nước kiến tạo đã tạo ra niềm tin với sản xuất kinh doanh; sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu cũng tạo động lực lớn cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. 

Ghi nhận của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu trong 2 tháng gần đây, trong tháng 8 đạt 19,76 tỷ USD, trong tháng 9 ước đạt 19 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực DN trong nước ước đạt 43,2 tỷ USD, khu vực DN FDI kể cả dầu thô đạt 110,8 tỷ USD. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng ngoạn mục của xuất khẩu đã chuyển nền kinh tế từ tình trạng nhập  siêu trong nửa đầu năm nay sang xuất siêu trong 9 tháng. Ước tính, trong 9 tháng nền kinh tế xuất siêu khoảng 400 triệu USD.

Khu vực FDI đóng góp lớn cho tăng trưởng

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7,1% của năm 2016. Đáng lưu ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tăng 12,8%, đây là mức tăng cao nhất của lĩnh vực này trong nhiều năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Chỉ tính riêng việc Samsung ra mắt sản phẩm Glaxy Note 8 đã giúp ngành công nghiệp điện tử trong quý III đạt tốc tộ tăng trưởng 45%. 

Bên cạnh đó, việc Formosa khắc phục xong sự cố môi trường và đã đi vào sản xuất từ đầu quý III cũng mang lại những động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự kiến, từ nay đến cuối năm Formosa sẽ sản xuất 1,5 triệu tấn thép có giá trị cao, ước tính đóng góp 0,07-0,08% GDP cả nước. Có thể nói khu vực DN FDI đang có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Theo bà Phạm Quỳnh Lợi, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), việc Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Việt Nam đã đẩy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đầu vào từ Hàn Quốc. Trong 9 tháng, nhập siêu từ Hàn Quốc lên tới 23,3 tỷ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ 2016, trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Tiếp đó là nhập siêu từ thị trường Trung Quốc khoảng 19,7 tỷ USD, giảm 5,6% so cùng kỳ, nhập siêu từ Asean khoảng 4,6 tỷ USD.

Sở dĩ nhập siêu từ Hàn Quốc tăng nhanh do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất tại Việt Nam, lượng máy móc, linh kiện nhập khẩu đầu vào từ  Hàn Quốc tăng mạnh. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc vẫn duy trì như mọi năm nên đã đẩy nhập siêu tăng cao. Số liệu chưa đầy đủ của cơ quan thống kê cũng ghi nhận chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Tập đoàn Samsung đang chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu cả nước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tập đoàn này cũng chiếm gần 20% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mục tiêu tăng 6,7% GDP đặt ra khá cao, gây áp lực với điều hành kinh tế. Nhưng đây cũng là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, đặc biệt cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Mục tiêu tăng GDP 6,7% có cả áp lực và động lực. Chính áp lực chỉ tiêu tạo động lực trong điều hành.