Để đặc khu kinh tế có đủ sức cạnh tranh: “Ưu đãi” không chưa đủ?
Mặc dù đơn vị soạn thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) cho biết đã thiết kế các chính sách về kinh tế – xã hội dành cho các đặc khu kinh tế (ĐKKT) của Việt Nam với ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các ĐKKT, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Song điều này liệu đã đủ để ĐKKT Việt Nam cạnh tranh với thế giới?
Trả lời câu hỏi dựa trên cơ sở nào để khẳng định luật đã xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi, để các ĐKKT của Việt Nam dù đi sau nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh với các mô hình của thế giới, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) cho biết Dự thảo Luật đã thực hiện mở cửa thị trường tại các ĐKKT với mức cao hơn những khu vực khác và bảo đảm cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài cũng như NĐT trong nước ở các ngành, nghề cần thu hút đầu tư.
Hàng loạt ưu đãi
Chính phủ ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng chung đối với NĐT trong nước và nước ngoài cùng một số ngành, nghề áp dụng riêng cho NĐT nước ngoài theo hướng cắt giảm tối đa, chỉ giữ lại một số ngành, nghề nhất định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Hơn nữa, thủ tục thực hiện đầu tư kinh doanh tại đơn vị HCKTĐB được đổi mới và đơn giản hóa theo trình tự đơn giản nhất; không thực hiện thủ tục quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và UBND cấp tỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư; không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án PPP và dự án đầu tư ra nước ngoài.
Luật còn quy định việc thực hiện các thủ tục về kinh doanh, đất đai, xây dựng, lao động… tại Trung tâm hành chính công theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và qua hệ thống mạng trực tuyến và do Trưởng đơn vị HCKTĐB ban hành.
Đồng thời ông Đông cho biết, với các ưu đãi vượt trội như trước, luật mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho NĐT trong nước và nước ngoài tiếp cận đất đai và tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các đơn vị HCKTĐB.
Cụ thể, luật quy định thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị HCKTĐB và dự án đầu tư của NĐT chiến lược.
Luật cũng quy định tổ chức kinh tế trong nước, DN FDI được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
“Đây là quy định rất mở mà trong luật hiện hành chưa cho phép nhưng chúng tôi mạnh dạn đề xuất áp dụng”, ông Đông nói.
Đáng chú ý, về chính sách thuế, luật xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn giảm tiền thuê mặt đất, mặt nước hấp dẫn, vượt trội quy định hiện hành và cạnh tranh được với các ĐKKT trên thế giới để thu hút các NĐT chiến lược và đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển gắn với quy mô vốn.
Ngoài ra, luật còn quy định nhiều chính sách phát triển các ngành du lịch, dịch vụ như: nâng mức giá trị bán hàng miễn thuế cho khách du lịch Việt Nam và người nước ngoài tại khu phi thuế quan; thực hiện chính sách thị thực đơn giản và mở rộng hơn; áp dụng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ kinh doanh casino, đặt cược thấp hơn mức hiện hành để cạnh tranh với Singapore, Malaysia, Macao…
Đã đủ sức cạnh tranh?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các ưu đãi trên có đủ sức hấp dẫn NĐT? Bình luận về vấn đề này, theo Ts. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để xây dựng Luật, trước tiên phải trả lời được câu hỏi ĐKKT làm được cái gì. Đặc biệt, Việt Nam làm sau họ sẽ phải làm như thế nào để khác họ. Nhất là khi hiện nay chúng ta làm nhiều thứ nhưng chúng ta cứ đặt ra luật để “tự trói” nó.
Theo đó, ông Thiên nêu quan điểm: “Nếu chỉ đưa ra các ưu đãi ở mức cao nhất của Việt Nam không có ý nghĩa gì. Mà phải tạo ra được mô hình đảm bảo để đặc khu sẽ trở thành một hình mẫu vượt hẳn lên thông lệ, còn như đã biết, tổ chức chính quyền hành chính hiện nay nhiều trói buộc kinh khủng”.
Vì vậy, làm sao để đặc khu không phải chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới, đó phải là những NĐT hạng nhất, những công nhân hạng nhất.
Thực tế, ông Thiên lo ngại, câu chuyện thử nghiệm đặc khu, chúng ta đã bàn 10 – 15 năm nay nhưng đến nay vẫn ì ạch, muốn vượt lên nhưng khi thảo luận thể chế lại cứ theo cũ mà làm với một tí ưu đãi. Cũng như nếu chỉ cơi nới thêm một tí sẽ không có ý nghĩa gì cả. Do đó, ĐKKT phải chuyển ngay lập tức sang thị trường hiện đại.
“Việc soạn thảo cơ chế phải nhằm vào mục đích phục vụ việc này mới tạo được sức cạnh tranh cho các đặc khu của Việt Nam so với những Hồng Kông, Ma Cao, Thâm Quyến”, ông Thiên nói.
Đồng thời các chuyên gia cũng cho rằng cần phải xây dựng thể chế thông thoáng, minh bạch cho các ĐKKT. Ưu đãi là một phần nhưng chính sách minh bạch, nhất quán cũng có vai trò quan trọng trong việc thu hút NĐT, có cơ chế tổ chức thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn nhất để hưởng các ưu đãi mà không chỉ dừng ở văn bản.