Một số vấn đề về phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, các khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời, các khu kinh tế cửa khẩu cũng đã góp phần quan trọng vào củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Cùng với việc đánh giá kết quả đạt được trong quá trình phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, bài viết chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu thời gian tới.
Tình hình phát triển khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam
Khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam được hình thành sớm nhất là Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (được hình thành từ Quyết định 675/TTg ngày 18/9/1996 về việc áp dụng thí điểm một số chính sách tại Khu vực cửa khẩu Móng Cái).
Hai năm sau đó, năm 1998, Việt Nam bắt đầu thí điểm ở quy mô rộng hơn với việc phê duyệt chính sách ưu đãi cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Khu Thương mại Lao Bảo. Từ đó đến nay, nhiều khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập dọc đường biên giới với các nước láng giềng nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội quan trọng của đất nước.
Theo Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020, cả nước sẽ có 26 khu kinh tế cửa khẩu với tổng diện tích trên 660 nghìn ha.
Tuy nhiên, kể từ khi ban hành Quyết định 52/2008/QĐ-TTg đến nay, Việt Nam đã có 28 khu được thành lập làm khu kinh tế cửa khẩu hoặc được áp dụng chính sách của khu kinh tế cửa khẩu ở 21/25 tỉnh biên giới.
Cuối năm 2015, Việt Nam đã lựa chọn 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng; Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y; Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp; Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang.
Có thể nói, các khu kinh tế cửa khẩu nói trên không chỉ góp phần cải thiện kết cấu hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu vực biên giới, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương biên giới và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong cả nước.
Các khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam hiện nay có các đặc trưng sau: (i) Các khu kinh tế cửa khẩu cách xa trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của đất nước; (ii) Dân cư tại các khu kinh tế cửa khẩu với dân cư địa phương lân cận của các nước láng giềng có sự tương đồng nhau về văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng và tôn giáo; (iii) Có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - xã hội – môi trường và chất lượng cuộc sống; (iv) Hợp tác và giao lưu kinh tế dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, bình đẳng các bên cùng có lợi (Vũ Thanh Hương, 2017).
Để có thể hiểu rõ hơn về tình hình phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, bài viết đánh giá kết quả phát triển Khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam với 3 quốc gia chính là Trung Quốc, Lào và Campuchia.
- Về phát triển các khu kinh tế cửa khẩu với Trung Quốc: Trong những năm qua, phát huy lợi thế có chung đường biên giới với Trung Quốc, 7 tỉnh biên giới Việt Nam là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên đã chủ động hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh biên giới của Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây.
Nhiều khu kinh tế cửa khẩu đã được xây dựng ở 7 tỉnh biên giới này với Trung Quốc, trong đó phát triển mạnh nhất là Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khu kinh tế cửa khẩu tại Lạng Sơn, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.
Nhờ phát triển mạnh mẽ các khu kinh tế cửa khẩu này mà hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội tại các tỉnh này đã được chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ. Hoạt động giao thương, trao đổi buôn bán giữa các Khu kinh tế cửa khẩu diễn ra sôi động, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các khu vực vùng biên giới...
- Về phát triển khu kinh tế cửa khẩu với Lào: Lào được coi là đối tác thương mại truyền thống và quan trọng đối với Việt Nam. Trong các khu kinh tế cửa khẩu với Lào, khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo không chỉ là tạo thuận lợi thương mại mà còn thu hút đầu tư từ trong nước và nước ngoài vào khu vực này.
Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt coi trọng việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu với Lào nhằm tăng cường giao lưu thương mại giữa hai nước, tuy nhiên, thực tiễn việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu với Lào còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước do còn gặp rất nhiều khó khăn.
- Về phát triển khu kinh tế cửa khẩu với Campuchia: Điều kiện địa lý và kinh tế - xã hội của một số tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia còn nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở hạ tầng và hạ tầng xã hội còn chưa đồng bộ.
Hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu ở biên giới Việt Nam - Campuchia chủ yếu có quy mô nhỏ, còn nhiều chợ tạm phục vụ nhu cầu mua bán nhỏ lẻ của người dân biên giới. Hơn nữa, các khu kinh tế cửa khẩu giữa Việt Nam – Campuchia cũng chưa nhiều, chỉ có Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là khu kinh tế lớn giữa Việt Nam và Campuchia.
Hiện nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đang có 35 nhà đầu tư đăng ký 46 dự án, diện tích đất đăng ký sử dụng là 1.936 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 6.765 tỷ đồng và hơn 122 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Đây là khu vực đầu tàu cho toàn bộ tuyên biên giới Tây Nam, Đông Nam Bộ trên con đường phát triển và hội nhập (Thúy Hằng & Oanh, 2017).
Nhìn chung, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu cho đến nay, có thể thấy các khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu nói riêng và của cả nước nói chung.
Nhiều khu kinh tế cửa khẩu hiện nay đang hoạt động hiệu quả, là cửa ngõ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và xuất cảnh quan trọng như: Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, Cầu Treo (Hà Tĩnh), Đồng Đăng (Lạng Sơn)… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao qua các năm.
Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu qua các khu kinh tế cửa khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng gần 8 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2006-2010 đạt 25%, giai đoạn 2011-2015 đạt 20%; cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu chung của nước nước trong cùng thời kỳ (Yến Nhi, 2017).
Bên cạnh đó, các khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút đầu tư khá mạng mẽ không chỉ của các nhà đầu tư trong nước và mà cả các nhà đầu tư nước ngoài. Đến hết năm 2015, các khu kinh tế cửa khẩu trên cả nước đã thu hút được khoảng 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, các khu kinh tế cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, hỗ trợ phát triển đối với dịch vụ trong nước thông qua đẩy mạnh giao lưu kinh tế đối với các nước láng giềng, từ đó tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nói chung.
Quan trọng hơn, các khu kinh tế cửa khẩu đã tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của đồng bào vùng biên giới, đóng góp vào tăng ngân sách nhà nước.
Một số khó khăn, hạn chế trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu
Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu, những năm qua, vấn đề phát triển các khu kinh tế cửa khẩu vẫn gặp phải không ít những khó khăn, thách thức như:
Thứ nhất, các dự án đầu tư nước ngoài vào các khu kinh tế cửa khẩu còn quá ít, quy mô của các dự án còn khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tại các khu kinh tế cửa khẩu tuy có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về quy mô, chất lượng, chưa đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hợp tác.
Thứ hai, các cơ chế chính sách mới chỉ dừng lại ở các nghĩa vụ tài chính hoặc các ưu đãi kinh tế khác, chưa hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn, không rườm rà...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu có một số vướng mắc như chưa có chính sách ưu đãi đột phá đối với các khu kinh tế cửa khẩu và thiếu sự ổn định trong các cơ chế, chính sách tài chính ban hành.
Thứ ba, các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ logistics còn kèm phát triển.
Thứ tư, việc phân cấp quản lý cho ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu còn chưa thống nhất, chồng chéo, chưa tạo thuận lợi cho các Ban Quản lý thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước.
Cụ thể, Ban Quản lý không được giao thực hiện chức năng thanh tra nên hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý không cao, xảy ra tình trạng Ban Quản lý phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp nhưng không thể xử phạt được.
Thứ năm, các khu kinh tế cửa khẩu gặp khó khăn trong việc triển khai xây dựng các kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ do thiếu vốn. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của các khu kinh tế cửa khẩu rất lớn; Các khu kinh tế cửa khẩu chưa huy động được các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng như trái phiếu chính phủ, ODA, hình thức hợp tác công tư (PPP).
Thứ sáu, việc lập quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế cửa khẩu còn chậm triển khai và chất lượng chưa cao. Một số khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu quy hoạch xây dựng chung dẫn đến các dự án đầu tư xây dựng được lập chỉ dựa vào quy hoạch chi tiết các khu chức năng nên có hiện tượng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Giải pháp phát triển các khu kinh tế cửa khẩu hiệu quả
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thời gian tới cần triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần có các cơ chế chính sách thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại các khu kinh tế cửa khẩu; phát triển hạ tầng phát triển tương xứng với tiềm năng của các khu kinh tế cửa khẩu.
Hai là, khuyến khích các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng trong và ngoài nước thiết lập các chi nhánh hoặc điểm giao dịch tiền tệ tại khu kinh tế cửa khẩu. Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng của Việt Nam được thiết lập chi nhánh hoặc điểm giao dịch tiền tệ tại khu kinh tế cửa khẩu bên phía Việt Nam hoặc nước có chung đường biên giới.
Ba là, tại mỗi khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ mỗi nước thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu là đơn vị sự nghiệp hoặc tương đương.
Đây là tổ chức có thu, tự trang trải các chi phí, có tư cách pháp nhân thoe quy định của pháp luật mỗi nước. Ban Quản lý có trách nhiệm quản lý tài sản và các hoạt động trong phạm vi khu kinh tế cửa khẩu thuộc phạm vi mỗi nước.
Bốn là, đẩy mạnh các hình thức huy động vốn theo phương thức xã hội hóa như thu hút vốn từ nguồn vốn ODA, hợp tác công tư (PPP), đặc biệt thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu và có các chính sách ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư ngoại.
Năm là, các Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu cần trao đổi bàn thảo để thống nhất phương thức xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu từng thời kỳ phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Kim Chi, Đặng Hữu Mạnh, Trần Chiến Thắng (2017), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về khu kinh tế xuyên biên giới;
2. Vũ Thanh Hương (2017), Chặng đường 20 năm hình thành và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu ở Việt Nam: Chính sách, kết quả và các vấn đề đặt ra;
3. Đậu Hải Nam (2017), Một số giải pháp chính sách quản lý và phát triển các khu kinh tế qua biên giới của Việt Nam;
4. Hoàng Trình (2015), Động lực phát triển từ các khu kinh tế cửa khẩu;
5. Donald M. DePamphilis PhD. (2015), Chapter 18- Cross –Border Mergers and Acquisitions: Analysis and Valuation, Mergers, Acquisitions, and Other Restructuring Activities (Eighth Edition), P 659-692.