Kinh tế Ấn Độ vì sao tuột dốc?

Theo gafin.vn

(Tài chính) Sau quãng thời gian phát triển như vũ bão, nền kinh tế Ấn Độ đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những ngày này, cơn khủng hoảng rớt giá của đồng rupiah của Ấn Độ đang trở thành điểm nóng kinh tế tại khu vực châu Á. Những biện pháp nhằm cứu vãn đồng nội tệ liên tục được chính phủ nước này đưa ra, nhưng hiệu quả thì chưa nhiều.

Theo các chuyên gia kinh tế, đơn giản đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Với mức tăng trưởng GDP quí I năm nay chỉ đạt 4,4% - mức thấp nhất kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, thực trạng kinh tế hiện nay tại Ấn Độ đang cho thấy điểm chững lại sau hơn một thập kỷ phát triển vốn được đánh giá là thần kỳ của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này (GDP danh nghĩa của Ấn Độ năm 2012 đạt 1.841 tỷ USD).

Tại sao sau quãng thời gian phát triển như vũ bão, cùng một số nước đang phát triển khác tạo nên sự bùng nổ toàn cầu, kinh tế Ấn Độ lại lâm vào hoàn cảnh như hiện nay? Đâu là nguyên nhân cốt lõi và liệu có giải pháp hay không?

Vào lúc những nền kinh tế phát triển trên thế giới tăng trưởng chậm lại khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, Ấn Độ đã nổi lên như một trong những điểm sáng của sự phát triển toàn cầu, có ảnh hưởng và đóng góp nhất định đối với việc xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới. Nhưng sau hơn một thập niên phát triển như vũ bão, tình hình giờ đây đã hoàn toàn khác.

dfsdf
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ. Nguồn: internet

Những diễn biến mới nhất của nền kinh tế Ấn Độ

Theo Thời báo Kinh tế Ấn Độ số đầu tháng 9 này, tăng trưởng GDP của Ấn Độ chỉ tăng 4,4% trong quý 1 năm nay. Đây là mức thấp nhất kể từ khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra năm 2008 và đây là quý thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng thấp hơn 5%. Trước đó ngày 30/8, Cơ quan thống kê trung ương Ấn Độ cho biết, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng chậm lại và sản xuất giảm, đã khiến tăng trưởng của Ấn Độ trong quý I thấp hơn mức dự báo 4,7%.

Còn ngày 28/8 vừa qua, đồng rupiah của Ấn Độ đã xuống mức thấp kỷ lục 68,85 rupiah/1USD, sau khi bị trượt giá mạnh kể từ hồi đầu tháng 5. Với các diễn biến hiện nay, giới phân tích dự báo, đồng rupiah sẽ trở thành đồng tiền yếu nhất của châu Á năm 2013 này. Chính một số nhà kinh tế Ấn Độ đã nhận định rằng, kinh tế nước này đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi độc lập năm 1947 và tỏ ra hoài nghi vào sự điều hành kinh tế của chính phủ.

Ông Yasoan Sinha, một luật sư Ấn Độ cho biết: "Chính phủ đã mất kiểm soát hoàn toàn với nền kinh tế. Chính phủ không giải quyết được vấn đề trước các lực lượng trên thị trường và kết quả là thị trường diễn biến xấu đi trong những ngày qua".

Trước tình trạng lao dốc của đồng rupiah, Đảng Nhân dân Ấn Độ - đảng lớn nhất trong liên minh đối lập đã yêu cầu chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất phải chịu trách nhiệm và đòi Thủ tướng Manmohan Singh từ chức nếu không chặn được đà trượt giá.

Đáp lại, phát biểu tại Hạ viện ngày 30/8, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã cam kết sẽ khắc phục tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm trong năm nay. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Ấn Độ đang đối mặt với tình hình kinh tế vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, ông cũng xoa dịu dư luận rằng, sự mất giá của đồng rupiah thời gian qua là một sự điều chỉnh cần thiết để nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á này trở nên cạnh tranh hơn:

"Chúng ta cần phải nhận ra rằng, một phần của sự mất giá này chỉ là một sự điều chỉnh cần thiết," ông Singh nói. "Lạm phát của Ấn Độ cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến, do đó cần phải điều chỉnh tỉ giá hối đoái để thích ứng sự khác biện này. Sự mất giá của đồng rupiah có thể tốt cho nền kinh tế, nó sẽ giúp chúng ta tăng khả năng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu và khuyến khích nhập khẩu"

Thủ tướng Manmohan Singh cũng cam kết, chính phủ Ấn Độ sẽ tập trung làm giảm lạm phát và giảm tài khoản vãng lai. Ông cũng dự kiến, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trong nửa cuối năm tài khóa 2013-2014.

Các thăng trầm của nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á

Từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1947 đến trước thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Ấn Độ lựa chọn cho mình mô hình phát triển đất nước là sự kết hợp giữa những yếu tố của mô hình tư bản chủ nghĩa và mô hình xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, nền kinh tế Ấn Độ là một nền kinh tế hỗn hợp giữa thành phần kinh tế Nhà nước với thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Mô hình kinh tế này đã mang lại nhiều thành tựu cho Ấn Độ trong những năm 50 - 60 của thế kỷ 20.

Nhưng đến thập niên 70, 80 của thế kỷ 20, những khó khăn kinh tế Ấn Độ do cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 gây ra càng trở nên khó khăn hơn bởi những biến động trong những năm 90. Đó là Chiến tranh vùng Vịnh đẩy giá dầu lên cao; sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và những xáo trộn địa - chính trị ở Liên Xô, Đông Âu làm Ấn Độ mất đi đối tác chiến lược và thị trường chủ yếu… Khó khăn bên ngoài cùng với những bất cập của chính nền kinh tế đã khiến Ấn Độ rơi vào khủng hoảng.

Mục tiêu xây dựng một đất nước tự lực tự cường kể từ sau khi độc lập, thực hiện thông qua các chính sách thay thế nhập khẩu, hàng rào thuế quan cao, thực hiện bảo hộ đối với các ngành công nghiệp nhà nước… đã dần dần làm cho nền kinh tế Ấn Độ trở thành một nền kinh tế tự cung tự cấp, hầu như đóng cửa với nền kinh tế thế giới, tạo nên sự trì trệ của khu vực kinh tế do Nhà nước quản lý, trong khi khu vực kinh tế tư nhân bị hạn chế bởi nhiều đạo luật. Kết quả là mức tăng GDP đã sụt xuống còn 0,8% vào năm tài chính 1991 - 1992, lạm phát dâng cao trên 13%, dự trữ ngoại tệ đến tháng 5/1991 chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, đủ cho nhập khẩu 20 ngày. Nguy hiểm hơn là sự bùng phát những rối loạn nghiêm trọng về mặt xã hội.

Trước tình hình như vậy, tháng 7/1991, một cuộc cải cách mạnh mẽ và toàn diện đã được Chính phủ phát động. Theo đó quá trình này được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn đầu từ năm 1991 đến 1999, Ấn Độ hầu như tập trung vào cải cách mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, thực hiện các chính sách nhằm tự do hoá nền kinh tế trên các lĩnh vực tài chính, công nghiệp, thương nghiệp và tích cực gắn kết Ấn Độ với nền kinh tế thế giới. Giai đoạn thứ 2 - từ 1999 đến 2011, song song với các chính sách đổi mới về kinh tế Ấn Độ chú trọng đến các cải cách xã hội như y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vốn rất thấp của người dân.

Trong toàn bộ quá trình này, có thể nói thời điểm tạo ra bước ngoặt với Ấn Độ là năm 2004, khi nhà kinh tế học, nhà cải cách lớn Manmohan Singh lên làm Thủ tướng Ấn Độ. Ông đã trải qua hầu như mọi chức vụ tài chính quan trọng ở Ấn Độ, từ thống đốc ngân hàng trung ương cho đến bộ trưởng tài chính, và đã trở thành người khởi xướng cho việc mở cửa nền kinh tế. Cùng với những chính sách mở cửa, hội nhập, câu chuyện phát triển kinh tế thần kỳ đã được viết tên Ấn Độ.

Khác với Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ không lệ thuộc quá lớn vào công nghiệp mà phụ thuộc phần quan trọng vào lĩnh vực dịch vụ. Ấn Độ đặc biệt rất chú trọng tới phát triển công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Năm 2008-2009, Ấn Độ xuất khẩu 46,3 tỷ USD phần mềm tin học, trở thành một trong những trung tâm của thế giới về dịch vụ công nghệ thông tin. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Ấn Độ chủ yếu là hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất...

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế bùng phát ở Mỹ rồi lan ra khắp toàn cầu. Kinh tế thế giới chính thức bước vào suy thoái. Đây được cho là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử kinh tế thế giới trong vòng hơn 60 năm. Nhưng bất chấp điều đó, kinh tế Ấn Độ vẫn phát triển nhanh, từ 6,7% trong năm tài chính 2008-2009 lên 7,4% trong tài khóa 2009-2010.

Tiếp đà những thành tựu đã có, trong Chính sách kinh tế giai đoạn 2009-2014, Ấn Độ đề ra mục tiêu đạt được tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm 15%, tăng gấp đôi xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ vào năm 2014 và trong dài hạn là tăng gấp đôi tỷ trọng xuất khẩu của Ấn Độ trong buôn bán toàn cầu vào năm 2020.

Năm 2011, Ấn Độ hoàn thành hai thập kỷ tiến hành cải cách (1991 - 2011) với nhiều thành tựu đạt được trên các lĩnh vực khác nhau. Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn nhất khu vực Nam Á; trong khi đứng vị trí thứ 3 châu Á.

Tuy nhiên đến năm 2012, kinh tế Ấn Độ bắt đầu phải đối mặt với nhiều khó khăn, như thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai, tỷ lệ lạm phát tăng cao, vốn đầu tư và kim ngạch xuất khẩu giảm; đồng rupiah mất giá so với đồng ngoại tệ khác, niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm.

Phần nổi của tảng băng trôi


Thực trạng kinh tế hiện nay của kinh tế Ấn Độ được giới chuyên gia trong nước nhìn nhận là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi nước này giành độc lập năm 1947. Đó là sự mất giá đồng nội tệ bên cạnh việc thâm hụt tài khoản vãng lai, thâm hụt tài chính, thâm hụt thương mại đều tăng. Thêm vào đó là thực trạng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và tăng trưởng GDP giảm sút, thị trường chứng khoán xuống dốc và giới đầu tư tài chính rút khỏi thị trường chứng khoán. Với biểu hiện rõ nét nhất là đà lao dốc của đồng rupiah cùng mức mất giá nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua, giới chuyên gia cho rằng, có 3 nguyên nhân lớn gây nên thực trạng này.

Đầu tiên, đó là do nhu cầu mua đồng USD từ các ngân hàng và các nhà nhập khẩu đều tăng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán yếu, khiến các nhà đầu tư rút vốn bằng đồng rupiah chuyển sang mua USD. Thứ hai, đồng USD đã mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố các chính sách sẽ giảm dần các chương trình kích thích kinh tế.

Động thái này đã khiến hàng tỷ USD bị rút khỏi các thị trường mới nổi để chảy vào Mỹ nhằm hưởng lãi cao hơn, làm cho tiền tệ của các nước mới nổi đều lao đao, trong đó có đồng rupiah. Cùng xu hướng này là nguyên nhân thứ 3, những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Mỹ và một số dấu hiệu phục hồi kinh tế chớm xuất hiện tại châu Âu và Nhật Bản đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu rút vốn khỏi thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Ấn Độ.

Để làm an tâm các nhà đầu tư và giới kinh doanh, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tuyên bố rằng, Ấn Độ không thể rơi vào cuộc khủng hoảng thanh toán như năm 1991, khi nguồn dự trữ ngoại hối của Ấn Độ năm 1991 chỉ đủ cho nhu cầu trong 15-20 ngày, còn dự trữ ngoại hối hiện nay đủ cho nhu cầu trong từ 6 đến 7 tháng. Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái của đồng rupiah hiện nay được thả nổi theo thị trường chứ không bị ấn định như năm 1991. Bởi vậy, việc đồng rupiah trở lại quỹ đạo sẽ do thị trường tự điều chỉnh, và đây không phải là điều quá lo ngại. Tuy nhiên, rõ ràng có thể thấy, dù đang cố khỏa lấp cơn khủng hoảng đồng nội tệ, nhưng chính phủ Ấn Độ không thể giấu được những biến động nghiêm trọng đang diễn ra trong nền kinh tế nước này. Đó là thâm hụt tài khoản vãng lai cao kỷ lục, đồng nội tệ yếu đi, lạm phát nhảy vọt và thị trường chứng khoán tuột dốc.

Và nguy hiểm hơn, công thức khủng hoảng này đang dần lây lan sang nhiều nước trong khu vực, rõ nhất là Indonesia hay Thái Lan. Không dừng lại ở đó, thậm chí các chuyên gia phân tích còn nhận định, kinh tế toàn cầu có thể đang ở trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng mới. Ở đó, Ngân hàng Dự trữ trung ương Mỹ - Fed một lần nữa lại là đầu mối khủng hoảng. Nguyên nhân là do cơ quan này đang tìm cách thoát khỏi "chính sách nới lỏng định lượng", khiến cho nhiều nền kinh tế đang nổi bỗng nhiên rơi vào tình thế khó khăn. Cụ thể đã khiến cho thị trường tiền tệ và chứng khoán Ấn Độ và Indonesia sụt giảm, trong khi Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh chịu những thiệt hại về tín dụng thế chấp.

Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khẳng định rằng, việc Mỹ duy trì phát hành tiền tệ quá mức không ảnh hưởng đến các bong bóng tài sản và tín dụng, vốn đang đẩy kinh tế thế giới đến bên bờ vực. Tuy nhiên, điều không thể chối cãi là nếu chính sách nới lỏng định lượng không khiến lãi suất cho vay chủ chốt tại các nước phát triển ở mức gần bằng 0% từ năm 2009, các dòng vốn vay nóng và ngắn hạn sẽ không tràn ngập các nền kinh tế đang nổi.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế đang nổi, trong đó Ấn Độ là một điển hình, có một điểm chung là thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Mà thâm hụt tài khoản vãng lai là triệu chứng của một nền kinh tế trước khủng hoảng - đầu tư nhiều hơn tiết kiệm. Sự mất cân bằng này đã khiến các nhà đầu tư trở nên khó tài trợ, khó rót vốn hơn. Sau đó, thay vì chấp nhận sự suy giảm kinh tế do thâm hụt tài khoản vãng lai, các nhà hoạch định chính sách của các nước đang phát triển lại đánh cược vào tăng trưởng đầy rủi ro và cuối cùng là phản tác dụng. Ấn Độ đã không nằm ngoài kịch bản này.

Như vậy có thể thấy rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền kinh tế Ấn Độ rơi vào tình trạng lao đao như hiện nay lại là xu hướng chung của toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ đợi Fed cho ra một chiến lược giải cứu nào đó cho toàn cục, chính phủ Ấn Độ vẫn phải nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề từ bên trong chính nền kinh tế nước này, vốn vẫn đang tồn tại. Đó là môi trường kinh doanh kém hấp dẫn với nạn tham nhũng hoành hành; là các chiến lược cải tổ ngành công nghiệp và xuất khẩu chưa hiệu quả; là cấu trúc nền kinh tế với khu vực Nhà nước chiếm phần lớn gây rào cản đầu tư…

Mặc dù theo giới chuyên gia, kỷ nguyên của tăng trưởng thần kỳ của các nước đang phát triển như Ấn Độ hay Trung Quốc đã chững lại, thế nhưng, Ấn Độ chắc chắn không thể để "mục tiêu kiếm một chỗ đứng toàn cầu" của mình trôi đi dễ dàng. Bởi thế, khối lượng công việc mà chính phủ Ấn Độ phải làm lúc này là không hề nhỏ, nếu muốn lấy lại đà tăng trưởng và chứng minh là một mắt xích quan trọng trong trật tự kinh tế thế giới mới.