Kinh tế Australia trụ vững 30 năm nhờ người nhập cư
Trong khi suy thoái gần như là một phần của tiến trình phát triển kinh tế trên toàn thế giới, nền kinh tế Australia đã liên tục phát triển trong suốt 30 năm qua.
Thời gian tăng trưởng của Australia là quãng tăng trưởng lâu nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, theo nhận xét của The Atlantic ngày 20/12.
Tuy có một số may mắn, những quyết sách được đánh giá là sáng suốt đã giúp chính phủ nước này thành công.
Chính quyền Australia được đánh giá đã đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 tốt hơn so với các chính quyền tại Mỹ hay châu Âu. Nước này đã triển khai các biện pháp kích thích tài chính nhanh chóng, không “thắt lưng buộc bụng” trong lúc nền kinh tế đang hồi phục.
Kết quả là chỉ số tăng trưởng của Australia giảm trong khi nền kinh tế không suy sụp trong thực tế.
Chỉ vài tháng sau khi thoát khỏi suy thoái, Mỹ thực hiện cắt giảm ngân sách. Các chính phủ châu Âu cũng bắt đầu cắt chi tiêu, yêu cầu các nền kinh tế dính nợ thực hiện “thắt lưng buộc bụng”.
Trong khi đó, Australia đổ tiền vào các hộ dân cư thu nhập thấp, chi tiêu nhiều cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Australia đã trải qua một giai đoạn suy thoái nhẹ nhàng hơn vì quốc gia này đã chặn được sự bùng nổ cho vay dưới chuẩn. Điều này có nghĩa rằng các hộ gia đình Australia không gánh quá nhiều nợ và các tổ chức tài chính của họ không đầu tư điên cuồng như ở Mỹ.
Hơn một phần tư dân số Australia là người nhập cư, nhiều gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ hoặc Pháp, theo The Atlantic. Trong những năm gần đây, dân số quốc gia trên đã tăng gấp đôi với tốc độ bằng Mỹ.
Nhờ có nguồn dân nhập cư trẻ, quốc gia này có thể cải thiện triển vọng tài chính, làm giàu thêm các kho bạc của chính phủ, sở hữu dân số trong độ tuổi lao động cao và tuổi trung bình thấp.
Ngoài ra, Australia còn hưởng lợi từ các quốc gia láng giềng đang phát triển như Việt Nam, Indonesia, Philippines và đặc biệt là Trung Quốc.
Sự phát triển của các quốc gia này đã góp phần giúp Australia tăng trưởng. Với nền kinh tế thu nhập cao, Australia chuyên xuất khẩu nhu yếu phẩm, cũng như các loại hàng hóa và dịch vụ khác xuống các quốc gia có thu nhập thấp.
Thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong những năm 2000. Xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc tăng mạnh, ngược lại Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào quốc gia này.
Ông Jarrod Ball - nhà kinh tế trưởng tại Ủy ban Phát triển Kinh tế Australia cho biết: “Tại Úc, chúng tôi đơn giản không thể làm gì khác với nền kinh tế như thế này, diện tích và vị trí địa lý như thế này. Chúng tôi phải mở cửa cho thương mại và đầu tư. Chúng tôi không thể đánh mất sự cởi mở đó”.