Kinh tế chia sẻ: Chính sách nào để phát triển xe công nghệ?

Theo Minh long/congthuong.vn

Trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ là tất yếu và sẽ phát triển mạnh mẽ dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với việc định danh rõ mô hình kinh doanh mới như xe công nghệ, nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để cả doanh nghiệp truyền thống lẫn doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển.

Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại hội thảo về Kinh tế chia sẻ
Các chuyên gia kinh tế thảo luận tại hội thảo về Kinh tế chia sẻ

Cần sớm định danh cho xe công nghệ

Tại tọa đàm: “Kinh tế chia sẻ: Mô hình gọi xe công nghệ và những thách thức cần tháo gỡ” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế nhận định: kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng đầu cuối, kết hợp với nền tảng công nghệ. Loại hình kinh tế chia sẻ không chỉ trong lĩnh vực vận tải mà còn cả trong lĩnh vực thuê bất động sản, kết nối đặt khách sạn… Theo đó, thời gian tới sẽ có nhiều loại hình dịch vụ khác ứng dụng công nghệ để vận hành trên các hãng di động, đặc biệt là điện thoại thông minh (smartphone). Trên thực tế, các dịch vụ này càng ngày lan tỏa và chúng ta không thể ngăn cản.

Đặc biệt trong bối cảnh mới đây, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đã kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vì cho rằng doanh nghiệp đối thủ đã làm sụt giảm doanh thu đang là vấn đề được dư luận quan tâm bởi ngày 22/11 tới đây Toà án TP. Hồ Chí Minh sẽ mở phiên toà xử lại vụ kiện này.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, đối với Grab là “hoạt động kinh doanh rất mới và không đơn giản, bởi kết nối rất nhiều chủ sở hữu, hoạt động công nghệ khác nhau để từ đó hoàn thiện một quy trình nhằm phục vụ người tiêu dùng, khách hàng cũng như bảo đảm lợi ích của người lao động”. Theo ông Chiến, Grab không chỉ thuần túy là hoạt động của một hãng đăng ký để chở hành khách như taxi truyền thống mà kết nối bởi rất nhiều yếu tố và chủ thể khác nhau. Do vậy, việc định danh Grab không đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: để định danh cho hãng xe công nghệ cần dựa vào hai đối tượng, đó là người chạy xe và xe. Grab là công ty cung ứng về công nghệ và người chạy xe Grab là người cung cấp dịch vụ. Theo quan điểm của ông Nguyễn Trí Hiếu, Grab không phải công ty vận tải. Họ cung ứng công nghệ để tài xế Grab dùng công nghệ đó đón khách, cung cấp dịch vụ. Bản thân Grab không có xe, cũng không có người lao động, tất cả những người chạy xe Grab không phải nhân viên của hãng, chính vì thế không thể xem Grab như một công ty vận tải mà nên coi đó là doanh nghiệp công nghệ và là công ty môi giới để giới thiệu người cung ứng dịch vụ và người có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

Còn ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh thì cho rằng, Grab là 1 doanh nghiệp trung gian, có hoạt động kinh doanh vận tải như doanh nghiệp hỗ trợ. Song ông Bình cũng đặt vấn đề rằng Việt Nam đã cho thí điểm Grab hoạt động mà đến giờ này vẫn chưa có một văn bản để quản lý nên trong thời gian tới các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thành vấn đề này.

Nhiều thách thức cần tháo gỡ

Theo ông Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện nhà nước và pháp luật, trong thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp nào không cạnh tranh nổi thì bị đào thải khỏi thị trường và không thể cấm sự ra đời của các doanh nghiệp khoa học công nghệ được. Tuy nhiên, để loại hình xe công nghệ được phát triển theo xu hướng chung của thế giới mà vẫn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và xã hội, nhà nước cần đưa ra phương cách gì để quản lý mới là mấu chốt quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: “Để bảo vệ tính cạnh tranh, taxi công nghệ phải theo quy định chung về vấn đề thuế, an ninh cho người tiêu dùng, bảo hiểm. Nếu chúng ta tạo được một sân chơi có lợi cho Grab mà bất lợi cho taxi truyền thống thì đó là vi phạm cạnh tranh tự do trên thị trường”.

Ông Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - nêu ý kiến, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp taxi truyền thống với doanh nghiệp công nghệ, trước hết, Bộ Giao thông - Vận tải cần tổng kết việc thực hiện Quyết định số 24 về thí điểm ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đồng thời, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó phải bổ sung một loại hình mới là taxi công nghệ. Cùng với đó, Nghị định 86/2014 cần được sửa đổi theo hướng rút bớt điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo đà cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải phát triển.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, chính sách không nên đặt ra điều kiện để hạn chế sự phát triển của kinh tế chia sẻ, với nhiều mô hình kinh doanh mới, như yêu cầu Grab phải gắn mào cho xe như với taxi truyền thống. Điều này chẳng khác nào “đeo thêm đá vào chân doanh nghiệp”. Do đó, các chính sách cần hướng tới gỡ rào cản cho cả doanh nghiệp taxi truyền thống lẫn doanh nghiệp ứng dụng công nghệ.