Kinh tế Đức đối mặt nguy cơ suy thoái

Theo H.Hà/dangcongsan.vn

Ngày 12/10, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang đối mặt với nguy cơ sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 do hậu quả từ cuộc khủng hoảng năng lượng, giá cả leo thang và sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Giá năng lượng tăng cao góp phần khiến kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ suy thoái. Ảnh: Xinhua
Giá năng lượng tăng cao góp phần khiến kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ suy thoái. Ảnh: Xinhua

Theo ông Habeck, kinh tế Đức sẽ giảm 0,4% trong năm tới thay vì tăng trưởng 2,5% như dự báo trước đó. Trong khi dự báo tăng trưởng năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 1,4%, thay vì mức 2,2% theo dự báo.

Phát biểu với báo giới, ông Robert Habeck cảnh báo nước Đức đang đối diện với nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp châu lục.

Ông Habeck thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình: “Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, một cuộc khủng hoảng đang dần chuyển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội”.

Ông Habeck cảnh báo, nền kinh tế nước này có thể suy giảm từ 3 - 9% trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, gồm hai đường ống chạy song song với công suất mỗi bên là 27,5 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, ngày 2/9 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Gazprom của Nga thông báo đường ống Nord Stream 1 sẽ dừng hoạt động vô thời hạn do trục trặc kỹ thuật.

Để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa Đông, Đức đã tăng dự trữ khí đốt lên ít nhất 95% công suất trước ngày 1/11. Tuy nhiên, theo giới phân tích, với 95% công suất, lượng khí đốt dự trữ nói chung chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu của quốc gia trong 2 tháng mùa Đông lạnh giá nhất.

Theo Viện Kinh tế Đức (IFO), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể giảm 0,3% vào năm 2023 do lạm phát tăng cao và tình trạng thiếu khí đốt. Giám đốc IFO Timo Wollmershauser thậm chí cho rằng, Đức có thể rơi vào suy thoái ngay từ mùa Đông tới do sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khí đốt của Nga. Đà suy thoái sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2023 do chưa thể tìm được nguồn cung thay thế hoàn toàn, và khiến GDP của Đức lần lượt giảm 0,4% trong Quý I và 0,2% trong Quý II/2023.

Tỷ lệ lạm phát tại Đức trong năm 2022 được dự báo là 8,1% và sẽ tiếp tục tăng lên 9,3% trong năm 2023, thậm chí có thể lên đến hai số với 11% trong quý I/2023 do giá điện và khí đốt dự kiến sẽ tăng vọt. Theo Viện IFO, tình hình sẽ chỉ được cải thiện vào năm 2024 khi Đức có thể đạt mức tăng trưởng 1,8% cùng tỷ lệ lạm phát 2,4%.

Trong một nỗ lực mới nhất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Đức vừa cho biết, sẽ triển khai gói hỗ trợ 200 tỷ Euro để giúp các gia đình và doanh nghiệp ứng phó với tình hình lạm phát tăng cao. Các biện pháp được sử dụng dự kiến sẽ bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu và kiềm chế giá khí đốt.