Kinh tế Đức đối diện nguy cơ suy thoái

Theo dangcongsan.vn

Ngày 19/9, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dẫn báo cáo cho biết, lạm phát tại nước này có thể vượt mức 10% trong năm nay, cùng với đó nền kinh tế Đức đang có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Giá khí đốt và giá điện tăng cao là một trong các nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng tại Đức. Ảnh: Xinhua
Giá khí đốt và giá điện tăng cao là một trong các nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng tại Đức. Ảnh: Xinhua

Lạm phát cao là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế. Việc gói hỗ trợ giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện công cộng 9 Euro/tháng kết thúc vào cuối tháng 8 vừa qua đã khiến tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng mạnh.

Một trong những nguyên nhân là do giá khí đốt tự nhiên, giá điện tăng hơn nhiều so với dự kiến sau khi Nga giảm mạnh nguồn cung khí đốt cho Đức và châu Âu.

Giá tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra.

GDP của Đức tăng 1,5% trong quý II/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu đi xuống. Các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Trung ương Đức dự báo, tăng trưởng kinh tế của Đức có thể giảm nhẹ trong quý III năm nay, trước khi giảm mạnh trong quý IV và quý I/2023.

Trưởng bộ phận dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế (Ifo), ông Timo Wollmershaeuser cảnh báo: “Chúng ta đang bước vào cuộc suy thoái mùa Đông. Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga trong mùa Hè, dẫn tới việc giá năng lượng tăng mạnh, đang tàn phá sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19”.

Sức ép đã gia tăng đáng kể đối với ECB trong thời gian qua khi lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang lên mức cao mới. Để giảm lạm phát trong khu vực, ECB đã hai lần tăng lãi suất chủ chốt trong năm nay.

Trong tháng 8 vừa qua, lạm phát ở Eurozone đã tăng lên 9,1%, chủ yếu do cuộc khủng hoảng năng lượng liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và chỉ số này không có dấu hiệu giảm bớt. Tỷ lệ hiện tại cao hơn 4 lần so với mục tiêu lạm phát mà ECB đặt ra.

Các nhà kinh tế nhận định lạm phát ở Eurozone sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Theo Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel, lạm phát cao đang trở thành gánh nặng lớn đối với nhiều người.

Ông Nagel lên tiếng ủng hộ một đợt tăng lãi suất lớn trong tháng 9 và cho biết có thể sẽ phải có thêm đợt tăng lãi suất trong những tháng tới nhằm đẩy lùi lạm phát.