Kinh tế Hong Kong trong cơn sóng biểu tình

Theo Lê Phan/doanhnhansaigon.vn

Sau cuộc biểu tình năm 2014 dưới tên gọi “Phong trào dù vàng”, Hong Kong mới đây lại chìm trong làn sóng biểu tình, khi hàng trăm nghìn người xuống đường phản đối dự luật dẫn độ...

Những thiệt hại từ một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong hai thập kỷ qua tại Hong Kong đã được ghi nhận. Nguồn: internet
Những thiệt hại từ một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong hai thập kỷ qua tại Hong Kong đã được ghi nhận. Nguồn: internet

Theo đó, dự luật này, nếu được thông qua, sẽ cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang các quốc gia và vùng lãnh thổ chưa có hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, trong đó có Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Macau, để xét xử. 

Những thiệt hại đầu tiên 

Sau khi được Anh trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”, Hong Kong được phép duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ độc lập với Trung Quốc đại lục và hai bên chưa ký bất cứ thỏa thuận dẫn độ nào. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, đặc khu Hong Kong thường đối mặt với nhiều chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn từ Bắc Kinh, mà dự luật dẫn độ áp dụng đối với hơn 7 triệu cư dân Hong Kong cũng như người nước ngoài và công dân Trung Quốc ở Hong Kong đang bị nhiều người xem là một mối nguy đối với sự độc lập về luật pháp của vùng lãnh thổ này.

Những thiệt hại từ một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong hai thập kỷ qua tại Hong Kong đã được ghi nhận, khi biểu tình đã leo thang thành bạo lực với những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát, các trung tâm tài chính bị tê liệt, nhiều trung tâm thương mại cao cấp, như Pacific Place phải đóng cửa.

Giới doanh nhân Hong Kong cũng đang chuyển tài sản ra nước ngoài vì lo sợ dự luật mới nếu được thông qua sẽ gây nguy cơ tài sản bị đóng băng nếu bị điều tra. Theo sửa đổi của dự luật mới, giới chức Hong Kong có thể được đề nghị thu thập bằng chứng hoặc thực hiện những hỗ trợ khác như đóng băng, tịch thu tài sản của người bị truy nã tội danh liên quan đến tài chính. Hãng Reuters hôm 15/6/2019 đưa tin một doanh nhân Hong Kong đã chuyển hơn 100 triệu USD từ Citibank ở địa phương sang tài khoản ở Singapore vì sợ bị vướng vào những cuộc điều tra “có ý đồ chính trị”. 

Công ty đầu tư PineBridge Investments (Mỹ), đang quản lý 93 tỷ USD là một trong những công ty hủy hoặc hoãn các sự kiện ở Hong Kong trong tuần trước vì các cuộc biểu tình. Ngày 13/6/2019, chính quyền Hong Kong hoãn cuộc đấu giá một khu vực đất vàng có thể thu về 1,7 tỷ USD. Ngày 14/6/2019, sự kiện đua thuyền rồng với lượng khách dự kiến 60.000 người cũng bị hủy bỏ.

Trước những rủi ro trên, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong từ 11-13/6/2019 đã giảm gần 4%, trong đó cổ phiếu của các công ty bất động sản giảm sâu nhất. Lãi suất vay trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng leo lên mức cao nhất tính từ năm 2008. Cuộc biểu tình cũng đẩy đồng đôla Hong Kong lên mức cao nhất so với USD từ tháng 12 năm ngoái.

Cũng cần nhắc lại, cuộc biểu tình diễn ra năm 2014 đã tác động rất xấu đến ngành du lịch, khách sạn, bán lẻ và giao thông ở Hong Kong. Các cuộc biểu tình xung quanh luật dẫn độ hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu nhưng lần này thách thức còn lớn hơn, khi tăng trưởng kinh tế của Hong Kong đang xuống mức thấp nhất tính từ khủng hoảng tài chính năm 2009. 

Chưa dừng lại

Trước tình hình trên, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ vùng lãnh thổ này sang Trung Quốc đại lục xét xử. Dù vậy, người biểu tình đang tiếp tục kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn dự luật và kêu gọi bà Lam từ chức.

Tuy nhiên, khả năng bà Lam - một chính trị gia thân Bắc Kinh, khó có thể chấp nhận từ chức trong bối cảnh hiện nay, do đó mâu thuẫn giữa hai bên sẽ chưa dừng lại. Vì vậy, theo giới phân tích, các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Hong Kong vừa qua sẽ tiếp tục gây căng thẳng chính trị khi nó chạm vào nền tư pháp độc lập của đặc khu - một trong những thế mạnh cốt lõi khiến Hong Kong trở thành một trong những trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Đối với các công ty quốc tế đặt trụ sở khu vực ở Hong Kong, câu hỏi đặt ra là liệu các rủi ro chính trị đang gia tăng có thể đe dọa sức hấp dẫn của Hong Kong với vai trò là cửa ngõ kinh tế của Trung Quốc, và liệu có thúc đẩy dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi Hong Kong hay không. Từ nhiều năm nay, Hong Kong thường được xếp hạng ở các vị trí dẫn đầu trong các cuộc khảo sát toàn cầu về môi trường kinh doanh, nhưng điều này có thể thay đổi khi căng thẳng chính trị leo thang sẽ dẫn đến nhiều bất ổn.

Trong khi đó, Hong Kong có thể được Mỹ lợi dụng như là một điểm yếu để tiếp tục tấn công Trung Quốc trong mối quan hệ căng thẳng hiện nay giữa hai nước. Mới đây, Mỹ đã chia sẻ mối quan tâm của nhiều người ở Hong Kong rằng việc thiếu sự bảo vệ về thủ tục trong các sửa đổi được đề xuất có thể làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong và tác động tiêu cực đến lãnh thổ, các biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền tự do cơ bản và giá trị dân chủ. Nếu Mỹ “nhúng tay can thiệp” như một số cáo buộc gần đây, thì rõ ràng các cuộc biểu tình ở Hong Kong sẽ chưa sớm dừng lại.