Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến


Mặc dù thị trường lao động Mỹ đang chậm lại, nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhanh hơn dự kiến ban đầu trong quý II, nhờ vào chi tiêu của người tiêu dùng. Lợi nhuận của các công ty cũng phục hồi trong quý trước, giúp xua tan thêm nỗi lo về suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được dự báo có thể giảm nhẹ xuống còn 4,2%
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được dự báo có thể giảm nhẹ xuống còn 4,2%

Thị trường lao động chậm lại

Bộ Lao động Mỹ vừa cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm 2.000 xuống còn 231.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/8. Số đơn xin trợ cấp đã tăng lên cao nhất trong 11 tháng vào cuối tháng 7 do tác động của việc đóng cửa tạm thời các nhà máy sản xuất ô tô để tái cơ cấu mẫu xe mới và tác động của cơn bão Beryl.

Trong khi đó, số người nhận trợ cấp tiếp tục đã tăng 13.000 lên mức 1,868 triệu trong tuần kết thúc vào ngày 17/8. Đây được xem là một thước đo cho việc tuyển dụng và nó cho thấy tình trạng thất nghiệp kéo dài hơn.

Diễn biến này khiến các nhà kinh tế dự báo, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng này sẽ vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm là 4,3% hoặc giảm xuống còn 4,2%. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong 4 tháng liên tiếp, một phần phản ánh sự gia tăng nguồn cung lao động do nhập cư.

Tuy nhiên theo các nhà kinh tế, việc giảm tuyển dụng chủ yếu do chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn thay vì sa thải. Điều này đã thu hút sự chú ý của các quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đã nói vào tuần trước rằng “đã đến lúc chính sách phải điều chỉnh”.

Hiện thị trường tài chính đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 17-18/9 tới với việc cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm 25 điểm cơ bản, thậm chí có thể là 50 điểm cơ bản. Fed đã duy trì lãi suất chính sách trong phạm vi hiện tại là 5,25%-5,50% trong hơn một năm qua, sau khi đã tăng lãi suất tổng cộng 525 điểm cơ bản kể từ tháng 3/2022.

Kinh tế vẫn bền bỉ

Tuy nhiên số liệu điều chỉnh vừa được Cục Phân tích Kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/8 vẫn cho thấy sự bền bỉ của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng với tốc độ 3,0% theo năm trong quý II, cao hơn so với mức 2,8% theo số liệu ước tính ban đầu được báo cáo vào tháng trước. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng với tốc độ 1,4% trong quý đầu tiên.

Báo cáo điều chỉnh cũng cho thấy, chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm hơn hai phần ba nền kinh tế, tăng với tốc độ 2,9%, cao hơn nhiều so với số liệu ước tính ban đầu là 2,3% mà nguyên nhân một phần cũng do tiền lương thúc đẩy. Lạm phát giảm tốc cũng giúp cải thiện sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên các hộ gia đình đang tiết kiệm ít hơn và cũng sử dụng tiền tiết kiệm để duy trì chi tiêu. Theo đó tỷ lệ tiết kiệm đã được hạ xuống 3,3% từ 3,5%.

Sự gia tăng mạnh mẽ của chi tiêu tiêu dùng đã bù đắp cho việc đầu tư kinh doanh được điều chỉnh thấp hơn. Xuất khẩu và đầu tư hàng tồn kho tư nhân cũng được điều chỉnh thấp hơn.

Trong khi đó lợi nhuận của công ty bao gồm định giá hàng tồn kho và điều chỉnh tiêu dùng vốn đã tăng 57,6 tỷ USD lên mức cao kỷ lục sau khi giảm 47,1 tỷ USD trong quý đầu tiên. Biên lợi nhuận tăng 0,2 điểm phần trăm lên 15,4%.

“Biên lợi nhuận vững chắc và sẽ hỗ trợ cho đầu tư kinh doanh, cho phép các doanh nghiệp hấp thụ bất kỳ khoản tăng nào về chi phí đầu vào, đặc biệt là từ các vấn đề về chuỗi cung ứng, vì người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với giá cả”, Ryan Sweet - Nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics cho biết.

Khi đo lường từ phía thu nhập, tổng thu nhập quốc dân (GDI) của Mỹ tăng trưởng với tốc độ 1,3% trong quý 2, ngang bằng với mức tăng trưởng của quý đầu năm. Về nguyên tắc, GDP và GDI phải bằng nhau, nhưng trên thực tế, chúng khác nhau vì chúng được ước tính bằng cách sử dụng dữ liệu nguồn khác nhau và phần lớn là độc lập.

GDP và GDI trung bình, còn được gọi là tổng sản lượng quốc nội và được coi là thước đo tốt hơn về hoạt động kinh tế, đã tăng với tốc độ 2,1% trong quý II sau khi tăng với tốc độ 1,4% trong quý đầu tiên.

Mặc dù báo cáo thứ ba từ Cục Thống kê của Bộ Thương mại cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa tăng 6,3% lên 102,7 tỷ USD vào tháng 7 trong bối cảnh nhập khẩu tăng 2,3%, nhưng tác động đến GDP có thể sẽ giảm bớt do hàng tồn kho tăng. "Tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian tới, nhưng sẽ không có suy thoái", Gus Faucher - nhà kinh tế trưởng tại PNC Financial cho biết.

“Câu chuyện hạ cánh mềm đối với nền kinh tế vẫn còn nguyên vẹn cho đến bây giờ", Christopher Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại FWDBONDS cũng cho biết.

Theo Thời Báo Ngân Hàng