Kinh tế Mỹ và cuộc chia tay bên kia Đại Tây Dương
Việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 vừa qua có thể không đẩy kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái, nhưng tác động của nó tới chính sách tiền tệ, thương mại và lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ là điều khó thể tránh khỏi.
Nguy cơ đồng USD tăng giá
Lựa chọn của cử tri Anh đã tạo ra cú sốc tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Chỉ một ngày sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố, đồng bảng Anh đã chứng kiến sự tụt dốc thảm hại nhất trong lịch sử, giảm giá hơn 10% so với đồng USD, xuống mức thấp nhất từ năm 1985.
Mức sụt giá gần 10% chỉ trong vòng sáu giờ đồng hồ của đồng bảng Anh là mức giảm mạnh kỷ lục kể từ khi hệ thống thả nổi tỷ giá hối đoái được ban hành hồi đầu những năm 1970. Ngân hàng HSBC hạ dự báo tỷ giá đồng bảng xuống mức 1,2 USD/bảng vào cuối năm nay, và nhiều ngân hàng khác cũng dự đoán giá trị của đồng nội tệ Anh quốc sẽ tiếp tục hạ sâu hơn.
Các chuyên gia ngân hàng Anh cho biết diễn biến này “chưa từng có tiền lệ” trong bối cảnh kết quả cuộc trưng cầu dân ý đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường toàn cầu. Giá trị đồng euro cũng đã sụt giảm hơn 3% so với đồng USD bởi có nhiều quan ngại rằng kết quả Brexit sẽ ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế và chính trị đối với khối thương mại lớn nhất thế giới này, khiến EU mất đi vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mối lo về một cuộc khủng hoảng diễn ra ở cả Anh và châu Âu đã dẫn tới xu hướng bán tháo đồng bảng và mua vào các tài sản ít rủi ro như vàng, đồng yen Nhật Bản và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Xu hướng này chắc chắn sẽ khiến đồng USD tăng giá, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ; đồng thời sẽ buộc FED phải hoãn quyết định tăng lãi suất lâu hơn vì cần có thời gian để đánh giá tác động cũng như đàm phán các điều khoản liên quan đến việc Anh “ly dị” EU.
Rắc rối với TTIP
Tiến trình đàm phán Thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) quy mô lớn chưa từng có với Mỹ cũng sẽ gặp trở ngại. Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo nếu xảy ra Brexit, Anh sẽ phải xếp “ở cuối hàng” để chờ ký một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ.
Theo Michael Arone, nhà tư vấn đầu tư của tổ chức State Street Global Advisors có trụ sở ở New York, Anh sẽ phải mất 2 năm để đàm phán về các hiệp định và quy định thương mại mới với EU, tạo ra bức màn khiến dòng chảy thương mại và đầu tư mất phương hướng, buộc các doanh nghiệp phải “đóng băng” các quyết định sản xuất, kinh doanh. Kết cục có thể là đình trệ, giảm tốc. “Hãy xem các nền kinh tế đang phải vật lộn với những gì? Đó là nhu cầu trên toàn cầu thấp, buôn bán ế ẩm, tăng trưởng chậm”- chuyên gia này lo ngại.
Các công ty Mỹ lao đao
Khi chọn Anh làm bàn đạp, các công ty Mỹ thường viện dẫn các yếu tố như Anh có thị trường lao động linh hoạt hơn so với phần còn lại của châu Âu, ngôn ngữ tiếng Anh, tính pháp trị, văn hóa sáng tạo. Tuy nhiên, những yếu tố đó nếu không gắn kết với EU sẽ mất đi sức hút của mình.
Trong một bức thư được đăng trên tờ “London Financial Times” hồi tháng trước, lãnh đạo của nhiều công ty lớn, trong đó có Giám đốc điều hành General Electric Jeff Immelt, Giám đốc điều hành Cisco Systems Chuck Robbins và Chủ tịch tập đoàn Bloomberg LP đã nói rằng: “Đối với chúng tôi, tư cách thành viên EU cũng là một lý do quan trọng khiến chúng tôi chọn Anh. Việc Anh rời khỏi thị trường chung EU là rất đáng quan ngại và tiềm ẩn những mất mát lớn”.
Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon hồi đầu tháng này cảnh báo các nhân viên ở Bournemouth - nơi làm việc của 1/4 trong tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này, rằng Brexit sẽ buộc JPMorgan phải cắt giảm nhân công. Ông nói: “Sau Brexit, chúng tôi không thể chỉ tập trung ở Anh. Có thể 1.000, 2.000 thậm chí là 4.000 việc làm sẽ bị cắt giảm”.
Ford Motor, tập đoàn ô tô có các nhà máy trải khắp ở Anh và châu Âu cũng đã gửi thư cho nhân viên, thông báo tập đoàn có thể phải đối mặt với mức thuế tăng 2,7% đánh vào động cơ nhập khẩu từ Anh và 10% đối với xe thành phẩm, có thể khiến lợi nhuận giảm hàng trăm triệu USD mỗi năm. Giám đốc điều hành Ford chi nhánh tại Anh Andy Barratt cho rằng “điều này sẽ có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh”. Lợi nhuận của Ford tại châu Âu vừa mới khôi phục mức trước khủng hoảng năm 2008, sau nhiều năm thua lỗ và buộc lòng phải đóng cửa nhiều nhà máy.
Nhiều công ty khác sử dụng Anh như là một bàn đạp xuất khẩu cũng lo ngại việc rồi đây sẽ có sự khác biệt giữa Anh và EU về luật lệ. Chia sẻ với hãng tin Reuters, Phó Chủ tịch tập đoàn Mars Inc. Matthias Berninger cho rằng, một vấn đề cam go hơn chính là việc điều chuyển nhân công giữa các trung tâm sản xuất, với những quy định hạn chế nhập cư mới mà những người ủng hộ chiến dịch Brexit đang thúc đẩy. Việc mất giá của đồng bảng Anh trong dài hạn cũng sẽ làm giảm lợi nhuận ở Anh - thị trường lớn thứ hai thế giới của hai hãng sản xuất chocolate Mỹ là M&Ms và Snickers. “Đây đều là những vấn đề gây đau đầu mà đằng sau đó là chi phí gia tăng ăn mòn lợi nhuận... Đó là sự sụp đổ từ từ”, Berninger nói.