Kịch bản 100 ngày hậu Brexit
Hôm nay, 23/6, theo giờ Anh, sẽ diễn ra cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định việc Anh ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù đến thời điểm này, rất khó để đoán kết quả cuộc trưng cầu dân ý sẽ như thế nào. Song, một điều chắc chắn là kịch bản Brexit sẽ gây ra những cú sốc lan tỏa về mặt chính trị và kinh tế.
Thực tế, các quan chức châu Âu ít có sự chuẩn bị cho tình huống một quốc gia thành viên từ bỏ EU, khi các quy tắc về vấn đề này mới được bổ sung vào luật năm 2009. Theo một quan chức cấp cao giấu tên của châu Âu, các nhà lãnh đạo ở Brussels được lệnh không chuẩn bị bất cứ kịch bản nào trên giấy tờ nhằm đối mặt với khả năng Anh rời khỏi liên minh gồm 28 quốc gia thành viên, còn gọi là Brexit, do lo ngại có thể làm tăng hoang mang trong dư luận. Các nhà phân tích dự đoán về phản ứng của EU trong 100 ngày đầu tiên hậu Brexit.
24 giờ đầu tiên
Các thị trường tài chính trên toàn cầu đều bồn chồn trước tác động mà kết quả của trưng cầu dân ý sẽ gây ra với kinh tế thế giới. Trước bình minh ngày 24.6, nếu kết quả trưng cầu dân ý trở nên rõ ràng, giới lãnh đạo EU, từ Berlin tới Brussels, sẽ buộc phải ở trong tình trạng báo động rủi ro. Theo kinh nghiệm rút ra từ cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, các Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thành viên EU sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp ngay lập tức. Tỷ giá đồng bảng Anh sẽ biến động mạnh, Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ sẽ phải can thiệp quyết liệt hơn và thị trường tài chính toàn cầu sẽ trở nên bất ổn. Đó nhiều khả năng sẽ là những phản ứng đầu tiên từ thị trường.
Lothar Mentel, Tổng Giám đốc điều hành Tatton Investment Management (London) cho hay, thị trường tiền tệ vẫn chưa thể định giá được đồng bảng Anh trong trường hợp Anh rời khỏi EU, nên nếu Brexit xảy ra, chắc chắn sẽ có những đổ vỡ.
7 ngày đầu tiên
Trong tuần đầu tiên Anh giũ bỏ tư cách thành viên EU, các thành viên còn lại của khối sẽ phải tự giải đáp những câu hỏi của riêng mình. Trong bối cảnh những lo ngại về việc Brexit sẽ thổi bùng làn sóng ủng hộ các nước EU tách khỏi Liên minh, làn sóng phản đối các quy định và chính sách chung của EU. Các nhà lãnh đạo EU sẽ phải tổ chức hội nghị khẩn cấp mà không có sự hiện diện của Anh, có thể sẽ diễn ra vào ngày 25.6.
Có 2 lý do để tiến hành hội nghị này: thứ nhất, EU cần gửi thông điệp tới các cử tri Tây Ban Nha, những người sẽ đi bầu cử vào ngày 26.6 rằng, EU vẫn duy trì sức mạnh; thứ hai, để thảo luận về vấn đề nước Anh sẽ cư xử như thế nào với các quy tắc chung của khối, chẳng hạn như sự tự do di chuyển của công dân và quyền tham gia các thị trường tài chính EU.
Sau khi Anh rời đi, tình trạng chia rẽ trong nội bộ EU sẽ càng sâu sắc. Tại Pháp, nơi đa phần người dân ủng hộ chính sách liên kết, theo kết quả khảo sát của National Front, Thủ tướng Pháp Francois Hollande sẽ cần phải chứng tỏ với cử tri rằng, quyết định rời khỏi EU chỉ mang lại kết quả tiêu cực, nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017. Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia khác, như Hà Lan và Đan Mạch, nơi người dân không hài lòng với EU, sẽ cần cân nhắc tới các chính sách để ủng hộ nước Anh, đồng minh truyền thống của mình.
Những quốc gia nằm ngoài Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đặc biệt là những nước đang có thái độ bất mãn với EU như Hungary, Ba Lan và Thụy Điển, có thể sẽ thành lập nhóm chống đối nỗ lực của Pháp và Đức đưa EU đi theo hướng hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, sự ra đi của Anh cũng đồng nghĩa rằng những nước này sẽ mất đi người đồng minh quan trọng, bởi những nước còn lại chỉ đóng góp 14% GDP của EU.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU khác tại Brussels trong tuần kế tiếp. Đây sẽ là nơi lần đầu tiên giới chức EU phải sử dụng tới Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon liên quan đến các quy định khi một quốc gia rời khỏi nhóm. Theo đó, Anh sẽ có thời hạn 2 năm, tức tới cuối tháng 6.2018, để hoàn thành các cuộc đàm phán liên quan tới quyết định rời khỏi liên minh. Câu hỏi đặt ra là, Anh sẽ trở thành quốc gia có mối quan hệ gần gũi với EU, như Na Uy và Iceland hiện tại, hay chỉ giao dịch với EU trong khuôn khổ làm việc của WTO?
100 ngày đầu tiên
Giới chức châu Âu hiện đang lo ngại cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ làm nổ ra một loạt yêu cầu tương tự trên khắp lục địa già. Trong bối cảnh Hà Lan, Pháp và Đức chuẩn bị tiến hành bầu cử vào năm 2017, có lý do để khiến những nước khác ở EU từ bỏ ý định tiếp bước Anh và điều này có thể làm giảm tiếng nói của London trong các cuộc đàm phán.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao làm việc tại Quỹ Marshall của Đức, Michael Leigh, EU cần có biện pháp để ngăn cản những quốc gia thành viên khác theo chân Anh và điều này sẽ khiến EU bị phân tán khỏi những vấn đề quan trọng khác, trong đó có khủng hoảng nợ Hy Lạp, khủng hoảng nhập cư hay khủng hoảng Ukraine.
Trong khi đó, Anh sẽ bắt đầu đàm phán lại rất nhiều các thỏa thuận liên quan tới EU, bao gồm hạn ngạch đánh bắt cá, quy tắc dịch vụ tài chính, tiêu chuẩn y tế và an toàn, những quy định mà Anh đã áp dụng hơn 50 năm qua khi là thành viên EU. Anh cũng sẽ phải tự đàm phán các hiệp định thương mại riêng với phần còn lại của thế giới, với tư cách quốc gia không là thành viên của EU.
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, việc cắt đứt mối quan hệ lâu năm giữa Anh và EU sẽ dẫn tới quá trình đàm phán kéo dài ít nhất 7 năm, bởi mỗi bước đi đều cần có sự đồng ý của các thành viên EU và Nghị viện châu Âu, trong khi không có gì bảo đảm rằng đàm phán sẽ thành công.