Kinh tế phục hồi, Nga sẽ thoát nguy cơ khủng hoảng?

Theo Cẩm Anh/diendandoanhnghiep.vn

Nga tin rằng họ đã đẩy lùi một cuộc khủng hoảng tài chính khi đồng tiền của họ phục hồi và dữ liệu kinh tế được cải thiện, nhưng các chiến lược gia lại nghi ngờ điều này.

Nền kinh tế Nga đang phụ thuộc một phần vào việc giữ ổn định giá trị đồng Rúp trong tương lai.
Nền kinh tế Nga đang phụ thuộc một phần vào việc giữ ổn định giá trị đồng Rúp trong tương lai.

Dấu hiệu phục hồi kinh tế 

Theo CNBC, nền kinh tế Nga đang cho thấy những dấu hiệu tích cực khi tốc độ tăng lạm phát có dấu hiệu chậm lại; cùng với đó, đồng Rúp tăng giá trở lại từ mức thấp nhất mọi thời đại hồi tháng 3.

Trong khi đó, các chỉ số kinh tế Nga đang được cải thiện. Đặc biệt, Nga đã cố gắng tránh vỡ nợ ngoại tệ, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây đóng băng một lượng lớn dự trữ ngoại hối của nước này.

Lạm phát của Nga đã đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ là 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, tăng từ mức 16,7% trong tháng 3, nhưng tốc độ tăng giá đang bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Tăng trưởng giá tiêu dùng chậm lại, từ 7,6% trong tháng 3 xuống 1,6% trong tháng 4, và giá hàng hóa phi thực phẩm chỉ tăng 0,5% trong tháng 4 so với 11,3% trong tháng 3.

Trước thực trạng trên, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ, theo đó có thể sẽ cắt giảm 200 điểm lãi suất cơ bản vào tháng 6 tới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Các số liệu về lạm phát của Nga sẽ hỗ trợ thêm cho đánh giá của ngân hàng trung ương rằng "giai đoạn cấp tính" của cuộc khủng hoảng ở Nga đã trôi qua”, ông Liam Peach, chuyên gia kinh tế của Capital Economics cho biết.

Đồng Rúp có thể tiếp tục tăng

Việc tăng giá hàng hóa ở Nga chậm lại kéo theo sự tăng giá mạnh của đồng Rúp. Vào sáng 18/5 tại châu Âu, đồng Rúp được giao dịch ở mức chỉ hơn 62USD, mức giá đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 150 USD vào ngày 7/3, sau khi công bố một loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế để đáp trả cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đến nay, đồng bạc xanh đã giảm gần 17% so với đồng Rúp.

Đồng Rúp đã lấy lại đà tăng giá sau khoảng 3 tháng giảm kỷ lục.
Đồng Rúp đã lấy lại đà tăng giá sau khoảng 3 tháng giảm kỷ lục.

Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ từ CBR - bao gồm việc ra lệnh cho các công ty chuyển 80% nguồn thu ngoại tệ của họ thành đồng Rúp - đã giúp hồi sinh đồng nội tệ đang suy yếu. Bên cạnh đó, Điện Kremlin ban đầu cũng cấm công dân Nga chuyển tiền ra nước ngoài. Hiện, việc chuyển tiền hiện bị giới hạn ở mức 10.000 USD/tháng đối với cá nhân cho đến cuối năm 2022.

Ngoài ra, CBR sẽ tiếp tục mua vàng với giá cố định 5.000 Rúp/gram từ ngày 28/3 đến ngày 30/6/2022. Động thái này góp phần củng cố thêm sức mạnh của đồng Rúp.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, các động thái của Moscow nhằm bảo vệ đồng nội tệ của mình có thể được coi như hành động thao túng tiền tệ.

Ông Charles-Henry Monchau, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng Syz có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết trong khi CBR đã triển khai một loạt các công cụ để phục hồi giá trị đồng Rúp, rất ít người bên ngoài nước Nga muốn mua một đồng Rúp trừ khi họ hoàn toàn phải làm như vậy. Các nhà giao dịch không còn coi đồng Rúp là một loại tiền tệ tự do chuyển đổi.

“Nếu Nga thành công trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề Ukraine, thoát khỏi các lệnh trừng phạt và khôi phục quan hệ thương mại với phương Tây, thì đồng Rúp có khả năng giữ nguyên giá trị hiện tại. Ngược lại, nếu chiến sự kéo dài và Nga hứng chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt khác, thì lạm phát sẽ bùng nổ và suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn ở Nga.

Được biết, Nga đã thanh toán thành công cho chủ sở hữu hai lô trái phiếu chính phủ Nga mệnh giá bằng USD, đáo hạn vào năm 2022 và 2042 với trị giá tổng cộng 650 triệu USD, trước khi kết thúc thời gian ân hạn 30 ngày vào ngày 4/5 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cảnh báo khả năng xảy ra cao về một vụ vỡ nợ của Nga trong vòng 2 năm tới.

Rủi ro còn ở phía trước

Trong khi Nga dường như đã chống đỡ được sự sụp đổ kinh tế sắp xảy ra, thì triển vọng dài hạn lại kém lạc quan hơn, do  mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt tiếp theo vẫn còn.

Một cuộc khảo sát của CBR với hơn 13.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn khi nhập khẩu hàng hóa vào nước này.

Cuộc khảo sát cho thấy tình trạng thiếu những phụ tùng xe hơi, bao bì, vi mạch, nguyên liệu thô... đang buộc một số công ty Nga phải tạm dừng hoạt động của nhà máy hoặc tìm kiếm nguồn lực ở nơi khác.

Bà Elina Ribakova, Phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, nói với BBC vào tuần trước rằng các chỉ số kinh tế “bề ngoài” của Nga sẽ không có ý nghĩa gì, vì vấn đề bảo đảm việc làm vẫn còn mơ hồ đối với nhiều người Nga.

“Trong năm nay, chúng ta sẽ thấy tác động đối với nền kinh tế Nga khi các công ty bắt đầu cạn kiệt các bộ phận hoặc thiết bị và phải bắt đầu sa thải nhân viên hoặc cho họ nghỉ việc không lương”, bà Elina Ribakova nhận định.