Kinh tế số - cơ hội cho khu vực tư nhân
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện mục tiêu này, TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, kinh tế số là mảnh đất màu mỡ và tiềm năng vô tận mà doanh nghiệp tư nhân có thể khai thác và thành công. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần có những chính sách mạnh mẽ, cụ thể hơn để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia lĩnh vực này.
Mảnh đất màu mỡ
Có thể nói rằng, lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đã có một nghị quyết riêng với những quan điểm hết sức rõ ràng về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của đất nước. Điều này, theo ông sẽ tạo ra những tác động như thế nào đối với việc hoạch định chính sách?
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn. |
Đến giai đoạn này, trước những thách thức của toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế tri thức, kinh tế số… khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phải “lột xác” một lần nữa để tiếp tục phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ra đời với những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, khả thi đã đặt nền tảng cho công cuộc “đổi mới lần thứ hai” của khu vực kinh tế tư nhân.
Phát triển kinh tế tư nhân là tất yếu nhưng thực tế cũng cho thấy, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam khá chật vật, quy mô nhỏ bé, năng suất, hiệu quả hoạt động khiêm tốn... Theo ông, nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là gì?
Khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ, nhưng quy mô bình quân về vốn, lao động thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân thấp hơn khá nhiều so với doanh nghiệp thuộc hai khu vực nêu trên. Bên cạnh các yếu tố chủ quan và khách quan đã được Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII chỉ rõ, tôi cho rằng, việc chậm đầu tư vào công nghệ cũng là một nguyên nhân cơ bản.
Khi công nghệ còn là hạn chế của khu vực này, thì đâu là hướng đi phù hợp cho kinh tế tư nhân nước ta trong thời gian tới, thưa ông?
Kinh tế số hóa đang là tiêu điểm phát triển của nhiều quốc gia. Nền kinh tế số hóa cũng là động cơ tăng trưởng kinh tế và đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi cách chúng ta suy nghĩ, làm ăn kinh doanh. Khoảng 10 - 15 năm trước, chúng ta không thể tưởng tượng được Facebook, YouTube, Uber, Grab, Alibaba, Amazon… sẽ làm thay đổi cuộc sống của mình như thế nào. Mọi tài nguyên, dịch vụ trên nền tảng internet đều có thể tiếp cận được qua một cú click chuột. Tất cả đều rất dễ dàng, giúp cho con người tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng sự chủ động, sáng tạo.
Thực tế cho thấy, kinh tế số cũng đang để lại dấu ấn ngày càng sâu đậm hơn trong đời sống của người dân nước ta những năm gần đây thông qua thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến… Trước đây, khi muốn đi xe ôm thì chúng ta phải giải thích với bác xe ôm địa chỉ, mặc cả giá, nhưng hiện nay sử dụng dịch vụ Grab, Uber thì tất cả đều được thực hiện tự động, rất thuận lợi. Tôi cho rằng, phát triển công nghệ, gia nhập vào nền kinh tế số là một hướng đi rất tốt cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Nhưng kinh tế số cũng đang tạo ra nhiều thách thức đối với khu vực kinh tế tư nhân, thưa ông?
Đúng là như vậy. Các dịch vụ số như Uber, Grab có thể đe dọa đến sự tồn tại của các hãng taxi truyền thống. Dịch vụ bán hàng online Amazon, Alibaba, Sendo… có thể ảnh hưởng đến hệ thống bán lẻ. Ứng dụng nhắn tin đa nền tảng không trả phí Viber, WhatsApp, Skype, Zalo… có thể làm giảm doanh thu của các nhà mạng viễn thông. YouTube, Yeah1… ảnh hưởng đến phát thanh truyền hình, hay như mạng xã hội Facebook… ảnh hưởng đến truyền thông… Thách thức là vậy, song sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thị trường quốc tế, qua công cụ ảo, triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin tiên tiến.
Trên thực tế, mạng truyền thông Yeah1 Network của Việt Nam, nhờ tập trung đầu tư vào công nghệ nên đang xếp thứ 7 trong Top 10 mạng truyền hình trực tuyến, hàng tháng thu hút khoảng 4,2 tỷ người xem trên toàn cầu. Hay như ví điện tử trên nền điện thoại di động Momo hiện đã có trên 5 triệu người sử dụng, có thể thanh toán trực tuyến cho trên 500 loại dịch vụ khác nhau. Tôi cho rằng, kinh tế số là mảnh đất vô cùng màu mỡ và có tiềm năng vô tận… Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tập trung khai thác và thành công trên nền tảng này.
Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiếp cận giải pháp công nghệ mới
Để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào nền kinh tế số, triển khai thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, thì cần có những chính sách nào của Nhà nước?
Qua trao đổi với doanh nghiệp phát triển kỹ thuật số, tôi đã nhận được nhiều kiến nghị về chính sách của Nhà nước. Cộng đồng doanh nghiệp này cần có các chính sách để khuyến khích đầu tư vào công nghệ, phát triển tự động hóa trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội. Những chính sách này sẽ góp phần tạo thị trường cho các sản phẩm tự động hóa trong nước.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân cũng cần chính sách để tăng cường hợp tác với các công ty trong nước trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, internet vạn vật, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Các chính sách hướng tới tạo lập môi trường thuận lợi để khởi nghiệp, nghiên cứu, trình bày và thử nghiệm những sáng kiến số, phát triển từ những ý tưởng ban đầu đến lên kế hoạch cho sự chuyển đổi đầu tư, để kinh tế số trở thành mục tiêu hoạch định chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tiếp cận giải pháp công nghệ mới thông qua chính sách nhằm nâng cao năng lực công nghệ quốc gia trong các lĩnh vực trọng yếu của cách mạng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ S.M.A.C dựa trên nền tảng công nghệ số và cảm biến (S), các ứng dụng di động và liên lạc máy - máy (M), phân tích dữ liệu lớn (A) và hạ tầng đám mây (C), IoT, sinh học, nano, in 3D.
Các chính sách cho riêng cộng đồng doanh nghiệp liệu đã đủ để giúp họ bước vào nền kinh tế số, thưa ông?
Bên cạnh những chính sách nêu trên, trong thời gian tới, cần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, nhằm tạo ra nguồn nhân lực sáng tạo cho xã hội. Đây sẽ là nền tảng cho cuộc cách mạng số, hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Muốn như vậy, cần đẩy mạnh đưa công nghệ thông tin vào giáo dục ở các cấp độ (căn bản, nâng cao, đại học và sau đại học).
Cần nghiên cứu kỹ càng để đưa ra giáo trình dạy phù hợp cho từng cấp học về “các kỹ năng số”, phương pháp nghiên cứu. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh kết nối giáo dục và nghiên cứu, cũng như chuyển giao công nghệ từ các phòng, viện nghiên cứu trường đại học cho hoạt động sản xuất, kinh doanh bên ngoài.
Xin cảm ơn ông!