Kinh tế số không thể thiếu hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo

Theo Phương Hiền/baochinhphu.vn

Nhờ có kinh tế số, chi phí thời gian, vật chất và nhân lực để sản xuất sản phẩm, dịch vụ được giảm xuống tới mức thấp nhất, còn lợi nhuận được tính toán để đạt mức cao nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đó là những viễn cảnh nhận được sự đồng thuận cao từ giới khoa học, chuyên gia về quản lý nhà nước tại Hội thảo Kinh tế số vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Những hình dung ban đầu về nền kinh tế số

Để có hình dung cụ thể về nền kinh tế số, hãy cùng xem xét một số điển hình.

Ví dụ, với hình ảnh số được vệ tinh cung cấp, người trồng trọt có thể nắm bắt tình trạng chất lượng đất đai, môi trường, khí hậu, thời tiết tại khu vực gieo trồng qua các hệ thống cảm biến ở ngay hiện trường, tức nhà nông sẽ không cần phải tới tận nơi để lấy mẫu đất, gửi đến phòng thí nghiệm phân tích rồi chờ kết quả như cách làm truyền thống xưa nay nữa.

Dựa trên các hình ảnh vệ tinh về thời tiết, địa chất có thể được truy cập rộng rãi, người ta có thể tiên đoán hiệu suất vụ mùa, dự báo hạn hán, sự thay đổi khí hậu, thời tiết… Người làm nông nghiệp nhờ đó sẽ có biện pháp điều chỉnh hoạt động canh tác cho phù hợp, đại thể như chuẩn bị tiêu thoát nước nếu dự báo có mưa lớn gây ngập úng; chuẩn bị dự trữ nước nếu dự báo có hạn hán…

Kinh tế số với những công cụ lợi hại như Internet vạn vật (IoT) hay trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các hệ dữ liệu cần thiết để giải các bài toán về việc xác định tập khách hàng, tìm kiếm nhân sự, dự báo thị trường cho sản phẩm, tối ưu hóa sản xuất và các giao dịch hành chính, phân tích rủi ro và cho doanh nghiệp các khuyến nghị phù hợp…

Nói chung, nhờ có kinh tế số, chi phí thời gian, vật chất và nhân lực để sản xuất sản phẩm, dịch vụ được giảm xuống tới mức thấp nhất, còn lợi thuận được tính toán để đạt mức cao nhất.

Hạ tầng số - át chủ bài đầu tiên

Vấn đề ở đây là nền kinh tế số chỉ có thể vận hành trên một nền tảng hạ tầng số tương ứng với một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin doanh nghiệp, dân cư, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, đất đai, địa chất… có thể được chia sẻ; sự sẵn sàng của lực lượng nhân lực và nguồn vật lực - thiết bị công nghệ có ứng dụng IoT và AI.

Theo GS.,TS, Hồ Tú Bảo, chuyên gia về khoa học máy tính tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản, “không có hạ tầng số, không có trí tuệ nhân tạo” và đương nhiên là không thể xây dựng nền kinh tế số.

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết ở tầm vĩ mô, Chính phủ Việt Nam hiện đang có 4 mối quan tâm lớn cần huy động sự đóng góp của giới chuyên gia trong và ngoài nước. Trước tiên là xây dựng hạ tầng số nhanh và hiệu quả. Ở đây, Việt Nam đang có lợi thế nhất định khi ngành công nghệ thông tin đã phủ sóng 3G, 4G tới 95% cả nước, sắp tới sẽ triển khai thí điểm 5G. Những nền tảng số khác về chia sẻ cơ sở dữ liệu và chính sách thanh toán điện tử cũng đang dần được triển khai.

Thứ hai là tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp, điều chỉnh được các vấn đề phát sinh khi công nghệ mới ra đời. Tiếp đó là tạo dựng, quản lý và mở dữ liệu để người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, chia sẻ. Trụ cột thứ tư là đổi mới hệ thống giáo dục và dạy nghề để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số.

Câu hỏi mà giới doanh nghiệp quan tâm là làm sao để có đủ chuyên gia về AI cho một nền kinh tế số trong tương lai?

Theo GS. Hồ Tú Bảo, hiện Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang tổ chức kết nối các viện, trường trong nước với nhau, và với các nhà khoa học, chuyên gia AI người Việt trên toàn cầu. Để chuẩn bị đón đầu kinh tế số, nguồn nhân lực khoa học dữ liệu và AI cần phải được xây dựng ở cả diện rộng (tầm cử nhân đại học) lẫn chiều sâu - các nhân lực tinh hoa để dẫn dắt xu hướng. Tất nhiên, ưu tiên đào tạo hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam vẫn nên là nhân lực ở các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, giáo dục thông minh, bảo vệ môi trường hay chăm sóc sức khỏe thông minh.
“Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng vừa thành lập câu lạc bộ AI, đang cố gắng quy tập được 50-60 giảng viên chuyên nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở nhiều trường thành viên, hy vọng lực lượng này có thể chia sẻ chất xám với các doanh nghiệp quan tâm”, GS. Bảo cho hay.