Doanh nghiệp số trong Cách mạng Công nghiệp 4.0: Chủ động sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới
“Ở nước ta, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mới bắt đầu. Đây là cơ hội duy nhất để Việt Nam tạo bước nhảy vọt. Do đó, ngay lúc này các doanh nghiệp phải tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ”. Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) Nguyễn Văn Nam chia sẻ tại Hội thảo Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo diễn ra sáng ngày 26/10.
81% doanh nghiệp chưa có chiến lược số hóa
Thời gian qua, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp luôn nỗ lực trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số…
Điều này đã mang lại những kết quả đáng khích lệ cho nền kinh tế. Theo đó, năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua; năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.
Mặc dù vậy, theo Viện trưởng BCSI, TS. Võ Trí Thành, “chúng ta nói nhiều về Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng thực chất chúng ta mới chỉ bắt đầu tiếp cận với nó”. Nhận định này đã phần nào được minh chứng bằng số liệu của Bộ Công thương. Theo đó, có tới 81,3% doanh nghiệp chưa có chiến lược thích ứng và cơ cấu tổ chức phù hợp với xu thế số hóa toàn cầu. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp trở nên thụ động, chậm phát triển vì thiếu dữ liệu, thiếu kết nối và mất tính đột phá.
Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương Nguyễn Thị Minh Huyền bổ sung: Hiện, hạ tầng thanh toán, tỷ lệ thanh toán điện tử thấp. Chỉ 40% người dân có tài khoản ngân hàng, trong đó tỷ lệ thanh toán online chỉ chiếm khoảng 10%. Mặt khác, hệ thống logistics còn nhiều hạn chế.
Theo đó, năm 2017, 40% khách hàng mua hàng trực tuyến chưa hài lòng về vận chuyển giao hàng. Thị trường nặng về lao động đơn giản với 40% tay nghề thấp, 50% lao động trung bình… Ngoài ra, cơ chế quản lý chưa theo kịp sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời, chưa hoàn thiện, liên thông hệ thống chính sách pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.
“Phải đổi mới tư duy”
Theo các chuyên gia, trong giai đoạn hiện nay, khi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, ứng dụng số hóa là tất yếu. Bởi với công nghệ mới, mọi hoạt động được kết nối, tối ưu hóa, giảm sự can thiệp của con người, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm của người dùng. Việc ứng dụng số hóa còn góp phần cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, qua đó giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tạo giá trị thặng dư lớn.
Ông Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh, “ở nước ta, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mới bắt đầu. Đây là cơ hội duy nhất để nước chậm phát triển như Việt Nam tạo bước nhảy vọt. Do đó, ngay lúc này các doanh nghiệp phải tích cực đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số mới có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ”.
TS. Võ Trí Thành bổ sung, theo thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ những người có mong muốn kinh doanh nhiều nhất thế giới, nhưng tỷ lệ người sáng tạo vào sản phẩm lại rất thấp. “Khó khăn hiện nay là chúng ta thiếu tư duy tự thay đổi, thiếu sự quả quyết trong thực hiện chính sách phát triển. Do vậy, muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải có hành động cụ thể, tự thay đổi và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị”, ông nói.
Thực tế, Cách mạng 4.0 vừa tạo ra cơ hội song cũng có rất nhiều thách thức đối với Việt Nam. Do vậy, chúng ta có nắm bắt được cơ hội cũng như có vượt qua thách thức phụ thuộc rất lớn vào việc xác định vị trí đang đứng ở đâu, cách lựa chọn đi tiếp như thế nào? Lúc này, cần nhìn rõ bản chất cách mạng số, đặc biệt cần đến tư duy đổi mới, quyết sách đúng đắn của người thủ lĩnh. Nói như Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hitachi consulting Việt Nam Nguyễn Bá Quỳnh, “chúng ta phải thay đổi hành vi để phù hợp với sự phát triển của công nghệ. Người lãnh đạo phải đổi mới tư duy. Với một nền kinh tế nhỏ, yếu thì không nên tự xây dựng nền kinh tế nền tảng mà phải sáng tạo để tạo giá trị gia tăng lớn hơn dựa trên nền tảng đã có”.
Rõ ràng, dù có nhắc nhiều đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 nhưng hiện, nhiều công nghệ mới chưa thể hoạt động, vận hành ở Việt Nam do hạ tầng kỹ thuật không thể tương thích. Điều này cho thấy, muốn tạo ra bước nhảy đột phá phải có sự đầu tư đồng bộ, có nền tảng phù hợp. Song, doanh nghiệp và nền kinh tế có chuyển biến được rất cần vai trò lãnh đạo và tư duy linh hoạt để kịp thời thích nghi với sự thay đổi.
Các chuyên gia nhấn mạnh, trước khi nghĩ đến những điều to tát, các ứng dụng lớn hơn như dữ liệu lớn (Big data), phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo… doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn. Muốn số hóa doanh nghiệp thì phải dựa trên nền tảng hoạt động cơ bản, chuyên nghiệp, đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn cao, phải có sẵn sản phẩm tốt, cạnh tranh trên thị trường. Muốn vậy, trước tiên, lãnh đạo phải đổi mới tư duy!
Chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế với những kết quả đột phá. Nhưng Cách mạng 4.0 không phải phép màu với sức mạnh thần kỳ. Vì vậy, cần nghiêm túc nhìn nhận lại một cách thấu đáo, chúng ta đang ở đâu trong cuộc cách mạng này để đưa ra những quyết sách phù hợp với mục tiêu phát triển.