Doanh nghiệp số cần đổi mới sáng tạo để phát triển

Theo Hồng Ánh/kinhtevadubao.vn

Muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị.

Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo”. Nguồn: Internet
Hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo”. Nguồn: Internet

Đây là nhận định của PGS., TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh tại hội thảo “Doanh nghiệp số và đổi mới sáng tạo” được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và Hiệp hội Internet Việt Nam, ngày 26/10/2018 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 và thời đại số, hạ tầng công nghệ số ở Việt Nam cũng đạt được một số kết quả tích cực, như: số người dùng Internet đạt 67%; tỷ lệ dùng điện thoại đạt 153% cao hơn mức trung bình của khu vực (134%); Tỷ lệ băng rộng di động mặt đất/100 dân đạt 39% (mức trung bình của khu vực là 30%).

Tuy nhiên, “phát triển kinh tế số ở Việt Nam còn một số hạn chế, hạ tầng công nghệ số còn thấp, một số chỉ số thấp hơn mức trung bình của khu vực, như: dân số vùng thành thị chỉ đạt 35% (mức trung bình khu vực là 46%); tỷ lệ sử dụng 4G đạt 4% (mức trung bình khu vực là 59%). Ngoài ra, hạ tầng hỗ trợ tỷ lệ thanh toán online thấp, chỉ chiếm khoảng 10%...”, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay.

Bên cạnh đó, theo Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng tiếp cận CMCN 4.0 của các doanh nghiệp công nghiệp cho thấy, có đến 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, 21% doanh nghiệp có sự chuẩn bị bắt đầu, 18% doanh nghiệp sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Các doanh nghiệp khối thương mại và dịch vụ có mức độ tiếp cận và sẵn sàng cho việc chuyển đối số cao hơn.

 Do đó, để số hóa doanh nghiệp Việt Nam và đổi mới sáng tạo, PGS., TS. Nguyễn Văn Nam cho rằng, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển trong thời đại kỷ nguyên số, doanh nghiệp phải thay đổi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị. Đổi mới sáng tạo đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác đổi mới sáng tạo, kết nối các ngành kinh tế, hình thành các chuỗi giá trị khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Huyền chia sẻ, các doanh nghiệp/tổ chức cần đổi mới sáng tạo theo xu hướng chuyển đổi số. Tức là, bằng việc ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động của doanh nghiệp/tổ chức, như: sản xuất, kinh doanh, kho vận, chăm sóc khách hàng… để đạt được những lợi ích lớn.

Cụ thể,  5 lợi ích các doanh nghiệp/ tổ chức có thể đạt được thông quá chuyển đổi số, đó là: Tăng tỷ suất lợi nhuận; Tăng năng suất;  Giảm chi phí; Tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới; Tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ và tăng lòng trung thành khách hàng.

Bổ sung ý kiến, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị: Mỗi doanh nghiệp cần có 1 chữ ký số và có ít nhất 1 kết nối Internet; Nhân viên của doanh nghiệp được định danh bởi 1 số điện thoại di động, 1 địa chỉ email (phải đạt trên 80%) và sử dụng email để trao đổi thông tin trong doanh nghiệp.

Đồng thời, tất cả các nhân viên bán hàng đều sử dụng mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chăm sóc khách hàng, như: facebook, Zalo, linkedin, Twitter… Và phải có ít nhất 20 nhân viên biết sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách hàng thông qua thư tín.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Misa, thì các doanh nghiệp nên đưa công nghệ blockchain vào quản trị điều hành doanh nghiệp.

Bởi hiện nay, các xu hướng ứng dụng blockchain mang lại rất nhiều tiện ích cho người dùng, như: trong việc đi lại người dùng có thể sử dụng blockchain để chứng thực quyền sở hữu xe tự lái, trong dịch vụ tài chính ứng dụng blockchain giúp lưu thông tài chính nhanh hơn, rẻ hơn có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la chi phí chuyển tiền hay trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe ứng dụng blockchain  giúp thông tin sức khỏe của bệnh nhân được mã hóa, chỉ có thể chia sẻ được với bác sỹ liên quan, không bị rò rỉ dữ liệu./