Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 01-06/10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng -Lạm phát

Tăng trưởng

Toàn cầu:

- Thương mại toàn cầu có thể tăng trưởng khoảng 1,8 - 2%/năm cho đến năm 2030 nhờ chi phí thương mại giảm (chi phí thương mại toàn cầu đã giảm 15% trong khoảng thời gian từ năm 1996 - 2014) Trong 15 năm tới, tích lũy tăng trưởng thương mại đạt khoảng 31 - 34%.

Giao dịch thương mại điện tử toàn cầu đạt khoảng 27,7 nghìn tỷ USD trong năm 2016, trong đó 23,9 nghìn tỷ USD là giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp. (Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Roberto Azevedo ngày 03/10)

- GDP toàn cầu tăng trưởng 3,7% trong năm 2018 và 2019, giảm lần lượt 0,1 và 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 5/2018.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các nền kinh tế thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đều được điều chỉnh giảm. (Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 28/9)

Hoa Kỳ: GDP tăng trưởng 2,9% trong năm 2018 và 2,7% trong năm 2019, với quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ từng bước được thực hiện. Trong khi đó, việc giảm thuế và tăng chi tiêu công đang tạo ra lực đẩy ngắn hạn cho nhu cầu trong nước, bên cạnh động lực từ thị trường việc làm vững chắc và sản lượng dầu cao kỷ lục.

Eurozone: GDP tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2018 và 1,9% trong năm 2019, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Chính sách tiền tệ phù hợp, chính sách tài khóa mở rộng, thị trường việc làm và điều kiện tài chính thuận lợi giúp củng cố nhu cầu nội địa trong khu vực này.

Anh: GDP tăng trưởng khoảng 1,3% trong năm 2018. Chi tiêu hộ gia đình tại Anh tiếp tục bị hạn chế do thu nhập thực tế tăng chậm, mặc dù thị trường lao động đã được thắt chặt. Trong khi đó, đầu tư, kinh doanh cũng giảm do những bất ổn trong mối quan hệ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc: Tốc độ tăng trưởng GDP được giữ nguyên ở mức 6,7% trong năm 2018 và 6,4% trong năm 2019.

Những tác động từ căng thẳng thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc đến nay khá hạn chế, sự yếu đi của đồng CNY giúp làm giảm ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ.

Hàn Quốc: GDP tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2018 và 2019. Chính sách nới lỏng tài chính có thể tiếp tục thúc đẩy thu nhập và chi tiêu hộ gia đình nước này, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ấn Độ: GDP tăng trưởng 7,6% trong năm 2018 và 7,4% trong năm 2019. Giá dầu tăng cao cùng những điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Tuy nhiên những cải cách đã thực hiện sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ. (Theo dự báo của OECD ngày 28/9)

Lạm phát

Hàn Quốc: Trong tháng 9/2018, lạm phát tại Hàn Quốc tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn so với 1,4% của tháng 8/2018 và 1,55% theo dự báo của thị trường.

Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 9/2017, chủ yếu cho giá lượng thực, chi phí nhà ở và tiện ích tăng. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá dầu và các sản phẩm nông nghiệp tăng 1,2%, cao hơn so với 1% của tháng 8/2018.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự báo, lạm phát của nước này trong năm 2018 ở mức 1,7%. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 05/10)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần từ ngày 01 - 05/10/2018 giảm điểm. Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 0,04%; 0,97% và 3,21% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (28/9/2018). Trong ngày giao dịch ngày 05/10/2018:

+ Dow Jones giảm 180,43 điểm (-0,68%), xuống 26.447,05 điểm.

+ Nasdaq Composite giảm 91,06 điểm (-1,16%), xuống 7.788,45 điểm.

+ S&P 500 giảm 16,04 điểm (-0,55%), xuống 2.885,57 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 5,69 điểm (-3,5%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (05/10/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 191,9 điểm (-0,8%), xuống 23.783,72 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 51,3 điểm (-0,19%) xuống 26.572,57 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc): Đóng cửa nghỉ lễ.

Dầu mỏ

Tuần từ ngày 01 - 05/10/2018, giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 1,49% và 1,74%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (05/10/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,01 USD (0,01%) lên 74,34 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,42 USD (-0,5%) xuống 84,16 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone:

- Trong tháng 8/2018, có khoảng 13,22 triệu người trong độ tuổi lao động tại Eurozone đang không có việc làm, tương đương tỷ lệ thất nghiệp 8,1%, thấp hơn so với 8,2% của tháng 7/2018 và là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đây được xem là một dấu hiệu khích lệ đối với kinh tế khu vực. (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 01/10)

- Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cho phép hạ mức thuế mua hàng đối với sách điện tử và các ấn phẩm kỹ thuật số khác xuống cùng mức thuế áp dụng với sách và tạp chí in.

Quyết định này sẽ cho phép các nước thành viên EU giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), hoặc không đánh thuế GTGT đối với các ấn phẩm điện tử, mặt hàng đang bị đánh thuế tối thiểu 15%.

Tuy nhiên, mức thuế GTGT thấp hoặc 0% sẽ chỉ được áp dụng đối với các ấn phẩm in tại các quốc gia thành viên EU. Quyết định này là một phần nỗ lực của EU nhằm đổi mới thuế GTGT trong nền kinh tế kỹ thuật số và giúp EU theo kịp tiến bộ công nghệ. (Theo TTXVN ngày 02/10)

- Trong tháng 9/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone đạt 54,1 điểm, thấp hơn so với 54,5 điểm của tháng 8/2018.

Mặc dù chỉ số ở trên mức 50 điểm cho thấy lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của khu vực vẫn phát triển nhưng sự sụt giảm này cho thấy kinh tế Eurozone đã giảm tốc khi hoạt động thương mại chững lại.

Ông Chris Williamson, chuyên gia cấp cao của IHS Markit cho rằng, sự sụt giảm này sẽ tiếp diễn trong quý IV/2018, khi sản lượng và đơn đặt hàng mới giảm sút đều mất đà tăng trưởng. (Theo IHS Markit ngày 03/10)

Nga: Chính phủ Nga đang soạn thảo kế hoạch loại bỏ đồng USD nhằm xây dựng một cơ chế thuận lợi, cho phép doanh nghiệp thực hiện thanh toán bằng bất kỳ đồng tiền nào mà không chịu thiệt hại.

Kế hoạch này không cấm các thanh toán bằng đồng USD và cũng không quy định biện pháp hạn chế hay trừng phạt nào, mà chỉ nhằm mục tiêu tạo điều kiện tối ưu cho các thanh toán bằng đồng nội tệ RUB, đồng thời tăng dần các thanh toán bằng đồng CNY và đồng EUR do Trung Quốc và EU là đối tác thương mại chính của Nga.

Với các đối tác trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), Nga sẽ sử dụng đồng RUB, từ đó giảm dần các thanh toán bằng đồng USD. (Theo TTXVN ngày 03/10)

Hy Lạp: Chính phủ Hy Lạp công bố bản dự thảo đầu tiên về kế hoạch ngân sách năm 2019, trong đó có hai kịch bản chi tiêu ngân sách và các chỉ tiêu kinh tế định hướng. Một trong số các điểm đáng chú ý của bản dự thảo này là việc cắt giảm lương hưu dự kiến bắt đầu vào tháng 01/2019.

Đây là một trong những cải cách khó khăn nhất của Hy Lạp để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ của nước này. Bên cạnh đó,ngân sách năm 2019 của Hy Lạp ghi nhận lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua nước này không còn là chủ thể của một chương trình cứu trợ. (Theo Thời báo Ngân hàng ngày 03/10)

Anh: Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Chính phủ Anh đã kết thúc sau hơn một thập kỷ cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực công.

Kế hoạch chi tiêu của Chính phủ Anh trong những năm tới, bắt đầu từ năm 2019, tiếp tục hướng đến việc giảm nợ, nhưng sẽ tăng cường dịch vụ công. (Theo TTXVN ngày 03/10)

Italy: Chính phủ Italy đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách của nước này ở mức 2,4% trong năm 2019, sau đó giảm còn 2,1% vào năm 2020 và 1,8% trong năm 2021, đồng thời cam kết thúc đẩy những nỗ lực của Italy nhằm giảm nợ công hiện đang ở mức cao (131% GDP).

Đây được xem là sự thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ Italy sau khi nước này công bố kế hoạch ngân sách, theo đó thâm hụt ngân sách trong 3 năm tới được nâng lên 2,4% GDP, gấp 3 lần so với mức chỉ tiêu của Chính phủ tiền nhiệm.

Chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này của Italy vẫn thấp hơn so với mức trần 3% của EU. (Theo Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 03/10)

Châu Á

Thái Lan: Trong tháng 8/2018, lượng du khách Trung Quốc thăm Thái Lan giảm 12% so với tháng trước, mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm qua, làm cho tổng lượng du khách nước ngoài đến Thái Lan giảm xuống gần mức thấp nhất 16 tháng.

Du khách Trung Quốc là nguồn thu ngoại tệ chính của ngành du lịch Thái Lan, đóng góp khoảng 1/5 GDP nước này.

Theo chuyên gia Kampon Adireksombat thuộc Kasikorn Securities, do tốc độ tăng trưởng ngành du lịch suy giảm và ảnh hưởng của chiến tranh thương mại toàn cầu, kinh tế Thái Lan chỉ tăng trưởng 4,2% trong năm 2019, thấp hơn so với mức tăng dự kiến 4,5% trong năm 2018. (Theo TTXVN ngày 03/10)

Hàn Quốc: Hãng Xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc ở mức "AA" - mức cao thứ ba trên thang xếp hạng tín nhiệm gồm 21 mức của hãng này.

Ngoài ra, S&P cũng giữ nguyên triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Hàn Quốc ở mức "ổn định", do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang có chiều hướng giảm. (Theo TTXVN ngày 04/10)

Malaysia: Trong tháng 8/2018, Malaysia đạt thặng dư thương mại 1,6 tỷ MYR, thấp hơn so với mức thặng dư 9,9 tỷ MYR của cùng kỳ năm 2017 và 9 tỷ MYR theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thặng dư thương mại thấp nhất của nước này kể từ tháng 4/2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 81,8 tỷ MYR; kim ngạch nhập khẩu tăng 11,2% lên 80,2 tỷ.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2018, thặng dư thương mại của Malaysia đạt 70,4 tỷ MYR, cao hơn so với mức thặng dư 63 tỷ MYR của cùng kỳ năm 2017. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 05/10)

Hoa Kỳ

Ngày 03/10, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật “Sử dụng tốt hơn nguồn vốn đầu tư cho phát triển - BUILD”, nhằm thay đổi cách thức phân bổ tín dụng của Hoa Kỳ cho các hoạt động phục vụ công cuộc phát triển ở nước ngoài và thành lập một cơ quan có nhiệm vụ ứng phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Hoa Kỳ sẽ thành lập Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế để củng cố hoạt động của Cơ quan Đầu tư tư nhân nước ngoài (OPIC) và các tổ chức phát triển khác của Chính phủ.

Các cơ quan này cấp tín dụng cho các dự án về năng lượng, cảng biển, cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.(Theo TTXVN ngày 03/10)

Trung Quốc

Trong tháng 9/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 50,8 điểm, thấp hơn so với 51,3 điểm của tháng 8/2018 và là mức thấp nhất trong 7 tháng, trong đó số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ tư liên tiếp xuống 48 điểm, thấp hơn so với 49,4 điểm của tháng 8/2018,cho thấy các biện pháp thuế quan của Hoa Kỳ có thể bắt đầu gây tác động mạnh hơn lên nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở trên ngưỡng 50 điểm và ghi dấu chuỗi 26 tháng liên tiếp chỉ số PMI ở trên mốc 50 điểm. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 30/9)

Nhật Bản

Trong tháng 9/2018, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đạt 50,2 điểm, thấp hơn so với 51,5 điểm của tháng 8/2018 và 51,8 điểm theo dự báo của thị trường.

Đây là mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, do tăng trưởng đơn đặt hàng mới giảm tốc. (Theo Nikkei ngày 03/10)

Brazil

Trong tháng 9/2018, thặng dư thương mại của Brazil đạt trên 4,97 tỷ USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Brazil đạt 19,07 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2017, giá trị nhập khẩu đạt 14,1 tỷ USD, tăng 10,2%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Brazil đạt thặng dư thương mại hơn 42,6 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Brazil, với kim ngạch trong tháng 9/2018 đạt hơn 5,1 tỷ USD, tiếp đến là Hoa Kỳ (2,6 tỷ USD), Argentina (927 triệu USD), Hà Lan (682 triệu USD) và Chile (605 triệu USD).

Trong năm 2018, MDIC dự báo Brazil sẽ đạt thặng dư thương mại 50 tỷ USD, nhờ giá các mặt hàng ổn định và nền kinh tế phục hồi. (Theo Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Brazil - MDIC ngày 01/10)

Australia

Trong tháng 8/2018, Australia đạt thặng dư thương mại 1,6 tỷ AUD, cao hơn so với mức thặng dư 1,55 tỷ AUD của tháng 7/2018 và 1,4 tỷ AUD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1% so với tháng 7/2018 lên 36,56 tỷ AUD; kim ngạch nhập khẩu đạt 34,96 tỷ AUD, bằng mức của tháng 7/2018. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 04/10)

Đàm phán - Ký kết

Hoa Kỳ và Canada:

Ngày 30/9, Hoa Kỳ và Canada đã chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), giúp duy trì NAFTA là một thỏa thuận 3 bên với tên mới là Hiệp định Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA).

Cùng với các điều khoản khác liên quan tới xuất xứ và vật liệu mà Hoa Kỳ và Mexico đã ký kết hồi tháng 8/2018, USMCA hoàn chỉnh được kỳ vọng giúp các quốc gia trong khu vực tránh được thuế ô tô, đồng thời làm cho các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khó tiếp cận Mexico làm địa điểm sản xuất ô tô giá rẻ, từ đó mang lại nhiều việc làm hơn cho người lao động Hoa Kỳ.

(Theo TTXVN ngày 01/10)

Nhận định chuyên gia

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde nhận định (01/10):

Các tranh chấp thương mại và thuế quan đang kìm hãm tăng trưởng toàn cầu, do thuế quan không chỉ tác động đến thương mại mà còn ảnh hưởng đến đầu tư và sản xuất.

Trong khi Hoa Kỳ đang tăng trưởng kinh tế mạnh do cắt giảm thuế và điều kiện kinh tế thuận lợi, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone và Nhật Bản có dấu hiệu chậm lại, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ở mức vừa phải và có thể giảm tốc do tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, trong khi nợ của các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc, có thể lên tới 100 tỷ USD, tương đương với thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.

Chính vì vậy, các nước cần giảm căng thẳng và giải quyết những bất đồng thương mại hiện nay, đồng thời bắt đầu xây dựng những nguyên tắc tốt hơn cho hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Christine Lagarde nhận định (04/10):

Nhật Bản cần có "một cách nhìn mới" đối với chính sách kinh tế do Thủ tướng Shindo Abe khởi xướng, kết hợp chính sách tiền tệ siêu lỏng với các biện pháp kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu, trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải đối phó với chỉ số lạm phát quá thấp, tăng trưởng trì trệ và dân số già hóa.

Các nguyên tắc cơ bản của chính sách kinh tế mà Nhật Bản đang theo đuổi vẫn đúng đắn nhưng cần được mở rộng, củng cố và tăng tốc.