Tăng trưởng - Lạm phát
|
- EU và Eurozone:
+ Trong quý III/2016, GDP (số điều chỉnh) của Eurozone và EU tăng trưởng lần lượt là 0,3% và 0,4% so với quý II; 1,7% và 1,9% so với cùng kỳ năm 2015, bằng mức tăng của quý II. Trong đó các nước có tốc độ tăng trưởng (so với quý II) cao nhất Eurozone là Croatia (1,7%), Slovenia (1%), Hy Lạp và Bồ Đào Nha (cùng mức 0,8%). (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 06/12)
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone đạt 1,7% trong năm 2016 và 2017; 1,6% trong năm 2018 và 2019. Lạm phát đạt 1,3% năm 2017, 1,5% năm 2018 và 1,7% năm 2019. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 08/12)
- Nhật Bản: Tăng trưởng đạt 1,3% trong quý III/2016 so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn nhiều so với số ước tính trước đó là 2,2% và mức dự báo trung bình của các chuyên gia là 2,4%, do đầu tư của khu vực doanh nghiệp và xuất khẩu ròng giảm. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 08/12)
- Trung Quốc: Trong tháng 11/2016, CPI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 4/2016, cao hơn mức tăng 2,1% của tháng 10 và dự báo tăng 2,2%. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu lạm phát cả năm 2016 là 3%. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 09/12)
- Australia: Trong quý III/2016, kinh tế Australia giảm 0,5% so với quý II - mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2015, do mức chi tiêu công, hoạt động đầu tư xây dựng của khu vực tư nhân và xuất khẩu đều giảm. (Theo Cơ quan Thống kê Australia - ABS ngày 07/12)
- Ấn Độ: Tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính 2016 (kết thúc vào tháng 3/2017) sẽ giảm từ 7,6% xuống 7,1%, do những quan ngại về bất ổn kinh tế sau quyết định đổi tiền của Chính phủ (08/11). (Theo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ - RBI ngày 08/12)
- Philippines: Trong tháng 11/2016, CPI tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 - mức cao nhất kể từ tháng 02/2015, cao hơn mức dự báo tăng 2,2%, do giá nhà ở, các dịch vụtiện ích và giao thông đều tăng nhanh. Lạm phát lõi tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng 2,3% của tháng 10/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Philippines ngày 06/12)
|
Tỷ giá
|
Trong phiên giao dịch sáng 05/12:
- Tỷ giá đồng EUR giảm 1,4% so với đồng USD, xuống 1,0505 USD/EUR - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015. Các chuyên gia phân tích nhận định rằng, nếu đồng EUR tiếp tục giảm giá thì “kịch bản”" tỷ giá 1 USD đổi 1 EUR có thể xảy ra.
- Tỷ giá đồng EUR giảm 2,1% so với đồng yên Nhật Bản xuống 118,71 JPY/EUR và giảm 0,7% so với đồng bảng Anh xuống 0,8315 GBP/EUR - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7/2016.
Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Italy Matteo Renzi tuyên bố từ chức do kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 04/12 cho thấy, đa số người dân không ủng hộ dự luật cải cách Hiến pháp mà Chính phủ đề ra, đe dọa hệ thống ngân hàng Italy rơi vào tình trạng bất ổn.
(Theo TTXVN ngày 05/12)
|
Chứng khoán
|
- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán chính tăng điểm lập các mức cao kỷ lục do giới đầu tư lạc quan về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tính chung cả tuần (05 - 09/12/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 3,06%; 3,08% và 3,59%. Trong ngày giao dịch cuối tuần (09/12/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:
+ Dow Jones đạt 19.756,85 điểm, tăng 0,72%.
+ S&P 500 đạt 2.259,53 điểm, tăng 0,59%.
+ Nasdaq Composite đạt 5.444,50 điểm, tăng 0,5%.
- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong tuần qua nhờ đà tăng của chứng khoán Hoa Kỳ và tác động tích cực từ quyết định của ECB kéo dài chương trình mua tài sản đến hết năm 2017. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ 2 liên tiếp.Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,81% lên 138,41 điểm.
Các thị trường chính:
+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 3,10% lên 18.996,37 điểm.
+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 0,87% lên 22.760,98 điểm.
+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 2,74% lên 2.024,69 điểm.
+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 2,86% lên 5.560,621 điểm.
+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,38% xuống 3.232,884 điểm .
|
Dầu mỏ
|
Tuần từ 05 - 09/12/2016, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 0,35% và 0,24% do thống kê cho thấy nguồn cung vẫn tăng. Tuy nhiên, chốt phiên giao dịch cuối tuần (09/12/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 1/2017 tăng nhẹ:
- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,66 USD/thùng (1,28%) lên 51,50 USD/thùng.
- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,44 USD/thùng (0,81%) lên 54,33 USD/thùng.
|
Châu Âu
|
Eurozone
- Ngày 05/12, Bộ trưởng Tài chính 19 nước Eurozone đã thông qua một số giải pháp mang tính ngắn hạn để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp, dựa trên đề xuất của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).Dự kiến, các giải pháp này sẽ giúp khoản nợ của Hy Lạp giảm được nhiều tỷ EUR và thời hạn trả nợ được kéo dài đến năm 2060.(Theo TTXVN ngày 06/12)
- Trong tháng 10/2016, số người thất nghiệp tại Eurozone giảm khoảng 178 nghìn người so với tháng 9 xuống còn 15,9 triệu người, tương ứng tỷ lệ 9,8% - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009, thấp hơn mức 9,9% của tháng 9/2016 và 10,6% của cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của EU là 8,3% - mức thấp nhất kể từ tháng 02/2009.Trong Eurozone, Séc và Đức có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất, trong khi Hy Lạp và Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.(Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 01/12)
Italy
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings (06/12) đã điều chỉnh dự báo triển vọng 2017 cho các ngân hàng Italy từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”, do tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng nước này đang ở mức cao, cùng với những rủi ro phát sinh sau cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp ngày 04/12.
Anh
Trong tháng 10/2016, sản lượng công nghiệp của Anh giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 và giảm 1,3% so với tháng 9, chủ yếu do sự giảm sút mạnh trong hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt; sản lượng trong lĩnh vực chế tạo giảm 0,4% so với cùng kỳ 2015 và giảm 0,9% so với tháng 9, do sự suy giảm của ngành dược phẩm. (Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh - ONS ngày 07/12)
|
Châu Á
|
Hàn Quốc
- Ngày 03/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự toán ngân sách 400 nghìn tỷ KRW (341,4 tỷ USD) cho năm 2017, với một số nội dung sau: Chi 860 tỷ KRW và lập một tài khoản kéo dài 3 năm để phục vụ chương trình trị giá 2 nghìn tỷ KRW về chăm sóc miễn phí cho trẻ em từ 3 - 5 tuổi; những người có thu nhập hơn 500 triệu KRW/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 40% - mức cao nhất trong 16 năm qua, giúp Chính phủ thu thêm khoảng 600 tỷ KRW/năm; chi 50 tỷ KRW nhằm tạo thêm việc làm trong lĩnh vực công do tình trạng thất nghiệp của thanh niên đang gia tăng; chi 140,3 tỷ KRW cho việc lập các hệ thống đối phó với động đất. (Theo TTXVN ngày 03/12)
- Tình hình chính trị hiện nay ở Hàn Quốc sẽ tạo sức cản lớn đối với nền kinh tế nước này vào thời gian tới, trong bối cảnh sản xuất, đầu tư và tiêu dùng đều sụt giảm. Sản lượng chế tạo công nghiệp trong tháng 10/2016 giảm 1,7% so với tháng 9, trong khi ngành dịch vụ giảm tháng thứ 2 liên tiếp với mức giảm 0,2% trong tháng 11; đầu tư vào các cơ sở sản xuất và công trình xây dựng giảm lần lượt 0,4% và 0,8% trong tháng 10; doanh số của các trung tâm thương mại và cửa hàng giảm lần lượt 1,6% và 3,9% trong tháng 11. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 08/12)
Malaysia
Thặng dư thương mại của Malaysia trong tháng 10/2016 đạt 9,8 tỷ MYR (2,25 tỷ USD), thấp hơn thặng dư 12,2 tỷ MYR của cùng kỳ năm 2015, nhưng cao hơn dự báo là 8,1 tỷ MYR. Trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 - mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2015 xuống 69,2 tỷ MYR, kim ngạch nhập khẩu giảm 6,6% xuống 59,4 tỷ MYR. (Theo Văn phòng Thống kê Malaysia ngày 07/12)
|
Hoa Kỳ
|
Trong tháng 11/2016, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ tăng 2,4% so với tháng 10 lên 57,2 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 10/2016, cao hơn mức dự báo 55,4 điểm, cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Hoa Kỳ đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 05/12)
|
Trong tháng 11/2016, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 178 nghìn việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,9% (tháng 10/2016) xuống 4,6% - mức thấp nhất kể từ tháng 8/2007 và là tháng thứ 74 liên tiếp nước này ghi nhận mức tăng trưởng việc làm. Tiền lương trung bình tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015, cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tích cực. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 02/12)
|
Trong quý III/2016, năng suất lao động của Hoa Kỳ tăng 3,1% - mức tăng cao nhất kể từ quý III/2014 và chấm dứt chuỗi giảm trong ba quý trước đó; chi phí lao động tại Hoa Kỳ tăng 0,7%, thấp hơn mức tăng 6,2% trong quý II.(Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 06/12)
|
Trong tháng 10/2016, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ tăng 17,7% (6,4 tỷ USD) so với tháng 9 lên 42,6 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thâm hụt này thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 1,8% so với tháng 9 xuống còn 186,4 tỷ USD, chủ yếu do các mặt hàng như đậu tương và ngô đồng loạt giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 1,9% lên 229 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 8/2015. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất là dược phẩm, linh kiện máy tính, điện thoại di động và hàng tiêu dùng khác. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 06/12)
|
Trung Quốc
|
Trung Quốc đang hướng tới việc tăng quỹ đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các công cụ tài chính (như chứng khoán). Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng, trong khi các quỹ được huy động thông qua các kênh trực tiếp như chứng khoán chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.(Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc- PboC,Fan Yifei ngày 03/12)
|
Trong tháng 11/2016, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 44,61 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 53,97 tỷ USD của cùng kỳ năm 2015 và dự báo 46,3 tỷ USD.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2015 lên 196,81 tỷ USD - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 3/2016, trái ngược với mức giảm 7,3% của tháng 10 và dự báo giảm 5%.
- Kim ngạch nhập khẩu tăng 6,7% lên 152,2 tỷ USD - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2014, trái ngược với mức giảm 1,4% của tháng 10 và dự báo giảm 1,3%. Trong đó nhập khẩu 91,98 triệu tấn quặng sắt, tăng 13,8% so với tháng 10; 26,97 triệu tấn than đá - mức cao nhất trong 18 tháng; 32,35 triệu tấn dầu thô, tương đương 7,87 triệu thùng/ngày, cao hơn mức bình quân 7,53 triệu thùng/ngày từ đầu năm tới nay; 38.000 tấn đồng - mức cao nhất kể từ tháng 6/2016, tăng 31% so với tháng 10/2016.
(Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 08/12)
|
Canada
|
Trong tháng 11/2016, số lượng việc làm ở Canada tăng 10,7 nghìn việc làm so với tháng 10/2016 và tăng 183 nghìn việc làm so với cùng kỳ năm 2015, đưa tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7% của tháng 10 xuống 6,8%. Tuy nhiên, phần lớn việc làm mới thuộc nhóm bán thời gian (tăng 214 nghìn việc làm so với cùng kỳ năm 2015), trong khi số việc làm toàn thời gian tiếp tục giảm (giảm 31 nghìn việc làm). Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên vẫn ở mức 12,9%. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 02/12)
|
Chính sách
|
- Malaysia: Ngân hàng Trung ương Malaysia ngày 02/12 đã công bố một số biện pháp nhằm tăng cường nhu cầu đối với đồng ringgit, đồng thời giúp giảm tình trạng dễ bị tổn thương của đồng nội tệ trước đồng USD. Theo đó, từ ngày 05/12, các nhà xuất khẩu phải đổi 75% số tiền thu được bằng ngoại tệ ra đồng ringgit. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương cũng đặt ra giới hạn về lượng ngoại tệ mà các công ty và cá nhân có thể đầu tư ở trong và ngoài nước, lần lượt là 50 triệu ringgit và 1 triệu ringgit. Từ đầu năm 2015 đến nay, đồng ringgit đã giảm 3,72% giá trị so với đồng USD.
- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia - RBA ngày 06/12 công bố quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1,5%, đúng như dự đoán của các nhà kinh tế, trong bối cảnh giá hàng hóa trên thị trường thế giới tănggiúp giảm bớt khó khăn của nền kinh tế trong nước.
|
Nhận định
chuyên gia
|
Cơ quan Giám sát ngân hàng châu Âu - EBA (02/12):
Tỷ lệ nợ xấu trung bình của 131 ngân hàng ở EU đã giảm xuống 5,4% (cuối tháng 11/2016) so với 6,5% (cuối năm 2014), tuy nhiên vẫn ở mức cao trong khi khả năng sinh lời thấp, là nguy cơ chính đe dọa sự tăng trưởng của các định chế tài chính của EU. Tuy nhiên, theo EBA, các ngân hàng của EU đã nỗ lực tăng cường nguồn vốn để ổn định hoạt động trong bối cảnh có những biến động mạnh trên các thị trường vốn. Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng của Hy Lạp là 47%, Bồ Đào Nha 20%, Italy 16,4%, cao hơn mức trung bình của châu Âu. Trong khi đó, mức nợ xấu ở các ngân hàng của Pháp là 4% và Đức là 2,7%.
Phó Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế ADB, Zuzhong Zhuang (06/12):
Thương mại và FDI là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, khu vực này cần nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại và khuyến khích thu hút FDI để duy trì đà tăng trưởng, trong đó các nước cần cải thiện năng lực thể chế, môi trường kinh doanh và tính hiệu quả của các chính sách.
|