Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 20-25/3/2017


KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Brazil: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 0,5%, thấp hơn so với mức tăng 1% (dự báo trước đó); trong đó, tốc độ tăng trưởng của 4 quý lần lượt đạt 0,49%; 0,68%; 0,73% và 0,79%. Năm 2018, kinh tế Brazil dự báo tăng trưởng 2,5%. Chính phủ Brazil sẽ thực hiện một số biện pháp tài chính, bao gồm cả cắt giảm ngân sách năm 2017 để hỗ trợ phát triển kinh tế. (Theo Chính phủ Brazil ngày 22/3)

- Anh:

+ Trong tháng 02/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2013 và cao hơn mục tiêu 2%, do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng mạnh.Đây là yếu tố để Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cân nhắc quyết định tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 21/3)

+ CPI dự báo tăng khoảng 3% trong năm 2017 (Theo chuyên gia Samuel Tombs của Pantheon)

- Singapore: Trong tháng 02/2017, CPI tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,6% của tháng 1 và là tháng tăng thứ 3 liên tiếp, do chi phí vận chuyển đường bộ tăng mạnh. (Theo Bộ Công Thương và Cơ quan Tiền tệ Singapore - MAS)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đã giảm điểm trong tuần qua do giới đầu tư lo ngại về triển vọng những quyết sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump. Tính chung cả tuần (20/3 - 24/3/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1,51%; 1,4% và 1,18% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (17/3/2017). Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/3/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones giảm 59,86 điểm (-0,29%) xuống 20.596,72 điểm.

+ S&P 500 giảm 1,98 điểm (-0,08%) xuống 2.343,98 điểm.

+ Nasdaq Composite tăng 11,05 điểm (0,19%) lên 5.828,74 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Thị trường chứng khoán châu Á tăng/giảm trái chiều trong tuần qua, với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,42%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 0,2% và chỉ số Shanghai Composite tăng 0,76%. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,16 điểm (1,2%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (24/3/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 177,22 điểm (0,93%) lên 19.262,53 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 20,9 điểm (0,64%) lên 3.269,45 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 30,57 điểm (0,1%) lên 24.358,27 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 12,66 điểm ( 0,8%) lên 5.753,5 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 13,5 điểm (-0,62%) xuống 2.164,48 điểm.

Dầu mỏ

Trong tuần 13 - 17/3, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ tăng 14 giàn lên 631 giàn - mức cao nhất kể từ tháng 9/2015; sản lượng dầu của Hoa Kỳ cũng tăng hơn 9,1 triệu thùng/ngày so với mức dưới 8,5 triệu thùng/ngày của tháng 6/2016.(Theo Công ty Dịch vụ dầu khí Baker Hughes ngày 17/3)

Trong tuần 13 - 17/3:

- Kho dầu dự trữ của Hoa Kỳ tăng gần 5 triệu thùng lên mức cao kỷ lục 533,1 triệu thùng, cao hơn mức dự báo tăng 2,8 triệu thùng, làm gia tăng quan ngại về dư thừa nguồn cung dầu mỏ toàn cầu và gây áp lực giảm giá dầu.

-Kho dự trữ xăng giảm 2,8 triệu thùng, cao hơn mức dự báo giảm 2 triệu thùng; kho dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1,9 triệu thùng, cao hơn dự báo giảm 1,4 triệu thùng. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 22/3)

Tuần từ 20/3 - 24/3/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 0,5% và 1,8% do lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (24/3/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 4/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 27 cent lên 47,97 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 24 cent lên 50,8 USD/thùng.

Châu Âu

EU

- Trong tháng 01/2017:

+ Eurozone thâm hụt thương mại 0,6 tỷ EUR - lần thâm hụt thương mại đầu tiên kể từ tháng 01/2014 và là mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 01/2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 13% lên 163,9 tỷ EUR, kim ngạch nhập khẩu tăng 17% lên 164,5 tỷ EUR. (Theo Văn phòng Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 17/3)

+ Thặng dư tài khoản vãng lai của Eurozone đạt 24,1 tỷ EUR, giảm so với 30,8 tỷ EUR của tháng 12/2016 và là mức thấp nhất trong 15 tháng qua. Trong đó, thặng dư thương mại hàng hóa đạt 24,1 tỷ EUR, thặng dư thương mại dịch vụ đạt 3,5 tỷ EUR, thặng dư thu nhập chính đạt 12,1 tỷ EUR, thâm hụt thu nhập thứ cấp là 15,6 tỷ EUR. (Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 22/3)

+ Giá trị sản xuất ngành xây dựng của Eurozone giảm 2,3% so với tháng 12/2016 và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2016 - mức giảm theo năm mạnh nhất kể từ tháng 3/2013. Trong các quốc gia thành viên, Bỉ có mức giảm lớn nhất (-18%), Tây Ban Nha giảm 13,1%, Đức giảm 5,7% và Pháp giảm 5,4%. (Theo Eurostat ngày 17/3)

- Ngày 29/4/2017, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt của 27 nước thành viên, bàn về việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Ưu tiên hàng đầu của EU là tiến trình đàm phán phải đảm bảo tối đa lợi ích cho mọi công dân, doanh nghiệp và các quốc gia thành viên chịu tác động tiêu cực từ sự kiện Brexit. Ngoài ra, EU sẽ tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng trên thế giới. (Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 21/3)

Anh:

- Doanh số bán lẻ tại Anh trong tháng 02/2017 tăng 1,4% so với tháng 12/2016 và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016, lần tăng đầu tiên trong 4 tháng qua, do giá hàng hóa tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2016 - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2012; chi phí xăng dầu tăng hơn 18%. (Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ngày 23/3)

- Thủ tướng Anh Theresa May thông báo sẽ chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon vào ngày 29/3, bắt đầu quá trình đàm phán đưa nước Anh rời khỏi EU. Quá trình này có thể kéo dài khoảng 2 năm.(Theo TTXVN ngày 20/3)

Đức: Chỉ số giá sản xuất trong tháng 02/2017 tăng 0,2% so với tháng 1 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2016 - tháng tăng thứ 4 liên tiếp và là mức tăng theo năm cao nhất kể từ tháng 12/2011 do chi phí năng lượng tăng cao (tăng 5,4%). (Theo Văn phòng Thống kê Đức ngày 20/3)

Châu Á

Châu Á:

+ Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á - AIIB đã thông qua các quyết định phê chuẩn 13 đơn xin tham gia AIIB, nâng tổng số thành viên AIIB lên 70. Đây là lần đầu tiên ngân hàng này kết nạp thành viên mới từ khi thành lập năm 2015. 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên sẽ chính thức gia nhập AIIB khi hoàn tất các thủ tục nội bộ theo yêu cầu và đóng góp khoản vốn đầu tiên vào AIIB.

Các thành viên mới được chấp thuận gồm: 5 nước và vùng lãnh thổ tại khu vực châu Á là Afghanistan, Armenia, Fiji, Hồng Kông (Trung Quốc), Timor Leste và 8 quốc gia thuộc các châu lục khác là Bỉ, Canada, Hungary, Ireland, Peru, Venezuela, Ethiopia và Sudan.

(Theo AIIB ngày 23/3)

+ Chỉ số niềm tin kinh doanh châu Á (BSI) đã tăng từ 63 điểm của quý IV/2016 lên 70 điểm trong quý I/2017 - mức cao nhất trong gần hai năm qua nhờ những dấu hiệu lạc quan từ nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc - hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều doanh nghiệp châu Á.

Philippines có chỉ số BSI cao nhất, tăng 18 điểm lên 88 điểm; Malaysia tăng 20 điểm lên 75 điểm - mức cao nhất trong 3 năm qua; Trung Quốc và Ấn Độ giảm nhẹ; Hàn Quốc giảm 32 điểm xuống 25 điểm - mức thấp nhất trong gần 5 năm qua và cũng là mức thấp nhất trong 11 nền kinh tế được khảo sát.

(Theo kết quả Khảo sát của Thomson Reuters/INSEAD công bố ngày 22/3)

Singapore: Trong tháng 02/2017, thặng dư thương mại của Singapore đạt 7,8 tỷ SGD, cao hơn mức thặng dư 2,8 tỷ SGD của cùng kỳ năm 2016 và là mức thặng dư cao nhất kể từ tháng 3/2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 22,1%, kim ngạch nhập khẩu tăng 6,8%. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 21/3)

Thái Lan: Trong năm 2016, Thái Lan trở thành nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của khối ASEAN và thứ 12 thế giới với kim ngạch đạt 840 tỷ THB ( 24 tỷ USD). Dự báo giá trị xuất khẩu hàng thực phẩm Thái Lan tăng 8% lên 26 tỷ USD trong năm 2017, do sự đa dạng của mặt hàng thực phẩm và nhu cầu toàn cầu tăng cao. (Theo trường đại học thuộc Viện Thương mại Công nghiệp Thái Lan - UTCC ngày 21/3)

Hoa Kỳ

Trong tháng 02/2017, số nhà mới khởi công xây dựng tại Hoa Kỳ tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016, lên 1,29 triệu căn. Trong đó, số nhà đơn lập chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường nhà ở, tăng 6,5% lên 872 nghìn căn - mức cao nhất trong gần 10 năm qua. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 16/3)

Doanh số bán nhà cũ tại Hoa Kỳ trong tháng 02/2017 giảm 3,7% xuống 5,48 triệu căn, thấp hơn so với dự báo là 5,59 triệu căn và doanh số của tháng 1 là 5,69 triệu căn do lượng tồn kho cao. (Theo Hiệp hội Các nhà môi giới bất động sản Hoa Kỳ ngày 22/3)

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Hoa Kỳ trong tuần 06 - 11/3 giảm 2 nghìn đơn xuống 241 nghìn đơn; số việc làm trung bình trong 3 tháng qua tăng 209 nghìn việc làm/tháng; tỷ lệ thất nghiệp đạt 4,7%, gần mức thấp nhất (4,6%) trong 9 năm qua, cho thấy thị trường lao động đang tăng trưởng ổn định. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 16/3)

- Trong tháng 3/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng từ 96,3 điểm (tháng 2) lên 97,6 điểm và cao hơn mức dự báo của thị trường là 97 điểm.

- Lạm phát được dự báo tăng 2,4% vào năm 2018 và 2,2% sau 5 năm tới.

(Theo Đại học Michigan Hoa Kỳ ngày 17/3)

Trong năm 2017, ngành du lịch và lữ hành dự kiến đóng góp khoảng 3,8% vào GDP toàn cầu, cao hơn mức tăng 3,3% trong năm 2016 và tạo ra nguồn thu khoảng 7.900 tỷ USD; đóng góp của ngành du lịch và lữ hành cho GDP Hoa Kỳ đạt khoảng 1.500 tỷ USD (tăng 2,3%, thấp hơn so với mức tăng 2,8% của năm 2016), do đồng USD mạnh lên và ảnh hưởng từ sắc lệnh cấm nhập cư đối với công dân 6 nước Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump. (Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới - WTTC ngày 20/3)

Trung Quốc

Trong năm 2016, tổng thu nhập từ các hoạt động kinh tế biển của Trung Quốc đạt 7.050,7 tỷ NDT (1.020 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2015. Trong đó, ngành sản xuất trực tiếp đạt giá trị 4.328,3 tỷ NDT, ngành sản xuất liên quan đạt 2.722,4 tỷ NDT.Kinh tế biển hiện chiếm 9,5% GDP của Trung Quốc. (Theo báo cáo Thống kê kinh tế biển Trung Quốc năm 2016 của Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc - SOA ngày 16/3)

Trong năm 2016, Trung Quốc đã nộp 3,69 triệu đơn đăng ký thương hiệu, tăng 28,4% so với năm 2015 và dẫn đầu thế giới về việc đăng ký thương hiệu trong 15 năm qua. Cuối năm 2016, số lượng thương hiệu hợp lệ đăng ký tại Trung Quốc đạt gần 12,4 triệu thương hiệu. Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể cho việc phát triển sở hữu trí tuệ trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016 - 2020). (Theo Cục Quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại Trung Quốc - SAIC ngày 22/3)

- Kinh tế Trung Quốc dự báo đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% và 6,3% trong 2 năm 2017 và 2018, thấp hơn mức tăng 6,7% của năm 2016.

- Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo tăng trưởng 3,4% và 3,3% trong 2 năm 2017 và 2018, cao hơn mức tăng 2,3% của năm 2016, do nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng. Kim ngạch nhập khẩu tăng 7,7% trong năm 2017 và 6,0% năm 2018, giảm so với mức tăng 8,6% của năm 2016.

(Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 21/3)

Trung Quốc cần tối thiểu 2.000 tỷ NDT/năm (290,41 tỷ USD/năm) cho các khoản đầu tư xanh trong 5 năm tới để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của ô nhiễm do đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong 30 năm qua. Trung Quốc sẽ điều chỉnh các tiêu chuẩn trái phiếu xanh phù hợp hơn với các tiêu chí quốc tế, nhằm góp phần thu hút đầu tư. Năm 2016, Trung Quốc đã trở thành thị trường trái phiếu xanh lớn nhất thế giới với tỷ trọng gần 40%, tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 230 tỷ NDT, trong đó 200 tỷ NDT tại thị trường nội địa và 30 tỷ NDT tại thị trường nước ngoài. (Theo Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC, Ma Jun ngày 22/3)

Nhật Bản

Trong tháng 02/2017, thặng dư thương mại của Nhật Bản đạt 813,4 tỷ JPY (7,3 tỷ USD) - cao nhất trong 7 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6,35 nghìn tỷ JPY - tháng tăng thứ 3 liên tiếp; kim ngạch nhập khẩu tăng 1,2% lên 5,53 nghìn tỷ JPY - tháng tăng thứ 2 liên tiếp do giá trị nhập khẩu dầu thô tăng 69,9%. Tuy nhiên theo nhà kinh tế Marcel Thieliant của Capital Economics, thặng dư thương mại của Nhật Bản sẽ giảm trong những tháng tới, khi giá năng lượng hồi phục và đồng yên yếu sẽ làm tăng giá trị kim ngạch nhập khẩu.(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 22/3)

Canada

Trong tháng 01/2017, doanh số bán lẻ của Canada tăng 2,2% đạt 46 tỷ CAD (34,5 tỷ USD) - mức tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2010, cao hơn mức tăng 1,1% (dự báo của các nhà kinh tế), cho thấy nền kinh tế Canada đã phục hồi và đang trên đà phát triển. Ngay sau khi số liệu về doanh số bán lẻ được công bố, Ngân hàng Montreal (BMO) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Canada trong quý I/2017 từ mức 2,3% (dự báo trước đó) lên 2,7%. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 21/3)

Nhận định
chuyên gia

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (20/3):

Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng các ngành dịch vụ, chế tạo và khai mỏ với các nhà đầu tư nước ngoài, giảm các thủ tục hành chính và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các công ty đăng ký hoạt động tại nước này.Đồng thời khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết và phát hành cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc, tham gia các chương trình khoa học - công nghệ quốc gia và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.

Chiến lược gia Jeremy Baker của Vontobel Asset Management (21/3):

Dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2017 cao hơn mức tăng trưởng nhu cầu trung bình trong dài hạn (1,2 triệu thùng/ngày) khoảng 0,2 - 0,4 triệu thùng/ngày; trong khi sản lượng dầu mỏ đang được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC và một số nước xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới sẽ hỗ trợ đưa thị trường dầu mỏ trở lại trạng thái cân bằng.

Giáo sư Mohammad Abdul Rahman Al Asoomi, chuyên gia kinh tế của UAE (22/3):

Nhiệm vụ rất quan trọng đối với OPEC hiện nay là hình thành một chiến lược mới trong bối cảnh giá dầu giảm và sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng. Các thành viên OPEC cũng cần giải quyết những bất đồng để thể hiện vai trò của khối trên các thị trường dầu mỏ toàn cầu, đồng thời kết nạp thêm các thành viên mới vào OPEC.

Ông Park Yong-man, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc - KCCI (23/3):

Nền kinh tế Hàn Quốc vẫn chưa tạo được đà phục hồi mặc dù kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc hiện được duy trì ở mức 2%, nhưng có thể giảm xuống 0% nếu Chính phủ không có những biện pháp mạnh để cải thiện tình hình.