Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/1-07/2/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Eurozone: Tỷ lệ lạm phát đạt 1,8% trong tháng 01/2017, cao hơn so với 1,1% của tháng 12/2016 và chỉ thấp hơn 0,2% so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). (Theo Cơ quan Thống kê châu Âu - Eurostat ngày 31/01)

- Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1,9% trong quý IV/2016, cả năm tăng 1,6%, thấp hơn mức tăng 2,6% của năm 2015 và là mức thấp nhất kể từ năm 2011. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 27/01)

- Pháp: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 0,4% trong quý IV/2016, cao hơn mức tăng 0,2% trong quý III nhờ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp gia tăng. Tuy nhiên, tính cả năm 2016, GDP tăng 1,1%, thấp hơn so với mức tăng 1,2% của năm 2015 và mục tiêu 1,4% của Chính phủ. Chính phủ Pháp dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ đạt khoảng 1,5%, nhờ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp khởi sắc. (Theo Cơ quan Thống kê và nghiên cứu kinh tế Quốc gia Pháp - Insee ngày 31/01)

- Campuchia: Năm 2017, kinh tế sẽ tăng trưởng 7% nhờ được hỗ trợ từ hoạt động xuất khẩu hàng may mặc, xây dựng, du lịch và nông nghiệp, đưa quy mô GDP nước này lên gần 22 tỷ USD, trong khi lạm phát dự kiến đạt dưới 5%. (Theo Bộ Kinh tế, Tài chính Campuchia ngày 23/01)

Du lịch

Lượng khách du lịch trên toàn cầu trong năm 2016 tăng 4% lên 1,2 tỷ lượt người. Ngành du lịch đóng góp 10% tăng trưởng kinh tế toàn cầu, 7% tổng thương mại quốc tế và 30% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của thế giới. Ngoài ra, số lượng việc làm của ngành này chiếm 1/11 tổng số việc làm trên toàn cầu. Cứ mỗi 11 việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp) trên toàn cầu thì có một việc làm từ ngành du lịch.(Theo Tổ chức Du lịch Thế giới - UNWTO ngày 18/01)

Đầu tư

FDI toàn cầu năm 2016 giảm 13% so với năm 2015 xuống 1.520 tỷ USD, trong đó FDI vào các nền kinh tế đang phát triển giảm 20% xuống khoảng 600 tỷ USD do giá hàng hóa thấp khiến các dự án dựa vào nguồn tài nguyên và khai thác mỏ ít hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài; FDI vào châu Âu giảm 29% xuống khoảng 385 tỷ USD, FDI vào Bắc Mỹ tăng 6%. Hoa Kỳ là nước thu hút nhiều FDI nhất trong năm 2016 với 385 tỷ USD, tiếp theo là Anh (179 tỷ USD) và Trung Quốc (139 tỷ USD). Trong năm 2017, dự báo FDI toàn cầu sẽ tăng 10%. (Theo Hội nghị Liên Hợp quốc về thương mại và phát triển - UNCTAD ngày 03/02)

Giá lương thực

Giá lương thực, thực phẩm thế giới tháng ​01/2017 tăng 2,1% so với tháng 12/2016 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016 lên 173,8 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 02/2015, chủ yếu do giá đường, giá xuất khẩu ngũ cốc và dầu ăn tăng cao. Dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu niên vụ 2016 - 2017 sẽ đạt kỷ lục 2,592 tỷ tấn. (Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc - FAO ngày 02/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều do dữ liệu tích cực về việc làm và sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng khi Tổng thống Donald Trump đang dần tiến tới việc thực hiện lời hứa khi tranh cử của mình. Tuy nhiên, tính chung cả tuần (30/01 - 03/02/2017), chỉ số Dow Jones giảm 0,1% trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,12% và 0,11% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (27/01/2017). Trong ngày giao dịch cuối tuần (03/12/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones 20.071,46 điểm, tăng 0,94%.

+ S&P 500 đạt 2.297,42 điểm, tăng 0,73%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.666,77 điểm, tăng 0,54%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua. Chứng khoán Nhật Bản do các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm của Hoa Kỳ để tiên lượng chính sách sắp tới của Fed. Chứng khoán Hồng Kông giảm điểm do những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cũng như những chính sách thắt chặt tiền tệ từ Trung Quốc. Tương tự, chứng khoán Trung Quốc cũng giảm điểm sau khi Bắc Kinh bất ngờ nâng lãi suất ngắn hạn. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,3% xuống 142,08 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 2,82% xuống 18.918,2 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,59% xuống 3.140,17 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,99% xuống 23.129,21 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,03% xuống 5.621,6 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,26% lên 2.073,16 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 30/01 - 03/02/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 1,18% và 2,47%, do sự đi xuống của đồng USD và thông tin về các nhà sản xuất dầu cắt giảm sản lượng. Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 03/02:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 29 cent (0,54%) lên 53,83 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 25 cent (0,44%) lên 56,81 USD/thùng.

Châu Á

- Hàn Quốc: Trong tháng 12/2016, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại tháng thứ 59 liên tiếp ở mức 6,8 tỷ USD, giảm so với mức thặng dư 8,1 tỷ USD của tháng 11. Năm 2016, thặng dư thương mại đạt 89,4 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 5,9% xuống 495,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu giảm 7% xuống 406,1 tỷ USD.Dự báo kim ngạch thương mại trong năm 2017 đạt khoảng 955 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu tăng 4,3% lên 517 tỷ USD và nhập khẩu tăng 8% lên 438 tỷ USD. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại Hàn Quốc dự báo đạt 983 tỷ USD. (Theo Cục Hải quan Hàn Quốc - KCS ngày 29/01 và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoC ngày 23/01)

- Malaysia: Chính phủ nước này sẽ tập trung hội nhập kinh tế khu vực ASEAN và hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó thành hiện thực sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP. Malaysia cũng sẽ theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các thành viên của TPP mà hiện nước này không có bất kỳ thỏa thuận thương mại ưu đãi nào. (Theo Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohamed ngày 24/01)

Eurozone

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp của Eurozone trong tháng 01/2017 đạt 54,3 điểm, xấp xỉ mức 54,4 điểm của tháng 12/2016. Hoạt động xuất khẩu của Eurozone đang diễn biến tốt, số lượng việc làm tăng theo tháng lớn nhất kể từ tháng 02/2008, giá hàng hóa cũng đang trên đà tăng. Dự báo kinh tế Eurozone quý I/2017 sẽ tăng trưởng 0,4%, nhờ đồng euro yếu và chương trình kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). (Theo Báo cáo của IHS Markit công bố ngày 24/01)

Hoa Kỳ

Trong tháng 01/2017, PMI trong lĩnh vực chế tạo tăng 1,5 điểm lên 56 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 11/2014; 10/18 ngành công nghiệp được khảo sát tăng trưởng cao hơn tháng 12/2016 nhờ nhu cầu tiêu dùng từ thị trường Trung Quốc tăng và kinh tế tại khu vực châu Âu khởi sắc; chỉ số đơn đặt hàng mới tăng 0,1 điểm so với tháng 12/2016 lên 60,4 điểm; chỉ số sản xuất tăng 2 điểm lên 61,4 điểm và chỉ số việc làm tại khu vực công nghiệp tăng 3,3 điểm lên 56,1 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 01/02)

Trung Quốc

Trong năm 2016:

- Lĩnh vực dịch vụ chiếm 51,5% GDP, tăng 1,4 điểm phần trăm so với năm 2015 và là năm đầu tiên tỷ trọng này vượt ngưỡng 50%. Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tăng 10,9% so với năm 2015 lên 34.600 tỷ NDT (tương đương khoảng 5.046 tỷ USD).

- Sản lượng công nghiệp tăng 6% so với năm 2015, phần lớn nhờ ngành công nghệ cao (tăng 10,8%). Trong nỗ lực tái cơ cấu và tối ưu hóa ngành công nghiệp, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tình trạng dư thừa công suất trong các ngành và lĩnh vực truyền thống (như sắt, thép) và đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực mới nổi.

- Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 10,4% so với năm 2015 lên 33.230 tỷ NDT, nhờ các chính sách thúc đẩy tiêu dùng.

- Đầu tư tài vào sản cố định của Trung Quốc tăng 8,1%, giảm so với mức tăng 10% của năm 2015.

(Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 20/01)

Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng sản lượng khai thác dầu thô trong nước lên 200 triệu tấn và cung ứng 360 tỷ m3 khí đốt tự nhiên nhằm đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường nội địa, đồng thời tăng cường xây dựng mạng lưới đường ống dẫn dầu khí và phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế. Trung Quốc là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn trên thế giới. Năm 2016, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 65% lượng dầu mỏ cho nhu cầu sử dụng trong nước. (Theo Cục Quản lý năng lượng Quốc gia Trung Quốc - NEA và Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước - NDRC ngày 19/01)

Trong năm 2016, thị trường Trung Quốc đã phát hành 36,1 nghìn tỷ NDT (tương đương khoảng 5.230 tỷ USD) trái phiếu, tăng 54,2% so với năm 2015 trong bối cảnh hoạt động tài trợ chi phí cho các doanh nghiệp thông qua phát hành trái phiếu tại nước này đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2014. (Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – PboC ngày 22/01)

Trong tháng 12/2016, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới 1.040 tỷ NDT, cao hơn nhiều so với mức dự báo 700 tỷ NDT của các chuyên gia kinh tế, đưa tín dụng cả năm 2016 đạt mức kỷ lục 12.650 tỷ NDT (tương đương khoảng 1.840 tỷ USD), trong bối cảnh Chính phủ khuyến khích các chương trình kích thích tín dụng nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. (Theo PBoC ngày 26/01)

PBOC ngày 24/01/2017 đã bơm thêm 245,5 tỷ NDT (tương đương khoảng 35,93 tỷ USD) vào thị trường dưới dạng cho 22 tổ chức tài chính vay thông qua cơ chế cho vay trung hạn (MLF) nhằm duy trì thanh khoản ổn định. Lãi suất MLF ở mức 2,95% đối với khoản vay 6 tháng và 3,1% đối với khoản vay 1 năm, cao hơn các mức lãi suất MLF trước đó 10 điểm cơ bản.

Theo nhà nghiên cứu Wen Bin tại Ngân hàng Minsheng Trung Quốc, đây là lần đầu tiên PBOC tăng lãi suất MLF nhằm kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng và tài chính, giúp giảm tình trạng căng thẳng về khả năng thanh khoản trong hệ thống tài chính trước dịp Tết Nguyên đán.

(Theo TTXVN ngày 24/01)

Nhật Bản

Trong năm 2016, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 4.070 tỷ JPY - lần đầu tiên sau 6 năm liên tiếp thâm hụt, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 7,4% xuống còn 70.040 tỷ JPY, lần giảm đầu tiên trong 4 năm trong bối cảnh xuất khẩu sắt, thép và ô tô giảm; kim ngạch nhập khẩu giảm 15,9% xuống 65.970 tỷ JPY do nhập khẩu dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng sụt giảm. (Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 25/01)

Chính sách

Hoa Kỳ: Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED (01/02) công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,5 - 0,75% trong bối cảnh thị trường lao động vẫn vững chắc, lạm phát đã tăng lên, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp được cải thiện. Việc FED không đưa ra tín hiệu về thời điểm tăng lãi suất tiếp theo cho thấy FED vẫn đang xem xét các tác động từ chính sách kinh tế của Tổng thống Trump.

Nhận định
chuyên gia

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak (22/01):

Giá dầu có thể đạt khoảng 50 - 60 USD trong năm 2017 do các nước sản xuất dầu mỏ đã thành công trong việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Thị trường sẽ cân bằng trở lại vào tháng 7/2016.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond (27/01):

Anh sẽ thâm hụt ngân sách khoảng 59 tỷ GBP (tương đương khoảng 73,1 tỷ USD) trong 5 năm tới do ảnh hưởng của sự kiện Brexit. Theo đó, Anh cần xử lý các điểm yếu của nền kinh tế như khoảng cách năng suất lao động so với các nước khác trong EU, vấn đề nhà ở và sự mất cân đối về tăng trưởng kinh tế giữa các vùng.

Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Anh đến năm 2020 là dưới 2% GDP.