Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26-30/12/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Anh: Tốc độ tăng trưởng đạt 0,6% trong quý III/2016, cao hơn dự báo tăng 0,5%, do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh và các hoạt động kinh doanh, tài chính sôi động hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I và quý II bị điều chỉnh giảm xuống lần lượt ở mức 0,3% và 0,6% so với ước tính trước đó là 0,4% và 0,7%. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia - ONS ngày 23/12)

- Cuba: GDP suy giảm 0,9% trong năm 2016 - lần suy giảm đầu tiên trong gần 25 năm, một phần do bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela (đối tác thương mại chủ chốt của Cuba). Tuy nhiên, triển vọng kinh tế năm 2017 sẽ tốt hơn, với dự báo tăng trưởng đạt 2%. (Theo Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 28/12)

- Nhật Bản: CPI tháng 11/2016 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2015 - mức cao nhất kể từ tháng 5/2015, sau khi tăng 0,1% trong tháng 10, do giá thực phẩm tươi sống tăng cao. Tuy nhiên, CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) giảm 0,4% - tháng giảm thứ 9 liên tiếp và giảm sâu hơn mức dự báo giảm 0,3%. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 26/12)

- Hàn Quốc:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2016 và 2017 cùng đạt mức 2,6%, thấp hơn so với dự báo trước đó (2,8% năm 2016 và 3% năm 2017), do kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng trong nước sụt giảm mạnh; kinh tế thế giới năm 2017 dự báo sẽ có nhiều biến động do sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và quyết định tăng lãi suất của FED. (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 28/12)

+ Ngoài ra cũng có một số nguồn dự báo khác: Tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2017 sẽ giảm từ 2,7% (dự báo trước đó) xuống 2,4% (theo Viện Phát triển Hàn Quốc - KDI); từ 2,2% xuống 2,1% (theo Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc - KERI); từ 3% xuống 2,6% (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD).

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong tuần qua do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới 2017 khiến khối lượng giao dịch giảm. Tính chung cả tuần (27 - 30/12/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,86%; 1,10% và 1,46% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (23/12/2016).Trong ngày giao dịch cuối tuần (30/12/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 19.762,60 điểm, giảm 0,3%.

+ S&P 500 đạt 2.238,12 điểm, giảm 0,5%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.383,12 điểm, giảm 0,9%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng/giảm trái chiều trong tuần qua. Những phiên điều chỉnh liên tiếp cuối năm đã khiến chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp của chứng khoán Nhật Bản bị chặn lại, trong khi chứng khoán Hồng Kông, Australia tăng điểm. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,38% lên 135,04 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,45% xuống 19.114,37 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,21% xuống 3.103,64 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,46% xuống 2.026,46 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,97% lên 22.003,91 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,66% lên 5.359,415 điểm.

Dầu mỏ

Các nhà khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ dự kiến tăng thêm khoảng 30% vốn đầu tư vào hoạt động khai thác và sản xuất dầu trong năm 2017, trong bối cảnh giá dầu thế giới phục hồi khiến các ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng cho ngành năng lượng lần đầu tiên trong vòng hai năm qua. (Theo Reuters ngày 29/12)

Xuất khẩu dầu thô tháng 11/2016 của Iran sang bốn thị trường chủ chốt ở châu Á (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản) đạt 1,94 triệu thùng/ngày, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng thứ hai liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng trên 100%. Trong đó, lượng dầu xuất khẩu sang Ấn Độ và Hàn Quốc tăng gấp bốn lần. Việc Iran được miễn tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ của OPEC từ tháng 01/2017 sẽ hỗ trợ tích cực cho kế hoạch giành lại thị phần đã mất của nước này sau nhiều năm bị trừng phạt quốc tế. (Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 28/12)

Tuần từ 26-30/12/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 1,32% và 1,76%, do nguồn cung sẽ thắt chặt hơn khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa OPEC và các nhà sản xuất không thuộc OPEC có hiệu lực vào ngày 01/01/2017. Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 30/12:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 5 cent (0,1%) lên 53,72 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 3 cent (0,1%) lên 56,82 USD/thùng.

Châu Âu

EU

Tín dụng cung cấp cho hộ gia đình và doanh nghiệp tại Eurozone trong tháng 11/2016 tăng lần lượt 1,9% và 2,2% so với cùng kỳ năm 2015 (trong đó tín dụng cho doanh nghiệp đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm), cho thấy các biện pháp của ECB nhằm thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và đầu tư đã phát huy hiệu quả.(Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 29/12)

Italy

Chính phủ Italy ngày 23/12 đã thông qua kế hoạch cứu trợ từ ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (BMPS) trị giá 20 tỷ EUR (21 tỷ USD), sau khi ngân hàng này thông báo chỉ huy động được trên 2 tỷ EUR từ các nhà đầu tư tư nhân, chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu cần huy động (5 tỷ EUR). Kế hoạch cứu trợ sẽ đảm bảo cho khoản tiền tiết kiệm của khoảng 40 nghìn nhà đầu tư nhỏ hiện đang nắm giữ số trái phiếu của BMPS trị giá khoảng 2,1 tỷ EUR,đồng thời giúp BMPS có thể tiếp tục hoạt động. Năm 2016, BMPS đã mất 80% giá trị thị trường. Cổ phiếu, trái phiếu và các sản phẩm liên quan của ngân hàng này đều bị dừng giao dịch vào ngày 22/12/2016. (Theo AFP ngày 24/12)

Nga

Trong năm 2016, Nga khai thác được 547,2-547,5 triệu tấn dầu thô với sản lượng lọc dầu khoảng 277 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng lọc dầu dự báo tiếp tục giảm 2,5% xuống còn 270 triệu tấn. Bên cạnh đó, Nga xuất khẩu được 253,5 triệu tấn dầu, tăng 4,8% so với năm 2015 và dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm 2017. (Theo Thứ trưởng Năng lượng Nga Kirill Molodtsov ngày 26/12)

Châu Á

Hàn Quốc

- Chỉ số niềm tin tiêu dùng - CCSI tại Hàn Quốc trong tháng 12/2016 giảm xuống còn 94,2 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009, từ mức 95,8 điểm trong tháng 11, do người tiêu dùng quan ngại về những bất ổn kinh tế và chính trị đang xảy ra tại nước này. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 26/12)

- Trong tháng 11/2016, doanh số bán lẻ của Hàn Quốc giảm 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2015 - mức cao nhất kể từ tháng 8 và cao hơn mức tăng 2,5% trong tháng 10. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 29/12)

- Trong tháng 11/2016, sản lượng công nghiệp Hàn Quốc tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2013, sau khi giảm 2 tháng liên tiếp trong tháng 9 và 10 (lần lượt giảm 1,9% và 1,3%). (Theo Chính phủ Hàn Quốc ngày 29/12)

Singapore

Trong tháng 11/2016, sản lượng sản xuất của Singapore tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3/2014, cao hơn dự báo tăng 1,6% và tăng 6,1% so với tháng 10 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2016 và trái ngược với mức dự báo giảm 2% được đưa ra trước đó. (Theo Ủy ban Phát triển kinh tế Singapore ngày 23/12)

Saudi Arabia

Trong năm 2016, thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia là 297 tỷ riyals (79 tỷ USD), giảm mạnh so với mức thâm hụt kỷ lục 367 tỷ riyals của năm 2015 và mục tiêu của Chính phủ là 326 tỷ riyals. Trong đó, chi ngân sách là 825 tỷ riyals, lần đầu tiên thấp hơn so với kế hoạch là 840 tỷ riyals; thu ngân sách là 528 tỷ riyals, cao hơn kế hoạch là 514 tỷ riyals. Trong năm 2017, dự kiến thâm hụt sẽ tiếp tục giảm còn 198 tỷ riyals, nhờ giá dầu tăng cao sẽ giúp tăng thu ngân sách. (Theo Chính phủ Saudi Arabia ngày 22/12)

Hoa Kỳ

Trong tháng 11/2016, doanh số bán nhà tại Hoa Kỳ tăng 5,2% so với tháng trước lên 592 nghìn căn - mức cao nhất trong 4 tháng và cao hơn doanh số 563 nghìn căn của tháng 10, do lãi suất tăng nhanh sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 23/12)

Trong tháng 12/2016, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng lên 98,2 điểm - mức cao nhất trong hơn 12 năm qua, từ 93,8 điểm của tháng 11, do người tiêu dùng trong nước kỳ vọng vào chính sách của Tân Tổng thống Donald Trump sẽ giúp cải thiện nền kinh tế Hoa Kỳ. (Theo Thomson Reuters ngày 23/12)

Trung Quốc

Trong năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI vào Trung Quốc (không tính lĩnh vực tài chính) đạt khoảng 785 tỷ NDT (126 tỷ USD), trong khi vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài - ODI (không tính lĩnh vực tài chính) đạt khoảng 1.120 tỷ NDT (161,17 tỷ USD). Bên cạnh đó, Trung Quốc có kế hoạch đưa ngành du lịch trở thành một động lực chính để thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, với doanh thu đạt 7 nghìn tỷ NDT (1 nghìn tỷ USD) vào năm 2020. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 26/12)

Trong tháng 11/2016, lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2015 lên 7,75 tỷ NDT, cao hơn mức tăng 9,8% của tháng 10. Lũy kế 11 tháng, tổng lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2015 lên 6.034,4 tỷ NDT. Trong đó, lợi nhuận của khu vực tư nhân tăng 5,9%, doanh nghiệp nhà nước tăng 8,2%, doanh nghiệp cổ phần tăng 9,9% và khu vực đầu tư nước ngoài tăng 10,8%, trong khi các doanh nghiệp tập thể giảm 3,7%. (Theo Văn phòng Thống kê Trung Quốc ngày 26/12)

Trung Quốc sẽ tiến hành điều chỉnh thuế suất đối với nhiều hàng hóa xuất nhập khẩu bắt đầu từ ngày 01/01/2017. Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng như cá ngừ, tôm Bắc Cực, bộ phận dẫn động bằng hơi nước dành cho máy bay…; giảm thuế xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng, trong đó có phân bón nitơ và phốt phát, thanh thép phôi cán nhỏ... Ngoài ra, để phù hợp với các hiệp định thương mại đã được ký kết, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Hồng Kông và Ma Cao được miễn thuế. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 25/12)

Trong phiên giao dịch ngày 30/12, tỷ giá tham chiếu giữa đồng NDT so với đồng USD được Hệ thống giao dịch ngoại hối Trung Quốc điều chỉnh tăng 127 điểm cơ bản lên 6,9370 NDT/USD sau 3 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2016, đồng NDT giảm gần 7% so với đồng USD và là một trong những đồng tiền châu Á giảm giá mạnh nhất. (Theo Reuters ngày 30/12)

Nhật Bản

Trong tháng 11/2016, sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng 1,5% so với tháng 10 - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6, tuy nhiên vẫn thấp hơn dự báo tăng 1,6%. Trong đó kim loại màu tăng 1,6%, máy móc thiết bị kinh doanh tăng 3,3%, máy móc thiết bị điện tăng 5,5%, thông tin và thiết bị điện tử viễn thông tăng 4%, thiết bị vận tải tăng 2%, xăng dầu và các sản phẩm than tăng 2,3%. So với cùng kỳ năm 2015, sản lượng công nghiệp tăng 4,6%. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 28/12)

Trong tháng 11/2016, doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015 - lần tăng đầu tiên trong 8 tháng qua và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2015, sau khi giảm 0,2% trong tháng 10 và cao hơn mức dự báo tăng 0,9%. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 28/12)

Trữ lượng nhập khẩu dầu mỏ của Nhật Bản trong tháng 11/2016 giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2015 xuống còn 94,22 triệu thùng và là tháng giảm thứ năm liên tiếp.Lượng dầu nhập khẩu từ Trung Đông chiếm 88,4%, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015, tháng tăng thứ 13 liên tiếp. Trong đó, Saudi Arabia tiếp tục là nước xuất khẩu dầu lớn nhất sang thị trường Nhật Bản với 36,98 triệu thùng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2015; các Tiểu Vương quốc A rập Thống nhất (UAE) xuất khẩu 23,15 triệu thùng, tăng 10,1%; Iran xuất khẩu 7,11 triệu thùng, tăng 41,2%.(Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 28/12)

Nhận định
chuyên gia

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ Haruhiko Kuroda (26/12):

Nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn mới sau khi đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khung chính sách mới của BoJ được xây dựng nhằm tận dụng sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Nhận định trên của ông Kuroda được đưa ra khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Hoa Kỳ có xu hướng tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đang ổn định quanh mức 0%, cho thấy chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của BoJ đã phát huy tác dụng.

Nhà bình luận kinh tế trưởng Martin Wolf của Financial Times:

Tình hình chính trị (Brexit, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ…) sẽ tác động đến kinh tế thế giới trong năm 2017. Theo đó, kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khoảng 3% nhưng tốc độ này không bền vững; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5 - 6%; kinh tế Eurozone tăng trưởng 1 - 1,5% nhưng chứa đựng nhiều rủi ro do môi trường chính trị của EU không ổn định và có thể gây ra khủng hoảng kinh tế.

Tân Hoa xã (27/12):

Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% trong năm 2016 và có thể tăng trưởng 6,5% trong năm 2017. Mặc dù nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn như đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh; nhu cầu tiêu dùng từ các thị trường bên ngoài yếu; áp lực cắt giảm công suất và chi phí đối với một số ngành công nghiệp; lĩnh vực bất động sản tăng trưởng chậm, tuy nhiên Trung Quốc đã chống đỡ với sự giảm tốc bằng việc tái cơ cấu nền kinh tế theo định hướng tiêu dùng và dịch vụ.

Chuyên gia David Doyle thuộc Công ty Macquarie Capital Markets Canada (28/12):

Trong năm 2017, đồng CAD có thể sẽ chạm đáy khi giảm còn 1CAD/0,64 USD so với mức 1CAD/0,74 USD hiện nay, do hai nguyên nhân chính là biến động về tỷ giá và giá dầu mỏ.

Trong khi Ngân hàng Trung ương Canada vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25% sau hơn một năm áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có xu hướng giữ nguyên trong năm 2017 thì FED ngày 14/12 đã tăng lãi suất và dự kiến tiếp tục điều chỉnh thêm 3 lần trong năm 2017.

Giá dầu đang được giao dịch ở mức 54 USD/thùng và dự báo sẽ tăng lên 57 USD/thùng trong năm 2017, tuy nhiên chưa đủ đẩy lùi tác động lớn hơn từ quyết định tăng lãi suất của FED.