Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/6-01/7/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Hoa Kỳ:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 2% trong năm 2017 và 2,3% vào năm 2018. Mức độ cải thiện kinh tế năm 2018 sẽ phụ thuộc nhiều vào quy mô và việc triển khai các biện pháp kích thích tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ.

Xu hướng tăng trưởng kinh tế vững chắc sẽ tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nâng lãi suất vào tháng 12/2017 và tăng thêm 3 lần nữa vào năm 2018. (Theo dự báo của Hiệp hội Ngân hàng Hoa Kỳ - ABA ngày 22/6)

- Trong năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,1%, giảm tương ứng 0,2 và 0,4 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2017, do các kế hoạch cải cách kinh tế của Tổng thống Donald Trump thiếu các thông tin chi tiết; đồng thời IMF cho rằng, Chính phủ của Tổng thống Trump khó đạt được mục tiêu thúc đẩy mức tăng trưởng hằng năm lên trên 3% trong một giai đoạn bền vững (từ mức 1,6% của năm 2016). (Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF ngày 27/6)

- Trong quý I/2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đạt 1,4%, cao hơn mức ước tính lần 2 là 1,2%, do chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng tương đối thấp so với mức tăng trưởng 2,1% của quý IV/2016. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 29/6)

Nhật Bản: Trong tháng 5/2017, CPI của Nhật Bản tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2016, bằng mức tăng của tháng 4/2017, nhưng thấp hơn mức 0,5% (dự báo của thị trường). CPI lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống) tăng 0,4% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2015, cao hơn so với mức tăng 0,3% của tháng 4/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Nhật Bản ngày 30/6)

Đức: Trong tháng 6/2017, CPI của Đức tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 1,5% của tháng 5/2017 và 1,4% (dự báo của thị trường), do chi phí dịch vụ và lương thực tăng nhanh. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức ngày 29/6)

Singapore: Trong tháng 5/2017, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Singapore tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 11,3% của tháng 4/2017 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 11/2016, do giá nhiên liệu, hóa chất… tăng chậm hơn. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 29/6)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do nhóm cổ phiếu công nghệ gây sức ép trên thị trường. Tính chung cả tuần (26/6 - 30/6/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt là 0,21%; 0,61% và 1,99% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (23/6/2017).

Trong ngày giao dịch ngày 30/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 3,93 điểm (-0,06%) xuống 6.140,42 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 3,71 điểm (0,15%) lên 2.423,41 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 62,6 điểm (0,29%) lên 21.349,63 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,53 điểm (-0,34%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (30/6/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 4,37 điểm (0,14%) lên 3.192,43 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,78 điểm (-0,16%) xuống 2.391,79 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 200,84 điểm (-0,77%) xuống 25.765,8 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 96,6 điểm (-1,66%) xuống 5.721,5 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 186,87 điểm (-0,92%) xuống 20.033,43 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 26/6 - 30/6/2017, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 7,04% và 5,23%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (23/6/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 8/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,32 USD (2,41%) lên 46,04 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,5 USD (1,04%) lên 47,92 USD/thùng.

Trong tuần từ 19 - 23/6, dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng 851 nghìn thùng lên 509,5 triệu thùng (trái ngược với dự báo giảm 2,6 triệu thùng của các chuyên gia), cho thấy tình trạng dư cung dầu mỏ trên toàn cầu chưa chấm dứt.

Ông Ian Taylor, Giám đốc Công ty Giao dịch dầu Vitol dự báo, dầu Brent sẽ được giao dịch khoảng 40 - 55 USD/thùng vào các quý tới, trong bối cảnh sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ tăng làm chậm lại quá trình tái cân bằng của thị trường. (Theo báo cáo của Viện Dầu khí Quốc gia Hoa Kỳ - API ngày 27/6)

Trái phiếu

Trong tháng 5/2017, các nhà đầu tư đã chi 9 tỷ USD vào thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tại các nước châu Á, cao hơn 8,8 tỷ USD trong tháng 4/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2016, do thị trường trái phiếu châu Á đang khá hấp dẫn, đặc biệt tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc.

Trong tháng 4-5/2017, hầu hết các quỹ đã đổ tiền vào thị trường Ấn Độ, với lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm khoảng 6,5%, Malaysia khoảng 3,9% và Hàn Quốc khoảng 2,13%.

(Theo ANZ Research ngày 26/6)

Tín dụng

Trong năm 2016, mức nợ toàn cầu tăng 500 tỷ USD lên mức cao kỷ lục 217 nghìn tỷ USD, chiếm 327% GDP thế giới, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn (như FED, Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB) chuẩn bị chấm dứt các chính sách cho vay với lãi suất thấp trong nhiều năm qua.

Nhiều ngân hàng trung ương lên tiếng cảnh báo về tình trạng tài sản được định giá quá đắt, vay tiêu dùng nhiều và quá trình chuẩn hóa lãi suất trên thế giới từ mức thấp được đưa ra trong thời gian qua được bặt đầu nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2009. (Theo nghiên cứu của Viện Tài chính Quốc tế - IIF ngày 27/6)

Châu Á

Hàn Quốc:

- Trong năm 2017, tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc dự báo đạt 1.005 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 542 tỷ USD (tăng 9,4%), kim ngạch nhập khẩu đạt 463 tỷ USD (tăng 14%).

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt mức tăng bình quân 16,3% nhờ sự gia tăng của một số mặt hàng điện tử và việc mở rộng xuất khẩu các ngành công nghiệp tăng trưởng mới, cùng chính sách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.(Theo dự báo của Viện nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế - KITA ngày 26/6)

- Trong tháng 5/2017, sản lượng công nghiệp của Hàn Quốc đã được phục hồi từ mức giảm 2,2% của tháng 4/2017, tăng 0.2% so theo tháng và 0,1% so theo năm,do sản lượng sản xuất chất bán dẫn tăng trở lại, theo đó hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong nước . (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 30/6)

Myanmar: Ủy ban Đầu tư Myanmar - MIC công bố 10 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm nông nghiệp, chăn nuôi và ngư nghiệp, xuất khẩu, thay thế nhập khẩu, điện năng, vận tải, giáo dục, y tế, xây dựng nhà ở giá rẻ và thiết lập các khu công nghiệp.

Chính phủ Myanmar dự kiến sẽ thu hút hơn 6 tỷ USD vốn đầu tư của nước ngoài trong tài khóa 2017-2018 (bắt đầu từ tháng 4/2017). (Theo MIC ngày 28/6)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2017, giá trị các đơn đặt hàng bền vững hoặc các mặt hàng có thời gian sử dụng ít nhất 3 năm (như ô tô, các thiết bị gia dụng) của Hoa Kỳ đạt 228,2 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước - mức sụt giảm lớn nhất trong 6 tháng qua và giảm mạnh hơn so với mức giảm 0,6% (dự báo của các chuyên gia kinh tế), do nhu cầu về máy tính, thiết bị truyền thông và vận tải giảm, cho thấy tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ có thể không được tốt như kỳ vọng. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/6)

Trong tháng 6/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ đạt 118,9 điểm, tăng so với 117,9 điểm của tháng 5/2017 và 116 điểm (dự báo của Reuters), cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế của nước này, do giá xăng tăng, thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục và thị trường lao động ở trạng thái tốt. (Theo Conference Board ngày 27/6)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ thu hẹp quy mô chương trình kích thích kinh tế trị giá 60 tỷ EUR (67 tỷ USD)/tháng nếu nền kinh tế khu vực này tiếp tục vững mạnh. Tuy nhiên, tiến trình này sẽ được tiến hành một cách cẩn trọng.

Quyết định thu hẹp dần chương trình kích thích kinh tế của ECB có thể tác động trên diện rộng đối với với các chính phủ, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng trên toàn thế giới.(Theo Chủ tịch ECB, Mario Draghi ngày 27/6)

Trung Quốc

Nợ chính phủ của Trung Quốc vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Các cơ quan chức năng tích cực đưa ra nhiều biện pháp mới để theo sát hoạt động quản lý nợ của chính quyền các địa phương như tăng cường giám sát các nền tảng tài chính địa phương, thiết lập cơ chế giám sát chéo giữa các bộ phận và thành lập hệ thống phòng chống nguy cơ nợ vượt tầm kiểm soát.

Thời gian qua Chính phủ Trung Quốc cũng đã tăng cường công khai thông tin về các hoạt động huy động vốn của chính quyền địa phương và truy cứu trách nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo về những hoạt động huy động vốn phi pháp. (Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Zhang Xiaochun ngày 23/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đạt lợi nhuận 1,04 nghìn tỷ NDT (152,14 tỷ USD), tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 24,8% của 4 tháng đầu năm và 1,7% của cả năm 2016; tổng doanh thu đạt 19,8 nghìn tỷ NDT, tăng 17,4%; trong khi tổng tài sản của các doanh nghiệp này tại thời điểm cuối tháng 5/2017 đạt 139 nghìn tỷ NDT, tăng 11,2%.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu, hóa dầu và vận tải có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn. (Theo Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 26/6)

Trong tháng 5/2017, các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc (có doanh thu hằng năm trên 20 triệu NDT, tương đương 2,93 triệu USD) đạt tổng lợi nhuận 626 tỷ NDT, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 14% của tháng 4/2017 và 8,5% của năm 2016.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc đạt tổng lợi nhuận 2,9 nghìn tỷ NDT, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây là một dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Trung Quốc. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 27/6)

Trong tháng 6/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đạt 51,7 điểm, cao hơn so với 51,2 điểm của tháng 5/2017 và đây là tháng thứ 11 liên tiếp ngành sản xuất của Trung Quốc được mở rộng, hỗ trợ cho sự tăng trưởng vững chắc của nền kinh tế nước này. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 30/6)

Anh

Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm từ 109,1 điểm trong tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử sớm tại Anh (08/6) xuống 105,2 điểm trong 12 ngày sau đó - mức thấp nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu - EU (ngày 23/6/2016), cho thấy sự giảm sút niềm tin của người tiêu dùng sau cuộc bầu cử.

Tính chung tháng 6/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Anh là 106,9 điểm - mức thấp thứ hai trong vòng 4 năm qua, do người tiêu dùng lo ngại tình hình chính trị bất ổn có thể ảnh hưởng tới giá nhà đất và tác động xấu tới mức sống của họ. (Theo khảo sát của YouGovConsumer ngày 27/6)

Đàm phán - Ký kết

Anh và Liên minh châu Âu (EU)

Anh và Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động tiến trình đàm phán đưa Anh rời khỏi EU (Brexit) theo đúng lịch trình. Trưởng đoàn đàm phán vềBrexitcủa EU Michel Barnier cho biết, EU hướng tới một cuộc đàm phán xây dựng với Anh.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh - David Davis tuyên bố Anh muốn là một đối tác mạnh và đặc biệt của EU sau cuộc đàm phán này. (Theo TTXVN ngày 19/6)

Trung Quốc và Nhật Bản

Ngày 27/6, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra cuộc đàm phán cấp thứ trưởng thương mại lần thứ 18 giữa Bộ Thương mại Trung Quốc với Bộ Kinh tế, Thương Mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhằm trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế và thương mại.

Hai bên đã tổ chức các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về kết nối cơ sở hạ tầng châu Á, theo đó Trung Quốc báo cáo về sáng kiến “Vành đai và Con đường”, trong khi Nhật Bản giới thiệu về “Quan hệ đối tác phục vụ cơ sở hạ tầng chất lượng cao”.

Ngoài ra, hai bên còn trao đổi quan điểm về hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ngành dịch vụ hiện đại, quyền sở hữu trí tuệ và buôn bán xe ô tô, cùng nhiều vấn đề khu vực và đa phương khác như Khu vực mậu dịch tự do Trung - Nhật - Hàn, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các vấn đề liên quan đến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

(Theo TTXVN ngày 28/6)

Nhận định

chuyên gia

Ngân hàng Thanh toán quốc tế - BIS (25/6):

Các nhà hoạch định chính sách và thống đốc ngân hàng trung ương các nước cần giám sát chặt chẽ các động thái trên thị trường tài chính nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008.

Đà phục hồi của thương mại toàn cầu trong năm 2017 cùng với tốc độ tăng trưởng GDP được cải thiện tại hầu hết các nước có thể làm cho các nhà hoạch định chính sách chủ quan với những dấu hiệu về tình trạng cho vay quá mức có thể đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu (ví dụ như đà tăng giá mạnh của các thị trường cổ phiếu trong thời gian qua).

Tổng Giám đốc 5 ngân hàng lớn của Hàn Quốc - KB Kookmin, Shinhan, Woori, KEB Hana và Nonghyup (26/6):

Lãi suất trên thị trường Hàn Quốc sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2017, trong bối cảnh nền kinh tế nước này tiếp tục đà phục hồi, do được thúc đẩy bởi hoạt động xuất khẩu và chi tiêu của doanh nghiệp vào các tài sản cố định tăng lên, cùng những kỳ vọng đối với các chính sách kinh tế của Chính phủ.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đạt khoảng 2,7 - 2,8% trong năm 2017.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (27/6):

Các nước cần phải bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện. Thương mại tự do nên là nền tảng của thương mại bình đẳng.

Các nước nên giải quyết tranh chấp thương mại tùy thuộc vào tình hình thực tiễn tại mỗi nước, dựa trên nguyên tắc trao đổi thẳng thắn, thông cảm lẫn nhau, không phân biệt đối xử, tìm kiếm lợi ích chung và bổ sung lợi thế của nhau để mang lại lợi ích cho tất cả các bên; tránh áp đặt các quy định đơn phương lên các đối tác...

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Janet Yellen (27/6):

Những cải cách ngân hàng được thực hiện trong thời gian qua đã làm lành mạnh hệ thống tài chính với vốn hóa tốt và thanh khoản dồi dào, các cơ quan giám sát ngân hàng đang kiểm soát tốt những rủi ro hệ thống trong nền kinh tế và tránh được nguy cơ khủng hoảng tái diễn trong thời gian tới.

Ủy viên phụ trách ngân sách Liên minh châu Âu - EU Günther Oettinger (28/6):

EU có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách 20 tỷ EUR mỗi năm cũng như đối mặt với nhiều thách thức gia tăng về chi phí do ảnh hưởng của Brexit.

Trong đó, riêng Brexit làm ngân sách EU thâm hụt khoảng 10 tỷ EUR mỗi năm; chi trả tài chính cho các nhiệm vụ mới như quốc phòng, an ninh nội địa khoảng 10 tỷ EUR.

Do đó, các nước thành viên phải lựa chọn giữa việc tìm nguồn tài trợ mới hoặc cắt giảm tài trợ cho các dự án lớn của mình trong bối cảnh nước Anh dự kiến rời EU vào tháng 3/2019.