Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/9-01/10/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Toàn cầu: Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 dự báo đạt 2,9% - mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, giảm so với dự báo tăng 3% (tháng 6/2016); tăng trưởng năm 2017 đạt 3,2%, giảm so với dự báo tăng 3,3%, do thương mại toàn cầu tăng thấp trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa chậm. (Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 21/9)

- Châu Á: Tốc độ tăng trưởng GDP ổn định ở mức 5,7% trong cả hai năm 2016 và 2017, giữ nguyên so với dự báo tháng 3/2016, trong đó kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,6% năm 2016 và 6,4% năm 2017, cao hơn so với dự báo trước đó lần lượt là 6,5% và 6,3%; kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,4% và 7,8%; khu vực Nam Á đạt 6,9% và 7,3%,; khu vực Đông Nam Á đạt 4,5% và 4,6%; khu vực Trung Á đạt 1,5% và 2,6%. (Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 27/9)

- Eurozone: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,5% trong năm 2016 và 1,4% năm 2017, giảm so với các mức dự báo trước đó tương ứng là 1,6% và 1,7%. (Theo OECD ngày 21/9)

- Hoa Kỳ:

+ Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,4% năm 2016 và 2,1% năm 2017, giảm so với các mức dự báo trước đó tướng ứng là 1,8% và 2,2%. (Theo OECD ngày 21/9)

+ GDP quý II/2016 tăng trưởng 1,4%, mức cao nhất kể từ quý III/2014, do chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh (4,3%). Tổ chức Macroeconomic Advisers dự báo kinh tế Hoa Kỳ trong quý III và quý IV/2016 tăng trưởng lần lượt 3% và 2,4%. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 29/9)

- Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế trong quý IV và cả năm 2016 đạt khoảng 6,7%, do đầu tư, tiêu dùng và hoạt động sản xuất công nghiệp được cải thiện trong những tháng gần đây nhờ những biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ phát huy hiệu quả. (Theo Ngân hàng Trung Quốc - BoC ngày 29/9)

- Anh: Tăng trưởng kinh tế đạt 1,8% trong năm 2016, cao hơn so với dự báo 1,7% đưa ra trước đó; năm 2017 tăng 1%, giảm so với dự báo 1,1%. (Theo OECD ngày 21/9)

- Thụy Sỹ: Kinh tế tiếp tục duy trì đà hồi phục và đạt mức tăng trưởng 1,5% trong năm 2016, cao hơn dự báo 1,3% (tháng 12/2015). Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến khích Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ áp dụng lãi suất âm để ứng phó với việc đồng franc bị định giá cao. (Theo IMF ngày 26/9)

- Pháp: Tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2016 giảm 0,1%, thấp hơn dự báo GDP không đổi đưa ra trước đó và mức tăng 0,7% trong quý I, do sự sụt giảm chi tiêu hộ gia đình. Văn phòng Thống kê Pháp (Insee’s) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 xuống 1,3% (so với mức 1,4% đưa ra trước đó). (Theo Insee’s ngày 23/9)

- Brazil: Tăng trưởng kinh tế năm 2016 giảm 3,3% (năm thứ 2 liên tiếp sau khi giảm 3,8% trong năm 2015) và năm 2017 tăng 1,3%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát năm 2016 là 7,3%, cao hơn mức mục tiêu 6,5%; năm 2017 là 4,4%, thấp hơn mục tiêu 4,5%. (Theo Ngân hàng Trung ương Brazil ngày 27/9)

Tăng trưởng thương mại thế giới năm 2016 dự báo đạt 1,7%, giảm mạnh so với dự báo tăng 2,8% (tháng 4/2016); năm 2017 đạt 1,8 - 3,1%, giảm so với dự báo tăng 3,6%, do những thay đổi của chính sách tiền tệ ở các nước phát triển, tác động tiêu cực từ sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới(từ tháng 10/2015 - 5/2016, trung bình mỗi tháng các nước thành viên WTO đưa ra 22 biện pháp hạn chế thương mại mới, cao hơn 15 biện pháp/tháng trước đó). (Theo Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO ngày 27/9)

Năng lực
cạnh tranh

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của 138 nền kinh tế, Thụy Sĩ tiếp tục đứng đầu danh sách nhờ sự minh bạch trong hoạt động của của các cơ quan, tổ chức; tính hiệu quả của thị trường lao động; hệ thống giáo dục chất lượng tốt...Tuy nhiên, kinh tế Thụy Sĩ vẫn tồn tại một số vấn đề như tình trạng giảm phát kéo dài, nữ giới ít tham gia vào thị trường lao động… Đứng thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng lần lượt là Singapore và Hoa Kỳ. (Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF ngày 28/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Các chỉ số chứng khoán trong tuần qua tăng, giảm trái chiều do tác động từ các số liệu mới từ nền kinh tế, diễn biến cuộc tranh luận trực tiếp của hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ và quyết định bất ngờ cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tính chung cả tuần (26 - 30/9), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,26%; 0,17%; 0,12% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (23/9/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (30/9/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.308,15 điểm, tăng 0,91%.

+ S&P 500 đạt 2.168,27 điểm, tăng 0,8%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.312 điểm, tăng 0,81%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính giảm điểm trong tuần qua do việc Ngân hàng Deutsche Bank lãnh án phạt 14 tỷ USD của giới chức Hoa Kỳ đã tác động tiêu cực tới nhóm cổ phiếu tài chính, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh gần 1,5% trong phiên cuối tuần, chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 tuần. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,61% xuống 139,72 điểm.

Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1,82% xuống 16.449,84 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,93% xuống 3.004,703 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 1,64% xuống 23.279,15 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,49% xuống 2.043,63 điểm.

+ Riêng S&P/ASX 200 (Australia) tăng 0,09% lên 5.435,922 điểm.

Dầu mỏ

OPEC đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ (lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua, từ 34 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 32,5 - 33 triệu thùng/ngày, trong đó Saudi Arabia - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất OPEC, sẽ giảm 350.000 thùng/ngày. (Theo CNNMoney ngày 28/9)

Dự báo giá dầu WTI vẫn giữ ở mức 43 USD/thùng trong năm 2016 và 53 USD/thùng năm 2017, do kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC chỉ giúp hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn mà không làm thay đổi triển vọng dầu mỏ năm 2017.(Theo Goldman Sachs ngày 29/9)

Tuần từ 26 - 30/9/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 8,45% và 6,91% do OPEC đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc cắt giảm sản lượng xuống 32,5 - 33 triệu thùng/ngày từ 33,24 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (30/9/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 41 cent (0,86%) lên 48,24 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 25 cent (0,5%) lên 50,06 USD/thùng.

Châu Âu

Liên minh châu Âu

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của Eurozone tháng 9/2015 đạt 52,6 điểm - mức thấp nhất kể từ tháng 01/2015, giảm so với 52,9 điểm của tháng 8/2016. Trong đó PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 52,1 điểm, giảm so với 52,8 điểm của tháng 8/2016, PMI lĩnh vực chế tạo đạt 52,6 điểm, tăng so với 51,7 của tháng 8/2016.(Theo Công ty IHS Markit ngày 23/9)

Anh

Theo kết quả khảo sát 100 giám đốc điều hành (CEO) từ những công ty có doanh thu 100 triệu - 1 tỷ bảng tại Anh, 86% CEO tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của công ty mình, 69% tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Anh trong 3 năm tới, tuy nhiên có 76% đang xem xét chuyển trụ sở hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi nước Anh sau sự kiện Brexit. Hầu hết các CEO cho rằng, sự ổn định môi trường kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất để khuyến khích các nhà kinh doanh tiếp tục đầu tư vào Anh thời kỳ hậu Brexit.(Hãng kiểm toán KPMG của Anh ngày 26/9)

Pháp

- Pháp đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách năm 2017 xuống còn 69,3 tỷ EUR (2,7% GDP) so với mức thâm hụt dự kiến 69,9 tỷ EUR (3,3% GDP) năm 2016. Chi tiêu công năm 2017 dự kiến tăng 1,6% so với năm 2016. Kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách chủ yếu tập trung cắt giảm chi tiêu của hệ thống an sinh xã hội và của các chính quyền địa phương. Nguồn thu bổ sung dự kiến là từ việc truy thu các khoản gian lận thuế và điều chỉnh chính sách hỗ trợ kinh tế đối với các doanh nghiệp. (Theo Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Michel Sapin ngày 28/9)

- Số người thất nghiệp ở Pháp trong tháng 8/2016 tăng 1,4% so với tháng 7/2016 - mức tăng cao nhất kể từ tháng 01/2013 - lên 3,56 triệu người, do hoạt động của ngành du lịch tại Pháp giảm sau hai vụ tấn công ở Nice và Normandy trong tháng 7. (Theo Bộ Lao động Pháp ngày 26/9)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2016, chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ đạt 52 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4/2016, tăng so với 51,5 điểm trong tháng 8/2016. Trong đó PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 51,9 điểm, tăng so với 51 điểm tháng 8/2016, PMI lĩnh vực chế tạo đạt 51,4 điểm, giảm so với 52 tháng 8/2016.(Theo Theo Công ty Markit Economics ngày 27/9)

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ trong tháng 9/2016 đạt 104,1 điểm - cao nhất kể từ tháng 8/2007, cao hơn so với mức 101,8 điểm tháng 8/2016, do việc làm tăng trưởng ổn định, thị trường chứng khoán ít biến động… Đây là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ có thể tăng tốc trong những tháng tới. (Theo Tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board, Hoa Kỳ ngày 27/9)

Trong tháng 8/2016, doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ đạt 609.000 căn - mức cao thứ hai kể từ năm 2008 (sau mức 659.000 căn đạt được trong tháng 7/2016). Doanh số bán nhà mới sẽ tiếp tục xu hướng tăng mạnh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi trong những tháng cuối năm 2016. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/9)

Trung Quốc

Năm 2015, sản lượng công nghiệp hàng hải Trung Quốc tăng 7% so với năm 2014 lên 6,47 nghìn tỷ NDT (970 tỷ USD), chiếm 9,4% GDP năm 2015. Trung Quốc sẽ thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế biển mới bằng cách ứng dụng internet và cải thiện môi trường biển. Ngành kinh tế biển đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này. (Theo Tân Hoa xã ngày 27/9)

Nhật Bản

Doanh số bán lẻ của Nhật Bản trong tháng 8/2016 giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2015, giảm mạnh hơn mức giảm 0,2% của tháng 7, tạo nên chuỗi 6 tháng giảm liên tiếp, chủ yếu do sự sụt giảm doanh số bán quần áo và đồ gia dụng, tạo thêm áo lực cho các nhà hoạch định kinh tế Nhật Bản trong việc tìm biện pháp khuyến khích chi tiêu hộ gia đình của nước này. (Theo Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ngày 29/9)

Trong tháng 8/2016, CPI Nhật Bản giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015 - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2013, trong đó chi tiêu hộ gia đình giảm 4,6%; CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015 - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2013. CPI suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp là một thách thức lớn đối với chính sách kích cầu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 30/9)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/9 cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách kinh tế Abenomics và sớm thông qua TPP trong bối cảnh thế giới xuất hiện những “rủi ro” lớn như sự kiện Brexit, sự giảm tốc của các nền kinh tế mới nổi. Việc TPP sớm có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho Nhật Bản đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản hằng năm là 1 nghìn tỷ JPY (10 tỷ USD).

Saudi Arabia

Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã bơm 5,3 tỷ USD qua hình thức các khoản vay, nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong nước đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá dầu giảm. Chính phủ Saudi Arabia đã phải giảm các khoản tín dụng trong hệ thống ngân hàng, thắt chặt thanh khoản nội địa, khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. (Theo Bloomberg ngày 25/9)

Đàm phán - Ký kết

Singapore và Nhật Bản

Cơ quan Doanh nghiệp quốc tế (IE) Singapore và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) ngày 28/9 đã ký kết Hiệp định thương mại cho phép doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh liên kết thông qua chia sẻ mạng lưới kiến thức thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh, thực hiện các dự án chung tại thị trường các nước thứ ba ở Đông Nam Á và Nam Á.(Theo TTXVN ngày 28/9)

Nhận định
chuyên gia

Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (27/9):

Nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát, do tăng trưởng thấp của kinh tế toàn cầu, lãi suất được duy trì ở mức thấp, các ngân hàng khó cắt giảm sâu hơn nữa để kích cầu, đòi hỏi chính phủ các nước sử dụng các chính sách về chi tiêu, cải cách và thu nhập để kích cầu kinh tế và nâng triển vọng lạm phát.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson (24/9):

Các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng và tăng năng suất theo Chương trình Hành động Istanbul vào năm 2021, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ông Jan Eliasson kêu gọi các nước tài trợ thực hiện cam kết phân bổ ít nhất 0,2% GDP quốc gia vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho LDC.

Bà Kristin Forbes - chuyên gia về khủng hoảng kinh tế, thành viên của Ủy ban Chính sách tiền tệ Quốc gia Anh (22/9):

Kinh tế Anh đã tránh được cú sốc sau sự kiện Brexit và có thể phục hồi mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) không cần cắt giảm thêm lãi suất (sau khi hạ lãi suất xuống mức 0,25% vào tháng 8/2016 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế). Tâm lý, phản ứng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp Anh sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc giúp BoE đưa ra hành động phù hợp.

Bà Minouche Shafik, Phó Thống đốc BoE (28/9):

Nước Anh đang trải qua cú sốc kinh tế khá lớn sau sự kiện Brexit, khả năng thâm nhập thị trường EU của các doanh nghiệp Anh có thể bị suy giảm, ảnh hưởng đến triển vọng đầu tư, kinh doanh của nước này. Do đó BoE cần phải kích thích kinh tế nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (29/9):

Kinh tế Nga đang dần phục hồi, khoảng cách về tỷ lệ lạm phát thực tế và mục tiêu đang dần thu hẹp (lạm phát thực tế là 7%, trong khi lạm phát mục tiêu trung hạn là 4%). Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng tích cực vẫn chưa ổn định.