Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 27/11 - 02/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng:

- Toàn cầu: Nềnkinh tế toàn cầudự báo đạt mức tăng trưởng 3,6% trong năm 2017, sau đó tăng lên 3,7% trong năm 2018 (mức cao nhất trong 8 năm) và giảm xuống 3,6% trong năm 2019. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng OECD Catherine Mann nhận định, nếu hoạt động của khu vực tư nhân không khởi sắc, dự trữ vốn không được tăng cường, mức lương thực tế không tăng thì tốc độ tăng trưởng hiện tại sẽ không được duy trì.

- Eurozone: Kinh tế tăng trưởng 2,4% trong năm 2017, sau đó sẽ giảm xuống 2,1% trong năm 2018 và 1,9% trong năm 2019.

(Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD ngày 28/11)

- Hoa Kỳ:

+ Kinh tế tăng trưởng 2,2% trong năm 2017, tăng lên 2,5% trong năm 2018 nhờ chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập, sau đó giảm xuống 2,1% trong năm 2019.(Theo dự báo của OECD ngày 28/11)

+ Trong quý III/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016, do sự phục hồi trong chi tiêu của Chính phủ. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý III/2014, cao hơn mức tăng 3,1% của quý II/2017; 3,2% theo dự báo của các nhà kinh tế và 3% theo ước tính lần 1 (ngày 27/10). Đà này củng cố thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 29/11)

- Trung Quốc: Kinh tế tăng trưởng 6,8% trong năm 2017, sau đó giảm xuống 6,6% trong năm 2018 và 6,4% trong năm 2019, trong bối cảnh xuất khẩu giảm sút.

- Nhật Bản: Kinh tế tăng trưởng 1,5% trong năm 2017, sau đó giảm xuống 1,2% trong năm 2018 và 1% trong năm 2019.

- Hàn Quốc: Kinh tế tăng trưởng 3,2% trong năm 2017 nhờ xuất khẩu và đầu tư doanh nghiệp tăng, sau đó giảm xuống 3% trong năm 2018.

(Theo dự báo của OECD ngày 28/11)

- Anh: Trong quý III/2017, GDP của Anh tăng 0,4% (mức tăng theo quý), cao hơn so với mức tăng 0,3% của quý II/2017, nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Theo các nhà phân tích, GDP của Anh sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2017, phù hợp với dự báo của Chính phủ nước này, tuy nhiên mức tăng trưởng trên thấp hơn mức tăng trưởng trong dài hạn từ 2 - 2,5% đối với một nền kinh tế phát triển, tiên tiến như Anh.(Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 23/11)

- Ấn Độ: Trong quý III/2017, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6,4% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 5,7% của quý II/2017, chấm dứt xu hướng tăng trưởng giảm tốc trong 5 quý liên tiếp, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng lên cùng với những ảnh hưởng từ quyết định xóa bỏ các đồng tiền mệnh giá cao của Chính phủ nước này giảm xuống.(Theo Reuters ngày 30/11)

- Nga: Trong năm 2017, GDP của Nga sẽ tăng khoảng 1,7%, cao hơn so với mức dự báo tăng 1,3% đưa ra hồi tháng 5/2017. GDP dự kiến tăng khoảng 1,7% trong năm 2018 và tăng 1,8% trong năm 2019 nhờ xuất khẩu tăng cao và nhu cầu trong nước mạnh hơn.(Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 30/11)

Lạm phát:

- Ấn Độ: Lạm phát tiêu dùng của Ấn Độ trong tháng 10/2017 tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2016, chạm mức cao nhất trong 7 tháng qua. Các chuyên gia phân tích nhận định, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ sẽ không nới lỏng tiền tệ thêm nữa.(Theo Reuters ngày 30/11)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần (27/11 - 01/12/2017), chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 2,9%; 1,5%; tuy nhiên chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (24/11/2017).Trong ngày giao dịch 01/12/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 26,39 điểm (-0,38%) xuống 6.847,59 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 giảm 5,36 điểm (-0,2%) xuống 2.642,22 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 40,76 điểm (-0,17%) xuống 24.231,59 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,17 điểm (-1,13%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (01/12/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,43 điểm (0,04%) lên 3.317,62 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 94,07 điểm (0,41%) lên 22.819,03 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 19,9 điểm (0,33%) lên 5.989,8 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 103,11 điểm (-0,35%) xuống 29.074,24 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,96 điểm (-0,04%) xuống 2.475,41 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 27/11 - 01/12/2017, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 1%; 0,58%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (01/12/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,96 USD (0,85%) lên 63,86 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,08 USD (-0,13%) xuống 63,49 USD/thùng.

Nga sẽ duy trì sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức 550 triệu tấn/năm (tương đương 11 triệu thùng/ngày) đến năm 2035. Bên cạnh đó, Chính phủ Nga không có kế hoạch giảm bớt số lượng công ty khai thác dầu mỏ trong nước. (Theo Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 27/11)

14 thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 30/11 đã nhất trí kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô đến hết năm 2018 nhằm chấm dứt tình trạng dư thừa dầu thô và tránh tái diễn một đợt giá dầu “tụt dốc” trong tương lai.

OPEC và 11 nước ngoài OPEC đã ký thỏa thuận vào cuối năm 2016 nhằm cắt giảm sản lượng khai thác tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 01/2017. Thỏa thuận đã đem lại những kết quả nhất định, đẩy giá dầu lên mức cao trong gần 2 năm qua, giảm lượng dầu tồn kho toàn cầu vàthỏa thuận sẽ hết hạn vào ngày 31/3/2018. (Theo TTXVN ngày 01/12)

Châu Âu

Eurozone: Tỷ lệ thất nghiệp ở 19 quốc gia thuộc khối Eurozone đã giảm từ 8,9% của tháng 9/2017 xuống 8,8% trong tháng 10, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 01/2009; đồng thời chỉ số niềm tin kinh tế (ESI) cũng tăng từ 114,1 điểm lên 114,6 điểm - mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2000, cho thấy sự phục hồi kinh tế của 19 quốc gia thuộc Eurozone. (Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu - Eurostat ngày 30/11)

Anh: Chính phủ Anh đã khởi động Chiến lược công nghiệp mới hướng tới những lĩnh vực chủ chốt nhằm giải quyết tình trạng sản lượng thấp và hỗ trợ giới doanh nghiệp đối phó với những thách thức mới nảy sinh liên quan tới việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Bốn lĩnh vực mà Chính phủ hướng tới gồm khoa học đời sống, xây dựng, trí tuệ nhân tạo và ngành công nghiệp ô tô. Thủ tướng Anh Theresa May đã khởi xướng kế hoạch này từ tháng 01/2017. (Theo TTXVN ngày 27/11)

Hoa Kỳ

Trong tháng 9/2017, doanh số bán nhà mới tại Hoa Kỳ tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016 lên 667 nghìn căn, trái ngược với mức giảm 0,9% (dự báo của thị trường) và là mức tăng lớn nhất (về giá trị) kể từ tháng 10/2007, mức tăng lớn nhất (về tỷ lệ) kể từ tháng 01/1992, cho thấy thị trường bất động sản Hoa Kỳ đang khởi sắc trở lại. (Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Hoa Kỳ ngày 25/11)

Trong tháng 10/2017:

- Thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ tăng 6,5% lên 68,3 tỷ USD, trong bối cảnh kim ngạch nhập khẩu hàng công nghiệp, tiêu dùng và hàng hóa khác tăng; trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 1% do xuất khẩu thực phẩm, hàng tiêu dùng, xe cơ giới giảm.

- Lượng hàng tồn kho bán buôn giảm 0,4%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 9/2017; lượng hàng tồn kho bán lẻ giảm 0,1%, sau khi giảm 0,9% trong tháng 9/2017.

Theo các chuyên gia kinh tế, số liệu trên có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ trong quý IV/2017.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/11)

Trong tháng 11/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ đạt 129,5 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 11/2000 do người tiêu dùng cảm thấy tự tin khi mùa nghỉ lễ đang tới gần và tin tưởng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong những tháng đầu năm 2018.

Chỉ số của Conference Board được thực hiện dựa trên những đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện kinh tế hiện tại và triển vọng trong 6 tháng tới. Cả hai tiêu chí này đều chuyển biến tích cực trong tháng 11 với hơn 37% số người được hỏi cho biết có “rất nhiều việc làm”, tỷ lệ cao nhất từ tháng 6/2001.(Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board ngày 28/11)

Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ ngày 30/11 đã đệ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) phản đối cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Quyết định được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc không chứng minh được quốc gia này có nền kinh tế thị trường.

Kiến nghị của Hoa Kỳ sẽ gây cản trở đối với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được quy chế kinh tế thị trường từ WTO. Hiện cả Hoa Kỳ và Eurozone đều phản đối nỗ lực của Trung Quốc với cáo buộc Chính phủ nước này tiếp tục chính sách trợ giá đối với nền kinh tế. (Theo Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ ngày 30/11)

Trung Quốc

Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với 187 mặt hàng tiêu dùng từ ngày 01/12/2017 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ tiêu dùng trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thương mại và đầu tư.

Nhiều mặt hàng được cắt giảm đến 2/3 thuế nhập khẩu, như thuế nhập khẩu trung bình đối với một số loại thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, hóa chất, quần áo, giầy dép được giảm từ 17,3% xuống 7,7%; một số loại sữa trẻ em và bỉm giảm xuống 0%.(Theo Bộ Tài chínhTrung Quốc ngày 24/11)

Trong 10 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn tại Trung Quốc (là các công ty có doanh thu hằng năm trên 20 triệu NDT, tương đương khoảng 3,03 triệu USD) tăng trưởng 23,2% so với cùng kỳ năm 2016 lên 6,25 nghìn tỷ NDT, cao hơn mức tăng 22,8% của 9 tháng đầu năm.

Trong đó, các công ty trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp mới nổi có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhanh, lần lượt đạt 29,3% và 29%. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 27/11)

Trong tháng 11/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đạt 51,8 điểm, cao hơn so với 51,6 điểm của tháng 10/2017, cho thấy ngành sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh hơn, tạo thêm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế nước này. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 30/11)

Nhật Bản

Trong tháng 10/2017, doanh số bán lẻ của Nhật Bản giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2016, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 10/2016, do doanh số bán hàng thực phẩm và đồ uống giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, sự sụt giảm này chỉ là tạm thời do ảnh hưởng của các cơn bão tại Nhật Bản. Về cơ bản, nền kinh tế Nhật Bản vẫn trong xu hướng phục hồi. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 29/11)

Trong tháng 10/2017, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 0,5% (mức tăng theo tháng), sau khi giảm 1% vào tháng 9/2017, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu vẫn mạnh. Dự báo, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản sẽ tăng lần lượt là 2,8% và 3,5% trong tháng 11 và 12/2017. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 30/11)

Thái Lan

Trong năm 2017, doanh số bán xe ô tô tại thị trường nước này đạt 850.000 xe, tăng 10,6% so với năm 2016 và cao hơn so với 830.000 xe (dự báo đưa ra trước đó), lần tăng trưởng đầu tiên sau 4 năm sụt giảm liên tiếp.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, doanh số bán xe tại Thái Lan tăng 11,7% lên 689.266 xe;trong khi doanh số xuất khẩu giảm 6,3% xuống 940.820 xe. Về sản lượng, các nhà sản xuất xe ô tô tại Thái Lan sản xuất được 1,64 triệu xe, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo dự báo của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan - FTI ngày 29/11)

Mexico

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua việc gia hạn thêm hai năm hạn mức tín dụng linh hoạt (FCL) trị giá 88 tỷ USD cho Mexico - Đây là công cụ giúp quốc gia Bắc Trung Mỹ đảm bảo nhu cầu thanh khoản khi cần và an ninh tài chính.Từ khi được thông qua và thực hiện FCL vào năm 2009, Mexico chưa từng sử dụng nguồn tài chính này và chỉ dùng nguồn dự trữ đó như một “lá chắn” bổ trợ cho nền kinh tế khi đối mặt với biến động tài chính trên toàn cầu.(Theo IMF ngày 30/11)

Lao động

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey công bố vào tháng 11/2017 cho thấy, vào năm 2030, có khoảng 400 - 800 triệu lao động toàn cầu có thể bị thay thế bằng tự động hóa và cần phải tìm công việc mới; riêng đối với Hoa Kỳ sẽ có 1/3 lực lượng lao động bị mất việc.

Tự động hóa sẽ tác động, ảnh hưởng mạnh đến những ngành nghề như vận hành máy móc, chuẩn bị thức ăn nhanh, các công việc có liên quan đến chuyên môn, quản lý con người và đòi hỏi phải có những tương tác xã hội thường xuyên. (Theo CNBC ngày 29/11)

Nhận định chuyên gia

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch (24/11):

Triển vọng kinh tế của các nước ASEANsẽ tốt hơn trong những năm tới, nhờ sự hội nhập khu vực ngày càng lớn, việc kết nối hạ tầng giao thông ngày càng tốt và công cuộc cải cách tiếp tục được thực hiện.

Bên cạnh Cộng đồng Kinh tế (AEC) của Hiệp hội ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng Sáng kiến kinh tế Vành đai và Con đường của Trung Quốc được xem là các yếu tố then chốt, góp phần nâng cao tính gắn kết trong khu vực, thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB (28/11):

Khu vực Eurozone cần tạo lập một hệ thống điện tử cho việc giao dịch các khoản nợ không có khả năng hoàn trả (NPL) nhằm chia sẻ dữ liệu, giúp các giao dịch NPL thu hút được nhiều người mua hơn khi tính minh bạch được tăng lên và chi phí giao dịch giảm.

Các ngân hàng ở Eurozone có số NPL khoảng 921 tỷ EUR (1.100 tỷ USD), tương đương 6,1% tổng số dư nợ trên sổ sách. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, chỉ có 200 tỷ EUR nợ xấu được giao dịch.Tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng có thể cản trở hoạt động cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, từ đó làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Giáo sư kinh tế Trường Đại học New York Michael Spence, Chủ tịch Hội đồng Chương trình nghị sự toàn cầu (28/11):

Trong năm 2018, nền kinh tế thế giới sẽ diễn biến theo xu hướng thuận lợi do các nền kinh tế phát triển và mới nổi có sự đồng thuận trong việc duy trì một nền kinh tế toàn cầu mở.Trong thời gian tới, các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ nỗ lực để hướng tới mô hình phát triển toàn diện.

Tại châu Âu, vấn đề Brexit và khủng hoảng trong việc thành lập liên minh chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là yếu tố ảnh hưởng xấu tới kinh tế của liên minh này và đòi hỏi các quốc gia thành viên, trong đó có Pháp và Đức, cần hợp tác chặt chẽ để tiến hành cuộc cải tổ Liên minh châu Âu (EU).Khu vực châu Á tiếp tục phát triển với động lực đến từ Trung Quốc với chính sách cải cách và thúc đẩy tiêu dùng của Chính phủ nước này và nền kinh tế Ấn Độ đang phát triển mạnh.

Chính sách

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 30/11 quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ mức thấp kỷ lục 1,25% lên 1,5%, phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 5/2016 trong bối cảnh kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi vững chắc do tiêu dùng cá nhân và đầu tư được cải thiện, xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng cao. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 30/11)