Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 25-30/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng:

- Hàn Quốc: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc đạt 3%, thấp hơn mức tăng 3,2% của năm 2017, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự định sẽ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2018. (Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 27/12)

- Indonesia: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Indonesia đạt 5,05%, cao hơn mức tăng tương ứng là 4,88% và 5,02% của năm 2015 và 2016, do đầu tư và xuất, nhập khẩu gia tăng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia - BI cho biết, một trong những thành tựu kinh tế tốt nhất của Indonesia là thặng dư thương mại tháng 11/2017 đạt 12 tỷ USD, cao hơn so với mức thặng dư 8,48 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016; dự trữ ngoại hối ở mức 125,9 tỷ USD. (Theo BI ngày 28/12)

Lạm phát:

- Singapore: Trong tháng 11/2017, CPI của Singapore tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,4% của tháng 10/2017 và 0,5% theo dự báo của thị trường. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 7/2017, do chi phí vận tải và lương thực tăng cao. (Theo Văn phòng Thống kê Singapore ngày 26/12)

- Hàn Quốc:

+ Trong tháng 12/2017, CPI của Hàn Quốc tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức tăng 1,3% của tháng 11/2017 và là mức tăng nhanh nhất trong 3 tháng qua, do giá dầu thế giới tăng cao làm tăng chi phí các sản phẩm hóa dầu và sản phẩm công nghiệp khác. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho biết, lạm phát tại nước này đang tiến gần tới mục tiêu 2% trong bối cảnh giá dầu thế giới phục hồi. (Theo Văn phòng Thống kê Hàn Quốc ngày 29/12)

+ Trong năm 2018, CPI tăng 1,7% do tốc độ tăng giá dầu thô thế giới giảm so với năm 2017. (Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 27/12)

- Mexico: Trong năm 2017, GDP của Mexico tăng khoảng 2,1%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng của quốc gia này, do các biến cố về kinh tế - xã hội, thiên tai cũng như những tác động xấu từ bên ngoài. Tỷ lệ lạm phát của Mexico trong tháng 11/2017 đạt 6,63%, mức cao kỷ lục kể từ năm 2001 và cao gấp 2 lần so với mục tiêu 3% +/- 1 điểm phần trăm của Ngân hàng Trung ương Mexico. Dự báo tỷ lệ lạm phát của Mexico trong năm 2017 ở mức 6,75%. (Theo TTXVN ngày 26/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính giảm điểm.Tính chung cả tuần (25/12 - 29/12/2017), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,44%; 0,36% và 0,81% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (22/12/2017).Trong ngày giao dịch 29/12/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq giảm 46,77 điểm (-0,67%) xuống 6.903,39 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 giảm 13,93 điểm (-0,52%) xuống 2.673,61 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones giảm 118,29 điểm (-0,48%) xuống 24.719,22 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 0,88 điểm (0,52%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (29/12/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 30,82 điểm (1,26%) lên 2.467,49 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 55,44 điểm (0,19%) lên 29.919,15 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 11,59 điểm (0,35%) lên 3.307,97 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 19,04 điểm (-0,08%) xuống 22.764,94 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 23 điểm (-0,38%) xuống 6.065,1 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ (25/12 - 29/12/2017), giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt là 3,34%; 2,1%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (29/12/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 02/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,58 USD (0,97%) lên 60,42 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,45 USD (0,68%) lên 66,62 USD/thùng.

Số giàn khoan dầu hoạt động tại Hoa Kỳ, một dấu hiệu sớm về biến động sản lượng dầu của Hoa Kỳ trong tương lai, trong tuần (18 - 22/12) là 747 giàn, cao hơn so với 523 giàn khoan dầu hoạt động của cùng kỳ năm 2016. Hầu hết các nhà phân tích dự báo sản lượng dầu của Hoa Kỳ sẽ tăng lên 10 triệu thùng/ngày trong những tuần tới. (Theo công ty Baker Hughes ngày 26/12)

Châu Á

- Singapore: Trong tháng 11/2017, sản lượng công nghiệp của Singapore tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức tăng 14,5% của tháng 10/2017 và 9% theo dự báo của thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, dữ liệu trên cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Singapore trong quý IV/2017 sẽ giảm tốc so với mức tăng của quý III/2017 (tăng 5,2% - mức tăng cao nhất trong gần 4 năm).

(Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore ngày 26/12)

- Hàn Quốc: Nền kinh tế Hàn Quốc có thể phải chịu tác động từ chính sách tăng thuế áp lên doanh nghiệp. Cụ thể, việc nâng thuế doanh nghiệp sẽ làm cho GDP của Hàn Quốc giảm trung bình 29.000 tỷ KRW (27 tỷ USD)/năm trong thập niên tới; hoạt động đầu tư vào tư liệu sản xuất của các công ty giảm trung bình 4,8%/năm; khoảng 105.000 việc làm sẽ bị giảm đi mỗi năm; hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu giảm trung bình lần lượt 0,5%/năm và 1,1%/ năm trong 10 năm tới.

Đầu tháng 12/2017, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật ngân sách của Chính phủ cho năm 2018, trong đó bao gồm quy định nâng mức thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp lớn cũng như những người có thu nhập cao. Theo đó, thuế suất cao nhất dành cho các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300 tỷ KRW trở lên tăng từ 22% lên 25%; các doanh nghiệp có lợi nhuận từ 20 - 300 tỷ KRW sẽ chịu mức thuế 22% hiện hành.

(Theo Viện Nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc - KERI ngày 27/11)

Châu Âu

- Đức: Đầu tư tại Đức trong năm 2017 vẫn tăng và sẽ tiếp tục tăng nhiều hơn nữa trong năm 2018, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng từ các chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ và tiến trình Brexit. 26/48 hiệp hội công nghiệp ở Đức tham gia khảo sát tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với thời điểm cuối năm 2016.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thiếu lao động có tay nghề là yếu tố chính kìm hãm tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp Đức. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế IW Michael Huether, triển vọng sản xuất của nền kinh tế Đức có thể tốt hơn nếu trong các lĩnh vực có nhiều công nhân lành nghề hơn.(Theo Viện Nghiên cứu kinh tế IW, Đức 27/12)

Hoa Kỳ

Trong tháng 12/2017, niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ đạt 95,9 điểm, thấp hơn 98,5 điểm của tháng 11/2017 và 97,1 điểm theo dự báo của Reuters, chủ yếu do kỳ vọng của các hộ gia đình có thu nhập thấp giảm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Richard Curtin, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Hoa Kỳ hầu như không đổi trong năm 2017, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng về triển vọng thu nhập và việc làm của họ ngày càng tăng. (Theo khảo sát của Đại học Michigan Hoa Kỳ ngày 22/12)

Trong tháng 11/2017, chi tiêu tiêu dùng của Hoa Kỳ (chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ) tăng 0,6% (mức tăng theo tháng), cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 10/2017 và 0,5% theo dự báo của Reuters. Báo cáo của Bộ Thương mại cũng đưa ra nhận định lạc quan về thị trường lao động, sản xuất và nhà ở của nước này. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 22/12)

Trong tháng 11/2017, doanh số bán nhà mới ở Hoa Kỳ tăng 17,5% so với tháng 10/2017 lên 733 nghìn căn, mức cao nhất kể từ tháng 7/2007, trái ngược với mức giảm 4,7% xuống 654 nghìn căn (dự báo của Reuters), do nhu cầu nhà ở tại Hoa Kỳ tăng cao, cho thấy thị trường nhà đất tại nước này đang tăng trở lại sau khi bị đình trệ trong những tháng đầu năm 2017. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 22/12)

Trong tháng 12/2017, niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ đạt 122,1 điểm, thấp hơn so với 128,6 điểm của tháng 11/2017, do sự lạc quan về triển vọng kinh doanh và việc làm giảm bớt trong những tháng tới. Tuy nhiên, Conference Board cho rằng, dù lòng tin giảm, kỳ vọng của người tiêu dùng vẫn ở mức cao trong lịch sử, cho thấy tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ vẫn sẽ vững chắc trong năm 2018. (Theo Báo cáo của Conference Board ngày 28/12)

Trong tháng 11/2017, chỉ số bán nhà bàn giao sau tại Hoa Kỳ tăng 0,2% (mức tăng theo tháng) và 0,8% (mức tăng theo năm) lên 109,5 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2017, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 4,1% và thu nhập gia tăng đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà tại Hoa Kỳ. (Theo Hiệp hội Bất động sản quốc gia Hoa Kỳ ngày 27/12)

Trong tuần từ ngày 18 - 23/12, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ là 245.000 đơn, không thay đổi so với tuần trước đó và cao hơn so với 240.000 đơn theo dự báo của Reuters.

Thị trường lao động vững chắc và nền kinh tế đang tăng trưởng là cơ sở cho Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 và dự báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 3 lần nữa vào năm 2018. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 28/12)

Trung Quốc

Trong năm 2017, Trung Quốc đã giảm hơn 88 tỷ NDT (13,4 tỷ USD) chi phí logistics, trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh cải cách ngành vận tải để giảm chi phí logistics.

Theo thống kê của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, chi phí logistics chiếm khoảng 14,9% GDP Trung Quốc (năm 2016), giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2015, nhưng vẫn cao hơn một số nền kinh tế đang phát triển. (Theo Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngày 25/12)

Trong 11 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc (có doanh thu hằng năm trên 20 triệu NDT, tương đương khoảng 3 triệu USD) đạt 6,88 nghìn tỷ NDT, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn so với mức tăng 23,3% của 10 tháng đầu năm.

Riêng trong tháng 11/2017, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 14,9%, thấp hơn mức tăng 25,1% của tháng 10/2017 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 4/2017, do giá thành sản phẩm tăng chậm. (Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 27/12)

Trong quý III/2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 40,5 tỷ USD, cao hơn so mới mức thặng dư 37,1 tỷ USD (ước tính lần 1) nhưng thấp hơn so với 74,2 tỷ USD (cùng kỳ năm 2016).

Trong đó, thặng dư thương mại hàng hóa đạt 120,4 tỷ USD, thâm hụt dịch vụ là 62,9 tỷ USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc đạt 109,8 tỷ USD, thấp hơn so với mức thặng dư 178,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016. (Theo Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc ngày 28/12)

Nhật Bản

Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 22/12 thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục 97.710 tỷ JPY (862 tỷ USD) cho năm tài khóa 2018. Trong tổng ngân sách, 23.300 tỷ JPY được dành riêng cho chi phí nợ công và 74.410 tỷ JPY dành cho chi tiêu chính sách, trong đó chủ yếu là cho an sinh xã hội. Đây là năm thứ 6 liên tiếp dự thảo ngân sách quốc gia Nhật Bản đạt tới một kỷ lục mới. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 22/12)

Trong tháng 11/2017:

- CPI của Nhật Bản tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,2% của tháng 10/2017 và 0,5% theo dự báo của thị trường, do chi phí vận chuyển tăng cao. CPI lõi (không bao gồm giá lương thực tươi sống) tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 0,8% của tháng 10/2017 và là tháng tăng thứ 11 liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

- Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản là 2,7%, thấp hơn tỷ lệ 2,8% của tháng 10/2017 và 2,8% theo dự báo của thị trường, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/1993. Tỷ lệ cung ứng việc làm đạt 1,56 điểm (có 156 vị trí sẵn sàng cho 100 người tìm việc), thấp hơn mức 1,55 điểm của tháng 10/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 01/1974.

(Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 26/12)

Trong tháng 11/2017, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 0,6% (mức tăng theo tháng), cao hơn so với mức tăng 0,5% của tháng 10/2017 và 0,5% theo dự báo của thị trường, do sản lượng của các nhà máy và mỏ tăng cao, củng cố đà phục hồi kinh tế của Nhật Bản trong năm 2017. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 28/12)

Trong tháng 11/2017, doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017, sau khi giảm 0,2% trong tháng 10/2017 và cao hơn mức tăng 1,2% theo dự báo của thị trường. Các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường lao động thắt chặt và việc tăng lương đã thúc đẩy tiêu dùng tăng cao, tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của Nhật Bản. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 28/12)

Ấn Độ

Nền kinh tế Ấn Độ - hiện đứng thứ 7 thế giới - có thể tăng lên vị trí thứ 5 vào năm 2018 và chiếm giữ vị trí thứ 3 thế giới trong năm 2030. Theo Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh- CEBR, tăng trưởng của thế giới chủ yếu tập trung ở các nền kinh tế châu Á trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Năng lượng rẻ và cách mạng số sẽ dẫn dắt toàn bộ tăng trưởng kinh tế. (Theo CEBR ngày 26/12)

Đàm phán - Ký kết

Trung Quốc và Nhật Bản:

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Shi Yaobin và Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Takao Ochi (22/12) đã thống nhất tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực tài chính và tiền tệ.

Theo đó, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về giám sát kiểm toán, giúp bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư trên các thị trường vốn của hai nước và hỗ trợ các tổ chức tài chính của hai bên trong hoạt động phát hành trái phiếu xuyên biên giới.