Kinh tế - tài chính thế giới tuần từ 3-7/7/2017

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Canada: Trong tháng 4/2017, kinh tế Canada tăng trưởng 0,2% so với tháng 3. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tháng 4 thấp hơn mức tăng trưởng 0,5% của tháng 3/2017, nhưng được đánh giá là khá vững chắc và đáp ứng được kỳ vọng của các nhà kinh tế, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển trong quý II/2017, đặc biệt trong bối cảnh chỉ số niềm tin kinh doanh ở mức cao nhất kể từ năm 2011. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 30/6)

- Singapore: Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế Singapore dự báo đạt 3%, cao hơn mức tăng trưởng 2% của năm 2016, tuy nhiên, tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực. Lạm phát lõi của Singapore sẽ tăng khoảng 1 - 2%, cao hơn so với mức tăng 0,9% của năm 2016. (Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore MAS ngày 30/6)

- Hàn Quốc:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm của Hàn Quốc đạt 3,9% trong giai đoạn 2000 - 2015; dự báo giảm xuống 1,9% trong giai đoạn 2016 - 2025 và nếu tình trạng dân số già hóa đang gia tăng nhanh hiện nay không được giải quyết thì tỷ lệ này sẽ giảm còn 0,4% trong giai đoạn 2016 - 2035. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 06/7)

+ Ngày 05/7, Hãng Đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody’s đã điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 của Hàn Quốc thêm 0,3 điểm phần trăm, lên 2,8% nhờ sự phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 2,9% trong quý I/2017, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,4% của quý IV/2016.

- Nga: Trong tháng 6/2017, CPI của Nga tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức tăng 4,1% của tháng 5/2017 và 4,3% theo dự báo của thị trường, đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/2017, do giá thực phẩm tăng nhanh. Lạm phát lõi là 3,5%, giảm so với 3,8% của tháng 5/2017. (Theo Văn phòng Thống kê Nga ngày 06/7)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng điểm khi nhóm cổ phiếu tài chính tăng do khả năng Fed tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay. Tính chung cả tuần (03/7 - 07/7/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm, lần lượt ở mức 0,3%; 0,07% và 0,21% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (30/6/2017). Tuy nhiên, trong ngày giao dịch 30/6/2017, so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 63,62 điểm (1,04%) lên 6.153,08 điểm.

+ S&P 500 tăng 15,43 điểm (0,64%) lên 2.425,18 điểm.

+ Dow Jones tăng 94,3 điểm (0,44%) lên 21.414,34 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 1,85 điểm (-1,2%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (07/7/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 5,52 điểm (0,17%) lên 3.217,96 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 7,94 điểm (-0,33%) xuống 2.379,87 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 124,37 điểm (-0,49%) xuống 25.340,85 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 55,2 điểm (-0,96%) xuống 5.703,6 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 64,97 điểm (-0,32%) xuống 19.929,09 điểm.

Dầu mỏ

Dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần (26 - 30/6) giảm 6,3 triệu thùng, xuống còn 502,9 triệu thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 01/2017, giúp thị trường giảm bớt quan ngại về tình trạng dư cung dầu mỏ trên toàn cầu. (Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ - EIA ngày 06/7)

Tuần từ 03/7 - 07/7/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3,93% và 2,53%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (30/6/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 8/2017:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,29 USD (-2,92%) xuống 44,23 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,4 USD (-3%) xuống 46,71 USD/thùng.

Châu Âu

Anh

- Trong quý I/2017, thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Anh đã giảm quý thứ ba liên tiếp, làm tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,7% (so với 3,3% trong quý IV/2016), trong bối cảnh lạm phát gia tăng, lương thấp và số tiền nộp thuế cao hơn.

Đây là mối quan ngại lớn đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế của Anh trong 6 tháng cuối năm 2017. (Theo báo cáo của Văn phòng Thống kê Anh - ONS ngày 30/6)

- Trong quý I/2017, năng suất lao động (tính theo giờ) giảm 0,5% - lần giảm đầu tiên kể từ cuối năm 2015, cho thấy khả năng của nền kinh tế Anh trong việc tạo ra của cải vật chất đã giảm xuống dưới mức của năm 2007. (Theo ONS ngày 05/7)

- Trong tháng 6/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ HIS Markit/CIPS giảm 0,4 điểm xuống 53,4 điểm.

Lĩnh vực dịch vụ, động cơ (là lĩnh vực tăng trưởng chủ chốt của kinh tế Anh và đóng góp 80% GDP) đã trải qua 11 tháng tăng liên tiếp, song niềm tin của các doanh nghiệp và tiêu dùng Anh trong tháng 6/2017 đã giảm đáng kể, do tác động của cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 08/6 cùng với những bất ổn liên quan đến sự kiện Brexit. (Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Markit ngày 05/7)

- Ngành tài chính của Anh vẫn là địa chỉ đầu tư quốc tế hấp dẫn nhất châu Âu, tuy nhiên khoảng cách với các trung tâm tài chính khác trong khu vực đang dần bị thu hẹp, do lo ngại về những tác động từ tiến trình Brexit. Trong năm 2016, ngành tài chính Anh đã thu hút 99 dự án FDI, mức cao nhất kể từ năm 2006 và tăng 5% so với năm 2015.

Sau đó là Đức với 39 dự án, tăng 18% và Pháp 25 dự án, tăng 25%. Hoa Kỳ là nước đầu tư lớn nhất vào ngành tài chính Anh, chiếm 1/3 tổng vốn FDI, tiếp đến là Trung Quốc chiếm 9%. (Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán Ernst & Young ngày 30/6)

Pháp

Pháp sẽ đáp ứng quy định của Liên minh châu Âu (EU) về mức trần thâm hụt ngân sách 3% GDP trong năm 2017. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tòa Kiểm toán châu Âu dự báo thâm hụt ngân sách của Pháp sẽ tăng lên 3,2% GDP, do nước này không có các biện pháp cải cách mạnh mẽ.

Chính phủ Pháp dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ giảm từ 3,4% GDP năm 2016 xuống 2,8% GDP trong năm 2017. Nếu mục tiêu này trở thành hiện thực, Pháp lần đầu tiên đáp ứng được quy định về mức trần thậm hụt ngân sách của EU sau một thập niên.(Theo Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 29/6)

Italy

Ủy ban Cạnh tranh của EU ngày 04/7 đã thông qua gói cứu trợ trị giá 5,4 tỷ EUR (6,1 tỷ USD) để Italy thực hiện cứu trợ Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (BMPS) - ngân hàng lớn thứ tư nước này, sau khi BMPS đồng ý tiến hành rà soát tổng thể.

Bộ Tài chính Italy cho biết, BMPS đang thiếu 8,1 tỷ EUR tiền vốn, thấp hơn tính toán trước đó của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là 8,8 tỷ EUR. Đây là chương trình cứu trợ tài chính lớn thứ hai tại châu Âu, sau Hy Lạp, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.

Nga

Nga đang lên kế hoạch đầu tư 200 tỷ RUB (3,4 tỷ USD) để phát triển công nghệ thông tin trong năm 2017 với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc phát triển công nghệ, xây dựng hạ tầng hỗ trợ, cải thiện hệ thống giáo dục và thiết lập hệ thống quản lý hiệu quả thông qua sự hợp tác của Chính phủ, doanh nghiệp, nhà khoa học và các cơ sở nghiên cứu ở tất cả các cấp.

Xây dựng nền kinh tế số là vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như sự độc lập của Nga, đồng thời góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng như vị thế của Nga trên toàn cầu trong những thập niên tới.

(Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 05/7)

Châu Á

AIIB

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (29/6) quyết định xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất (AAA) cho Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với triển vọng ổn định, do thế mạnh về khung quản lý của AIIB, trong đó có các chính sách quản trị rủi ro, an toàn vốn và khả năng thanh khoản.

Đánh giá của Moody’s dựa trên giả định AIIB sẽ duy trì đầy đủ quyền tự chủ hoạt động từ các cổ đông lớn nhất, bao gồm Trung Quốc - nước đang nỗ lực kiềm chế dòng vốn chảy ra nước ngoài nhằm vực dậy đồng NDT và ngăn chặn đà suy giảm dự trữ ngoại tệ.

Thái Lan

Trong tháng 5/2017, chi tiêu tiêu dùng cá nhân tại nước này tăng 1,3%( tháng 4/2017 giảm 0,3%); kim ngạch xuất khẩu tăng 10,6%, cao hơn so với mức tăng 5,9% của tháng 4.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư giảm 0,2%, cao hơn so với mức giảm 0,1% của tháng 4, trong khi thặng dư tài khoản vãng lai đạt 1,13 tỷ USD, thấp hơn mức thặng dư 2,91 tỷ USD trong tháng 4, cho thấ yđà phục hồi kinh tế của Thái Lan vẫn chưa ổn định. (Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan ngày 30/6)

Hàn Quốc

- Ngày 05/7, Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s giữ nguyên mức xếp hạng Aa2 cho Hàn Quốc với triển vọng ổn định. Theo đó, hệ thống tài chính và tài khóa của Hàn Quốc được đánh giá ở mức “rất cao”; các rủi ro từ vấn đề liên quan đến Triều Tiên được đánh giá ở mức “vừa phải”.

Triển vọng ổn định cho thấy sức mạnh tài chính và thách thức của Hàn Quốc là cân bằng. Từ tháng 12/2015, Moody’s nâng xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc từ mức Aa3 lên Aa2, mức đánh giá tín nhiệm cao nhất từ trước tới nay.

Aa2 là mức cao thứ ba trong thang xếp hạng mức độ tín nhiệm của Moody's và chỉ có 6 nước khác trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có được mức tín nhiệm này.

- Tạp chí Campaign Asia-Pacific và Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen vừa công bố báo cáo cho biết, Samsung (Hàn Quốc) là thương hiệu dẫn đầu trong số 1.000 thương hiệu nổi tiếng nhất châu Á, vị trí thứ hai thuộc về Tập đoàn Apple (Hoa Kỳ), tiếp đến là Tập đoàn Sony của Nhật Bản, Hãng thực phẩm và nước uống giải khát Nestle của Thụy Sỹ.

Kết quả Samsung đạt được là nhờ vào cách xử lý đúng đắn và nhanh chóng đối với sự cố lỗi pin của Galaxy Note 7 năm 2016 và thành công của dòng sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy S8 ra mắt trong năm 2017. (Theo TTXVN ngày 05/7)

Hoa Kỳ

Trong tháng 6/2017, chỉ số hoạt động của lĩnh vực chế tạo đạt 57,8 điểm, cao hơn so với 54,9 điểm trong tháng 5/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2014, cho thấy Hoa Kỳ đang dần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong quý II/2017. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ - ISM ngày 03/7)

Trong tháng 5/2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là 46,5 tỷ USD, giảm so với mức 47,6 tỷ USD của tháng 4. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 0,4 so với tháng trước lên 192 tỷ USD - mức cao nhất kể từ tháng 4/2015; kim ngạch nhập khẩu giảm 0,1% xuống 238,5 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ mở rộng với Trung Quốc (31,6 tỷ USD từ 27,6 tỷ USD trong tháng 4); EU (12,8 tỷ USD từ 12,5 tỷ USD); Mexico (7,3 tỷ USD từ 6,3 tỷ USD) và Nhật Bản (5,8 tỷ USD từ 5,2 tỷ USD); nhưng thu hẹp với Canada (1,4 tỷ USD từ 1,6 tỷ USD). (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 15/6)

Trung Quốc

Trong 5 tháng đầu năm 2017, thương mại dịch vụ của Trung Quốc thâm hụt 688,75 tỷ NDT (101 tỷ USD), tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu trong những lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải và sử dụng bản quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ tăng 4,6% lên 567,94 tỷ NDT; tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ tăng 11,5% lên 1.256,69 tỷ NDT.

Thâm hụt từ các dịch vụ có liên quan đến cuộc sống hàng ngày sẽ thúc đẩy tiêu dùng và cải thiện cuộc sống của người dân. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc - MOC ngày 04/7)

Tổng mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc được dự báo đạt đỉnh vào năm 2017 - 2018, sau đó giảm xuống mức tương đương 4 tỷ tấn than tiêu chuẩn vào năm 2020, giảm 8% so với năm 2016; 3,74 tỷ tấn vào năm 2030 và 3 tỷ tấn vào năm 2050.

Trung Quốc đã cắt giảm lượng than sử dụng nhanh hơn dự kiến và có thể thực hiện được cam kết giới hạn mức trần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030), do lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng 70 - 80% lượng khí thải CO2 của nước này. (Theo Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - CASS ngày 30/6)

 

Nhật Bản

Trong tháng 6/2017, PMI lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đạt 53,3 điểm, cao hơn 53 điểm của tháng 5/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2015, cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng ổn định. (Theo Công ty IHS Markit ngày 05/7)

Trong tháng 5/2017, số việc làm sẵn có tại Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua, cho thấy thị trường việc làm vẫn bị thắt chặt, lao động khan hiếm, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,1%, từ 2,8% trong tháng 4/2017, do số lao động rời công việc cũ để tìm kiếm việc làm mới gia tăng. (Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 30/6)

Trong tháng 5/2017, chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản đạt 283.056 JPY (2.530 USD), giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nhập trung bình của các hộ gia đình hưởng lương giảm 1,7%, tháng giảm thứ 3 liên tiếp. (Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản ngày 30/6)

Canada

Trong tháng 5/2017, thâm hụt thương mại của Canada là 1,08 tỷ CAD, cao hơn so với 0,55 tỷ CAD của tháng 4/2017 và 0,53 tỷ CAD theo dự báo của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,3% so với tháng trước lên mức cao kỷ lục 48,7 tỷ CAD; kim ngạch nhập khẩu tăng 2,4% lên mức cao kỷ lục 49,8 tỷ CAD. (Theo Văn phòng Thống kê Canada ngày 06/7)

Đàm phán - Ký kết

Nhật Bản và EU

Ngày 06/7, EU và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận về một hiệp định thương mại tự do. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, các cuộc đàm phán chính trị và thương mại giữa EU và Nhật Bản đã kết thúc và EU đang ngày càng tăng cường kết nối toàn cầu.

Thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Nhật Bản đánh dấu thắng lợi lớn cho thương mại tự do, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ngày 07/7. (Theo TTXVN)

Chính sách

- Trung Quốc: Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PBoC sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và trung tính, thông qua việc duy trì khả năng thanh khoản ở mức cơ bản ổn định và định hướng sự tăng trưởng hợp lý của các hoạt động tín dụng tiền tệ; tối ưu hóa quy mô và cơ cấu huy động vốn, cơ cấu tín dụng. Ngoài ra, PBoC cũng sẽ nỗ lực khuyến khích tự do hóa lãi suất và cải cách cơ chế xác định tỷ giá hối đoái đối với đồng NDT. (Theo PBoC ngày 04/7)

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia - RBA (04/7) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1,5% với kỳ vọng tiền lương sẽ tăng trưởng tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp tại Australia giảm xuống 5,5% trong tháng 5/2017 so với mức 5,9% của tháng 3/2017. Do vậy, cựu thành viên hội đồng chính sách của RBA John Edwards dự báo, RBA có thể tăng lãi suất 8 lần trong hai năm tới lên 3,5%.

Nhận định chuyên gia

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde (05/7):

Những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn đã được cân bằng hơn, tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách cần hành động để thúc đẩy và giữ vững đà phục hồi, đảm bảo một sự phục hồi vững chắc, cân bằng và bao trùm hơn.

Các nước cần hành động để giải quyết các vấn đề như nợ doanh nghiệp cao ở các nền kinh tế thị trường mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc), năng suất tăng thấp và chính sách khó đoán của Hoa Kỳ.