Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 02-07/07/2018
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Sản xuất công nghiệp |
Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017; trong đó, quý I tăng 12,9%, quý II tăng 8,4%. Ngành chế biến, chế tạo tăng trưởng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung. (Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngày 29/6) |
PMI |
Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất Việt Nam do Nikkei công bố ngày 02/7 cho thấy, PMI đã tăng từ 53,9 điểm trong tháng 5 lên 55,7 điểm vào tháng 6/2018. Các điều kiện kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong tháng 6/2018 và là một trong những mức cải thiện đáng kể nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011. Với việc tăng lên 55,7 điểm, Việt Nam củng cố vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất trong ASEAN. (Theo Báo Hải quan ngày 02/7) |
Doanh nghiệp |
Trong 6 tháng đầu năm 2018: - Cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Nếu tính cả khoản gần 1,2 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018 là hơn 1,8 triệu tỷ đồng. - Có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7%, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm lên gần 81 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong nửa đầu năm 2018 là 508,5 nghìn người. - Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.803 doanh nghiệp, tăng hơn 39%. Số doanh nghiệp giải thể là 6.629 doanh nghiệp, tăng gần 22%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/6) |
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký quyết định phê duyệt khung giá bán buôn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho các tổng công ty điện lực năm 2018. Theo đó, mức giá bán buôn điện của EVN dành cho Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tối thiểu 1.185 đồng/kWh và tối đa là 1.255 đồng/kWh; Tổng Công ty Điện lực miền Nam từ 1.389 - 1.433 đồng/kWh; Tổng Công ty Điện lực miền Trung từ 1.183 - 1.282 đồng/kWh; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội từ 1.437 - 1.516 đồng/kWh; Tổng Công ty Điện lực Hồ Chí Minh là 1.593 - 1.658 đồng/kWh. So với năm 2017, mức giá bán buôn điện của EVN trong năm 2018 dành cho các tổng công ty điện đều tăng, với mức tăng thấp nhất là 44 đồng/kWh và tăng cao nhất hơn 107 đồng/kWh. (Theo Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam ngày 01/7) |
|
Trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 8 doanh nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Theo kế hoạch, cả năm 2018 phải có ít nhất 85 doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn với giá trị doanh nghiệp là 29,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, vốn nhà nước là 15,2 nghìn tỷ đồng). Lũy kế từ khi bắt đầu chủ trương cổ phần hóa đến ngày 31/12/2017, số vốn đã bán được chỉ chiếm khoảng 8% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Theo Bộ Tài chính ngày 02/7) |
|
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ngày 27/6 đã công bố Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2018. Theo đó, 3 vị trí đầu thuộc về 3 tên tuổi lớn nhất là Vietcombank, VietinBank và BIDV; tiếp theo là Techcombank, ACB, MB Bank, VPBank, Agribank, SHB, Sacombank. Uy tín của các ngân hàng được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí chính: (1) Năng lực và hiệu quả tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế…); (2) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; (3) Điều tra khảo sát về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng… Bên cạnh đó, kết quả khảo sát các ngân hàng do Vietnam Report vừa thực hiện cho thấy, trong năm 2018, ngành ngân hàng lạc quan với triển vọng tăng trưởng. 100% ngân hàng thương mại tham gia khảo sát trong tháng 5/2018 kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt trên 10%. (Theo Vietnam Report ngày 27/6) |
|
Tổng cầu |
|
Ngân sách Nhà nước |
Từ ngày 01- 27/6/2018, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 21.828 tỷ đồng. Lũy kế từ 01/01 - 27/6/2018 đạt 143.612 tỷ đồng, bằng 50,75% dự toán, bằng 49% chỉ tiêu phấn đấu. Ước thu tháng 6/2018 đạt 24.500 tỷ đồng, thu 6 tháng đạt 146.000 tỷ đồng, bằng 51,6% dự toán, bằng 49,83% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 2,04% so với cùng kỳ năm 2017 (143.075 tỷ đồng). (Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước ngày 29/6) |
Đầu tư |
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao 3.945,415 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 (đợt 2) cho các bộ, địa phương, gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải; 11 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao cho các bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương danh mục và chi tiết mức vốn của các dự án; đồng thời, chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018. (Theo báo Chính phủ ngày 29/6) |
Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 67 dự án của doanh nghiệp Việt Nam được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 222,5 triệu USD. Có 16 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40,6 triệu USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong nửa đầu năm 2018 là 263,1 triệu USD. Tài chính - ngân hàng là lĩnh vực mà Việt Nam đầu tư nhiều nhất, đạt 106,2 triệu USD, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,7 triệu USD, chiếm 24,2%. Đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 48,9 triệu USD, chiếm 18,6%. Trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào 27 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư; Cambodia chiếm 12,3%... (Theo Tổng cục Thống kê ngày 30/6) |
|
Giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD trong năm 1996 lên 304,7 triệu USD vào năm 2011 (năm có giá trị giải ngân cao nhất) và 279,9 triệu USD vào năm 2017. Tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam trong giai đoạn 1996 - 2017 đạt trên 4,1 tỷ USD. Số tiền viện trợ giúp giải quyết một phần khó khăn về kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát triển bền vững ở nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương. (Theo Cơ quan Thường trực Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ ngày 02/7) |
|
Xuất nhập khẩu |
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12%; thặng dư thương mại toàn ngành nông sản đạt 3,9 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là tiền đề để nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,5% và kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 40 tỷ USD trong năm 2018. Để đạt mục tiêu này, các ngành hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phải tổ chức tốt sản xuất, chủ động thực hiện xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 02/7) |
Trong tháng 6/2018 đã có 3.356 ô tô đăng ký nhập khẩu với trị giá hơn 82 triệu USD, tăng mạnh 45,6% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với tháng 5. Trong đó, Thái Lan là thị trường xuất khẩu xe ô tô nguyên chiếc lớn nhất sang Việt Nam với 2.917 chiếc, chiếm 87% tổng lượng xe đăng ký nhập khẩu trong tháng 6/2018 (3.356 chiếc), trị giá 54,7 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, lượng xe ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký nhập khẩu là 12.380 chiếc, trị giá 329 triệu USD; giảm 75,7% về lượng và giảm 68,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 06/7) |
|
Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 3,56 triệu tấn, giá trị đạt 1,81 tỷ USD, tăng 25% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong tháng 6/2018, giá gạo trắng 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 450 USD/tấn, vẫn cao hơn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu cùng loại của Ấn Độ đạt 410 USD/tấn và của Thái Lan đạt 435 USD/tấn. Mục tiêu cả năm 2018 xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt. Loại gạo thường IR50404 vẫn giữ tỷ lệ nhất định trong cơ cấu hàng xuất khẩu, song không quá 20%. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 29/6) |
|
Niềm tin tiêu dùng |
Trong quý I/2018, Đông Nam Á và Bắc Mỹ là 2 khu vực có mức độ niềm tin người tiêu dùng cao nhất. Với việc tăng 9 điểm so với quý cuối năm 2017, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua, giúp Việt Nam tiếp tục là nước lạc quan thứ 4 trên thế giới. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tiết kiệm, 73% người được hỏi cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm (so với mức 72% trong quý IV/2017). (Theo The Conference Board và Nielsen ngày 02/7) |
Cân đối vĩ mô |
|
Giá vàng |
Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày tăng giá và 3 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 07/7 so với ngày 06/7, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng: - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,76 - 36,86 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 40 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. - Bảo tín Minh Châu: 36,77 - 36,84 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. |
Tỷ giá |
Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 3 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 1 ngày giảm và 4 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 07/7, tỷ giá trung tâm là 22.638 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 06/7; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại giảm so với ngày 06/7 như sau: - Vietcombank: 22.995 - 23.065 VND/USD, giảm 10 đồng. - BIDV: 23.005 - 23.075 VND/USD, không thay đổi. |
Lạm phát |
Trong tháng 6/2018, CPI tăng 0,61% so với tháng 5 và là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng 5. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6) |
Tín dụng |
Tính đến ngày 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 5,69%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%). Mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, mức tín nhiệm cao, lãi suất cho vay từ 4 - 5%/năm); 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong những tháng cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm 2018. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6) |
Tính đến cuối tháng 6/2018, thị trường ngoại tệ vẫn hoạt động ổn định, tỷ giá 6 tháng đầu năm 2018 tăng xấp xỉ 1%, tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng và thị trường hoạt động thông suốt. Trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua trên 11 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước lên trên 63,5 tỷ USD. Qua đó khẳng định các giải pháp điều hành của Chính phủ và của NHNN đã góp phần củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam, giúp cho thị trường ngoại tệ và tỷ giá được duy trì ổn định. (Theo NHNN ngày 02/7) |
|
Thị trường tài sản |
|
Cổ phiếu |
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 25,8 triệu đơn vị, trị giá 1.172,4 tỷ đồng. - HOSE: Khối ngoại thực hiện 4 ngày bán ròng và 1 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 23 triệu đơn vị, trị giá 1.169 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 3,7 triệu đơn vị, trị giá mua ròng 2.013 tỷ đồng). - HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 30.000 đơn vị, trị giá mua ròng 100 triệu đồng (trong khi tuần trước bán ròng 13.000 đơn vị, trị giá 13 tỷ đồng). - UPCoM: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,77 triệu đơn vị, trị giá 3,5 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 500.000 đơn vị, trị giá mua ròng 54 tỷ đồng). |
Trái phiếu |
Trong tháng 6/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 30 phiên gọi thầu và huy động tổng cộng 16.940 tỷ đồng, tăng 51,5% so với tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị trúng thầu chỉ đạt 54,3%, đồng thời lãi suất huy động đã tăng trên tất cả các kỳ hạn. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm trong khoảng 3,1%/năm, 10 năm là 4,3 - 4,37%/năm, 15 năm là 4,63 - 4,7%/năm và 20 năm là 5,16 - 5,2%/năm. So với tháng 5, lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tăng 0,1%/năm, 10 năm tăng 0,11%/năm, 15 năm tăng 0,1%/năm và 20 năm tăng 0,06%/năm. (Theo HNX ngày 02/7) |
Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường đạt hơn 944,6 triệu trái phiếu, giá trị giao dịch đạt hơn 108.200 tỷ đồng, tăng 23,5% về giá trị so với tháng 5. Bên cạnh đó, tổng khối lượng giao dịch theo phương thức mua bán lại đạt hơn 644,5 triệu trái phiếu, tương đương giá trị 66.200 tỷ đồng và giảm 36,8% so với tháng 5. (Theo HNX ngày 02/7) |
|
Chính sách |
Thông tư số 15/TT-NHNN: Ngày 18/6, Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư số 15/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 02/8/2018, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ban hành quy định nội bộ về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/8/2018. |