Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 07-12/11/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Ngày 07/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2017. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,7%; xuất khẩu tăng trưởng 6 - 7%; nhập siêu khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; lạm phát được kiểm soát ở mức 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 31,5% GDP…(Theo Quốc hội ngày 07/11)

Ngày 08/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm xuống dưới 3,5% GDP;giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống dưới 3%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP; có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả…

5 nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế bao gồm: (i) Tập trung hoàn thành cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng; (ii) Cơ cấu lại NSNN, khu vực công; (iii) Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; (iv) Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; (v) Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.

(Theo Quốc hội ngày 08/11)

Doanh nghiệp

Ngày 07/11, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 8 công ty cổ phần quản lý bảo trì đường thủy nội địa (số 4, 7, 9, 11, 12, 13, 14, 15) từ Bộ Giao thông Vận tải về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 8 công ty này có vốn điều lệ bình quân 8,68 tỷ đồng/đơn vị, vốn cao nhất là 11,6 tỷ đồng, thấp nhất là 6,45 tỷ đồng; vốn nhà nước bình quân 4,4 tỷ đồng/đơn vị, cao nhất 5,9 tỷ đồng, thấp nhất 3,2 tỷ đồng; tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước đều ở mức chi phối 51 - 52% vốn điều lệ, chỉ duy nhất một đơn vị có tỷ lệ 48%. (Theo Bộ Giao thông Vận tải ngày 07/11)

Ngày 07/11, Woori Bank (ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Hàn Quốc) ra mắt ngân hàng 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Dự kiến trong quý I/2017, thẻ tín dụng của Woori Bank sẽ được phát hành tại Việt Nam cùng với thẻ Ngân hàng Woori. Cuối tháng 10/2016, Woori Bank đã có phòng giao dịch tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Woori Bank ngày 07/11)

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh, điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2015 (hơn 2.600 DNNVV tham gia khảo sát):

- 83% doanh nghiệp gặp trở ngại trong kinh doanh, tương đương tỷ lệ điều tra năm 2013. Trong đó những cản trở nhất là: Thiếu vốn, khó tiếp cận tài chính; hạn chế của cầu sản phẩm hiện tại; cạnh tranh quá lớn; thiếu đất, mặt bằng sản xuất - kinh doanh.

- 58% số doanh nghiệp có chi phí không chính thức trong năm 2013 tiếp tục phát sinh chi phí này trong năm 2015. Tỷ lệ sử dụng chi phí không chính thức để “tiếp cận các dịch vụ công” giảm từ 28,4% năm 2013 xuống còn 18,75% năm 2015.

(Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM ngày 09/11)

Tổng cầu


Đầu tư

Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 1,12 triệu tỷ đồng (vốn nước ngoài 300 nghìn tỷ đồng, vốn trong nước 820 nghìn tỷ đồng), trong đó phát hành 260 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) (gồm cả 60 nghìn tỷ đồng TPCP giai đoạn 2014 - 2016 chuyển sang), tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng.

Trong hơn 20 năm qua, dòng kiều hối vào Việt Nam tăng trên 94 lần, từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 13,2 tỷ USD năm 2015, do người Việt Nam xuất khẩu và định cư ở nước ngoài ngày càng nhiều, Chính phủ khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ Tổ quốc, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối thông thoáng. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 10/11)

Vốn đầu tư từ các nước Malaysia, Thái Lan và Singapore vào Việt Nam sẽ tăng trong 3 - 5 năm tới, nhờ kinh tế - chính trị ổn định (41%), khách hàng có nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng (40%), thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi (35%). Có 38% doanh nghiệp từ Malaysia, 35% từ Thái Lan và 29% từ Singapore đã xếp Việt Nam vào nhóm 3 điểm đến hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh trong vòng 3 - 5 năm tới, tập trung vào các lĩnh vực: Công nghiệp sản xuất, y tế và dược phẩm, xây dựng và bất động sản, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. (Theo Kết quả khảo sát các doanh nghiệp ở châu Á năm 2016 do Ngân hàng United Overseas Bank - UOB công bố ngày 10/11)

Tập đoàn Năng lượng gió và điện mặt trời Mainstream Renewable (Cộng hòa Ireland) sẽ xây dựng và vận hành dự án điện gió trị giá hơn 2,2 tỷ USD tại Việt Nam với 3 trang trại điện gió có tổng công suất hằng năm là 940 MW. Trong đó:

- Mainstream Renewable sẽ hợp tác với GE Energy Financial Services và Tập đoàn Phú Cường trong dự án chính trị giá 2 tỷ USD. Giai đoạn đầu, công suất dự kiến là 150 - 200 MW và sẽ hoàn thành trong năm 2018.

- Mainstream hợp tác với Công ty cổ phần Pan Pacific (Việt Nam) trong hai dự án khác tại tỉnh Bình Thuận, với công suất 138 MW, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn đầu trong năm 2018.

(Theo Mainstream Renewable ngày 07/11)

Ngân sách
nhà nước

Tính đến ngày 25/10/2016, toàn hệ thống thuế đã duyệt chi 94.073 tỷ đồng tiền hoàn thuế, đạt 96% dự toán năm 2016 (98 nghìn tỷ đồng). Trong đó chi 14.336 tỷ đồng cho các quyết định hoàn năm 2015 và 79.737 tỷ cho năm 2016. Số dư dự toán còn được sử dụng là 3.927 tỷ đồng. (Theo số liệu của Tổng cục Thuế ngày 08/11)

Ngày 09/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

- Nợ công hằng năm không vượt quá 65% GDP, nợ chính phủ không vượt quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu NSNN hằng năm.

- Tổng thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP. Tổng chi NSNN đạt khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25 - 26% tổng chi NSNN; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng NSNN.

Xuất nhập khẩu

Trong 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2015, chủ yếu do áp lực cạnh tranh gay gắt với hàng hóa của Thái Lan và Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp e ngại mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó có 6 nước ASEAN giảm nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam; chỉ có 3 quốc gia tăng nhập khẩu, gồm: Myanmar (21,1%), Philippines (13,8%) và Thái Lan (11,6%). (Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 06/11)

Trong tháng 10/2016, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12 nghìn xe ô tô nguyên chiếc, đạt kim ngạch 165 triệu USD, tăng 9% về số lượng nhưng giảm 19% về kim ngạch. Lũy kế 10 tháng đầu năm, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt khoảng 90 nghìn xe, tổng kim ngạch 1,92 tỷ USD (tương đương hơn 43 nghìn tỷ đồng), giảm 17% so với cùng kỳ năm 2015. Thái Lan tiếp tục dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam cả về số lượng và kim ngạch; tiếp theo là Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 07/11)

Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới:

- Kim ngạch nhập khẩu của ​Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần, từ 62,68 tỷ USD năm 2007 lên 165,65 tỷ USD năm 2015. (Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thống kê ngày 06/11).

- Doanh thu từ du lịch tăng từ 56 nghìn tỷ đồng năm 2007 lên hơn 337 nghìn tỷ đồng năm 2015. Năm 2016, ngành du lịch phấn đấu đạt doanh thu 400 nghìn tỷ đồng. (Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam ngày 07/11).

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

Dự báo lạm phát năm 2016 tăng 4,5%; lạm phát năm 2017 tăng 3,5% hoặc 5% tùy thuộc vào việc điều chỉnh giá các dịch vụ giáo dục, y tế . (Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - NFSC ngày 10/11)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 4 ngày tăng/giảm trái chiều và 2 ngày giảm, giá vàng SJC đã giảm tổng cộng 270 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/11), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng như sau:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,55 - 35,9 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,55 - 35,92 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng ngày 11/11.

- Bảo Tín Minh Châu: 35,42 - 35,78 triệu đồng/lượng, giảm 180 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và giảm 170 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 11/11.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 73 đồng với 5 ngày tăng giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/11), tỷ giá trung tâm là 22.056 VND/USD không đổi so với tỷ giá ngày 11/11, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng nhẹ:

- BIDV: 22.285-22.355 VND/USD.

- ACB, Eximbank và DongABank: 22.300-22.360 VND/USD.

- Techcombank: 22.280-22.380 VND/USD, tăng 10 đồng chiều mua vào và giảm 10 đồng chiều bán ra.

- Vietcombank: 22.295-22.365 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh:

- Ngày 07/11, đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 874 tỷ đồng, gồm 3 loại kỳ hạn: 5 năm (300 tỷ đồng); 10 năm (200 tỷ đồng); 15 năm (374 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 300 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 5,35%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 11/11/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 10.426 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 09/11, đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 20 năm (1.000 tỷ đồng); 30 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 76 tỷ đồng (7,6%), lãi suất trúng thầu 7,71%/năm.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,98%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 11/11/2016, KBNN đã huy động thành công 260.562,0566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Chứng khoán Việt Nam đã có một tuần giao dịch khởi sắc trong tuần từ 07-11/11/2016. Hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều tăng điểm. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 12,47 điểm (1,87%) lên 679,2 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt116,68triệu đơn vị/phiên, giảm 3,8%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.165,28tỷ đồng/phiên, tăng 6%.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,72 điểm (0,9%) lên 81,19 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt43,76triệu đơn vị/phiên, tăng 22,08%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt366,58tỷ đồng/phiên, tăng 6,3%.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì trạng thái mua ròng thấp với tổng giá trị đạt hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, tiếp tục mua vào các cổ phiếu bluechip và đẩy bán mạnh các cổ phiếu đầu cơ bất động sản. So với tuần trước đó,khối ngoại đã bán ròng 3.119,140 triệu đơn vị, giảm 61,19%, mua ròng 60,81 tỷ đồng, giảm 45,82%.

- HOSE: Khối ngoại có 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng, tổng cộng đã bán ròng 2,31 triệu cổ phiếu, giảm 60,93% so với tuần trước đó; mua ròng 65,76 tỷ đồng, giảm 52% so với tuần trước đó.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng 3 phiên và mua ròng 2 phiên, tổng khối lượng bán ròng 809.140 cổ phiếu, giảm 62% so với tuần trước đó; bán ròng 4,95 tỷ đồng, giảm 80% so với tuần trước đó.

Chính sách

Nghị định số 148/2016/NĐ-CP

Ngày 04/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

- Công chức Quản lý thị trường là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức Quản lý thị trường gồm: Kiểm soát viên cao cấp thị trường; kiểm soát viên chính thị trường; kiểm soát viên trung cấp thị trường. Công chức Quản lý thị trường phải đảm bảo tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức Quản lý thị trường.

- Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra gồm: Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương; Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Quản lý thị trường ở trung ương có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính;

Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;Thủ trưởng đơn vị thuộc cơ quan Quản lý thị trường cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

- Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2016.

Nhận định

chuyên gia

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 10/11:

Việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam cần dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường về các sản phẩm phái sinh. Từ đó lựa chọn mô hình phù hợp cho thị trường phái sinh và cho phép những loại tài sản cơ sở, sản phẩm phái sinh nào được phát triển. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý tại Việt Nam, trong đó có HNX đề xuất lựa chọn sản phẩm phái sinh tài chính trước, với những sản phẩm đơn giản thay vì ưu tiên sản phẩm phái sinh trên hàng hóa.

NFSC ngày 10/11:

Tín dụng năm 2016 sẽ tăng trưởng 18-19%, tuy nhiên, cần phải kiểm soát dòng vốn vào bất động sản để tránh “bong bóng” như các năm trước, do cho vay bất động sản năm 2016 tăng 12% (năm 2015 tăng 28%) nhưng trên 50% là vay mua nhà ở.