Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 15-21/10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 có thể cao hơn 6,7%. Nếu GDP tăng 6,7% so với năm 2017 thì quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,55 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD).

Do đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với 2017 và 325 USD so với 2016. Nếu so với năm 2015, chỉ tiêu này của Việt Nam đã tăng 1,21 lần, tuy nhiên so với mục tiêu 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020 thì vẫn còn khoảng cách xa.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%...

(Theo Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 15/10)

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 có thể đạt 6,88%, tăng so với 6,71% được CIEM đưa ra cách đây ba tháng. Tăng trưởng kinh tế cao trong hai quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm.

Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo đạt 13,34%; thặng dư thương mại là 5,1 tỷ USD; lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%. (Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM ngày 17/10)

Mạng hackernoon.com mới đây đăng bài viết phân tích những yếu tố góp phần thúc đẩy sự “chuyển mình” của kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, sánh ngang với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là kết quả của 3 thay đổi lớn, bao gồm các chính sách thương mại tự do, nới lỏng các quy định và giảm bớt chi phí kinh doanh, đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh các thành tựu, Việt Nam cũng phải đối diện với những thách thức như vấn đề giáo dục để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng để cung cấp thêm năng lượng và cải thiện sự kết nối trong nước. (Theo Stockbiz.vn ngày 15/10)

Sản xuất
công nghiệp

Năm 2018, tổng năng lực sản xuất ngành thép Việt Nam đạt khoảng 30 triệu tấn/năm, nhưng công suất hoạt động chỉ bằng 70% công suất thiết kế, đạt hơn 21 triệu tấn, với mức tiêu thụ chỉ đạt 17,6 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 20 - 22%, ngành thép đang đứng trước nguy cơ cung vượt quá cầu, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước gặp khó khăn trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam ngày 19/10)

Từ đầu năm đến nay đã có 19 kỳ điều hành giá xăng dầu, trong đó chỉ có 2 lần giảm giá và có tới 10 lần ghìm giữ giá thông qua Quỹ bình ổn, với tổng số tiền hơn 5.500 tỷ đồng đã được chi ra.

Tính đến ngày 31/8/2018, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn hơn 3.100 tỷ đồng. Hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã khá hiệu quả trong công tác điều hành giá xăng dầu, góp phần kiểm soát giá các mặt hàng, qua đó góp phần ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát. (Theo Bộ Công Thương ngày 17/10)

Doanh nghiệp

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) thường niên 2018 vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy, Việt Nam xếp thứ 77/140 trong xếp hạng cạnh tranh của WEF năm 2018 với 58,1 điểm, tụt 3 bậc so với vị trí 74/135 trong xếp hạng năm 2017 (57,9 điểm).

Trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam đạt điểm cao nhất ở trụ cột “sức khỏe” với 81 điểm. Trong khi đó, ở trụ cột “năng lực sáng tạo”, Việt Nam chỉ đạt 33 điểm. (Theo vneconomy.vn ngày 17/10)

Đến hết tháng 9/2018, cả nước mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp với tổng giá trị là 29.634 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng. Các đơn vị đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản đã thoái trong năm 2017 mới được báo về.

Trong giai đoạn 2011 - 2017, cả nước đã cổ phần hoá 632 doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước được xác định lại khoảng 374 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên tính đến nay mới cổ phần hóa được khoảng 10% so với kế hoạch. (Theo Bộ Tài chính ngày 19/10)

Năng lực quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại (NHTM) đang dần tiệm cận chuẩn theo Hiệp ước Basel II. Phần lớn các NHTM đều chủ động lên kế hoạch áp dụng chuẩn Basel II, một số ngân hàng đã công bố hoàn thành việc triển khai hệ thống quản lý rủi ro và một số ít đã chuyển sang giai đoạn áp dụng chuẩn Basel II trong hoạt động.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các ngân hàng là việc tăng vốn điều lệ, đặc biệt với các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ước tính, từ nay tới cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có gấp 1,8 - 2 lần so với thời điểm hiện tại mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Do đó, các ngân hàng cần có lộ trình cụ thể và tính toán phù hợp cho việc bổ sung vốn từ nay đến năm 2020. (Theo Ngân hàng Sacombank ngày 17/10)

Tổng cầu


Ngân sách
nhà nước

Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, tạo nguồn lực cho phát triển. Thu NSNN năm 2018 dự kiến đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017, bội chi đạt khoảng 3,67%, cơ cấu chi đầu tư tăng, giảm chi thường xuyên.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt mục tiêu Quốc hội giao, trong đó cơ cấu đầu tư khu vực tư nhân ngày càng tăng. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 15/10)

Hiện nay cả nước có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính tổ chức và biên chế sự nghiệp trong quân đội, công an và khu vực doanh nghiệp nhà nước).

Trong đó, khối Chính phủ quản lý có 2.425.665 người, gồm 57.170 đơn vị, trong đó có 41.310 đơn vị sự nghiệp giáo dục - đào tạo (chiếm 72,26%); 605 đơn vị sự nghiệp dạy nghề (chiếm 1,06%); 6.134 đơn vị sự nghiệp y tế (chiếm 10,73%); 454 đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ (chiếm 0,79%); 1.774 đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch (chiếm 3,1%); 654 đơn vị sự nghiệp báo chí, xuất bản (chiếm 14,14%) và 6.239 đơn vị sự nghiệp khác (chiếm 10,92%).

Hiện có 109 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (chiếm 0,19%); 1.878 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (chiếm 3,33%); 12.841 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (chiếm 22,78%) và có 41.539 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ (chiếm 73,70%).

(Theo Bộ Tài chính ngày 18/10)

Xuất - nhập khẩu

Nhu cầu giấy của Việt Nam tăng 8 - 10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm. Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy hằng năm. Ngành giấy Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% trong giai đoạn 2000 - 2007 và 16% trong giai đoạn 2007 - 2017.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt so với thế giới vẫn yếu, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh thấp hơn các doanh nghiệp FDI do vốn ít, quy mô nhỏ.

Sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2018. (Theo Bộ Công Thương ngày 16/10)

Tháng 9/2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt khoảng 175,15 triệu USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 9 tháng, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,68 tỷ USD, tăng 29,2%.

Nhóm 3 thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam lần lượt là Trung Quốc với mức tăng trưởng 33,3%, Hoa Kỳ với 41% và EU tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra trong tháng 9/2018, cùng với các cơ hội thị trường thuận lợi, dự kiến xuất khẩu cá tra năm 2018 sẽ đạt, thậm chí vượt 2 tỷ USD. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 16/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo, thu về 2,46 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với khoảng 1,13 triệu tấn, tương đương 580,88 triệu USD, chiếm trên 23% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 16/10)

Trong 9 tháng đầu năm 2018, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 4,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 4,2 tỷ USD, tăng 9,68% so với cùng kỳ năm 2017.

Việt Nam nhập khẩu 594,6 triệu USD hàng hóa từ thị trường này, tăng 14,56%. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu sang Anh trên 3,7 tỷ USD.

Đáng chú ý, có 7 mặt hàng xuất khẩu sang Anh đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất là điện thoại và linh kiện với 1,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 38,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này.

Năm 2017, thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 5,4 tỷ USD và nhập khẩu đạt 700 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 17/10)

Trong 3 quý đầu năm, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 178 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Đã có 26 loại hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với mức 35% của các năm trước.

Nhờ xuất khẩu cao nên Việt Nam đã xuất siêu gần 5,4 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay và góp phần đáp ứng nguồn cung ngoại tệ. Với nền tảng này, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Bộ Công Thương ngày 17/10)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng giá; 3 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 20/10 so với ngày 19/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,49 - 36,63 triệu đồng/lượng, giảm 30 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,50 - 36,60 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 2 đồng so với tuần trước với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 20/10, tỷ giá trung tâm là 22.719 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 19/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 19/10 như sau:

- Vietcombank: 23.300 - 23.390 VND/USD, tăng 5 đồng.

- BIDV: 23.305 - 23.395 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 23.380 - 23.390 VND/USD, tăng 5 đồng.

Tín dụng

Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đạt gần 50.000 tỷ đồng với hơn 1,7 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ và tạo việc làm cho trên 192.000 lao động, trong đó có hơn 4.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 14.000 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Cùng với đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được sử dụng để xây dựng gần 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng trên 22.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và gần 800 căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. (Theo NHCSXH ngày 15/10)

Tính đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 10,08%, cách xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17 - 18% của cả năm 2018.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 khoảng 15% là đủ, do tăng trưởng GDP trong 3 quý đầu năm khá tốt, nền kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng 6,7% mà không nhất định phải sử dụng công cụ tăng trưởng tín dụng. (Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước ngày 17/10)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho biết, với kịch bản thuận lợi, tháng 3/2020, FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp và tháng 9/2020 Việt Nam mới chính thức vào rổ chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.

Với giả thiết tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số FTSE các thị trường mới nổi phụ thuộc vào giá trị vốn hóa rổ chỉ số FTSE Vietnam Index, ước tính tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE Emerging markets Index sẽ hoảng 0,3%.

Dựa trên giá trị tổng tài sản một số quỹ ETF sử dụng chỉ số FTSE Emerging Markets làm tham chiếu và giá trị dòng vốn thụ động ước tính chảy vào các quốc gia đã được nâng hạng như Arab Saudi, MBS, ước tính giá trị dòng vốn thụ động chảy vào thị trường Việt Nam đạt khoảng 184 triệu - 555 triệu USD (tương đương khoảng 4.000 - 13.000 tỷ đồng).

(Theo báo Nhân dân ngày 15/10)

Nhằm đáp ứng nhu cầu của thành viên và góp phần gia tăng thanh khoản thị trường, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành quy chế giao dịch mới đối với chứng khoán niêm yết trên thị trường.

Theo đó, ngoài phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như trước, HNX sẽ bổ sung phiên giao dịch sau giờ, từ 14h45 - 15 giờ, qua đó nhà đầu tư sẽ gia tăng các cơ hội giao dịch vào thời điểm cuối ngày và quy chế mới có hiệu lực từ ngày 05/11/2018.

Ngoài ra, quy chế này cũng bổ sung quy định về lệnh giao dịch khớp lệnh sau giờ (PLO - lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa).

Ngoài ra, quy chế đã có sự chỉnh sửa và bổ sung quy định “các lệnh giao dịch lô lẻ không được sử dụng để xác định giá đóng cửa, giá tham chiếu, giá tính chỉ số”, nhằm đưa ra quy định chặt chẽ hơn đối với việc xác định giá đóng cửa trong ngày. (Theo HNX ngày 17/10)

Trái phiếu

Ngày 17/10, HNX đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành, với tổng khối lượng gọi thầu là 3.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (1.000 tỷ đồng), 10 năm (1.000 tỷ đồng), 15 năm (1.000 tỷ đồng) và 20 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 100 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,1%/năm, tăng 0,08%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 03/10/2018).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 286 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,85%/năm, tăng 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 10/10/2018).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 25 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5%/năm, giảm 0,12%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 03/10/2018).

- Kỳ hạn 20 năm: Không trúng thầu.

Từ đầu năm 2018 đến ngày 17/01/2018, Kho bạc Nhà nước huy động được 124.428 tỷ đồng thông qua đấu thầu thầu trái phiếu chính phủ.

Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 15 - 19/10/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,53%) xuống 958,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 148,92 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.670,62 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,18 điểm (0,17%) lên 108,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 38,38 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 499,05 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,23 điểm (-0,44%) xuống 52,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 13,67 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 241,07 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3,76 triệu đơn vị, trị giá 7,14 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2 triệu đơn vị, trị giá 131,82 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 4,53 triệu đơn vị, trị giá 530,14 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 4,39 triệu đơn vị, trị giá 70,73 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 3,18 triệu đơn vị, trị giá 50,42 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 1 ngày mua ròng và 4 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,37 triệu đơn vị, trị giá 68,23 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 2,84 triệu đơn vị, trị giá 63,53 tỷ đồng).

Nhận định

chuyên gia

Các chuyên gia kinh tế (16/10):

Thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA) thay thế NAFTA trị giá hơn 1,2 nghìn tỷ USD đã đạt được ngày 30/9/2018.

Đối với Việt Nam, sự ra đời của USMCA sẽ tác động trên mọi bình diện của vấn đề an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh chính trị, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, môi trường... nhất là an ninh kinh tế và an ninh môi trường.

(1) Ở cấp độ vĩ mô, USMCA có thể tác động đến tổng thể nền kinh tế thông qua hoạt động thương mại, đầu tư, chẳng hạn như nhập siêu, nợ nước ngoài... Ở cấp độ vi mô là tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của một ngành nghề, một đơn vị, một doanh nghiệp.

(2) USMCA có điều khoản cấm các đối tác trong hiệp định tham gia một thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế “phi thị trường” nhằm cô lập và ngăn chặn Trung Quốc sử dụng Canada, Mexico làm nơi trung chuyển để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.

(3) Theo điều khoản của USMCA, chuỗi cung ứng sản phẩm sẽ được chuyển về Bắc Mỹ, điều này cũng gây nên khó khăn cho Việt Nam.

(4) Điều khoản “không phá giá đồng nội tệ” của USMCA nhằm tạo lợi thế cho Hoa Kỳ trong đàm phán thương mại với các đối tác khác, trong đó Việt Nam cũng chịu tác động.

(5) USMCA có điều khoản cấm đánh thuế hải quan đối với hàng hóa được phân bổ thuộc dạng số hóa như phần mềm, trò chơi điện tử, sách điện tử, âm nhạc và phim ảnh. Điều này có thể có tác động đến an ninh mạng của Việt Nam.