Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 19-24/6/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính Việt Nam

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam năm 2017, đưa ra hai kịch bản dự báo về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2017: (i) Kịch bản 1, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,7%, lạm phát đạt khoảng 3,2%; (ii) Kịch bản 2, tăng trưởng đạt khoảng 6,37% và lạm phát đạt 2,35%.

Tuy nhiên có một số dấu hiệu rủi ro vĩ mô cần lưu ý như: (i) Sự phụ thuộc vào khu vực FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng rõ rệt; (ii) Ngân sách và nợ công tiềm ẩn nguy cơ tạo nên các bất lợi vĩ mô; (iii) Tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển có xu hướng giảm; (iv) FED tăng lãi suất và chính sách kinh tế của Tổng thống Trump có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. (Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR ngày 16/6)

Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2017 dự báo đạt 6,1%, song nền kinh tế có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn do Chính phủ đã có một số cải thiện trong việc giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước; đồng thời, sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu là cơ hội tốt để Việt Nam gia tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, lạm phát cả năm dự báo đạt khoảng 2,9% chủ yếu do giá thực phẩm tươi sống và giá xăng dầu giảm.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ như cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và một số nước Ả-rập ảnh hưởng đến đà hồi phục của giá dầu thô trên thế giới, gián tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu của Chính phủ; mức độ lạc quan về triển vọng sản xuất trong thời gian tới giảm.

(Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường của Market Intello ngày 19/6)

Doanh nghiệp

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa nâng triển vọng xếp hạng Nhà phát hành nợ (IDR) dài hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) từ “Ổn định” lên “Tích cực”, IDR dài hạn ổn định ở mức “B +”, IDR ngắn hạn ở mức “B”; xếp hạng hỗ trợ ở mức “B +”.

Agribank đạt được các kết quả trên là nhờ đã đáp ứng được các tiêu chí đánh giá của Fitch Ratings, đồng thời có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, tiên tiến và năng lực tài chính cao; hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. (Theo TTXVN ngày 16/6)

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam và Báo VietNamNet đã chính thức công bố Top 10 công ty bảo hiểm uy tín năm 2017. Trong đó, dẫn đầu khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Prudential Việt Nam, tiếp đến là Bảo Việt nhân thọ, Manulife…; khối công ty bảo hiểm phi nhân thọ theo thứ tự dẫn đầu là Bảo Việt, Bảo Minh, PVI…

Tỷ lệ số doanh nghiệp báo lãi trong năm 2016 tăng mạnh, từ 5 lên 10 doanh nghiệp đối với nhóm bảo hiểm nhân thọ và từ 17 lên 18 doanh nghiệp với nhóm bảo hiểm phi nhân thọ, cho thấy sự khởi sắc trong kinh doanh bảo hiểm trong năm vừa qua là tiền đề tạo thêm niềm tin tăng trưởng toàn ngành nói chung trong năm 2017.

Ngoài ra, cạnh tranh được đánh giá là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm, tiếp đó là chất lượng nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp .

(Theo Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam và Báo VietNamNet ngày 21/6)

Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Quỹ bình ổn(BOG) tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15h ngày 20/6) của Petrolimex còn dư 2.476 tỷ đồng, tăng 96 tỷ đồng so với lần công bố mới nhất ngày 05/6 (2.380 tỷ đồng).

Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm từ 15h ngày 20/6, theo đó: Xăng RON 92 giảm 862 đồng/lít; xăng E5 giảm 805 đồng/lít; dầu diesel 0,05S giảm 650 đồng/lít; dầu hỏa giảm 738 đồng/lít và dầu mazút 3,5S giảm 369 đồng/kg.

Sau khi trích lập BOG đối với xăng khoáng và các mặt hàng dầu là 300 đồng/lít, xăng RON 92 có mức trần mới là 16.504 đồng/lít; xăng E5 là 16.349 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 12.835 đồng/lít; dầu hỏa là 11.380 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 10.666 đồng/kg.Từ ngày 05/5 đến 20/6, giá xăng, dầu trong nước đã giảm 3 lần và tăng 1 lần. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 19/6)

Sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2017, chỉ số phát triển công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, do 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) tăng mạnh.

Sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn ổn định, giá trị xuất khẩu 6 tháng ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 79,6% so cùng kỳ năm 2016, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 4,15 tỷ USD, tăng 69,2%. (Theo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 19/6)

Dịch vụ

Trong 5 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 2.604 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Trong đó có 4.543 doanh nghiệp nợ từ 3 tháng trở lên với gần 1.400 tỷ đồng. Hiện có 60 đơn vị/134 đơn vị được gửi thư nhắc nhở đã trả nợ được hơn 7 tỷ đồng trên tổng số 24 tỷ đồng nợ. (Theo Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh ngày 20/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2017:

- Doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 38.736 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 15.946 tỷ đồng, tăng 9%; doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 22.790 tỷ đồng, tăng 30%.

- Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 256.240 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 66.030 tỷ đồng, tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 190.210 tỷ đồng.

- Đầu tư trở lại nền kinh tếcủa các doanh nghiệp bảo hiểm đạt khoảng 208.980 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã đầu tư35.125 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư 173.855 tỷ đồng.

- Tổng mức bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt khoảng 10.904 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt 5.394 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 5.510 tỷ đồng.

(Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ngày 21/6)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được 2,15 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, vốn đăng ký mới của 340 dự án đạt gần 375 triệu USD; vốn đăng ký bổ sung là hơn 346 triệu USD; vốn góp mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp là 1,15 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất (33,1%), tiếp đến là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy (29,4%); thông tin và truyền thông (15%)... (Theo Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 17/6)

Xuất - nhập khẩu

Năm 2016, các doanh nghiệp ngành điều Việt Nam xuất khẩu được 350.000 tấn điều nhân các loại, giá trị xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, bao gồm khoảng 2,85 tỷ USD điều nhân, còn lại là các sản phẩm phụ của điều. Đây là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).

Trong năm 2017, ngành điều Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 360.000 tấn điều nhân các loại, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2016. Trị giá xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó điều nhân khoảng 3 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2016. (Theo Hiệp hội Điều Việt Nam - VINACAS ngày 16/6)

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2017: (i) Xuất khẩu cao su của Việt Nam tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016, từ mức 33.324 tấn lên 49.999 tấn, nâng tổng lượng cao su kể từ đầu năm đạt 411.960 tấn, đưa giá trị xuất khẩu cao su tăng 38,1%, từ gần 487 triệu USD lên 787,5 triệu USD; (ii) Nhập khẩu cao su cũng tăng 13,9%, từ 18.011 tấn lên 20.931 tấn.

Tổng lượng cao su nhập khẩu kể từ đầu năm đến ngày 15/6 đạt 223.477 tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng giá trị nhập khẩu cao su đạt 498,1 triệu USD tăng 46,1%. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/6)

Ngân sách nhà nước

Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành giao thông vận tải giải ngân 22.757 tỷ đồng, đạt 35,8% kế hoạch năm 2017.Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện là 13.450 tỷ đồng, giải ngân là 13.065 tỷ đồng, đạt 41,33% kế hoạch (31.616 tỷ đồng); nguồn vốn ngoài NSNN ước thực hiện 9.354 tỷ đồng, giải ngân 9.692 tỷ đồng, đạt 48,46% kế hoạch năm 2017 (20.000 tỷ đồng). (Theo Bộ Giao thông Vận tải ngày 23/6)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày giảm giá, 3 ngày tăng và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần (24/6), so với ngày 23/6, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,27 - 36,49 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 120 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,33 - 36,39 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,31 - 36,41 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 22 đồng với 4 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24/6), tỷ giá trung tâm là 22.432 NVD/USD, không đổi so với ngày 23/6, tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại cũng không thay đổi:

- Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.690 - 22.760 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 22.680 - 22.770 VND/USD, không thay đổi.

Lao động

Trong giai đoạn 2004 - 2015, số lao động là người nước ngoài ở Việt Nam đã tăng từ hơn 12.600 người trong năm 2004 lên hơn 83.500 người vào năm 2015; trong đó, lao động Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất với 30,9% (hơn 25.700 người).

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có lực lượng lao động là người nước ngoài làm việc nhiều nhất với hơn 20.300 người (chiếm 24,3%), tiếp theo là Bình Dương hơn 12.000 người (chiếm 14,4%), Hà Tĩnh hơn 7.000 người (8,4%), Hà Nội 6.386 người (chiếm 7,6%), Đồng Nai 6.205 người (7,4%)…

(Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 19/6)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

MSCI (Morgan Stanley Capital International) đã công bố kết quả phân loại dành cho 84 thị trường, trong đó tiếp tục giữ nguyên xếp hạng với Việt Nam ở tất cả các tiêu chuẩn định tính và chưa đưa Việt nam vào “danh sách xem xét” nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Việc thị trường chứng khoán phái sinh sắp được ra mắt trong thời gian tới kỳ vọng sẽ giúp hoàn thiện hơn thị trường chứng khoán Việt Nam, cung cấp cho nhà đầu tư thêm nhiều công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như đầu tư sinh lời và tác động tích cực tới quá trình đánh giá nâng hạng. (Theo MSCI ngày 21/6)

Bất động sản

Tính đến ngày 31/ 5/2017, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên toàn quốc còn khoảng 27.894 tỷ đồng. Giá trị tồn kho địa ốc tại Hà Nội tính đến cuối tháng 5/2017 còn khoảng 5.451 tỷ đồng, giảm 23 tỷ đồng so với tháng 4; tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng 5.183 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng so với tháng 4/2017.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội bị chững lại có nguyên nhân từ những bất cập về nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách liên quan .

(Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng ngày 19/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2017,tín dụng bất động sản tăng trưởng 6,35%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (tăng 5%). lãi suất vay mua nhà xã hội giữ ở mức 4,8%; tốc độ tăng trưởng huy động vốn tăng 4,5% so với cuối năm 2016; dư nợ tín dụng đạt 1,6 triệu tỷ, tăng khoảng 10% .

Tuy nhiên, dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn không có nhiều biến động, đạt khoảng 10% tổng dư nợ. (Theo Hiệp Hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh ngày 23/6)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 19/6 - 23/6/2017, thị trường diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 2,71 điểm (0,35%) lên 769,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 231,48 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.564,9 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,33 điểm (-0,34%) xuống 98,27 điểm.Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt57,94triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 689,11 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,29 điểm (-0,5%) xuống 56,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt7,68triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 87,42 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần từ 19/6 - 23/6/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5.951.148 đơn vị, trị giá 421,28 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là PLX với khối lượng 1,97 triệu đơn vị, trị giá 133,85 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là VJC với khối lượng 453.950 cổ phiếu, trị giá 57,11 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp tổng cộng 7,98 triệu đơn vị (tuần trước bán ròng 4,07 triệu đơn vị). Tổng giá trị mua ròng 408,2 tỷ đồng, giảm 15,53% so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 2 phiên mua ròng và 3 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 2,87 triệu đơn vị, trị giá 26,12 tỷ đồng, tăng mạnh 67,37% về lượng, nhưng giảm 26,12% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp tổng cộng 841.148 đơn vị, trị giá 39,2 tỷ đồng, tăng 19,93% về lượng và hơn 53% về giá trị so với tuần trước.

Đàm phán - Ký kết


Chính sách

Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg

Ngày 12/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.

- Hoạt động huy động vốn của chương trình, dự án tài chính vi mô được thực hiện dưới các hình thức sau: Tiếp nhận vốn tài trợ; viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô (tổng mức tiền gửi tiết kiệm tự nguyện không vượt quá 30% tổng vốn được cấp của chương trình, dự án tài chính vi mô); vay tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức chính trị, tố chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ trong nước được chuyển đổi chương trình, dự án tài chính vi mô thành tổ chức tài chính vi mô trong các trường hợp sau: Tự nguyện chuyển đổi; có tổng tài sản từ 75 tỷ đồng trở lên; có tổng dư nợ cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô từ 50 tỷ đồng trở lên.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/8/2017.

Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg

Ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm.

- Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng, cao hơn 50% so với mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành.

- Đối tượng áp dụng bao gồm: Người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 05/8/2017.

Ngày 21/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu).

Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu.

Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.

Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.