Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 22-27/01/2018

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Doanh nghiệp

Có 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh trong 8 lĩnh vực, tương đương 55% trong tổng số 1.216 điều kiện đầu tư, kinh doanh mà Bộ Công Thương quản lý đã chính thức được cắt giảm bằng việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NÐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đến cuối năm 2017, mới chỉ có 5 bộ rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện, chiếm 34,2% trong tổng số 345 điều kiện thuộc lĩnh vực Bộ quản lý; Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 89 (41,3%), đơn giản hóa 94 (43,7%) trong tổng số 215 điều kiện; Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (16%)...

(Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngày 22/01)

Kể từ khi thành lập đến hết ngày 31/12/2017, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.

Về mua nợ theo giá thị trường, VAMC đã ký hợp đồng với 5 TCTD để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt. Về thu hồi nợ, năm 2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 30.700 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được NHNN giao (22.000 tỷ đồng) tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016. (Theo VAMC ngày 18/01)

Quỹ bình ổn xăng dầu

Số dư Quỹ bình ổn (BOG) tính đến trước 15h ngày 19/01/2018 của Petrolimex đạt khoảng 2.953 tỷ đồng, giảm 71 tỷ đồng so với kỳ công bố mới nhất ngày 04/01/2018 (3.024 tỷ đồng). Trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng E5 RON92 tăng 429 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tăng 430 đồng/lít, dầu hỏa tăng 448 đồng/lít, dầu mazút 3,5S tăng 148 đồng/kg (từ 15h ngày 19/01). Mức chi sử dụng cho xăng E5 RON92 là 857 đồng/lít, dầu diesel là 400 đồng/lít, dầu hỏa là 460 đồng/lít và dầu mazút là 150 đồng/kg. Như vậy, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 sẽ có mức trần mới là 18.672 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 15.959 đồng/lít, dầu hỏa là 14.560 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 12.765 đồng/kg. (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex ngày 19/01)

Tổng cầu


Ngân sách Nhà nước

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 2018 cho các bộ ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao 372.035,856 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018 (bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ) và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2018. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao 80.351,215 tỷ đồng cho các bộ, ngành Trung ương và 291.684,641 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. (Theo Chính phủ ngày 19/01)

Đầu tư

Chính phủ Việt Nam đang dựa vào tầng lớp trung lưu phát triển nhanh và dân số trẻ để thu hút nhà đầu tư. Sẽ có 245 công ty nhà nước chào bán cổ phần trong năm 2018, bao gồm 4 công ty lớn dự kiến chào bán cổ phần trong quý 1/2018: Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và Tổng công Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội. Năm 2018, Chính phủ Việt Nam dự định sẽ bán cổ phần doanh nghiệp nhà nước nhiều gấp 6,5 lần so với năm 2017. Trong năm 2017, Chính phủ đã thu về 135,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD, từ bán cổ phần. (Theo Bloomberg ngày 23/01)

Xuất nhập khẩu

Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng nhanh sau khi hiệp định tự do thương mại song phương chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Trong hai năm qua, tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam tăng 34%. Riêng trong năm 2017, Hàn Quốc nhập khẩu 980 triệu USD các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi của Việt Nam, tăng 250 triệu USD so với năm 2015.

Hàng Việt Nam chiếm khoảng 3,5% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Hàn Quốc trong năm 2017. Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. (Theo Viện Kinh tế nông thôn Hàn Quốc ngày 21/01)

Trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Cambodia 2,7 tỷ USD, tăng 26,22% so với năm 2016. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Cambodia trên 1 tỷ USD, tăng 40,66%. Năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu sang thị trường Cambodia 1,75 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Cambodia chủ yếu các mặt hàng sắt thép, xăng dầu, dệt may, máy móc thiết bị… và nhập khẩu từ thị trường Cambodia các mặt hàng như: Hạt điều, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, cao su, nguyên phụ liệu thuốc lá và phế liệu sắt thép. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 24/01)

Trong cuộc tổ chức mở thầu nhập khẩu 500.000 tấn gạo của Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog), Việt Nam trúng thầu với khối lượng lớn nhất là 141.000 tấn, tiếp đó là Thái Lan 120.000 tấn, Pakistan 65.000 tấn và Ấn Độ 20.000 tấn. Giá trúng thầu (giá C&F) của Việt Nam là 466 USD/tấn (lô 70.000 tấn) và 464 USD/tấn (lô 71.000 tấn). Gạo giao dịch là loại trắng thu hoạch trong niên vụ 2017/2018 (đã thu hoạch không quá 6 tháng), 0 - 5% tấm và 5 - 25% tấm. Hàng được giao sang Indonesia muộn nhất là ngày 28/02/2018. (Theo Bộ Công Thương ngày 24/01)

Trong năm 2017, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 592,8 triệu USD, tăng 16,3% so với năm 2016. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt giá trị lần lượt 225,7 triệu USD và 141,9 triệu USD, tăng tương ứng 12,7% và 23,1% so với năm trước. Riêng thị trường Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất của Việt Nam chiếm đến trên 38% tổng xuất khẩu.

Dự báo trong quý 1/2018, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Israel tiếp tục tăng trưởng từ 15 - 30% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị xuất khẩu sang một số thị trường châu Á như Trung Quốc, Thái Lan có thể giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 24/01)

Từ ngày 01 - 15/01/2018, cả nước xuất khẩu 14.334 tấn than đá, tổng trị giá kim ngạch gần 2,1 triệu USD; sản lượng dầu thô xuất khẩu là 65.788 tấn, trị giá 35,841 triệu USD. So với cùng kỳ 2017, sản lượng than đá xuất khẩu giảm 48.542 tấn (tương đương 77%); xét về trị giá, mức sụt giảm đạt gần 8 triệu USD (tương đương 79%). Bình quân giá xuất khẩu than đá là gần 146,3 USD/tấn, thấp hơn bình quân cùng kỳ năm 2017 (khoảng 160 USD/tấn). Giá xuất khẩu bình quân dầu thô khoảng 544,8 USD/tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (gần 423,3 USD/tấn).

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 24/01)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng, 1 ngày giảm và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 27/01, so với ngày 26/01, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,90 - 37,12 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,40 - 37,10 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,91 - 37,03 triệu đồng/lượng, giảm 110 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 90 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng, 2 ngày giảm giá và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch ngày 27/01, tỷ giá trung tâm là 22.416 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 26/01; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không thay đổi so với ngày 26/01 như sau: Vietcombank, BIDV và Vietinbank: 22.675 - 22.745 VND/USD, không thay đổi.

Lao động

Theo kết quả khảo sát về Chỉ số Nhân lực toàn cầu (TWI) của ManpowerGroup Solutions , Việt Nam đứng thứ 62 trên thế giới và 14 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong tổng số 55,92 triệu người lao động tại Việt Nam, lực lượng lao động làm công việc chính thức chiếm 38% và công việc tạm thời chiếm 62%. Tuy nhiên, TWI cũng cho thấy lực lượng lao động Việt Nam có một số hạn chế như chỉ 5% số người lao động biết tiếng Anh, 10,4% có kỹ năng chuyên môn (nhân viên văn phòng), Việt Nam chưa khai thác được tối đa nguồn nhân lực của mình mặc dù nguồn lao động tiềm năng , có nhiều cơ hội việc làm trong nước và khu vực.

Chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam chỉ đạt 4,6% tổng thu nhập quốc dân bình quân, lương trung bình hằng tháng của người lao động đạt khoảng 220 USD, chưa bằng 1/10 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, hiệu quả lao động của Việt Nam không quá thấp so với khu vực, cụ thể là 4,33% so với 4,38% của khu vực; mức độ sẵn sàng về kỹ thuật trong thương mại đạt 3,51% so với 4,92% của khu vực, thời gian làm việc gần như tương đương với khu vực. (Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 25/01)

Theo Báo cáo “Đãi ngộ người lao động, không phải nhóm siêu giàu” của Tổ chức Oxfam, 1% dân số thế giới nắm giữ 82% tổng của cải được tạo ra trong năm vừa qua, trong khi 3,7 tỷ người (chiếm nửa dân số nghèo nhất thế giới) lại không được hưởng lợi. Để tăng lương thành mức đủ sống cho 2,5 triệu công nhân may mặc tại Việt Nam sẽ cần 2,2 tỷ USD/năm, tương đương 1/3 số tiền của 5 công ty may mặc hàng đầu trả cho các cổ đông năm 2016. (Theo Tổ chức Oxfam ngày 21/01)

Tín dụng

Trong năm 2017, thanh khoản thị trường đồng USD liên ngân hàng có xu hướng tăng so với năm 2016. Cụ thể, mặt bằng lãi suất đã tăng khoảng 0,4 - 0,5%/năm so với cuối năm trước, cả năm dao động quanh biên độ 1,2 - 1,6%/năm với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần. Lãi suất bình quân 1,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần, cao hơn 0,7%/năm so với mức bình quân năm 2016.

Thanh khoản thị trường sôi động, giá trị giao dịch bình quân phiên 14.000 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Các yếu tố tạo áp lực tăng lãi suất là tín dụng ngoại tệ tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm và cả năm đạt khoảng 18%, thị trường ngoại hối ổn định. Bên cạnh đó, huy động vốn ngoại tệ tăng trưởng dưới 5%, chênh lệch huy động vốn - tín dụng ngoại tệ đã thu hẹp khoảng 3 tỷ USD trong năm 2017.

Dự báo trong năm 2018, thanh khoản thị trường đồng USD liên ngân hàng tiếp tục xu hướng co hẹp, do thanh khoản đồng USD liên ngân hàng sẽ không dồi dào hơn so với năm 2017. Lãi suất giao dịch dự kiến tăng thêm khoảng 0,5 - 0,6%/năm so với cuối năm 2017 lên 2 - 2,1%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

(Theo Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của Ngân hàng BIDV 22/01)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 22/01 - 27/01/2018, thị trường chứng khoán tăng/giảm trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày nghỉ giao dịch. Chốt tuần, VN-Index tăng 11,07 điểm (1%) lên 1.115,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt355,66 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 10.340,46 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 ngày tăng và 1 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,16%) lên 126,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt78,17triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 1.312,79 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,52 điểm (-0,87%) xuống 59,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt16,96triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 330,16 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 44,93 triệu đơn vị, trị giá 1.631,17 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VIC với khối lượng 2,24 triệu đơn vị, trị giá 194,15 tỷ đồng; cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 3,37 triệu đơn vị, trị giá 209,62 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng liên tiếp (2 ngày nghỉ giao dịch), với khối lượng 47,6 triệu đơn vị, trị giá 1.718,1 tỷ đồng, giảm 5,32% về lượng và 29,24% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại thực hiện 3 ngày bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,41 triệu đơn vị, trị giá 58,03 tỷ đồng, tăng 197% về lượng và 149,59% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 phiên bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 1,26 triệu đơn vị, trị giá 28,9 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 3,67 triệu đơn vị, trị giá 294,01 tỷ đồng).

Chứng khoán

Trong năm 2017, vốn huy động trên thị trường chứng khoán đạt khoảng 245.000 tỷ đồng, trong đó, đấu thầu trái phiếu chính phủ hơn 194.300 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gần 47.900 tỷ đồng và đấu giá cổ phần hóa trên hai Sở Giao dịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng thu về 125.400 tỷ đồng. Giá trị danh mục của khối ngoại tính đến tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016. Quy mô vốn hóa thị trường đạt 3,5 triệu tỷ đồng (tăng 80,5% so với năm 2016), tương ứng 70,2% GDP năm 2017. Sang đến tháng 01/2018, quy mô vốn hóa thị tăng 10% lên 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP. (Theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước ngày 22/01)

Trong năm 2017:

- Thị trường cổ phiếu niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đón nhận 21 doanh nghiệp niêm yết mới với tổng giá trị niêm yết mới đạt 3.897 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2016. Đồng thời, có 13 doanh nghiệp hủy niêm yết. Tại thời điểm ngày 29/12/2017, HNX có 384 doanh nghiệp niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 118.250 tỷ đồng và giá trị vốn hóa đạt 222.894 tỷ đồng.

Quy mô giao dịch của thị trường tăng mạnh so với năm 2016. Tổng khối lượng chứng khoán chuyển nhượng đạt 13.911 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch tương ứng đạt 161.054 tỷ đồng, bình quân khối lượng giao dịch đạt 55,6 triệu cổ phiếu/phiên (tăng 20,25% so với năm 2016) và giá trị giao dịch đạt 644,2 tỷ đồng/phiên, tăng 24,72% so với năm 2016.

- Quy mô thị trường vốn đạt trên 100% GDP; VN-Index tăng 48% so với năm 2016 - mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua; thanh khoản thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 66%; kỳ hạn phát hành TPCP đạt kỷ lục trong khi lãi suất phát hành TPCP năm 2017 đạt mức thấp nhất từ trước đến nay.

Dòng vốn nước ngoài cao nhất 10 năm qua, với tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đạt 46,7 nghìn tỷ đồng, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt mức cao kỷ lục. Công tác cổ phần hóa và thoái vốn tiếp tục được đẩy mạnh, với tổng số phiên đấu giá thoái vốn chiếm 73% số phiên đấu giá trên HNX và HOSE, với tổng giá trị thu về gấp 7,8 lần so với năm 2016, góp phần đem lại nguồn vốn cho ngân sách nhà nước.

(Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 19/01)

Chính sách

Quyết định số 117/QĐ-TTg:

Ngày 22/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

- Mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 5%/năm.

- Theo Nghị định số 100/2015, đối tượng được vay vốn ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở gồm: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

- Các đối tượng trên được vay tối thiểu là 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Trường hợp khách hàng có nhu cầu vay với thời hạn thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu thì được thỏa thuận với ngân hàng về thời hạn cho vay thấp hơn.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 22/01/2018 và thay thế Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 13/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thông tư số 130/2017/TT-BTC:

Ngày 04/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 130/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 215/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

- Đối với đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/hồ sơ (giảm 100.000 đồng/hồ sơ).

- Đối với cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp: 50.000 đồng/hồ sơ (giảm 50.000 đồng/hồ sơ). Riêng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên: giảm còn 4.500.000 đồng (giảm 500.000 đồng).

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2018.

Thông tư số 146/2017/TT-BTC:

Ngày 29/12/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 146/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý, giám sát việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh casino, có hiệu lực từ ngày 12/02/2018.

- Doanh nghiệp casino phải theo dõi mọi giao dịch liên quan đến tiền, đồng tiền quy ước bằng phần mềm máy tính và bảo đảm dữ liệu từ phần mềm phải được kết chuyển vào Phiếu tổng hợp doanh thu; đồng thời các giao dịch này phải được ghi lại và báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

- Doanh nghiệp casino chỉ được phép đổi đồng tiền quy ước cho người chơi trước khi chơi tại quầy thu ngân hoặc bàn trò chơi và đổi trả lại tiền cho người chơi tại quầy thu ngân. Đồng thời, phải bố trí các hòm (túi) chuyên dụng để đựng tiền mặt, đồng tiền quy ước; các hòm (túi) này phải được niêm phong trước khi mang ra khỏi kho quỹ và ngay sau khi mang ra khỏi máy (bàn) trò chơi điện tử có thưởng. Việc quản lý thuế tại doanh nghiệp kinh doanh casino được thực hiện bằng hình thức quản lý trực tiếp tại Điểm kinh doanh hoặc giám sát qua các thiết bị điện tử và hệ thống camera.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018.