Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 24-29/10/2016
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Tăng trưởng |
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số rủi ro về khí hậu, Việt Nam là nước đứng thứ năm về thiệt hại do thiên tai, GDP bình quân hằng năm thiệt hại 1,9 tỷ USD (tương đương với 1,3% GDP). Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược (phát triển hạ tầng, thể chế kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực), tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… (Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 25/10) |
Doanh nghiệp |
Hãng Xếp hạng tín dụng Moody's ngày 19/10 đã công bố kết quả rà soát xếp hạng 9 ngân hàng Việt Nam: - Nâng hạng tín dụng dài hạn và tín dụng cơ sở (BCA) của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Quân đội (MB) từ Caa1 lên B2, nhờ các chỉ số tài chính cơ bản được cải thiện; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) từ Caa1 lên B3 và triển vọng ổn định, chủ yếu nhờ sự cải thiện về cơ cấu vốn của ngân hàng. - Giữ nguyên xếp hạng tín dụng dài hạn của 5 ngân hàng khác với BCA tăng từ B3 lên B2 và triển vọng ổn định, gồm: Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). - Hoãn nâng hạng đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giữ ở mức B1/B2, do chưa được phê duyệt phương án tăng vốn chủ sở hữu. - Giữ nguyên xếp hạng tín dụng dài hạn B3 và BCA ở mức Caa1, nhưng triển vọng hạ từ mức ổn định xuống tiêu cực đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). |
Trong tháng 10/2016, cả nước có 10.314 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 81.524 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng 9, nhờ những chuyển biến tích cực từ kinh tế vĩ mô đã tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất - kinh doanh trong nước. Lũy kế 10 tháng năm 2016, cả nước có 114.251 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó có 91.765 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 710.618 tỷ đồng và 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. (Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
|
Tổng cầu |
|
Đầu tư |
Trong giai đoạn 2005 - 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo… Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không được vay vốn theo điều kiện ODA, phải sử dụng chủ yếu nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất 2 - 3,5%. (Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính ngày 25/10) |
Chính phủ Hoa Kỳ dự định đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam với tổng số tiền 500 triệu USD trong ba năm tới. Quy mô các dự án nhận vốn của OPIC từ 1 triệu USD đến hàng trăm triệu USD. Các dự án nhận vốn của OPIC phải đáp ứng các tiêu chí: Đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam; kế hoạch kinh doanh khả thi; tuân thủ nghiêm túc các quy tắc về lao động, môi trường... chưa nhận vốn từ ngân hàng thương mại và phải có sự tham gia của công ty Hoa Kỳ. (Theo Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại Hoa Kỳ - OPIC ngày 25/10) |
|
Bỉ là một trong những đối tác đầu tư và thương mại quan trọng của Việt Nam. Năm 2015, giá trị thương mại hàng hóa trao đổi giữa Bỉ và Việt Nam đạt gần 2,3 tỷ USD so với vài trăm triệu USD năm 2000. Hiện có 65 dự án của Bỉ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư lên đến 724,21 triệu USD.(Theo ông Vương Thừa Phong, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ) |
|
Xuất nhập khẩu |
Trong tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm và thủy sản của cả nước đạt khoảng 2,75 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng 2016 đạt 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 7,8%; giá trị xuất khẩu thủy sản chính đạt khoảng 5,7 tỷ USD, tăng 5,9%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 0,1%. Trong đó khối lượng gạo xuất khẩu trong cả nước tháng 10/2016 đạt khoảng 368.000 tấn, trị giá 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng đạt khoảng 4,2 triệu tấn, trị giá 1,9 tỷ USD, giảm 21,2% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) |
Nửa đầu tháng 10/2016, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2015. Lũy kế đến hết ngày 15/10, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 26,8 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong 10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đứng thứ hai là hàng dệt may đạt 18,7 tỷ USD; thứ ba là nhóm hàng vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 13,7 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 20/10) |
|
9 tháng năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 10,5 triệu tấn than, tăng khoảng 147% so với cùng kỳ năm 2015, do giá than tại thị trường nội địa tăng cao, trong khi giá than trên thế giới giảm mạnh và kéo dài do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. (Theo Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương ngày 24/10) |
|
9 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng dây điện và dây cáp điện của Việt Nam sang các thị trường đạt 687,49 triệu USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu dây điện và dây cáp điện của Việt Nam là thị trường Trung Quốc, đạt 164,71 triệu USD, chiếm 24% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2015; thứ hai là thị trường Nhật Bản, trị giá đạt 162,09 triệu USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2015, chiếm 23,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; thứ ba là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 64,38 triệu USD, chiếm 9,4% tổng trị giá xuất khẩu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Tổng cục Hải quan) |
|
Năm 2015, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) với tổng kim ngạch song phương đạt 36,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 8,9 tỷ USD (bằng 5,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu của Việt Nam là 27,6 tỷ USD (bằng 16,7% tổng nhập khẩu của Việt Nam). Mục tiêu kim ngạch thương mại của hai nước năm 2020 đạt khoảng 70 tỷ USD. |
|
Cân đối vĩ mô |
|
Lao động |
Công ty Tư vấn Boston Consulting Group - BCG dự báo tầng lớp trung lưu và thượng lưu (thu nhập từ 714 USD/tháng trở lên) ở Việt Nam sẽ tăng lên mức 33 triệu người vào năm 2020. Công ty Nghiên cứu thị trường Nielson cho rằng, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt 44 triệu người vào năm 2020 và 95 triệu người vào năm 2030. ) |
Môi trường |
Theo Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2017 do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 25/10, Việt Nam xếp vị trí 82/190 nền kinh tế được đánh giá với 63,83/100 điểm, tăng 9 bậc so với năm 2016, do Việt Nam cải thiện một số tiêu chí như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên vị trí 96; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng 31 bậc lên 87; nộp thuế tăng 11 bậc lên 167; giao thương quốc tế tăng 15 bậc lên 93. |
Hiện có 28% doanh nghiệp châu Á tham gia khảo sát chọn Việt Nam là quốc gia hấp dẫn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á (sau Singapore) để mở rộng hoạt động kinh doanh trong 3 - 5 năm tới, do môi trường chính trị ổn định, các điều kiện kinh tế thuận lợi (lạm phát thấp, chính sách tiền tệ được điều tiết hợp lý), lực lượng lao động trẻ, năng động. (Theo kết quả khảo sát do Ngân hàng United Overseas - UOB, Singapore công bố ngày 20/10) |
|
Tín dụng |
Từ năm 2013 đến nay: - VAMC đã mua được 25.062 khoản nợ tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc 262.054 tỷ đồng, giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng. Hầu hết các khoản nợ đã mua đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay kể cả bất động sản, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp… Trong đó bất động sản với giá trị tài sản đảm bảo là 256.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao nhất với 63,5%. - VAMC đã thu hồi nợ đạt 37.983 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15% dư nợ gốc nội bảng. (Theo Công ty Quản lý tài sản - VAMC ngày 26/10) |
Giá vàng |
Trong tuần qua, với 4 ngày tăng giá và 2 ngày giảm, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 130 - 170 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/10), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng: - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,61 - 35,85 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,61 - 35,87 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 28/10. - Bảo Tín Minh Châu: 35,75 - 35,81 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 90 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 28/10. |
Tỷ giá |
Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 38 đồng với 5 ngày tăng giá và 1 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 29/10), tỷ giá trung tâm là 22.045 VND/USD. Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại được điều chỉnh nhẹ với so với sáng ngày 28/10. - Vietinbank và Vietcombank: 22.295 - 22.365 VND/USD, tăng 5 đồng chiều mua vào và không đổi chiều bán ra. - BIDV: 22.300-22.370 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều. - Eximbank và DongABank: 22.300-22.360 VND/USD. - Techcombank: 22.290-22.390 VND/USD. |
Thị trường tài sản |
|
Trái phiếu |
Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 20% GDP. Quy mô thị trường TPCP (thời điểm giữa năm 2016) đạt 931.000 tỷ đồng với kỳ hạn đáo hạn trung bình lên gần 7 năm và tăng xấp xỉ 1,9 lần so với thời điểm giữa năm 2013; quy mô trung bình của các đợt phát hành trái phiếu có sự tăng trưởng đáng kể từ 220 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2010) lên tới 6.000 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2015); thanh khoản thị trường cũng có những bước tiến lớn, tổng giá trị giao dịch (năm 2015) tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. (Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA ngày 26/10) |
Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP và TPCP bảo lãnh: - Ngày 24/10, tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.174 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 10 năm (500 tỷ đồng); 15 năm (674 tỷ đồng). + Kỳ hạn 10 năm: Không trúng thầu. + Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 100 tỷ đồng (14,8%), lãi suất trúng thầu 7,66%/năm. Tính chung từ đầu năm đến ngày 28/10/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 9.926 tỷ đồng TPCP bảo lãnh. - Ngày 26/10, tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 2.300 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 7 năm (1.000 tỷ đồng); 30 năm (1.300 tỷ đồng). + Kỳ hạn 7 năm: Huy động được 700 tỷ đồng (70%), lãi suất trúng thầu 5,45%/năm. + Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 1.179 tỷ đồng (90,7%), lãi suất trúng thầu 7,98%/năm. Tính chung từ đầu năm đến ngày 28/10/2016, KBNN đã huy động thành công 258.151,0566 tỷ đồng TPCP. |
|
Cổ phiếu |
Trong tuần từ 24 - 28/10/2016, chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm với 3 phiên liên tiếp giảm điểm khá mạnh. Tính chung cả tuần: - VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 2,58 điểm (0,37%) xuống 682,23 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt112,80 triệu đơn vị/phiên, giảm13,6%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt2.018,26tỷ đồng/phiên, giảm17,98%. - HNX-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 1,16 điểm (1,37%) xuống 83,04 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt38,38 triệu đơn vị/phiên, giảm 15,7%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt385,41tỷ đồng/phiên, giảm14,2%. |
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng lớn vào cuối tuần. Tính chung trên cả hai sàn, khối ngoại đã bán ròng 1,88 triệu đơn vị (giảm 78,68% so với tuần trước) nhưng xét về giá trị lại mua ròng 38,93 tỷ đồng. - HOSE:Khối ngoại đã bán ròng 3 phiên và mua ròng 2 phiên. Khối ngoại đã bán ròng 3,88 triệu đơn vị (giảm 43,66% so với tuần trước) nhưng xét về giá trị lại mua ròng 12,16 tỷ đồng. - HNX: Khối ngoại đã mua ròng 5 phiên với tổng cộng 2 triệu đơn vị và giá trị tương ứng là 26,77 tỷ đồng. |
|
Đàm phán - Ký kết |
Việt Nam và Campuchia Ngày 26/10, bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và WEF - Mekong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia, tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác tại thị trường Campuchia. Theo đó, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 29 mặt hàng xuất khẩu vào Campuchia; đồng thời, Việt Nam cũng dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia. |
Chính sách |
Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg về Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017. - Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế. Từ 100 biên chế trở xuống, tính 54 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 101 - 500, tính 50 triệu đồng/biên chế; từ biên chế thứ 501 - 1.000, tính 48 triệu đồng/biên chế; từ biên chế 1.001 trở lên, tính 45 triệu đồng/biên chế. - Phân bổ thêm cho các địa phương khó khăn:Đối với chi sự nghiệp giáo dục, định mức phân bổ theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 - 18 tuổi như sau: định mức phân bổ vùng đô thị là 2.148.100 đồng/người dân/năm; vùng đồng bằng là 2.527.200 đồng/người dân/năm; miền núi - vùng đồng bào dân tộc ở đồng bằng, vùng sâu là 3.538.100 đồng/người dân/năm; vùng cao - hải đảo là 5.054.400 đồng/người dân/năm.
Thông tư số 150/2016/TT-BTC Ngày 14/10/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 150/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng; giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tín dụng nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho các tổ chức không phải là ngân hàng. - Mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng là 140 triệu đồng/giấy phép với cấp lần đầu và 70 triệu đồng/giấy phép với cấp đổi, bổ sung, gia hạn; của tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân lần lượt là 70 triệu đồng/giấy phép đối với cấp lần đầu, (35 triệu đồng/giấy phép với cấp đổi, bổ sung, gia hạn) và 200.000 đồng/giấy với cấp lần đầu (100.000 đồng/giấy với cấp đổi, bổ sung, gia hạn). - Mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng là 1 triệu đồng/giấy phép. - Đối với tổ chức không phải là ngân hàng, lệ phí cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là 10 triệu đồng/giấy phép với cấp lần đầu và 5 triệu đồng/giấy phép với cấp lại. Các khoản lệ phí nêu trên phải được thu bằng đồng Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. |