Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 29/5-03/6/2017

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Kinh tế - tài chính việt nam

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tínhtăng7,2% so với cùng kỳ năm 2016,trong đó ngành khai khoáng giảm7,8%;ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thảităng8,2%.

Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng5,7% so với cùng kỳ năm trước,tuy vẫn thấp hơn mức tăng7,4%của cùng kỳ năm 2016 so với năm 2015, nhưng cao hơn mức tăng 5,2% của 4 tháng đầu năm nay.

Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%, đóng góp 6,9điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,7điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm9,1%, làm giảm 2 điểm phần trăm mức tăng chung.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

PMI

PMI lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm từ 54,1 điểm trong tháng 4 xuống 51,6 điểm trong tháng 5. Mặc dù PMI tiếp tục cho thấy các điều kiện kinh doanh vẫn được cải thiện trong lĩnh vực sản xuất, song đây là mức cải thiện yếu nhất kể từ tháng 3/2016, do cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm, trong khi tốc độ tạo thêm việc làm giảm; tâm lý lo lắng về nhu cầu của khách hàng giảm sút đã làm cho mức độ lạc quan kinh doanh kém hơn… (Theo Nikkei ngày 01/6)

Dịch vụ

Tính chung 5 tháng năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 5,3 triệu lượt, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không ước đạt 4.358.971 lượt khách; bằng đường biển ước đạt 167.840 lượt khách; bằng đường bộ ước đạt 730.163 lượt khách.

Xét về thị trường, hầu hết các thị trường khách trọng điểm của Việt Nam đều tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất với hơn 1,5 triệu lượt, tăng khoảng 55% so với cùng kỳ; tiếp đến là Nga tăng 52,8%, Hàn Quốc tăng 40%, Hồng Kông 31%, Cambodia 30%, Tây Ban Nha 29%. Đáng chú ý, 5 nước Tây Âu được miễn thị thực đến Việt Nam đều tăng trưởng khoảng 10 - 29%.

(Theo Tổng cục Du lịch ngày 29/5)

Doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2010 - 2015, cơ quan thuế đã thanh tra, điều chỉnh, xác định giá thị trường đối với 130 doanh nghiệp, điều chỉnh giảm lỗ 2.962 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 3.430 tỷ đồng, truy thu 724 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giá chuyển nhượng, cơ quan thuế tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng với cơ chế tự kê khai, tự nộp thuế nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp có giao dịch liên kết. (Theo Tổng cục Thuế ngày 01/6)

Trong 5 tháng đầu năm:

- Cả nước có 50.534 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đạt 485.600 tỷ đồng, tăng 12,9% về số doanh nghiệp và tăng 39% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Tính thêm 710.800 tỷ đồng từ đăng ký tăng vốn thì tổng nguồn vốn bổ sung vào nền kinh tế đạt 1.196.400 tỷ đồng.

- Cả nước có 13.458 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế lên gần 64.000 doanh nghiệp.

- Có 4.685 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, trong đó 4.325 là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 92,3%). Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động từ đầu năm là 32.148 doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Ngày 29/5, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam công bố chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2017 của Việt Nam đạt 78, giảm 7 bậc so với mức 85 của quý IV/2016.

Tuy nhiên, sự liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam với thị trường châu Âu về các điều kiện kinh doanh có phần tích cực hơn. Điều này cho thấy những kỳ vọng tích cực từ các thành viên của EuroCham đối với Việt Nam.

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody’s) vừa công bố xác nhận mức xếp hạng tiền gửi bằng đồng nội tệ và nhà phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) ở mức “B1; nâng xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh từ “B2” lên “B1”, xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn từ “B1” lên “Ba3”; triển vọng tín nhiệm về tiền gửi bằng nội tệ, nhà phát hành bằng đồng nội và ngoại tệ ở mức “tích cực”, phù hợp với triển vọng tín nhiệm của Việt Nam (“B1” - tích cực); triển vọng về xếp hạng tiền gửi bằng đồng ngoại tệ của Vietcombank là “ổn định” vì việc xếp hạng bị hạn chế bởi mức trần tiền gửi ngoại tệ đối với Việt Nam - hiện ở “B2”.

Các mức đánh giá của Moody’s dựa trên cơ sở Vietcombank có sự cải thiện trong hồ sơ tín dụng của ngân hàng này. (Theo Trang tin điện tử Vietstock ngày 30/5)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong tháng 5/2017, vốn đầu tư xã hội thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 23.049 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương là 5.145 tỷ đồng và vốn địa phương là 17.904 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2017, vốn đầu tư giải ngân từ nguồn ngân sách là 88.800 tỷ đồng, bằng 30,6% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, vốn trung ương quản lý đạt 19.500 tỷ đồng và vốn địa phương là 69.300 tỷ đồng, tương ứng 29% và 31,1% kế hoạch năm, đồng thời tăng 5,9% và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Ngân sách
nhà nước

Nợ công tính tới thời điểm cuối năm 2016 của Việt Nam ở mức 63,7% GDP, trong đó nợ chính phủ là 52,6%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đỉnh nợ công sẽ rơi vào năm 2017 - 2018 và có thể giảm dần trong những năm sau đó.

Cụ thể, với giả định mức tăng trưởng kinh tế là 6,7 - 7% thì nợ công trong năm 2017 sẽ ở mức 64,8% GDP, sau đó giảm dần xuống 64,7% GDP trong năm 2018 và ở mức 63,7% GDP trong năm 2020. (Theo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính ngày 31/5)

Tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của mặt hàng xăng (bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng) của Việt Nam là 37,49%, thấp hơn so với nhiều nước như Hàn Quốc (70%), Thái Lan (67%), Philippines (62%), Lào (56%), Cambodia (40%)… Đồng thời, giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam (số liệu thống kê của trang Global Petrol Prices ngày 22/5) được xếp vị trí thứ 40 trong số 170 nước được thống kê theo thứ tự từ thấp tới cao.

Vì vậy, cơ quan chức năng đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ mức trần 4.000 đồng/lít hiện tại lên mức cao nhất 8.000 đồng/lít nhằm tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam và các nước có chung đường biên giới; chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. (Theo Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính ngày 26/5)

Tính đến năm 2015, chỉ có 13 địa phương tự cân đối được thu, chi và điều tiết về Trung ương. Các địa phương khác còn nhiều khó khăn, một số địa phương đặc biệt khó khăn, do giai đoạn trước các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn để xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội nhưng phần lớn các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, dẫn tới việc trung ương phải trợ cấp; tuy nhiên, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình nên mức độ ưu đãi từ các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm, cơ chế cấp phát cũng bắt đầu bộc lộ một số hạn chế, chưa đảm bảo sự hỗ trợ đồng đều của Trung ương tới các địa phương. (Theo Bộ Tài chính ngày 31/5)

Xuất nhập khẩu

Tính đến hết tháng 5/2017, Việt Nam nhập siêu gần 2,7 tỷ USD, bằng 1,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt 161,28 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2016; tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4%; tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2016.

Về xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt trị giá khoảng 3,9 tỷ USD, giảm 11% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 5, trị giá đạt 16,05 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2016.

Về nhập khẩu, nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng trị giá đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với tháng 4. Ước tính đến hết tháng 5/2017, trị giá đạt gần 15 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ 2016.

Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5 ước đạt 2,8 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 13,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 12,6%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 10,4%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 9,4%.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 29/5 và Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 26/5)

Cân đối vĩ mô


Lạm phát

CPI tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng 4, tăng 3,19% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 0,37% so với cuối năm 2016. CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2017 tăng 0,08% so với tháng 4 và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 1,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/5)

Lãi suất

Lạm phát tăng không quá cao và nằm trong tầm kiểm soát sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8 - 5,4%/năm; kỳ hạn 6 - 12 tháng từ 5,6 - 6,7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7 - 7,4%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 6 - 9%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm. Riêng đối với khách hàng tốt (những khách hàng có khả năng trả được nợ theo cam kết với các tổ chức tín dụng), lãi suất cho vay ngắn hạn thậm chí chỉ từ 4 - 5%/năm. (Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC ngày 31/5)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm giá và 3 ngày tăng giá. Trong ngày giao dịch cuối tuần (03/6), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,35 - 36,55 triệu đồng/lượng, tăng 30 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào so với giá khảo sát sáng ngày 27/5.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,44 - 36,51 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

- Doji: 36,3 - 36,38 triệu đồng/lượng, tăng 70 nghìn đồng/lượng chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 19 đồng với 3 ngày tăng giá và 3 ngày giá không đổi. Trong ngày giao dịch cuối tuần (ngày 03/6), tỷ giá trung tâm là 22.403 VND/USD, không đổi so với ngày 02/6, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại không có nhiều thay đổi so với ngày 02/6:

- Vietcombank, Vietinbank và BIDV: 22.675 - 22.745 đồng, trong đó Vietcombank và BIDV không đổi, trong khi Vietinbank tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

- Eximbank: 22.670 - 22.750 đồng, không thay đổi.

- Techcombank: 22.660 - 22.760 đồng, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

Tín dụng

Tính đến hết tháng 5/2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 173.341 tỷ đồng, tăng 10.875 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,7% so với năm 2016. Trong đó, vốn nhận từ ngân sách nhà nước đạt 27.748 tỷ đồng, vốn vay theo chỉ đạo của Chính phủ 20.979 tỷ đồng, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước 54.222 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính phủ bảo lãnh 39.291 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay 7.433 tỷ đồng…

Tổng dư nợ tín dụng đạt 163.417 tỷ đồng, tăng 6.045 tỷ so với đầu năm, hoàn thành 51% kế hoạch tăng trưởng được Chính phủ giao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.255 tỷ đồng, chiếm 0,76% dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 642,5 tỷ đồng, nợ khoanh là 612,5 tỷ. (Theo Ngân hàng Chính sách xã hội ngày 29/5)

Tính đến hết tháng 5/2017, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 3,24% so cuối năm 2016 và tăng gần 12% so cùng kỳ.

Trong đó, tiền gửi bằng VND đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 87,5% tổng vốn huy động, tăng gần 3,2% so cuối năm 2016. Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 229.000 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng vốn huy động, tăng 3,63% so cuối năm 2016.

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so cuối năm 2016 và tăng trên 22% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 54,8% tổng dư nợ, tăng trên 4,7% so cuối năm 2016. Dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 45,2%, tăng gần 13% so cuối năm 2016.

(Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/5)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 29/5 - 02/6/2017, thị trường diễn biến trái chiều, tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 4,6 điểm (-0,62%) xuống 738,81 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt212,91 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.719,83 triệu đơn vị/phiên.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,67 điểm (0,72%) lên 94,36 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt65,73triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 744,24 triệu đơn vị/phiên.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì trạng thái mua ròng với giá trị vẫn đạt hơn 600 tỷ đồng. Trong đó, khối này tập trung mua nhiều các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán như SSI, HCM, IVS, VND, SHS.

Tổng cộng trên cả 3 sàn,khối ngoại đã mua ròng 20,88 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 607,9 tỷ đồng, cùng giảm hơn 9% cả về lượng và giá trị so với tuần trước.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 15,64 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 510,95 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,98% về lượng và 7,23% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng duy nhất phiên cuối tuần (ngày 2/6) và 4 phiên mua ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 4,89 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng 60,21 tỷ đồng, tăng 28,72% về lượng và 6,57% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng chỉ đạt 354.600 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 36,93 tỷ đồng, giảm mạnh 82,58% về lượng và 41,32% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Hoa Kỳ

Trong khuôn khổ chuyến thăm (3 ngày) cấp Nhà nước tới Hoa Kỳ, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã chứng kiến nhiều ký kết quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ:

- Ngày 31/5, Công ty cổ phần hàng không Vietjet (mã VJC) và Công ty CFM International - một liên doanh giữa Tập đoàn GE và Công ty Safran - đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng với tổng trị giá 3,6 tỷ USD và được thực hiện trong 12 năm.

Cũng trong dịp này, Vietjet và Công ty GECAS thuộc tập đoàn GE đã ký Bản Ghi nhớ hợp đồng cung cấp tài chính thuê mua tàu bay trị giá 1 tỷ USD cho 10 máy bay mà VietJet đặt hàng từ các nhà sản xuất. VietJet và Tập đoàn Honeywell Aviation cũng ký hợp đồng cung cấp và bảo dưỡng kỹ thuật động cơ phụ (APU) cho 98 tàu bay trị giá 180 triệu USD.

- GE cùng nhà phát triển năng lượng tái tạo Mainstream Renewable Power và Tập đoàn Phú Cường của Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá 2 tỷ USD nhằm phát triển, xây dựng và vận hành trang trại điện gió Phú Cường với công suất 800 MW tại tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

- GE và Tập đoàn Dầukhí Quốc gia Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp miền Trung I và II sử dụng khí từ Mỏ Cá voi xanh, mỏ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay, với trữ lượng thu hồi khoảng 150 tỷ m3 (tương đương với 5,4 Tcf). Dự kiến, Dự án Nhà máy điện miền Trung I và miền Trung II sẽ lần lượt được đưa vào vận hành vào năm 2023 và 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ ký các hợp đồng mua sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ từ Hoa Kỳ trị giá 15 - 17 tỷ USD.

Việt Nam và WB

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt cho Việt Nam vay 358 triệu USD để thực hiện hai dự án mới:

- Dự án Mở rộng cải tạo đô thị vay vốn IDA trị giá 240 triệu USD để cải tạo, nâng cấp hạ tầng và quy hoạch đô thị tại các thành phố Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Tân An, Vị Thanh và Vĩnh Long. Khoảng 1,5 triệu người dân sẽ hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp nhờ cơ sở hạ tầng và môi trường được cải thiện.

- Dự án Tái thiết khẩn cấp sau thảm hoạ (VENDRP) giúp khôi phục và cải tạo cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Hà Tĩnh bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt kéo dài trong năm 2016.

Dự án sẽ giúp khôi phục và cải tạo đường giao thông, cầu, hệ thống tưới tiêu, hệ thống cấp nước và các công trình phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực cán bộ quản lý rủi ro thảm họa. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho 6,3 triệu người dân.

(Theo Báo Đầu tư ngày 01/6)

Chính sách

Nghị định số 67/2017/NĐ-CP

Ngày 25/5/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.

- Tăng khung mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về giá bán lẻ xăng dầu do thương nhân đầu mối hoặc phân phối xăng dầu lên 40 - 60 triệu đồng (hiện nay là 10 - 20 triệu đồng).

- Giảm mức phạt đối với các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán lẻ xăng dầu: Phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với việc không niêm yết hoặc niêm yết không đúng quy định, không rõ ràng; phạt từ 2 - 6 triệu đồng đối với hành vi niêm yết không đúng với giá quy định.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2017 và thay thế Nghị định số 97/2013/NĐ-CP.

 Quyết định số 751/QĐ-TTg

Ngày 30/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 751/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

Theo đó, từ ngày 15/6/2017, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 1,25 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên lên tối đa 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2017, áp dụng đối với các khoản giải ngân mới kể từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành.

 Thông tư số 51/2017/TT-BTC

Ngày 19/5/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 51/2017/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 117/2012/TT-BTC hướng dẫn hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Thời hạn để cục thuế kiểm tra đối chiếu thông tin và xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được rút ngắn từ 10 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Đại lý thuế nộp hồ sơ đăng ký bao gồm:

+ Văn bản đề nghị xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (thực hiện theo Mẫu 01A ban hành kèm theo Thông tư này).

+ Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (có xác nhận của đại lý thuế).

+ Bản chụp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của các nhân viên đại lý thuế (có xác nhận của đại lý thuế).

So với quy định hiện hành, hồ sơ đăng ký đã bỏ mẫu chữ ký của người có thẩm quyền của đại lý thuế và giấy chứng nhận đăng ký thuế.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/7/2017.