Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 3-8/10/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 được dự báo đạt khoảng 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6/2016 và đạt 6,3% trong năm 2017, do tỷ lệ giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục giảm;ngoài ra sản xuất nông nghiệp sụt giảm cũng đã đem lại một số rủi ro trong ngắn hạn. (Theo Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của WB công bố ngày 04/10)

Quỹ bình ổn -
Giá xăng dầu

Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15 giờ ngày 05/10), quỹ bình ổn giá (BOG) của Petrolimex còn dư 1.735 tỷ đồng, tăng 57 tỷ đồng so với thời điểm công bố mới nhất ngày 20/9 (1.678 tỷ đồng) và tăng 105 tỷ đồng so với ngày 05/9 (1.630 tỷ đồng). (Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex)

PMI

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tăng tháng thứ hai liên tiếp, từ 52,2 điểm của tháng 8/2016 lên 52,9 điểm trong tháng 9, do số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ 10 liên tiếp và tốc độ tạo việc làm mới tăng nhanh nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất được cải thiện mạnh nhất từ tháng 5/2015. (Theo Công ty Nikkei ngày 03/10)

Doanh nghiệp

Tính đến 20/9/2016, đã có 140/432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện công khai thông tin, đạt tỷ lệ 32,41%. Tuy nhiên, nội dung công bố thông tin chưa đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Trong đó chỉ có 64 DNNN công bố báo cáo tài chính năm 2015 trong khi thời hạn công bố là 31/5/2016; 85 DNNN công bố báo cáo lương, thưởng năm 2015 trong khi thời hạn công bố là 31/3/2016. (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trong 2 năm 2014 và 2015, giá trị vốn đầu tư của SCIC hạch toán trên sổ sách kế toán là 211.499 tỷ đồng, giá trị bán vốn thu về là 757.904 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là hơn 565.215 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị thu về so với giá trị tính theo mức giá trần của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng là 371.236 tỷ đồng. SCIC đã bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp niêm yết theo phương thức bán thỏa thuận ngoài hệ thống sở giao dịch chứng khoán, sàn UPCoM, với giá bán nằm ngoài biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng. (Theo Bộ Tài chính ngày 03/10)

Tổng cầu


Đầu tư

Trong 9 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 16,43 tỷ USD, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó vốn FDI giải ngân đạt khoảng 11,02 tỷ USD, tăng 12,4%. Các chuyên gia nhận định, xu hướng FDI vào Việt Nam vẫn khả quan trong thời gian tới, do quy mô vốn đầu tư bình quân của 1 dự án FDI vào Việt Nam khá cao (khoảng 2 tỷ USD/1 dự án) nên tổng vốn FDI cả năm 2016 sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với năm 2015. (Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ngân sách
nhà nước

Tính đến ngày 31/8, tổng số tờ khai thuế (giá trị gia tăng tháng, quý, phát sinh; quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế tiêu thụ đặc biệt) trên toàn quốc đạt 90,2% trên tổng số tờ khai phải nộp. Trong đó số tờ khai nộp đúng hạn đạt 96,9%. Tính đến hết tháng 7/2016, cả nước có 506 nghìn doanh nghiệp trên cả nước đã thực hiện hơn 1,5 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền nộp ngân sách đạt hơn 265 nghìn tỷ đồng. (Theo Tổng cục Thuế)

Xuất nhập khẩu

Trong tháng 9/2016, lượng ô tô nguyên chiếc (CBU) nhập khẩu về Việt Nam đạt khoảng 8.000 chiếc, trị giá 40 triệu USD (trong khi kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU trong tháng 8 đạt 9.000 chiếc, trị giá 185 triệu USD), do đây là khoảng thời gian các hãng xe đang đánh giá thị trường cuối năm và tập trung phát triển thị trường trước Tết Nguyên Đán. Tính chung cả năm 2016, nhập khẩu ô tô CBU có thể đạt khoảng 77.000 chiếc, trị giá 1.737 triệu USD. (Theo Tổng cục Thống kê)

Việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại song phương từ 4 tỷ USD hiện nay lên 8 - 10 tỷ USD vào năm 2020, do tạo điều kiện thuận lợi cho các nước EAEU xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam và hàng hóa của các nước này có sức cạnh tranh hơn. Từ ngày 05/10/2016, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU sẽ chính thức có hiệu lực. Mức thuế nhập khẩu trung bình của Việt Nam đối với hàng hóa từ các nước EAEU giảm từ 10% xuống 1%. Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh Việt Nam cũng nhận được ưu đãi trong việc tiếp cận thị trường EAEU và nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường các nước này với mức thuế nhập khẩu trung bình giảm từ 9% xuống 2%. (Theo ông Popov Aleksei, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 04/10)

Cân đối vĩ mô


Lao động

Mức lương trung bình ngành dệt may năm 2016 đã tăng 12% so với năm 2015, hiện ở mức 402 - 604 USD/lao động/tháng, cao hơn so với mức lương trung bình trên thị trường Việt Nam (384 - 582 USD/tháng), do Việt Nam đã tuân thủ tốt chế độ lương tối thiểu ngành dệt may, có tỷ lệ vi phạm “quy định về lương tối thiểu” thấp nhất trong 7 quốc gia xuất khẩu may mặc tại khu vực châu Á (Philipines, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Campuchia, Việt Nam). Tuy nhiên, mức lương này chỉ bằng gần 1/2 so với Malaysia (725 - 1.019 USD/tháng) và bằng 1/4 so với mức lương trung bình ngành dệt may tại Singapore. (Theo Báo cáo lương của JobStreet.com Việt Nam)

Tín dụng

Tính đến ngày 22/9, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng trưởng 10,64% so với cuối năm 2015. Trong đó tín dụng nội tệ tăng 11,65% và tín dụng ngoại tệ tăng 1,62%. Trong các tháng cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm ổn định lạm phát, thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 từ 18 - 20% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Theo Ngân hàng Nhà nước - NHNN ngày 06/10)

Tính đến ngày 15/9/2016, các ngân hàng thương mại đã hỗ trợ ngư dân tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới là 306,8 tỷ đồng cho 3.825 lượt khách hàng. Ngoài ra, dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 112,8 tỷ đồng cho 1.279 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm lãi vay là 892,4 tỷ đồng cho 563 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,7 tỷ đồng) và đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng (số liệu khoanh nợ phát sinh tại Ngân hàng Chính sách xã hội). (Theo NHNN chi nhánh các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế)

Ngày 26/9/2016, NHNN có công văn số 7197/NHNN-TD gửi các ngân hàng đang thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, theo đó, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở đáp ứng điều kiện theo quy định hiện hành, có các khoản giải ngân tối đa đến hết ngày 31/12/2016 sẽ được áp dụng lãi suất vay ưu đãi; các khoản giải ngân sau thời điểm này sẽ áp dụng lãi suất vay thỏa thuận từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại. (Theo NHNN ngày 04/10)

Giá vàng

Trong tuần qua, với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm và 1 ngày giá vàng thay đổi trái chiều, giá vàng SJC đã giảm 640 nghìn đồng/lượng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 08/10), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: Tại thành phố Hồ Chí Minh là 35,28 - 35,53 triệu đồng/lượng; tại Hà Nội là 35,28 - 35,55 triệu đồng/lượng, tăng 60 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng chiều bán ra so với sáng ngày 07/10.

- Bảo Tín Minh Châu: 35,4 - 35,47 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng ngày 07/10.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 32 đồng với 5 ngày tăng giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 08/10), tỷ giá trung tâm là 21.980 VND/USD, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi với so với sáng ngày 07/10:

- BIDV và Vietinbank: 22.270 - 22.340 VND/USD.

- Vietcombank: 22.265 - 22.335 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều.

- DongABank, ACB và Eximbank: 22.275 - 22.335 VND/USD.

- Techcombank: 22.270 - 22.350 VND/USD.

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Tính đến ngày 16/9, ​ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã nhận được báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2016 của 365/373 doanh nghiệp niêm yết. Theo đó, trong nửa đầu năm 2016, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đạt gần6.344 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2015; có 322 doanh nghiệp có lãi với tổng giá trị đạt là 6.828 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2015; 43 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ với tổng giá trị lỗ xấp xỉ 485 tỷ đồng, tăng 117,5% so với cùng kỳ năm 2015. (Theo HNX )

Trái phiếu

Trong tháng 9:

- HNX đã tổ chức 17 phiên đấu thầu, huy động được 13.672 tỷ đồng trái phiếu, giảm 58,3% so với tháng 8. Trong đó Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 11.036 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 2.136 tỷ đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu huy động được 500 tỷ đồng.

- Lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 5 năm trong khoảng 6 - 6,77%/năm; 7 năm là 6,2%/năm; 10 năm khoảng 6,5 - 7,5%/năm; 15 năm khoảng7,47 - 8,07%/năm; 20 năm là 7,73%/năm và 30 năm trong khoảng 7,98 - 7,99%/năm. Nhìn chung, lãi suất trúng thầu của trái phiếu KBNN kỳ hạn 7 năm giảm 0,14%/năm; 15 năm giảm 0,18%/năm; 30 năm giảm 0,02%/năm so với tháng 8.

- Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu theo phương thức giao dịch thông thường đạt hơn 951 triệu trái phiếu trị giá 100.000 tỷ đồng, tăng 10,4% về giá trị so với tháng 8.

- Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu theo phương thức giao dịch mua bán lại đạt hơn 496 triệu trái phiếu trị giá hơn 48.700 tỷ đồng, giảm 10,5% về giá trị so với tháng 8.

(Theo HNX ngày 04/10)

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 2 phiên đấu thầu TPCP bảo lãnh và TPCP do Ngân hàng Chính sách xã hội và KBNN phát hành:

- Ngày 03/10, đã tổ chức đấu thầu TPCP bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 10 năm (500 tỷ đồng); 15 năm (500 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 50 tỷ đồng (10%), lãi suất trúng thầu 7,09%/năm.

+ Kỳ hạn 15 năm: Không trúng thầu.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 07/10/2016, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động thành công 8.826 tỷ đồng TPCP bảo lãnh.

- Ngày 05/10, HNX đã tổ chức đấu thầu TPCP do KBNN phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 8.200 tỷ đồng, gồm 4 loại kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng); 10 năm (1.000 tỷ đồng); 20 năm (1.000 tỷ đồng); 30 năm (5.200 tỷ đồng)

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 4,9%/năm.

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 6,2%/năm.

+ Kỳ hạn 20 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,72%/năm.

+ Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 5.200 tỷ đồng (100%), lãi suất trúng thầu 7,98%/năm.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 07/10/2016, KBNN đã huy động thành công 248.465,0566 tỷ đồng TPCP.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 03 - 08/10/2016, VN-Index và HNX-Index biến động trái chiều. Dòng tiền chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu đầu cơ giúp nhiều mã tăng mạnh, tuy nhiên, áp lực điều chỉnh giảm sâu của một số cổ phiếu bluechip khiến VN-Index chưa thể đạt được ngưỡng 690 điểm. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 1,78 điểm (0,26%) xuống 683,95 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt130,43 triệu đơn vị/phiên, giảm 0,07%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.718,29tỷ đồng/phiên, giảm9,13%.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 2,29 điểm (0,34%) lên 85,29 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 42,9triệu đơn vị/phiên, tăng3,12%; tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 523,76tỷ đồng/phiên, giảm 3,1%.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang xu hướng bán ròng khá mạnh với một số mã lớn như HPG, VIC, HSG. Tính chung trên cả hai sàn,khối ngoại đã bán ròng 24.651.641 đơn vị với tổng giá trị tương ứng 271,92 tỷ đồng, tăng 25,52% về lượng và gấp hơn 21 lần về giá trị so với tuần trước đó (26 - 30/9/2016).

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng, tổng cộng đã bán ròng 25,09 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 279,1 tỷ đồng, tăng 187,85% về lượng và 455,64% về giá trị so với tuần trước đó.

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài có 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 04/10, tổng cộng đã mua ròng 438.359 đơn vị, giá trị tương ứng 7,18 tỷ đồng, giảm 57,74% về lượng và 82% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Trong tháng 9/2016, lượng giao dịch bất động sản giảm nhẹ so với tháng 8, giao dịch thành công tập trung chủ yếu tại những dự án nhà ở trung và cao cấp. Tổng số giao dịch thành công tại thị trường Hà Nội là khoảng 1.100,tại thành phố Hồ Chí Minh là 1.050. Dự báo trong những tháng cuối năm 2016, thị trường bất động sản tiếp tục duy trì ổn định, giá không có nhiều biến động, nhưng sẽ tiếp tục dư thừa nguồn cung đối với căn hộ cao cấp và thiếu nguồn cung đối với nhà bình dân. (Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Ngân hàng Thế giới

Ngày 30/9, Ban quản lý các dự án đường thủy ký kết với Ngân hàng Thế giới hợp đồng dịch vụ tư vấn (CS-FS) trị giá 300 triệu USD để lập nghiên cứu khả thi cho Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nhằm nâng cao hiệu quả giao thông đường thủy nội địa và kết nối thương mại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; giảm chi phí cho các chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu bằng container tại các khu đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời cải thiện hệ thống hành lang logistics kết nối đến cảng phức hợp Cái Mép - Thị Vải.

Việt Nam - EU

Theo Hội đồng châu Âu ngày 29/9/2016, Hiệp định đối tác hợp tác EU - Việt Nam đã được quốc hội tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn và hoàn tất toàn bộ thủ tục pháp lý nội bộ giữa các thể chế của EU; chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10. Hiệp định đối tác hợp tác EU - Việt Nam đóng vai trò cơ sở cho các thỏa thuận hợp tác giữa EU - Việt Nam, trong đó có Hiệp định thương mại tự do EVFTA đang trong quá trình rà soát pháp lý để chuẩn bị ký kết chính thức trước khi trình Quốc hội các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.

Việt Nam và Thái Lan

Ngày 05/10, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và nhà đầu tư WHA Hemaraj (Thái Lan) đã ký thỏa thuận đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) vào Dự án khu công nghiệp, đô thị WHA Hemaraj tại Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An. Dự kiến dự án sẽ triển khai thực hiện từ tháng 01/2017 và hoàn thành vào năm 2021.

Chính sách

Nghị định số 137/2016/NĐ-CP

Ngày 29/9/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu và các nước thành viên giai đoạn 2016 - 2018.

- Áp thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% với nhiều mặt hàng như: Thịt trâu, bò tươi hoặc ướp lạnh; sữa và kem chưa cô đặc và chưa pha thêm đường hoặc chất làm ngọt khác; sữa và kem, bơ, pho mát…

- Để được áp mức thuế suất 0%, các mặt hàng nêu trên phải được nhập khẩu trực tiếp vào Việt Nam từ các nước thành viên của hiệp định và phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong hiệp định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/10/2016.

Nghị định số 139/2016/NĐ-CP

Ngày 04/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.

- Tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có vốn điều lệ/vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng nộp lệ phí môn bài 3.000.000 đồng/năm; từ 10 tỷ đồng trở xuống nộp lệ phí 2.000.000 đồng/năm; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác nộp lệ phí 1.000.000 đồng/năm.

- Cá nhân, nhóm cá nhân,hộ gia đình hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm nộp lệ phí 1.000.000 đồng/năm; doanh thu trên 300 triệu đồng/năm nhưng không vượt quá 500 triệu đồng/năm nộp lệ phí 500.000 đồng/năm; doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nhưng không vượt quá 300 triệu đồng/năm nộp lệ phí 300.000 đồng/năm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, bãi bỏ Nghị định số 75/2002/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP.

Thông tư số 28/2016/TT-NHNN

Ngày 05/10/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 28/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2014/TT-NHNN ngày 14/8/2014 hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Bổ sung quy định: Sau khi được NHNN chấp thuận dưới hình thức cấp mới/cấp đổi, hoặc sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động (trong đó có nội dung kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước, trên thị trường quốc tế trong phạm vi do NHNN quy định), ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính bao thanh toán, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, công ty cho thuê tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện toàn bộ hoạt động ngoại hối cơ bản trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

- Phạm vi hoạt động ngoại hối cơ bản trong nước và quốc tế của ngân hàng thương mại: Mở tài khoản thanh toán cho TCTD ở nước ngoài, nhận tiền gửi có kỳ hạn của các TCTD nước ngoài; thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại tệ kỳ hạn, giao dịch hoán đổi ngoại tệ với tổ chức tài chính nước ngoài…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 18/11/2016.

Nhận định

chuyên gia

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam ngày 05/10 nhận định:

Trong ngắn hạn, rủi ro về nợ công của Việt Nam chưa lớn. Nợ công năm 2016 sẽ sát trần 65% GDP nhưng sẽ không vượt trần. Tuy nhiên, để nợ công không vượt trần, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường thực hiện các biện pháp hạn chế chi tiêu công; mở rộng nguồn thu trong nước; chú trọng phát triển khối các doanh nghiệp tư nhân; tiếp tục giải quyết tính dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính…