Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 30/10-4/11/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Sản xuất công nghiệp

Trong tháng 10/2017, sản lượng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đạt trên 5 tỷ kWh, tăng 11,45% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 10 tháng, điện thương phẩm đạt trên 47,5 tỷ kWh, tăng 12,36% và bằng 82,44% kế hoạch năm 2017 , trong đó thành phần công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 63,43%, tăng 15,54%; thành phần quản lý tiêu dùng chiếm 30,23%, tăng 5,91%. (Theo Báo Chính phủ ngày 02/11)

Tăng trưởng

Trong báo cáo vĩ mô về triển vọng thị trường Việt Nam, Khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,6% trong năm 2017 và 6,4% vào năm 2018, nhờ hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, lạm phát cả năm 2017 và 2018 đều ở mức 3,5%. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 02/11)

PMI

Trong Báo cáo khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam do Nikkei - HIS Markit công bố cho thấy, PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã giảm từ 53,3 điểm trong tháng 9/2017 xuống 51,6 điểm trong tháng 10/2017, do sản lượng sản xuất, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm tăng yếu. (Theo Thời báo Ngân hàng ngày 01/11)

Doanh nghiệp

Tính chung 10 tháng năm 2017:

- Cả nước có hơn 105 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính thêm phần tăng vốn hơn 1,4 triệu tỷ đồng của hơn 29,5 nghìn lượt doanh nghiệp thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 128 nghìn doanh nghiệp, tạo thêm hơn 976 nghìn việc làm mới.

- Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 9.794 doanh nghiệp, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 91,7% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

- Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 52.782 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2016, bao gồm 19.619 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 11,6% và 33.163 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 0,1%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/10)

Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi được xếp vị trí 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; đạt số điểm 67,93/100. Việt Nam là một trong hai nước (cùng với Indonesia) thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua (39 cải cách).

Hiện nay, doanh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và 31,9% trong năm 2003. (Theo Bảng xếp hạng Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 - Doing Business 2018 của Ngân hàng Thế giới - WB ngày 31/10)

Trong quý 3/2017, kết quả kinh doanh (trước soát xét) của Tập đoàn Bảo Việt đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trên các lĩnh vực kinh doanh với tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 1 tỷ USD; trong đó doanh thu bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 28,9%, bám sát kế hoạch năm; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 23,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 79,7% kế hoạch năm. Tổng tài sản hợp nhất trong ngày 30/9/2017 đạt 85.783 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2016. (Theo Tập đoàn Bảo Việt ngày 30/10)

Tính đến cuối tháng 8/2017, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 9,25 triệu tỷ đồng, tăng 125.000 tỷ đồng (1,37%) so với tháng 6/2017 và tăng 8,79% so với cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong 8 tháng năm 2017 cũng tăng hơn 3,4% so với đầu năm 2017, đạt 505.258 tỷ đồng. Về tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tất cả các nhóm tổ chức tín dụng đều đạt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước trên 9%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của toàn hệ thống hiện ở mức 32,02%. (Theo Báo Đầu tư ngày 02/11)

Mặc dù chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chỉ chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỷ lệ DNNVV Việt Nam tham gia mạng lưới thương mại toàn cầu còn thấp, chỉ chiếm khoảng 21%, trong khi tại Malaysia là 34%, Philippines 33%... Hiện chỉ có 14% DNNVV Việt Nam có khách hàng, đối tác là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các DNNVV thiếu liên kết với nhau, thiếu lao động có kỹ năng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đã làm cho tác động của đầu tư nước ngoài đến các DNNVV yếu. (Theo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ngày 31/10)

Tổng cầu


Đầu tư

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay 170 triệu USD giúp Việt Nam cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị và ứng phó biến đổi khí hậu ADB cũng sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn là 14,1 triệu USD cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và đầu tư viện trợ không hoàn lại trị giá 6 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và Quỹ Tín thác ứng phó biến đổi khí hậu đô thị. (Theo Tạp chí Nhịp sống số ngày 02/11)

Xuất nhập khẩu

Tính chung 10 tháng năm 2017, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 1,23 tỷ USD (khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD; khu vực FDI xuất siêu 17,63 tỷ USD). Trong đó:

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016 (khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%).

- Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016 (kinh tế trong nước đạt 64,6 tỷ USD, tăng 11,6%; khu vực FDI đạt gần 108 tỷ USD, tăng 29,2%).

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/10)

Trong tháng 10/2017, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt khoảng 209 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 10 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 2,84 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu rau quả Việt Nam. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/10)

Theo thống kê của cơ quan hải quan trong 9 tháng năm 2017, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam là 4.460 chiếc với trị giá 5.878 USD (bình quân khoảng 1,3 USD/chiếc, tương đương gần 30.000 đồng/chiếc).

Số lượng khăn trong 9 tháng qua lớn hơn số đã nhập trong các năm 2015 và năm 2016 (năm 2015 nhập khoảng 3.763 chiếc khăn, trị giá 20.497 USD, bình quân khoảng 5,4 USD/chiếc; năm 2016 nhập 577 chiếc với trị giá 9.458 USD, bình quân hơn 16 USD/chiếc).

(Theo TTXVN ngày 31/10)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày tăng, 2 ngày giảm và 2 tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 04/11, so với ngày 03/11, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,38 - 36,60 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,45 - 36,51 triệu đồng/lượng, giảm 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng tăng 10 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,44 - 36,52 triệu đồng/lượng, giảm 120 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 80 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 13 đồng so với tuần trước với 1 ngày tăng, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 04/11, tỷ giá trung tâm là 22.462 NVD/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 03/11; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng nhẹ so với ngày 03/11 như sau:

- Vietcombank: 22.680 - 22.750 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank và BIDV: 22.675 - 22.745 VND/USD, không thay đổi.

Lạm phát

Trong tháng 10/2017, CPI tăng 0,41% so với tháng 9. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 0,06% so với tháng 9 và tăng 1,32% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm 2017 tăng 1,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/10)

Tín dụng

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng triển vọng hệ thống ngân hàng của Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12 - 18 tháng tới do chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam sẽ ổn định trong thời gian tới; tỷ lệ nợ có vấn đề tính đến cuối năm 2016 giảm xuống 7,1% (theo báo cáo của 15 ngân hàng được Moody’s xếp hạng) từ 7,5% năm 2015 và đạt 5,8% vào năm 2018, do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tốc độ hình thành nợ xấu và đà phục hồi của thị trường bất động sản; lợi nhuận ngân hàng sẽ ổn định do lãi trước trích lập dự phòng tăng đều trong vòng 12 - 18 tháng tới, tăng trưởng tín dụng mạnh.

Sự thay đổi trong đánh giá của Moody's cho thấy kỳ vọng về mức độ tín nhiệm của các ngân hàng sẽ tích cực hơn trong 12 - 18 tháng tới, đồng thời phản ánh khả năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, được hỗ trợ bởi xuất khẩu, cầu nội địa và đầu tư vào lĩnh vực công gia tăng. Tuy nhiên, Moody’s cũng cảnh báo tăng trưởng tín dụng nhanh nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng có thể làm tăng rủi ro tài sản.

(Theo Báo cáo của Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 31/10)

Lao động

Trong 10 tháng đầu năm 2017, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 106.127 người, đạt 101% kế hoạch năm; trong đó có gần 41 nghìn lao động nữ.

Riêng với thị trường Nhật Bản, Việt Nam đã trở thành nước có số lượng thực tập sinh lớn nhất trong 15 quốc gia có thực tập sinh tại Nhật Bản. Sau hơn 20 năm, đã có hơn 150 nghìn lượt thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. (Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ngày 02/11)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ 30/10 - 03/11/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 10,64 điểm (1,28%) lên 843,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 191,5 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.227,42 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,94 điểm (0,193) lên 104,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 44,63 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 529,35 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,58 điểm (1,12%) lên 52,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 7,25 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 139,43 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 34,42 triệu đơn vị, trị giá 1.287,69 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là VIS với khối lượng 14,73 triệu đơn vị, trị giá 377,1 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 2,53 triệu cổ phiếu, trị giá 94,25 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp tổng cộng 30,59 triệu đơn vị, trị giá 1.174,92 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 11,07 triệu đơn vị, trị giá 163,03 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày 31/10. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 1,93 triệu đơn vị, trị giá 54,82 tỷ đồng, giảm 39,59% về lượng, nhưng tăng 105,94% về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp tổng cộng 1,9 triệu đơn vị, trị giá 57,95 tỷ đồng, giảm 77,19% về lượng và 54,69% về giá trị so với tuần trước.

Bất động sản

Trong 10 tháng đầu năm 2017, ngành kinh doanh bất động sản có số vốn đăng ký mới đạt 283.893 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp mới thành lập.

Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên doanh nghiệp trong 10 tháng qua, kinh doanh bất động sản là ngành có vốn đăng ký cao nhất đạt 70,3 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp theo là sản xuất phân phối điện, nước, ga đạt 66,5 tỷ đồng/doanh nghiệp; nghệ thuật, vui chơi và giải trí đạt 19,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; khai khoáng đạt 18,3 tỷ đồng/doanh nghiệp… (Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ngày 30/10)

Trái phiếu

Trong tháng 10/2017:

- Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) sơ cấp: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 15 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 7.510 tỷ đồng trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành, tăng 45,5% so với tháng 9. Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 60,5%. So với tháng 9, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 5 năm và 7 năm giảm (4,5 - 4,65%/năm đối với kỳ hạn 5 năm, 4,83%/năm kỳ hạn 7 năm), trong khi kỳ hạn 10 năm tăng lên 5,42 - 5,9%/năm và 15 năm là 6,2%/năm.

- Trên thị trường TPCP thứ cấp: Tổng khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 952 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 104,6 nghìn tỷ đồng, giảm 10,9% về giá trị so với tháng 9. Tổng khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch mua bán lại (repo) đạt hơn 1,047 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 106,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% về giá trị.

(Theo HNX ngày 01/11)

Chứng khoán

Trong tháng 10/2017, tổng khối lượng hợp đồng giao dịch đạt 238.330 hợp đồng, giá trị 19.370 tỷ đồng, tăng tương ứng 80,69% và 88,07% so với tháng 9/2017.

Khối lượng giao dịch bình quân đạt 10.833 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân theo quy mô danh nghĩa đạt 880,45 tỷ đồng/phiên, tăng tương ứng 64,26% và 70,97% so với tháng 9.

Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tiếp tục tăng, thể hiện dòng tiền tiếp tục xu hướng đổ vào thị trường phái sinh. Tính đến cuối ngày 31/10, khối lượng OI của toàn thị trường tăng 20,58% so với cuối tháng 9, đạt 3.949 hợp đồng với OI của các hợp đồng VN30F1711, VN30F1712, VN30F1803 và VN30F1806 lần lượt là 3.248 hợp đồng, 384,264 hợp đồng và 53 hợp đồng; bên cạnh đó có 11.444 tài khoản giao dịch phái sinh được mở, tăng 18,24% so với tháng 9.

(Theo HNX ngày 02/11)

Trong tháng 10, tại HNX đã diễn ra 3 phiên đấu giá cổ phần thoái vốn, thu về 139,4 tỷ đồng, thặng dư vốn thu về cho Nhà nước và doanh nghiệp đạt hơn 24,5 tỷ đồng. Các công ty thoái vốn trong tháng 10 là Công ty cổ phần thủy điện Nậm Mức, Công ty cổ phần In Tài chính và Công ty cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Nguyên.

Tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá trong tháng 10 đạt hơn 11,4 triệu cổ phần, giảm 23% so với tháng 9. Các nhà đầu tư đã đặt mua với tổng khối lượng hơn 16,7 triệu cổ phần, cao hơn 1,5 lần so với khối lượng chào bán.

Kết quả có hơn 11,4 triệu cổ phần (bằng 100% khối lượng chào bán) đã được bán cho nhà đầu tư với tổng giá trị hơn 139,4 tỷ đồng, cao hơn 2,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trung bình một phiên, giá trị cổ phần đấu giá thành công đạt hơn 46,4 tỷ đồng, giảm 66% so với tháng 9.

(Theo HNX ngày 02/11)

Chính sách

Thông tư số 102/2017TT-BTC

Ngày 05/10/2017, Chính phủ đã ban hành Thông tư số 102/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino.

Theo đó, người Việt Nam tham gia chơi tại điểm kinh doanh casino phải chứng minh có đủ năng lực về tài chính. Hồ sơ chứng minh gồm một trong các loại giấy tờ sau: Chứng từ chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên; bản sao có chứng thực các chứng từ chứng minh có thu nhập thường xuyên ≥ 10 triệu đồng/tháng như:

(i) Xác nhận thu nhập, bảng lương hằng tháng hoặc quyết định trả lương của cơ quan công tác xác nhận trong 3 tháng gần nhất, thể hiện mức thu nhập hằng tháng ≥ 10 triệu đồng.

(ii) Hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê tài sản của người chơi còn hiệu lực, thể hiện tổng số tiền cho thuê hằng tháng ≥ 10 triệu đồng.

(iii) Sổ tiết kiệm ngân hàng, sao kê tài khoản tiền gửi ngân hàng của người chơi có thời hạn từ 01 năm trở lên và có phát sinh lãi hằng tháng ≥ 10 triệu đồng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.