Lạm phát của Mỹ và châu Âu có dấu hiệu dịu xuống


Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ và Ủy ban châu ÂU (EC) vừa được công bố cho thấy lạm phát, tiêu dùng đều đã giảm nhẹ trong tháng 4/2024.

Các nhà kinh tế dự đoán nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ sẽ “hạ nhiệt” trong năm nay - Ảnh minh họa
Các nhà kinh tế dự đoán nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ sẽ “hạ nhiệt” trong năm nay - Ảnh minh họa

Áp lực giá vẫn tăng nhưng đang đi đúng hướng

Cụ thể, báo cáo cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Tư vừa qua đứng ở mức 3,4%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với mức tương ứng của tháng Ba. Kết quả này phù hợp với dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones Newswires và The Wall Street Journal.

Dữ liệu này ủng hộ thông điệp của chính quyền Tổng thống Biden rằng nền kinh tế Mỹ đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi có vẻ đã “xoa dịu” được phần nào mối lo ngại của người tiêu dùng về tác động của việc tăng giá. Đây được xem là lợi thế cho ông Biden trong cuộc tái đối đầu với cựu tổng thống Donald Trump có thể diễn ra vào cuối năm nay.

Tính theo tháng, lạm phát của Mỹ trong tháng Tư ở mức 0,3%, thấp hơn một chút so với dự báo. Nhà kinh tế trưởng Rubeela Farooqi của High Frequency Economics (HFE) viết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Nhìn chung, áp lực giá vẫn tăng nhưng đang đi đúng hướng”.

Ngoài việc là tin tốt cho chính quyền Tổng thống Biden, dữ liệu CPI tháng Tư còn giúp ích cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2%.

Ông Farooqi cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu về CPI mới nhất ủng hộ cách tiếp cận kiên nhẫn của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát”. Đây là tháng đầu tiên, chỉ số CPI hàng năm của Mỹ chậm lại kể từ tháng 1/2024, mặc dù cả số liệu hàng năm và hàng tháng vẫn ở mức quá cao.

Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số CPI "cốt lõi" (không tính giá thực phẩm và năng lượng) trong tháng 4/2024 đã tăng 0,3% so với một tháng trước đó, cũng thấp hơn một chút so với mức tăng của tháng Ba.

Cùng ngày, một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho hay, doanh số bán lẻ ở Mỹ không thay đổi trong tháng 4/2024, bất chấp kỳ vọng của các nhà phân tích rằng doanh số này sẽ tiếp tục tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang có xu hướng “hạ nhiệt”.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng doanh thu bán lẻ của Mỹ được giữ ổn định từ tháng Ba, ở mức 705,2 tỷ USD. Trái với kỳ vọng của các nhà phân tích là tăng 0,4%.

Các nhà kinh tế dự đoán nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ sẽ “hạ nhiệt” trong năm nay, do lãi suất vẫn ở mức cao, trong khi các hộ gia đình rút dần tiền tiết kiệm tích lũy từ đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích tại Pantheon Macro Economics cho biết trong một báo cáo gần đây: “Sự chuyển dịch nhanh chóng sang mô hình bán lẻ trực tuyến đã thúc đẩy doanh số bán hàng tại các cửa hàng online tăng vọt trong vài năm qua”.

Lạm phát tại châu Âu giảm nhanh hơn kỳ vọng

Tại châu Âu, EC cho biết tốc độ lạm phát hàng năm tại eurozone sẽ giảm về 2,5% trong năm nay, trước khi đạt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu ÂU (ECB) vào nửa sau của năm 2025. Lần cập nhật dự báo lạm phát này của châu Âu mang tới thông tin khả quan hơn so với trước đó. Trong dự báo hồi tháng 2, EC cho rằng lạm phát cả năm 2024 sẽ giảm còn 2,7% và năm 2025 sẽ còn 2,2%.

“Chúng tôi tin đã đạt tới một bước ngoặt. Tăng trưởng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm nay và tiếp tục tăng tốc trong năm 2025. Trong khi đó, lạm phát sẽ tiếp tục giảm và đạt mục tiêu của ECB vào năm tới”, cao uỷ viên về kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni, phát biểu.

EC nói rằng lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng là do giá hàng hoá suy yếu, chủ yếu vì sự gián đoạn thương mại ở Biển Đỏ đã không gây ra ảnh hưởng lớn như lo ngại trước đó.

Giới quan sát đang dự báo việc ECB cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng 6. Một tín hiệu khả quan nữa về kinh tế châu Âu là tiền lương vẫn tăng dù lạm phát được dự báo giảm - một xu hướng có thể kích thích sức mua của các hộ gia đình, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, kinh tế châu Âu sau đại dịch Covid-19 phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác, và còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Dù khởi sắc, tăng trưởng kinh tế châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục yếu hơn Mỹ và Trung Quốc.

Theo Báo Kiểm toán