Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỷ đồng

Thùy Linh

Được thành lập vào ngày 11/7/1994, đến nay, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN) đã tròn 30 năm thành lập. Trong suốt thời gian đó, KTNN đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực và đưa hoạt động kiểm toán ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Hàng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán.
Hàng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán.

Tạo khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động

KTNN thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ và tổ chức, hoạt động theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 13/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của KTNN.

Năm 2005, Luật KTNN được ban hành đã mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới cho KTNN, từ cơ quan thuộc Chính phủ trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đặc biệt, ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó bổ sung quy định về địa vị pháp lý của KTNN tại Điều 118. Đây là một mốc lịch sử trong tiến trình xây dựng và phát triển KTNN, nâng tầm KTNN từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Luật KTNN năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức, hoạt động của KTNN, bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của KTNN, từ năm 2015 đến nay, Tổng KTNN đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết thi hành Luật KTNN, làm cơ sở, nền tảng cho tổ chức và hoạt động kiểm toán trên thực tế, đồng thời góp phần tích cực trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp và chính quy hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trên mọi lĩnh vực, nhất là nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát, quản lý đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Thực hiện Luật KTNN và Chiến lược phát triển KTNN qua các giai đoạn, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Tổng KTNN, hoạt động kiểm toán đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán và có nhiều tiến bộ, ngày càng hiệu lực, hiệu quả; chất lượng không ngừng được nâng cao.

Báo cáo của KTNN cho biết, hàng năm, KTNN đã tổ chức kiểm toán trên dưới khoảng 250 đoàn kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, đã kịp thời tư vấn cho các bộ, ngành, địa phương để chấn chỉnh kịp thời những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Theo số liệu tổng hợp của KTNN, từ khi thành lập đến nay, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, báo cáo của KTNN cho biết thêm, từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 1.950 (đến ngày 15/12/2023) hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu cho cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Chú trọng vào chất lượng báo cáo kiểm toán

Trong thời gian tới, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Hiện, KTNN đang tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá Luật KTNN năm 2019, từ đó sẽ đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới, trong đó có nhiều nhiệm vụ, chức năng mới, đơn cử như nhiệm vụ rất mới là kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, KTNN cũng đang khẩn trương rà soát việc sửa đổi Hệ thống Chuẩn mực KTNN để sớm ban hành Hệ thống Chuẩn mực mới phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung của Chuẩn mực kiểm toán quốc tế do INTOSAI ban hành. Đây là sản phẩm có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động kiểm toán, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành.

KTNN sẽ chú trọng phát triển nguồn nhân lực bằng việc tập trung đào tạo cả về nghiệp vụ, kỹ năng, kiến thức pháp luật, trong đó có pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đặc biệt là đào tạo về đạo đức công vụ. Từ đó, giúp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành.

KTNN sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của Ngành, đặt biệt là hoạt động kiểm toán. Trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán là biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng kiểm toán và giảm thiểu các rủi ro nghề nghiệp.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia khuyến nghị, trong thời gian tới, KTNN cần tập trung vào chất lượng xây dựng báo cáo kiểm toán, xây dựng kế hoạch kiểm toán, lựa chọn lĩnh vực nóng, được dư luận xã hội quan tâm để phục vụ tốt nhất hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Kế hoạch càng tỉ mỉ, càng chi tiết thì càng đáp ứng được yêu cầu.

Trên cơ sở kế hoạch kiểm toán, KTNN cũng cần tổ chức thật tốt các cuộc kiểm toán. Ngành đã đặt ra yêu cầu về kế hoạch kiểm toán “gọn” nhưng “chất lượng”, vì thế, các đoàn kiểm toán cần chuẩn bị kỹ lưỡng và trong quá trình làm việc, yêu cầu đơn vị được kiểm toán phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ thông tin và có trao đổi với tinh thần thấu hiểu lẫn nhau, làm sao khi KTNN đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán, đơn vị được kiểm toán phải “tâm phục, khẩu phục”.

 

Ngày 28/02/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 04/2023/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, đồng thời có tác dụng giáo dục pháp luật, duy trì trật tự, giữ gìn kỷ cương và tính nghiêm minh của pháp luật về hoạt động KTNN. Đặc biệt, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 vào năm 2010 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030 vào năm 2020 đã tạo cơ sở cho KTNN xác định rõ tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn.