Kinh tế Thái Lan gặp nguy…

PV.

Vụ nổ khiến hàng chục người thương vong tại một trong những khu mua sắm nhộn nhịp nhất ở thủ đô Bangkok của Thái Lan tối 17/8/2015 đã đặt ra những rủi ro lớn cho nền kinh tế Thái Lan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng yếu, xuất khẩu suy giảm nhanh hơn dự báo, chi tiêu công tăng mạnh, chính trị chưa thực sự ổn định, Thái Lan đang trông chờ vào du lịch như một trong những chiếc phao cứu sinh quan trọng. Tuy nhiên, cú sốc mới nhất đối với du lịch Thái Lan vừa xảy ra tối 17/8.

Một vụ nổ lớn đã làm rung chuyển quận mua sắm trung tâm của thủ đô Bangkok. Ước tính ban đầu có khoảng 22 người thiệt mạng và 125 người bị thương, theo CNBC. Trong số những người chết và bị thương, có rất nhiều người Trung Quốc và Ấn Độ.

Cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Somyot Poompanmuang nói với báo giới rằng vụ tấn công này chưa từng có tiền lệ ở Thái Lan. “Quả bom được đặt bên trong ngôi đền Erawan”, ông Somyot cho biết.
Dù vẫn còn quá sớm để khẳng định được những con số thiệt hại cụ thể từ vụ nổ đến ngành du lịch Thái Lan, nhưng chắc chắn vụ nổ đã khiến hình ảnh đất nước Thái Lan bị tác động tiêu cực. Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan cũng đã phải thừa nhận: “Vụ nổ được tiến hành với mục tiêu là tấn công khách du lịch.”

Trao đổi với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan nói vụ nổ này là một hành động nhằm phá hoại nền kinh tế Thái. “Thủ phạm của vụ nổ có ý định phá hủy nền kinh tế và ngành du lịch của Thái Lan, bởi vụ nổ xảy ra ngay trung tâm của quận du lịch”, ông Prawit phát biểu.

Cho tới thời điểm hiện tại, nghi vấn về thủ phạm vụ nổ đang hướng về phía lực lượng ly khai Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan. Tuy vậy, chưa có nhóm nào đứng ra nhạn trách nhiệm về vụ này.

Theo giới chuyên gia, vụ nổ này sẽ gây tổn thất không nhỏ đối với nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Thái Lan. Du khách nước ngoài có thể sẽ “dè chừng” với Thái Lan khi chứng kiến căng thẳng chính trị gia tăng giữa các đảng phái của nước này, cũng như nguy cơ từ lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở miền Nam.

Vụ nổ xảy ra ở Thái Lan cùng ngày với việc nước này đón nhận số liệu thống kê cho thấy sự giảm tốc của nền kinh tế trong quý 2. Theo hãng tin Bloomberg, chi tiêu chính phủ và lượng du khách tăng đã không thể bù đắp cho sự suy giảm của nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Triển vọng của kinh tế Thái Lan cũng bị che mờ bởi tình trạng hạn hán và việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc bị phá giá.

Trong quý 2, GDP của Thái Lan tăng 2,8%, so với mức tăng 3% đạt được trong quý 1. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha cho biết sẽ cải tổ nội các để đương đầu với sức ép phục hồi tăng trưởng.

“Đồng Nhân dân tệ phá giá không phải là tin tốt cho Thái Lan vì sẽ khiến lĩnh vực xuất khẩu của chúng tôi gặp nhiều khó khăn hơn. Chi tiêu chính phủ và ngành du lịch hiện là hai động cơ duy nhất có thể thúc đẩy tăng trưởng. Triển vọng nền kinh tế đã trở nên u ám hơn sau khi Nhân dân tệ bị phá giá”, chuyên gia kinh tế Pimonwan Mahujchariyawong thuộc công ty Kasikorn Research ở Bangkok phát biểu.

Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm 2015 xuống còn 2,7-3,2% trong năm nay, từ mức 3-4% trước đó.

Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan được dự báo sẽ giảm 3,5% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 0,2% trước đó. Theo NESDB, chi tiêu chính phủ Thái Lan sẽ tăng 11,6% trong 6 tháng cuối năm.

Nghiên cứu có tên “The impact of political instability: The case of Thailand” của tác giả Hadyn Ingram, Saloomeh Taberi và Wanthanee Watthanakhomprathip thuộc Đại học London School of Commerce, Anh công bố năm 2012 cho thấy, tính từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, khách du lịch trên thế giới trở nên nhạy cảm với nguy cơ khủng bố hơn bao giờ hết.

Thực tế đã cho thấy sau vụ việc trên, doanh thu của toàn ngành du lịch thế giới giảm 11 tỷ USD.

Tính toán của Ngân hàng Thế giới cho thấy năm 2013, ngành du lịch Thái Lan mang lại 46 tỷ USD cho nền kinh tế, giúp tỷ lệ đói nghèo tại nước này giảm từ 21% vào năm 2000 xuống 12,6% vào năm 2012.

Hiện đóng góp khoảng 10% cho GDP Thái Lan, song du lịch Thái Lan đã nhiều lần chịu tác động không nhỏ từ bất ổn chính trị.

Tháng 5/2014, WSJ đưa tin, cuộc đảo chính tháng 10/2013 ở Thái Lan và căng thẳng chính trị sau đó đã khiến số lượng khách du lịch đến Thái Lan có thời điểm giảm đến 15%.

Tính chung cả năm 2014, Thái Lan mất 1,8 triệu khách du lịch. Kinh tế Thái Lan quý 1/2014 suy giảm 2,1% so với quý trước đó.