Indonesia thăng bằng giữa các cường quốc

Theo daibieunhandan.vn

Với tư cách là nền kinh tế lớn nhất Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Indonesia trở thành mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng của hai cường quốc lớn trong châu lục: Trung Quốc và Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cạnh tranh Trung - Nhật

Một trong những động thái thể hiện sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai “gã khổng lồ châu Á” chính là dự án đường sắt cao tốc nối Thủ đô Jakarta với thành phố du lịch Bandung. Chính phủ Nhật Bản đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn, theo đó, Tokyo sẽ cho Jakarta vay khoảng 75% chi phí xây dựng với mức lãi suất 0,1% và thời gian trả nợ là 40 năm. Để “làm ngọt” thêm thỏa thuận này, Nhật Bản cam kết sử dụng 50% vật liệu xây dựng từ các nhà sản xuất của Indonesia trong quá trình xây dựng. Nhật Bản cũng đã thể hiện việc duy trì các mối quan hệ trong tương lai với Indonesia bằng thái độ quan tâm đến tuyến đường sắt kết nối Jakarta với Surabaya thuộc Đông Java.

Đề xuất táo bạo của Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc ngỏ ý cung cấp cho Indonesia khoản vay 4 tỷ USD với lãi suất 2% và thời gian trả nợ là 25 năm. Trước đó, Bắc Kinh đã thành công trong việc thu hút các nước châu Á, bao gồm Indonesia, tham gia sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất gần 2 năm trước đây. Đây là một trong những thành công lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hiện nay, trong số các nước lớn tham gia AIIB chỉ còn thiếu Nhật Bản, Mỹ và Canada.

Tháng 10.2013, trong chuyến thăm Indonesia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã đạt được một loạt thỏa thuận thương mại và đầu tư trị giá 28,2 tỷ USD trên các lĩnh vực khai thác mỏ, sản xuất bột giấy, năng lượng và phát triển hạ tầng. Trong đó, Trung Quốc có khoản đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng 30km đường ray xe lửa chạy qua Thủ đô Jakarta và nhiều khoản đầu tư vào khai thác than, sản xuất điện, luyện nhôm... Indonesia cũng khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng 6 hành lang kinh tế lớn ở nước này và nhiều lĩnh vực khác.

Gặp gỡ của lợi ích

Giới phân tích cho rằng sức hấp dẫn của Indonesia nằm ở chỗ nước này là quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, có nền kinh tế tăng trưởng cao và vai trò ngày càng mở rộng trong khu vực. Những năm gần đây, các cường quốc ở xa như Mỹ hay gần hơn như Australia đều đang hướng đến Indonesia để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và thương mại, cũng như xây dựng những mối quan hệ ngoại giao khăng khít hơn với quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này. Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn cũng không muốn đứng ngoài cuộc.

Sự cần thiết thúc đẩy quan hệ song phương Indonesia - Trung Quốc và Indonesia - Nhật Bản không chỉ xuất phát một chiều từ hai “đại gia” châu Á. Bản thân Jakarta cũng có nhu cầu mở rộng quan hệ với hai người “khổng lồ” châu Á để thúc đẩy tham vọng trở thành trung tâm hàng hải toàn cầu.

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã triển khai thực thi chính sách đối ngoại “Trục hàng hải” nhằm đưa Indonesia thành “cường quốc biển”. Vị thế địa lý cho phép Jakarta nuôi tham vọng này khi sở hữu eo biển Malacca nhộn nhịp nhất thế giới, với khoảng 3.000 lượt tàu bè mỗi ngày đi qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, và 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng đi qua đây. Trong khi đó, hiện gần 70% thương mại thế giới diễn ra xung quanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có đến 45% “đi qua” Indonesia. Nếu “trục hàng hải” có thể được định nghĩa là ngành công nghiệp hàng hải thế giới, Indonesia sẽ là nước xuất khẩu hải sản lớn nhất toàn cầu.

Ngoài ra, năng lượng biển rất quan trọng, trở thành yếu tố đáng kể trong việc thúc đẩy tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2025 như đã cam kết trong Kế hoạch tổng thể về tăng tốc và mở rộng phát triển kinh tế Indonesia. Để thực hiện mục tiêu trên, Tổng thống Joko Widodo đã soạn thảo kế hoạch xây dựng 24 cảng biển mới để tăng cường vận chuyển trong lĩnh vực hàng hải và xây dựng đường ray xe lửa mới ở Sumatra, Kalimantan, Sulawesi và Papua trong nhiệm kỳ của ông dự kiến kết thúc vào năm 2019.

Vì vậy, trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã thực hiện hai chuyến công du liên tiếp tới Nhật Bản và Trung Quốc. Tại mỗi chặng dừng chân là các cam kết về hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chủ chốt của Indonesia, chỉ sau Nhật Bản. Kim ngạch thương mại Trung Quốc - Indonesia đạt 66 tỷ USD năm 2013, tăng gấp 4 lần so với năm 2005.

Tuy nhiên, cái khó của Indonesia trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản là sự đối đầu của hai nước này trong các vấn đề lịch sử cũng như tranh chấp lãnh hải - lãnh thổ. Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang chịu áp lực trong nước để quyết đoán hơn với chính sách phục thù người Nhật thì Thủ tướng Shinzo Abe đang chịu áp lực từ chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản muốn đất nước ngăn chặn chủ nghĩa đơn phương. Điều này buộc Jakarta phải thận trọng trong các ưu tiên đối ngoại đối với hai nước lớn châu Á này. Indonesia đang đứng trước cơ hội phát triển từ sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Song, để đạt được điều đó, quốc đảo này phải bảo đảm lợi ích quốc gia của mình, duy trì lập trường trung lập giữa hai gã khổng lồ và thực hiện chính sách “thăng bằng trên dây” một cách độc lập và tích cực.