Kinh tế thế giới 2022: "Nhiều thay đổi đáng chú ý"

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Kinh tế toàn cầu 2022 có thể tăng trưởng chậm lại, nhưng có nhiều chuyển động đáng chú ý, từ chính sách tiền tệ và tài khóa đến năng lượng. Báo Nhà đầu tư giới thiệu 10 dự báo của IHS Markit, một trong những công ty dữ liệu hàng đầu thế giới.

 IHS Markit dự báo tốc độ mở rộng của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2022, không đồng đều giữa các khu vực. Ảnh: CNBC.
IHS Markit dự báo tốc độ mở rộng của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2022, không đồng đều giữa các khu vực. Ảnh: CNBC.

Kinh tế thế giới 2021 chuyển từ phục hồi sang mở rộng trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp diễn. Kinh tế phát triển không đồng đều khiến cung-cầu mất cân bằng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và lạm phát tăng.

Năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều chuyển đổi trong nền kinh tế toàn cầu, từ nới lỏng tài khóa sang thắt chặt hơn, lãi suất tăng và điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn, và dịch chuyển khó khăn từ năng lượng phát thải carbon dioxide sang năng lượng tái tạo tiếp tục. COVID-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu, từ chỉ một căn bệnh đã xuất hiện trong dân của một khu vực cụ thể.

Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại, khi một số nền kinh tế lớn tiến gần tới hoặc đạt được trạng thái tạo công ăn việc làm đầy đủ. Xung đột địa chính trị sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro đối với triển vọng.

1. Các đợt bùng phát Corona sẽ không làm chệch hướng quá trình phục hồi. COVID-19chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.

Sự bùng phát trở lại của COVID-19 vào mùa thu năm 2021 ban đầu tập trung ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng dưới mức trung bình. Sự lây lan sau đó, với các ca nhiễm mới và biến thể Omicron xuất hiện, báo hiệu sự dịch chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu.

Khi COVID-19 tiếp tục lan trên toàn cầu, biến thể mới sẽ kích hoạt phản ứng của các chính phủ, chủ yếu tập trung vào việc tránh cho hệ thống y tế không bị căng thẳng và khuyến khích tiêm chủng.

Nhìn chung, sẽ không có các đợt phong tỏa, nhưng các dịch vụ sẽ vẫn bị hạn chế cho đến khi có các biện pháp chữa trị hiệu quả hơn, với giá phải chăng khiến hạn chế không còn cần thiết. Nền kinh tế thế giới sẽ không bị trật bánh trong năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại.

2. Thách thức chuỗi cung ứng tiếp tục gây khó khăn cho các ngành công nghiệp chủ chốt, nhưng áp lực tăng giá sẽ giảm. Nửa cuối năm, lạm phát giảm dần.

Gián đoạn vận chuyển tàu biển, thiếu nguồn cung và giá năng lượng tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá trong nửa đầu năm 2022. Các nút thắt hậu cần sẽ chỉ được giải quyết vào cuối năm, khi nhu cầu hàng hóa giảm nhiệt và giao thông bình thường hóa. Sản lượng dầu của các nước OPEC + và Mỹ tăng và sản xuất khí đốt tự nhiên của Nga giúp giảm áp lực từ giá năng lượng.

Tình trạng thiếu điện, yếu tố cản trở sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc đại lục mùa thu vừa qua, sẽ được giải quyết trong 2022, nhưng các hạn chế sản xuất đối với những ngành thâm dụng năng lượng sẽ tiếp tục khi nền kinh tế bắt đầu hướng tới trung hòa carbon.

Tiền lương sẽ điều chỉnh tạm thời theo áp lực từ thị trường lao động Mỹ và châu Âu, nhưng gây ít ảnh hưởng kéo dài đến lạm phát. Do đó, tỷ lệ lạm phát sẽ chậm lại vào cuối năm 2022.

3. Các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ,ở các mức độ khác nhau. Điều kiện thị trường đối với các loại tài sản rủi ro hơn ngày càng xấu đi, nhưng không có các cơn hoảng loạn trên thị trường (taper tuntrums). 

“Taper tantrums” chỉ tình trạng năm 2013, khi Fed công bố giảm bớt lượng trái phiếu mua vào, có một cơn hoảng loạn trên thị trường; lợi tức trái phiếu tăng vọt và giá cổ phiếu giảm mạnh.

Năm 2021, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm bớt lượng tài sản mua vào, giống Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước đó giảm bớt các biện pháp kích thích tiền tệ do đại dịch. Một số nền kinh tế hoặc tăng lãi suất đáng kể (như Brazil) hoặc có vẻ sắp làm như vậy (như Anh), và định hướng chính sách toàn cầu nói chung là chuyển sang thắt chặt tiền tệ.

Lạm phát cao, kinh tế phục hồi và nhiều tiến bộ hơn trong kiểm soát đại dịch - dù không đồng đều - sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương tiến tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vào năm 2022.

4. Rút hỗ trợ khẩn cấp do đại dịch đồng nghĩa với thắt chặt tài khóa trên toàn thế giới.

Thắt chặt tài khóa đang diễn ra khi các ngân hàng trung ương giảm mua tài sản, tức giảm lượng tiền tung vào nền kinh tế để kích thích tăng trưởng. Các nền kinh tế tiên tiến vẫn đang thâm hụt lớn, nhưng khi những thâm hụt này thu hẹp, khu vực công thường sẽ trở thành yếu tố kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ, ở Mỹ, chi tiêu của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP sẽ giảm đáng kể trong năm 2022, sau hai năm tăng mạnh do hỗ trợ khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch. Ở châu Âu, hỗ trợ tài khóa cũng đang giảm dần. Uớc tính, tổng thâm hụt ngân sách của khu vực đồng euro sẽ giảm khoảng 300 tỷ EUR trong 2022. Dù vậy, thâm hụt khu vực đồng euro vẫn sẽ vượt 3% GDP trong năm 2022 và con số ở nhiều quốc gia thành viên có tỷ lệ nợ trên GDP trên 100% cao hơn nhiều. Việc củng cố tài khóa (giảm thâm hụt và giảm nợ dâng cao) sẽ vẫn là thách thức đối với nhiều nước châu Âu sau 2022.

5. Tốc độ mở rộng của kinh tế toàn cầu chậm lại, không đồng đều giữa các khu vực.

Tốc độ mở rộng kinh tế trên toàn cầu sẽ ở mức vừa phải khi các nền kinh tế tiếp cận mức tiềm năng. Tuy nhiên, một khi sự gián đoạn ở phía cung giảm bớt - dù không đồng đều giữa các khu vực - không còn những bất ngờ tiêu cực từ các biến thể COVID-19 mới, tăng trưởng sẽ tạm thời đi lên. Các nền kinh tế hoặc khu vực nhạy cảm với công nghiệp và thương mại hơn được hưởng lợi nhiều nhất. Khó khăn từ nhiều yếu tố, trong đó có sự gián đoạn nguồn cung và xu hướng COVID-19, sẽ làm phức tạp các dạng tăng trưởng ở một số khu vực.

6. Tăng trưởng của Mỹ chậm lại nhưng vẫn ở mức tốt, mặc dù kích thích tài khóa giảm mạnh, khiến thị trường lao động thắt chặt và lãi suất tăng.

Tăng trưởng của Mỹ sẽ chậm lại do tác động từ các biện pháp kích thích trước đó giảm dần, nới lỏng tiền tệ chấm dứt, nhu cầu bị dồn nén được thỏa mãn và COVID-19 chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hữu. Động lực tăng trưởng sẽ chuyển từ mua hàng hóa sang mua dịch vụ. Lạm phát cốt lõi sẽ giảm xuống còn 2% khi áp lực giá giảm do gián đoạn chuỗi cung ứng “tan” dần.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại tiền lương theo hướng tăng ban đầu ở một số khu vực sẽ tạo ra áp lực cơ bản và dai dẳng hơn đối với tiền lương và giá cả, do thị trường lao động nhìn chung tiếp tục thắt chặt, hạn chế sự suy giảm của lạm phát. Thị trường lao động thắt chặt là trạng thái nền kinh tế tiến gần tới đủ công ăn việc làm và tuyển dụng trở nên khó khăn, gây áp lực tăng lương.

Fed sẽ hoàn thành việc giảm bớt lượng tài sản mua vào trong mùa xuân và ngay sau đó bắt đầu nâng lãi suất cơ bản. Đạo luật “Xây dựng trở lại tốt hơn” (Build Back Better) của Tổng thống Biden có thể sẽ được ban hành, nhưng chỉ có tác động khiêm tốn đối với triển vọng kinh tế trong ngắn hạn. Biến thể Omicron gây rủi ro cho triển vọng tăng trưởng.

7. Trung Quốc đại lục sẽ ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường nhà ở và khủng hoảng tài chính,nhưng tăng trưởngdưới mức tiềm năng.

Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ ngăn chặn được sự sụp đổ của thị trường nhà ở bằng cách điều chỉnh các chính sách thắt chặt liên quan đến thị trường bất động sản để ổn định nhu cầu nhà ở. Tình trạng suy thoái thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc khó có thể gây ra khủng hoảng tài chính, do trung gian tài chính hướng nội, có kiểm soát vốn và chỉ huy của nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tăng trưởng dưới mức tiềm năng 6% trước đại dịch, do lập trường kiên định của chính phủ đối với chính sách “không COVID”, tiếp tục nỗ lực kiểm soát đảm bảo khu vực bất động sản không vay nợ quá mức và sự can thiệp của nhà nước vào khu vực kinh tế tư nhân ngày càng sâu rộng.

8. Ít khả năng có một cuộc khủng hoảng nợ lan rộng trên các thị trường mới nổi.

Chi phí nợ của các thị trường mới nổi sẽ tăng nhưng từ các mức thấp trong lịch sử. Trừ một số ngoại lệ, điều này sẽ không gây xáo trộn thị trường. Nhiều quốc gia đã và đang mở rộng phạm vi nợ và đáp ứng các yêu cầu trả nợ ngắn hạn thông qua chương trình quản lý nợ, giảm rủi ro vỡ nợ do thanh khoản, đồng thời sử dụng các điều kiện thị trường thuận lợi để tăng dự trữ và hưởng lợi từ việc IMF phân bổ thêm các quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới đây.

Các nền kinh tế mới nổi có định hướng hàng hóa và năng lượng sẽ hưởng nguồn thu từ xuất khẩu mở rộng và tài khóa, khi giá tài nguyên thiên nhiên toàn cầu cao hơn.

Mặc dù một số quốc gia đang phải đối mặt với rủi ro bền vững về nợ gia tăng, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, Argentina, Lebanon, Ethiopia và Zambia, những quốc gia khác có khả năng chống chội tốt hơn, khiến cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi toàn cầu - như năm 1998 - khó có thể xảy ra.

Các “túi” rủi ro sẽ bắt đầu xuất hiện ở châu Mỹ Latinh, nơi những thay đổi chính trị và sự không chắc chắn về chính sách ngày càng tăng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn.

9. Động lực từ các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị(ESG) tiếp tục tăng. Hỗ trợ chính sách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đa dạng.

Với sự tập trung nhiều hơn của giới chính trị và công chúng đối với biến đổi khí hậu, nhiều nhà quản lý đầu tư ở các quỹ đầu tư sẽ quan tâm nhiều tới ESG và tăng cường giám sát khía cạnh môi trường của các danh mục đầu tư. Việc chú trọng nhiều hơn đến công bố thông tin ESG, từ các tổ chức đầu tư và tổ chức phát hành, sẽ tiếp thêm động lực hiện có ở cấp quốc gia và quốc tế.

Một tín hiệu tích cực khác là sự gia tăng rõ ràng gần đây của Greenium - trái phiếu phát hành mà tiền thu được sử dụng cho các vấn đề về môi trường. Chúng tôi dự báo sẽ có một số chuyển động chính sách liên quan đến ESG, tuy nhiên, việc thực thi sẽ gặp trở ngại, do đó, những thay đổi chính sách sẽ không có tác động đáng kể đến nền kinh tế 2022.

10. Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang làm tăng nguy cơ có các đợt biến động trên thị trường tài chính và tiền tệ trong khu vực. Rủi ro của đối đầu hoặc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, cũng như rủi ro từ các biện pháp phản ứng kinh tế làm gián đoạn hàng hải tạm thời và hàng không thương mại, tăng lên. Những căng thẳng này sẽ khiến chi tiêu quân sự ở các cường quốc hàng đầu tăng lên.