Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,7% năm 2018

Theo Trang Trần/kinhtevadubao.vn

Mặc dù các dự đoán về chính sách và thay đổi ở các nền kinh tế chưa rõ ràng, nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 vẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức gần 4%.

 OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây. Nguồn: Internet
OECD dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây. Nguồn: Internet

Con số này cho thấy kinh tế thế giới đã thực sự phục hồi kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính hơn 10 năm trước. 

Những con số lạc quan

Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu 2018 của Conference Board, sau khi tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng sẽ duy trì được đà hiện nay và đạt mức tăng 3% trong cả năm 2018.

Lạc quan hơn, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây, đạt 3,7% vào năm 2018 và lùi lại về mức 3,6% vào năm 2019. Nhưng quan trọng hơn, các chuyên gia OECD cho rằng, nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn.

Cũng chung nhận định tươi sáng, trong bài phân tích “Nền kinh tế thế giới 2018” trên trang Project Syndicate, Giáo sư Michael Spence, Chủ tịch Hội đồng Chương trình nghị sự toàn cầu, từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 nhận định, cho đến thời điểm này, các thị trường và nhiều nền kinh tế đã tránh được các tác động mạnh từ bất ổn chính trị. Trong dài hạn, kinh tế thế giới có thể sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các vấn đề chính trị - xã hội.

Hầu hết các nền kinh tế châu Âu, trừ Anh (quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cùng tiến trình rời khỏi EU - Brexit), đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt trong năm 2018. Mỹ được dự báo tăng trưởng GDP là 2,5% năm 2018 so với 2,3% năm 2017, với chính sách kinh tế mới của Trump sự tăng trưởng của Mỹ có thể còn mạnh hơn. Trung Quốc là 6,5% năm 2018 so với 6,7% năm 2017 do xuất khẩu giảm sút; Ấn Độ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm nay và cùng với các nền kinh tế mới nổi dự  báo tăng trưởng 5% năm 2018 so với 4,7% năm 2017. Nhìn tổng thể, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2018.

Sự tăng trưởng này sẽ tạo cơ hội cho các quốc tập trung chính sách vào việc giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và những trở ngại về thể chế đối với phát triển.

Tiềm ẩn nguy cơ

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, mặc dù xu hướng tăng trưởng của các thị trường phát triển là vững chắc trong tương lai gần, song khả năng đẩy nhanh được mức tăng trưởng còn bị hạn chế và tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại vào cuối thập niên này.

Chỉ ra nguyên nhân, Conference Board cho rằng, sự tăng trưởng khởi sắc trong năm 2017 phần nào là nhờ một loạt sự kiện đặc biệt như việc bình ổn giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hy vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu, và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc.

Những sự kiện này không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Mặt khác, sự phục hồi thiếu thuyết phục của hoạt động đầu tư có thể hạn chế tốc độ mà công nghệ được "chuyển hóa" thành sự tăng trưởng năng suất. Ở một số quốc gia vẫn tiềm ẩn nguy cơ tốc độ tăng trưởng tiêu dùng chậm lại do mức tăng lương vẫn chậm.

Rủi ro tài chính toàn cầu cũng là vấn đề không nhỏ khi nợ toàn cầu (tính đến tháng 6/2017) đã lên tới mức kỷ lục 217 nghìn tỷ USD, tương đương 327% GDP toàn cầu, tăng hơn 50 nghìn tỷ trong thập niên vừa qua. Vấn đề này sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng cao của kinh tế thế giới, đồng thời đặt hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt rủi ro cao.

Một lo ngại khác từ những rủi ro đang tích lũy trong nền kinh tế Trung Quốc, khi chính phủ nước này vẫn muốn duy trì tăng trưởng cao thay vì cải tổ cơ cấu. Tín dụng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang tăng nóng, gây nhiều lo ngại về một sự đổ vỡ có thể lan ra toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn đang kiểm soát được tình hình. Brexit cũng là một mối lo gây rủi ro cho kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, những tác động tiêu cực được cho là chủ yếu tác động không tốt đến nước Anh, ít tác động tới phần còn lại của EU và thế giới.

Sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới “cơn sốt Bitcoin”. Không ít lo ngại bong bóng từ đồng tiền ảo này có thể gây rủi ro cho tài chính toàn cầu.

Mặt khác, những xu hướng kinh tế dài hạn và những thay đổi về cơ cấu đặt ra những nguy cơ thậm chí còn lớn hơn đối với nền kinh tế thế giới. Tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động chậm lại do dân số già nua, những khó khăn trong việc biến công nghệ thành năng suất, và sự phân chia không đồng đều những lợi ích của sự thay đổi công nghệ - tất cả đều cản trở nền kinh tế phát huy hết tiềm năng.

Conference Board đã nêu một số nhân tố có thể giúp củng cố sự tăng trưởng có chất lượng và bền vững trong thập niên tới, bao gồm: Tình trạng khan hiếm lao động có thể kích thích việc tăng đầu tư vào những khu vực cần người tài, từ đó tạo ra sự tăng trưởng năng suất lao động, nhất là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu; Tăng trưởng đầu tư có thể được duy trì thông qua việc cải thiện "chất lượng" đồng vốn, dựa trên đầu tư nhiều hơn vào máy móc và thiết bị, đặc biệt là các tài sản và dịch vụ kỹ thuật số; Tác động của đầu tư công nghệ số vào tăng trưởng năng suất sẽ trở nên rõ rệt hơn theo thời gian; Yếu tố kỹ năng của lực lượng lao động sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tạo ra sự tăng trưởng về chất. Các thị trường mới nổi sẽ có thêm nhiều cơ hội đưa những nhân công có trình độ và lành nghề tham gia lực lượng lao động nhờ một loạt lao động trình độ thấp hơn đến tuổi về hưu.

Ngoài ra, báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới của Liên hợp quốc mới đây cũng đề xuất 4 biện pháp có thể mở đường để giải quyết những thách thức trên, bao gồm: tăng cường đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bất bình đẳng, hỗ trợ đầu tư dài hạn và giải quyết những thiếu sót về thể chế.