Kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng yếu

PV.

Ngày 19/1/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố Báo cáo hàng quý Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới nhất. IMF đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2016. Theo đó, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,4% trong năm nay, giảm 0,2% so với mức dự báo tăng 3,6% đưa ra hồi tháng 10/2015.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Triển vọng tăng trưởng

IMF ước tính kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1% trong năm 2015, mức tăng yếu nhất kể từ cuộc suy thoái 2009. 2015 cũng là năm mà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển giảm tốc năm thứ 5 liên tiếp.

Về triển vọng tăng trưởng trong năm 2016, theo IMF, các nền kinh tế tiên tiến sẽ ở trong trình trạng “giậm chân tại chỗ” khi mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,1% trong 2 năm tiếp theo dù tăng nhẹ so với năm 2015 (1,9%).

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,5% trong năm 2015 và IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống còn 2,6% trong năm 2016 và năm 2017, giảm 0,2% so với dự báo trước đó.

Theo IMF, kinh tế khu vực Eurzone sẽ tăng 1,7% trong năm 2016, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2015. Kinh tế Anh được dự báo tăng 2,2% trong năm nay.

Về tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, IMF vẫn duy trì mức dự báo đối với năm 2016 so với dự báo được đưa ra hồi tháng 10/2015 do những yếu tố như sự hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nước này đối với nền kinh tế.

Theo IMF, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1% trong năm 2016, không thay đổi so với dự báo trước đó và tăng 0,3% trong năm 2017, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Trong năm 2015, tăng trưởng của nền kinh tế này đã đạt mức 0,6%.

IMF đánh giá, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ tăng trưởng 4,3% trong năm 2016, giảm từ mức dự báo tăng 4,5% đưa ra hồi tháng 10, và so với mức tăng 4% mà nhóm này đạt được trong năm 2015.

Đối với Trung Quốc, IMF cho biết, đà tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tụt dốc từ 6,9% trong năm 2015 xuống còn 6,3% trong năm 2016 và 6% năm 2017, không thay đổi so với dự báo hồi tháng 10/2015. Theo IMF, những nỗ lực chuyển đổi cơ cấu từ một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang nền kinh tế tiêu dùng là một trong những nhân tố chủ yếu giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong hai năm 2016 và 2017.

Theo IMF, các nước trong khối ASEAN sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, từ 4,7% năm 2015 lên mức 4,8% và 5,1% trong 2 năm tới.

Những thách thức lớn

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định 2016 sẽ là một năm đầy thách thức với kinh tế thế giới. Kinh tế thế giới đang cùng lúc đối mặt với ba sự điều chỉnh lớn, gồm: các thị trường mới nổi giảm tốc, Trung Quốc dịch chuyển sang mô hình tăng trưởng ít phụ thuộc hơn vào xuất khẩu và sản xuất, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút dần khỏi chính sách lãi suất siêu thấp.

IMF cảnh báo, tăng trưởng toàn cầu có thể trệch hướng nếu những thách thức này không được quản lý tốt. IMF ước tính giá dầu sẽ đạt bình quân khoảng 42 USD/thùng trong năm nay nhưng sẽ tăng lên trên 48 USD/thùng trong năm 2017. Dự báo này dựa trên giá dầu từ ngày 10/12/2015, khi đó dầu thô giao dịch gần mức 35 USD/thùng. Hiện dầu thô đang có giá dưới ngưỡng 30 USD/thùng.

Tăng trưởng kinh tế thế giới

2014

2015

(Ước tính)

2016

(Dự báo)

2017

(Dự báo)

Thế giới

3,4

3,1

3,4

3,6

Các nước phát triển

1,8

1,9

2,1

2,1

Mỹ

2,4

2,5

2,6

2,6

Eurozone

0,9

1,5

1,7

1,7

Đức

1,6

1,5

1,7

1,7

Pháp

0,2

1,1

1,3

1,5

Italy

-0,4

0,8

1,3

1,2

Nhật Bản

0,0

0,6

1,0

0,3

Anh

2,9

2,2

2,2

2,2

Canada

2,5

1,2

1,7

2,1

Các nước mới nổi và đang phát triển

4,6

4,0

4,3

4,7

Nga

0,6

-3,7

-1,0

1,0

Trung Quốc

7,3

6,9

6,3

6,0

ASEAN 5

4,6

4,7

4,8

5,1

Nguồn: IMF, tháng 1/2016