Kinh tế Nga 2016: “Lửa thử vàng”
Ngày 11/1 vừa qua, thị trường chứng khoán Moskva (Nga) đã giảm hơn 4%, khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào công nghiệp dầu mỏ của nước này tiếp tục gặp khó khăn, do giá dầu thấp và sự biến động trên thị trường châu Á.
Chỉ số RTS trên sàn giao dịch Moskva đã giảm 4,16% trong khi đồng ruble giảm xuống mức 76 ruble = 1 USD và 83 ruble đổi được 1 euro, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2014.
Trước đó, trong thông điệp liên bang hồi tháng 12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trấn an người dân khi nói rằng Moskva đã có sự chuẩn bị cho bất kỳ tình huống nào, kể cả sự bất ổn của giá dầu. Ngân sách năm 2016 của Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu là 50 USD/thùng, song giá dầu thế giới hiện nay chỉ xấp xỉ 30 USD/thùng.
Đối diện khó khăn
Đồng nội tệ của Nga trượt mạnh do tác động của giá dầu giảm mạnh trong những ngày đầu năm mới. Chỉ trong vòng hai tuần đầu tiên của năm 2016, giá dầu đã giảm khoảng hơn 15% và đã có những thời điểm cả dầu ngọt nhẹ Mỹ và dầu Brent biển Bắc rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng và xác lập mức “đáy” của 12 năm. Đồng ruble đã mất 40% giá trị trong năm 2014 và 20% giá trị trong năm 2015.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, kinh tế Nga có thể giảm 4,3% năm 2015 và tiếp tục suy thoái trong năm 2016. Nền kinh tế "xứ sở Bạch dương" đã gặp nhiều khó khăn trong nhiều tháng qua, do giá dầu thô thấp cùng những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moskva vì liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Còn hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cho biết Chính phủ Nga có kế hoạch cắt giảm 10% ngân sách năm 2016. Đầu năm 2015, Moskva đã cắt giảm 10% chi tiêu của các bộ ngành. Dự kiến, việc cắt giảm chi tiêu ngân sách sẽ không ảnh hưởng tiền lương khu vực công và sinh hoạt phí dành cho quân đội.
Theo kế hoạch, việc cắt giảm sẽ tiết kiệm khoảng 700 tỷ ruble. Nếu các bộ ngành đến ngày 15/1 không trình các đề xuất giảm chi tiêu, Bộ Tài chính sẽ buộc phải rút 10% các hạn mức. Nguồn tin khẳng định Nga sẽ bắt đầu thủ tục soạn thảo sửa đổi Luật Ngân sách năm 2016.
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 21/12/2015 đã ký nghị định cắt giảm 10% số nhân viên chính phủ từ ngày 1/1/2016. Quyết định được công bố trong cuộc họp giữa ông Medvedev với các Phó Thủ tướng Nga, với nguyên nhân là Moskva cần đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động một cách hiệu quả trong bối cảnh điều kiện kinh tế toàn cầu và ngân sách khó khăn.
Ngân sách năm 2016 của Nga, được phê chuẩn cuối tháng 12/2015 tính trên cơ sở mức thâm hụt là 3% GDP. Ngân sách được xây dựng dựa trên dự báo giá dầu năm 2016 bình quân ở mức 50 USD/thùng, và nhịp độ tăng trưởng GDP là 0,7%.
Trang mạng RBK tiếp cận một báo cáo của Bộ Tài chính Nga về cân bằng ngân sách liên bang năm 2016, theo đó kịch bản tiêu cực nhất là thâm hụt ngân sách vượt giới hạn 3% GDP và có thể lên tới 5,2% GDP.
Theo báo cáo phân tích thường niên World Economic Leagua Table (WELT) của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế doanh nghiệp Vương quốc Anh (CEBR), một số quốc gia châu Âu, trong đó có Nga, trong năm 2030 sẽ bị “mất chỗ” trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn hình thành nên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Nếu GDP vẫn là tiêu chí chính xác định các thành viên nhóm G8, thì đến năm 2030, Nga, Pháp, Italy có thể sẽ ra khỏi nhóm này, thay vào đó là Ấn Độ (đứng thứ 3), Brazil (thứ 5) và Hàn Quốc (8).
Niềm tin vẫn vững
Trong cuộc phỏng vấn với báo Đức Bild (với nội dung được công bố ngày 11/1 trên website của ông Putin), nhà lãnh đạo nước Nga cho rằng tình trạng giá dầu lao dốc là không đáng ngại. Ngoài những điểm tiêu cực, giá dầu thấp còn có những điểm tích cực đối với nền kinh tế Nga, giúp khôi phục "sức khỏe" của nền kinh tế và kích thích sản xuất nội địa.
Trả lời câu hỏi về tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế, ông Putin nói: "Đây không phải là điều khó khăn nhất mà chúng tôi trải qua. Đương nhiên tác hại lớn nhất, trong tình hình hiện nay, đối với nền kinh tế của chúng tôi là việc giảm giá các hàng hóa xuất khẩu truyền thống của Nga".
Lý giải cho quan điểm giá dầu giảm "không đáng ngại, mà cũng có những điều tích cực", Tổng thống Nga giải thích: "Khi giá dầu cao, chúng tôi rất khó chống lại việc sử dụng các nguồn thu từ dầu cho chi tiêu".
Theo quan điểm của ông Putin, Nga hiện buộc phải cắt giảm chi tiêu và điều này khiến nền kinh tế trở nên lành mạnh hơn. Ông Putin cho biết thâm hụt chung ngân sách của Nga vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, khi mọi thứ đều có thể mua được bằng đồng USD kiếm được từ dầu mỏ thì sẽ xảy ra tình trạng sự phát triển của đất nước bị cản trở, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Tổng thống Nga cũng lưu ý rằng hiện GDP của "xứ sở Bạch dương" đang suy giảm ở mức 3,8%, sản xuất công nghiệp giảm 3,3%, trong khi lạm phát tăng tới 12,7%. Những số liệu này là tiêu cực, song Nga cần duy trì cân bằng thương mại.
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Nga đã tăng đáng kể khối lượng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tổng thống Putin nhận định "đó là sự phát triển hoàn toàn tích cực của nền kinh tế Nga". Ông cũng cho biết Nga vẫn duy trì dự trữ ngoại tệ khá lớn, đồng thời bày tỏ tin tưởng kinh tế Nga sẽ từng bước ổn định và phục hồi.