Kinh tế tiếp tục ấm dần

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Trao đổi với phóng viên, TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) tin rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục ấm dần cho dù vẫn gặp nhiều khó khăn.

Kinh tế tiếp tục ấm dần - Ảnh 1
TS. Vũ Viết Ngoạn
Phóng viên: Trong khi nhiều tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu có cái nhìn bi quan hơn về tình hình kinh tế thế giới năm nay, vì sao ông lại vẫn rất lạc quan về kinh tế nước ta?

TS. Vũ Viết Ngoạn: Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm khá tốt.

Theo tính toán của NFSC, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực, thực phẩm; giá hàng hóa cơ bản; và giá dịch vụ công) từ tháng 1/2013 đến nay chỉ tăng dao động xung quanh mức 5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 5,4% của năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% (cùng kỳ tăng 5%).

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động khá nhộn nhịp với số vốn thực hiện trong 4 tháng đầu năm nay tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng trưởng 3,9% của 4 tháng đầu năm 2013.

Nếu như cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng 7% thì trong 4 tháng đầu năm nay tăng gần 36%. Đây là con số rất ấn tượng, khẳng định sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế trong nước.

Vốn đầu tư là chìa khóa tăng trưởng GDP nước ta, nhưng trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ. Điều này, theo ông, ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GDP năm 2014?

Đúng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu do khó khăn trong giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho và sức cầu của nền kinh tế. Tính đến ngày 21/4, theo báo cáo vừa được Chính phủ trình Quốc hội, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ tăng 0,53% so với thời điểm cuối năm 2013, thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng 4 tháng đầu năm 2013 là 1,44%. Nhưng tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay là chấp nhận được.

Thứ nhất, phải nói thật rằng, các số liệu báo cáo không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác, vì khi tập hợp số liệu để báo cáo nhanh cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Chính phủ báo cáo với Quốc hội, không phải các cơ quan chức năng luôn tập hợp đầy đủ số dư nợ cho vay. Theo nhận định của NFSC, trên thực tế tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm cao hơn con số 0,9%.

Thứ hai, khác với tốc độ tăng dư nợ của những năm trước, có một lượng tiền không nhỏ được đổ vào lĩnh vực phi sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thì năm nay, dư nợ tín dụng chủ yếu được đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực được ưu đãi đầu tư như nông nghiệp, nông thôn, làm hàng xuất khẩu…

Để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm nay là dư nợ tín dụng tăng 12-14% so với năm 2013, theo ông có cần tiếp tục giảm lãi suất?

Hiện tại lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ có 8%/năm, cho vay thông thường ngắn hạn 9-10,5%/năm, cho vay trung và dài hạn 11-12,5%/năm.

Từ trước đến nay, NFSC thường kiến nghị giảm lãi suất khi có điều kiện. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,88% so với tháng 12/2013 và tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước là mức khá thấp, cộng với tỷ giá VND/USD được giữ ổn định, thậm chí chỉ số giá USD 4 tháng đầu năm còn giảm 0,13% so với cuối năm 2013 nên có thể nghiên cứu để tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay.

Ông có nghĩ rằng, giảm lãi suất sẽ giúp nhiều doanh nghiệp sớm quay trở lại hoạt động?

Trên thực tế không ít doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì họ phải chi phí quá cao, trong đó có chi phí về lãi suất vay vốn, nếu giảm được lãi suất chắc chắn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tôi rất ấn tượng con số gần 5.670 doanh nghiệp trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay. Điều này chứng tỏ, sau khi phải tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp đã tái cơ cấu và tìm được hướng đi mới.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, con số 25.730 doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm cũng rất ấn tượng bởi so với cùng kỳ năm 2013, số doanh nghiệp thành lập mới không chỉ tăng về số lượng (tăng 8%), mà còn tăng về vốn đăng ký (tăng hơn 16%) với tổng lượng vốn đăng ký lên tới 143.408 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ấm dần, niềm tin của doanh nghiệp đã trở lại.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng còn có nguyên nhân là ngành thuế thắt chặt quản lý hóa đơn, ngăn chặn tình trạng in, sử dụng, buôn bán hóa đơn bất hợp pháp?

Tôi nghĩ, nhận định của Bộ trưởng Bộ Tài chính không sai. Lý do là ngành Tài chính có đầy đủ số liệu, hồ sơ về doanh nghiệp thành lập ra không nhằm mục đích tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, mà chủ yếu là để in hóa đơn, sử dụng, mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhằm lấy tiền hoàn thuế giá trị gia tăng hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp khác gian dối trong việc hợp lý hóa hóa đơn, chứng từ, doanh số bán hàng nhằm trốn thuế, gian lận thuế.

Nhưng khi ngành Tài chính thắt chặt công tác quản lý hóa đơn, nâng cao điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, nâng cao điều kiện được in hóa đơn, sử dụng hóa đơn tự in thì không ít doanh nghiệp thấy không còn “kinh doanh” được nên đã tự giải tán.