Kinh tế toàn cầu: Đối mặt vởi rủi ro giảm tăng trưởng
(Tài chính) Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13/1 nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể cải thiện nhẹ trong năm nay.

Cụ thể, sau khi tăng trưởng ước đạt 2,6% năm 2014, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự đạt 3% trong năm nay, 3,3% trong năm 2016 và 3,2% trong năm 2017. Năm 2014, các nước đang phát triển tăng trưởng trung bình 4,4%, dự báo sẽ đạt 4,8% năm 2015, tăng trưởng mạnh lên 5,3% và 5,4% cho các năm 2016 và 2017.
"Trong môi trường kinh tế đầy biến động này, các nước đang phát triển cần sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan để hỗ trợ cho các chương trình xã hội với trọng tâm là người nghèo, đồng thời tiến hành cải cách cơ cấu đầu tư vào con người" - ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB phát biểu.
"Điều tối quan trọng là các nước cần phá bỏ mọi rào cản không cần thiết cho đầu tư vào khối tư nhân. Cho đến nay, khối tư nhân vẫn là nguồn tạo việc làm lớn nhất và có thể giúp đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo" – vị này cho biết thêm.
Tuy nhiên, ẩn sau sự phục hồi kinh tế mong manh này là các xu hướng trái chiều ngày càng mạnh ảnh hưởng sâu sắc đến tăng trưởng toàn cầu. Các hoạt động ở Mỹ và Anh đang có đà đi lên khi thị trường lao động đang hồi phục và chính sách tiền tệ đang phù hợp. Nhưng ở khu vực châu Âu và Nhật Bản, việc phục hồi kinh tế vẫn chưa tạo được tiếng vang rõ rệt khi tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn dai dẳng.
Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống nhưng vẫn ở mức khá cao là 7,1% trong năm nay (năm 2014 là 7,4%), 7% năm 2016 và 6,9% năm 2017.
Rủi ro của viễn cảnh kinh tế thế giới vẫn nghiêng về phần bất lợi do sự chi phối của bốn yếu tố: Thương mại toàn cầu đang yếu đi; Khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế lớn có thể tăng ở các mốc thời gian không dự đoán trước được; Mức độ giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu; Nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở khu vực châu Âu hay Nhật Bản.
"Đáng lo ngại là sự khôi phục kinh tế bị chững lại ở một số nền kinh tế thu nhập cao và cả ở một số nước thu nhập thấp. Đây có lẽ là triệu chứng của tình trạng bất ổn cơ cấu sâu sắc hơn" - ông Kaushik Basu, chuyên gia Kinh tế gia trưởng và Phó chủ tịch cao cấp của WB nhìn nhận.
Nhờ vào thị trường lao động đang dần phục hồi, ngân sách ít bị thắt chặt hơn, giá cả hàng hóa hợp lý và chi phí tài chính ở mức thấp, tăng trưởng ở nhóm các nước thu nhập cao theo dự tính tăng nhẹ đến khoảng 2,2% năm nay (từ mức 1,8% năm 2014) và tăng thêm khoảng 2,3% giai đoạn 2016-2017.
Năm 2015, tăng trưởng ở Mỹ theo dự tính tăng lên 3,2% (so với 2,4% năm ngoái), trước khi giảm nhẹ xuống còn 3% và 2,4% cho các năm 2016 và 2017. Ở khu vực châu Âu, dự báo tăng trưởng chậm chạp trong năm 2015 ở mức 1,1% (0,8% năm 2014), tăng lên 1,6% giai đoạn 2016 - 2017. Ở Nhật Bản, tăng trưởng sẽ lên đến 1,2% năm 2015 (năm 2014 chỉ đạt mức 0,2%), và 1,6% năm 2016.
Giá cả hàng hóa theo dự đoán tăng không đáng kể trong năm 2015. Theo báo cáo, giá dầu giảm mạnh bất thường trong 6 tháng cuối năm 2014 có thể làm giảm đáng kể áp lực lạm phát và góp phần cải thiện cán cân tài khoản và tài chính hiện tại ở các nước đang phát triển xuất khẩu dầu.
"Rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu là rất lớn. Các nước có khung chính sách tương đối tin cậy hơn và có nhà nước theo hướng cải cách sẽ ở vị thế tốt hơn trong việc vượt qua thách thức của năm 2015" - kết luận của ông Franziska Ohnsorge, tác giả chính của báo cáo.